Người không giống ai

Thứ Hai, 19/09/2011, 16:32
Thời kỳ chiến tranh, tôi đã từng ngồi trên xe bên cạnh những người lái xe ở Trường Sơn. Ngày và đêm nhận lệnh là lên đường bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Tinh thần tập thể dựa trên gan vàng, dạ ngọc của mỗi chiến sĩ. Đã ngồi lên xe là phải đi tới đích, không hề lẩn tránh trước bất kỳ hiểm nguy nào.

Người lính Trường Sơn

Không ít chiến sĩ lái xe Trường Sơn vốn là những học sinh ưu tú, học giỏi đã có giấy báo vào các trường đại học nhưng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc đã tình nguyện lên đường. Nguyễn Đăng Giáp là một trong số trăm nghìn chiến sĩ đó. Ở họ sẵn có tiềm năng tri thức và khi có điều kiện đã phát huy, học trong trường học, học ở trường đời, học để làm con người đúng nghĩa.

Rất mừng là sau chiến tranh, thế hệ đó đã trưởng thành. Họ ước vọng tiếp tục được cống hiến làm đổi thay quê hương, đất nước, nhìn thấy khát vọng được sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào ta, của bao đồng đội đã anh dũng hy sinh. Sự trưởng thành của lớp chiến sĩ đó giờ đây đã được ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Công trình đập thủy lợi Môn Sơn (Nghệ An) là nơi khởi nghiệp, ghi dấu ấn đầu tiên của Công ty 36 gắn liền với chiến công của Nguyễn Đăng Giáp. Công trình này có địa tầng, địa chất rất phức tạp, rất khó triển khai việc thi công. Chưa có đường sá để đưa thiết bị máy móc vào công trình. Trong khi đó tổng mức đầu tư con đập do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt lại thấp so với yêu cầu thực tế.

Trước khi Công ty 36 nhận thầu đã có hai đơn vị trúng thầu và thi công nhưng đều thất bại và bỏ cuộc. Trong tâm lý xã hội cho rằng bộ đội làm kinh tế chỉ là "nước sông công lính", nhiều người không tin Công ty 36 có thể thực hiện được bởi công trình có yêu cầu kĩ thuật cao. Nhưng  ngay ở chính công trình này, các nhà tư vấn thiết kế, chủ đầu tư lại nể phục người chỉ huy và Công ty 36 ở khả năng kỹ thuật, cách tính toán và sáng tạo trong phương pháp thi công.

Và kết quả đã chứng thực điều đó, đập thủy lợi Môn Sơn hoàn thành trước thời gian, cung cấp nước tưới cho cả một vùng đất rộng lớn ở miền tây Nghệ An, tính về hiệu quả kinh tế đã thấy to lớn. Con đập sau 10 năm sử dụng vẫn vững chắc, chống chọi với bao cơn "đại hồng thủy". Theo thiết kế cho phép lún tới 20 cm nhưng trên thực tế chỉ lún 2cm.

Tôi đã được tận mắt chứng kiến hàng chục công trình đã và đang xây dựng của Công ty 36: Thủy điện Bản Vẽ (công suất 320 MW), Khe Bố (công suất 100 MW), hàng chục công trình nhà ở, công sở làm việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ngành, các địa phương và các công trình quốc phòng - an ninh như hội trường Bộ Quốc phòng, khách sạn 5 sao Bộ Quốc phòng, nhiều dự án trọng điểm trên đường Trường Sơn, đường tuần tra biên giới, ven biển v.v...

Tổng kết các công trình xây dựng đều ghi đậm dấu ấn về sáng tạo kĩ thuật của người chỉ huy Nguyễn Đăng Giáp và đội ngũ kĩ thuật Công ty 36: Sáng kiến áp dụng hệ thống đà giáo siêu trọng xây lắp hội trường Bộ Quốc phòng khi yêu cầu xây dựng có dầm với khẩu độ lớn; phương pháp đổi tải trọng ép cừ để làm móng và hai tầng hầm ở độ sâu 16 mét, khoan cọc nhồi ở độ sâu 52,8 mét, bảo đảm an toàn khu vực xung quanh trong thi công ở khu trung tâm điều hành Trường Đại học Kinh tế quốc dân; sử dụng công nghệ cọc ba rét chữ T. ở công trình Peanl Phương Nam Towers mà người Mỹ nghi ngờ khả năng người Việt Nam; phương pháp tường mềm trong đất, khoan viền, khoan neo, sự phát hiện "hố địa ngục" để bảo đảm thi công vững chắc cả trong mùa lũ ở thủy điện Khe Bố v.v...

Càng khó khăn, càng quyết tâm

Đã có không ít giám đốc thời nay có đủ mọi thứ lý luận và thực tiễn để biện hộ cho sự bất lực hoặc khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp thì không. Trái lại càng khó khăn vấp váp dường như anh càng được tôi luyện. Công việc đặt ra cho anh suy nghĩ từng giờ, hàng ngày.

Gắn bó với từng công trường, đến tận nơi đang thi công, anh thảo luận kĩ càng với các chuyên viên kĩ thuật, tư vấn giám sát, anh mới quyết đoán các phương án, biện pháp thi công của mình. Sáng tạo có nguồn gốc của nó. Người ta không phải biết nhiều mà điều quan trọng là biết rõ những gì mình  phải biết và hiểu rõ những gì mình biết.

Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp được trang bị kiến thức cơ bản, chịu khó đọc sách báo và biết tích lũy hiểu biết từ thực tiễn. Anh say mê kể về nỗi gian truân và thành công của từng công trình, từng dự án đến tận từng chi tiết, việc nhỏ với trí nhớ không thể nào chê được. Anh không hành động một cách giấu giếm và không e ngại khi nói lại về những việc mình từng đã làm nhưng không được như ý muốn…

Có lần tôi được rong ruổi mấy ngày "tận mục sở thị" các công trình xây dựng của anh. Có điều lạ là người trong cuộc, thân quen với công việc hàng ngày trên các công trình nhưng Nguyễn Đăng Giáp vẫn giữ nguyên cảm xúc mới lạ, tươi rói mỗi khi đến với công trường hay dẫn khách đi tham quan.

 Anh hồ hởi kể từng chi tiết với khả năng "tác nghiệp" và hiệu quả của các thiết bị. Không nhắc nhiều về các khoản đầu tư cho trang thiết bị ấy bao nhiêu mà anh say mê kể về việc khai thác,  lợi hại việc sử dụng nó đã góp phần quyết định thành công ở các công trình, dự án như thế nào. Đầu tư thiết bị phải hiện đại, đi trước đón đầu. Anh nói thế.

Tính ra giá trị trang thiết bị kĩ thuật của công ty đến nay có trị giá lên tới 700 tỷ đồng. Tôi được nghe kể rằng vị giám đốc Đại học Ngoại thương, đi nhiều, biết nhiều sau khi tham quan các công trình đang thi công của Công ty 36 đã thốt lên: "Sức mạnh này là của một tổng công ty chứ không phải là công ty". Sau đó Công ty 36 đã được mời thầu và trúng thầu xây dựng tòa nhà đa năng Đại học Ngoại thương.

Không ngừng vươn lên

Văn phòng làm việc của Giám đốc Nguyễn Đăng Giáp suốt ngày khách khứa đến làm việc. Có những vị khách không mời mà đến. Đó là những chủ dự án, chủ đầu tư khắp trong Nam, ngoài Bắc đến mời công ty tham gia đấu thầu, thi công công trình của họ. "Hữu xạ tự nhiên hương", người ta biết tên tuổi công ty và tìm đến anh.

Nghe họ trình bày, Nguyễn Đăng Giáp "phán" ngay một cách bộc trực làm được hay không làm được, khó khăn nhất là ở chỗ nào. Thạo nghề, thạo việc và tính quyết đoán thể hiện rõ trong khi anh làm việc. Thời nay người ta hay ỡm ờ chứ anh thì không. Khó khăn anh càng gắn bó với công việc, càng dấn thân vào sự nghiệp của công ty.

Câu chuyện mới đây mà Truyền hình Việt Nam đã đưa tin là việc khởi công xây dựng nhà B6 Giảng Võ (Hà Nội). Trong khi thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất ngân hàng cao thế mà anh vẫn quyết định triển khai công việc.

Anh nói một cách tự tin: bằng nguồn vốn có được, trang thiết bị kĩ thuật từ A đến Z có trong tay, Công ty có thể chủ động thi công. Khó nhất là thời gian chờ đợi phê duyệt thiết kế. Hồ sơ thiết kế được phê duyệt đến đâu làm ngay đến đó, không thể để người dân mong mỏi, ngóng chờ cứ kéo dài…

Lãnh đạo chỉ huy Bộ Quốc phòng đã tạo điều kiện cho Công ty 36 phát triển và đề nghị Thủ tướng phê duyệt thành Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đó không phải là điều bất ngờ, như nhiều người tâm sự khi anh trở thành Anh hùng lao động và cũng không ngạc nhiên khi vai trò cá nhân của anh đối với tập thể được khẳng định.

Nguyễn Đăng Giáp biết rõ, trong mọi hoàn cảnh, qui luật của cuộc đời, của một sự nghiệp lớn bắt đầu từ người chỉ huy, biết tích lũy, nuôi dưỡng niềm tin của người lính. Khi anh biết đem việc làm chứ không phải chỉ là lời nói để thuyết phục, động viên cán bộ, chiến sĩ thì tất cả sẽ noi gương hành động, biết điều khiển được mình và theo đúng con đường mình đi để tập hợp lực lượng

MỘT SẮC HOA ĐỜI

Kính tặng AHLĐ - Đại tá Nguyễn Đăng Giáp

Có một sắc Hoa
Đẫm màu đời: Đỏ, vàng, tím, xanh đủ cả
Có một con Người
Mặn mòi nhựa sống: ngọt ngào, cay đắng từng qua
Có một Trái tim
Đỏ nhiệt huyết, nặng tình đời dâng hiến
Có một Tâm hồn
Không chỉ riêng mình, sống cho cả xung quanh…
Cuộc đời anh đã kết thành Trái ngọt
Bằng mê say, bằng ngọn lửa hồng.

Là người lính, anh từng xung trận
Mặc đạn bom địch rải khắp đường.
Với đời thường, anh nhuộm đỏ tình yêu
Bao gian khó thêm tỏ tường bản lĩnh!

Cái nắng miền Trung, rét căm căm phía Bắc
Hay mưa rừng mọng đất Tây Nguyên…
Ở đâu có công trình, anh đều có mặt
Trí tuệ, tình yêu…anh mang đến nơi này.

Giữa thương trường, giữa cạnh tranh quyết liệt
Giữa bộn bề trăm thứ lo toan
Không mất được chữ Tâm và vẫn trọn chữ Nghĩa
Mang dâng đời vẻ đẹp Doanh nhân.

Người lính Cụ Hồ vì dân vì nước
Khát khao đem hạnh phúc cho người.
Anh là thế, dẫu cuộc đời khó thật!
Vẫn nhẹ lòng, bởi nặng những yêu thương.

Tình đồng đội thẫm trong màu áo
Nước mắt, mồ hôi hòa với chuyện đời
Trong chuyện kể về hành chính BA SÁU
Có hoa đời Nguyễn Đăng Giáp ngát hương.

 

Hà Nội, ngày 6/8/2011

Ngọc Đản
.
.