Người hùng làng ung thư

Thứ Sáu, 03/03/2006, 09:20

Cái hôm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực đích thân về với Thạch Sơn, trong niềm vui trào nước mắt của rất nhiều bà con - ông Lộc, người lẽ ra phải khóc nhiều nhất thì lại không hề khóc. Ông vẫn rất điềm đạm, có mặt như chỉ để quan sát mọi chuyện. Chẳng ai nhắc gì đến ông cả, bởi ông làm việc vì lời thề Hippocrates, vinh quang không màng, nhục hờn xá kể.

Tôi nghĩ, kết thúc năm 2005, cánh làm báo cần phải có một tổng kết tự hào nho nhỏ. Báo chí, tivi và sự vào cuộc của những người có lương tâm đã cho vùng tử địa Thạch Sơn có được hai chữ ngậm cười, an ủi. Sau nửa thế kỷ bị đủ thứ chất độc hại hoành hoành, lần lượt từng người một bị chết và bỏ đi tứ tán, cái xóm Mom Dền 34 hộ dân trù phú xưa kia đã biến thành một nghĩa địa theo đúng nghĩa đen. Có người đàn bà phải tiễn lần lượt 12 người thân ra đi vì căn bệnh ung thư, có dòng họ 25 người chết vì ung thư. Có gia đình chết tiệt không còn một ai.

Và báo chí đã lên tiếng đanh thép. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực và nhiều vị "yếu nhân" đặng có thể ra tay cứu làng ung thư Thạch Sơn (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đã có mặt. Người Thạch Sơn đã có thể chua chát kiến nghị những điều cốt tử, và bất công được tháo gỡ dần dần. Những người đã chết, những người đang và sẽ chết vì ung thư ở đây có thể ngậm cười hoặc ngậm cười nơi chín suối.

Ai đã làm nên điều kỳ diệu đó? Xin thưa, có một ông già ngoài bảy mươi tuổi. Người hùng ấy tên là Quản Văn Lộc.

"Khai quật" người anh hùng vô danh

Tôi gặp ông, tôi "khai quật" được ông một cách rất tình cờ. Cách đây khoảng năm rưỡi (tầm giữa năm 2004), có một sự kiện làm "rung chuyển" nhận thức của người Phú Thọ về vấn đề môi trường. Tại huyện Thanh Ba, khi các đơn vị tổ chức khoan hút nước ngầm vô tội vạ cho hệ thống cung cấp nước đang được xây dựng (để bán cho dân) của mình thì mặt đất sụt xuống. Nhà ông cán bộ tuyên giáo huyện sụt tường, một hố sâu mấy chục mét tối om hiện ra. Ba chục xe ben chở cát tống vào đó cũng không thấy hố đen ấy suy suyển gì. Bà con tá hỏa tưởng như đường xuống âm ti đang mở ra với mình. Một sáng ngủ dậy, người đàn bà vắng chồng, nhà ở cạnh trạm điện của huyện, vừa mở cửa ra thì thấy cây chanh, cây bưởi nhà mình đồng loạt lút dần lút dần xuống. Giống như có những đoàn âm binh vô hình đang cõng cây cối nhà bà đi xuống vực sâu, rồi mất luôn.

Hay tin, tổ chức nhà báo môi trường Việt Nam chúng tôi lập tức kéo quân lên. Chuyện tương tự thế, xảy ra cùng lúc ở xã Thạch Sơn (nơi sau này được mệnh danh là "làng ung thư"). Một người đàn bà làm nghề buôn sắt dẫn tôi ra xóm Mom Dền. Anh thấy không, trâu uống nước thải của nhà máy thì trụy thai. Cá bơi trong nước ấy thì chết nổi trắng đồng. Người thì chết dần chết mòn, làng này là cái làng mà bà con đi viện K nhiều nhất hạng. Đang có 15 người nằm chờ chết vì cùng một thứ bệnh: ung thư. Cấy lúa lúa chết, trồng khoai khoai héo. Anh biết đất của chúng tôi bây giờ làm gì không? Chỉ làm được nhõn một việc là đào lên "cho đất nước vào khuôn khổ": đóng gạch, nung lên bán. Không lẽ nằm chờ chết. Mom Dền giờ là cái nghĩa địa.

Nhóm phóng viên chúng tôi lặng đi. Mênh mông ao hồ, đồng bãi, xóm làng giờ thành hoang địa.

Và, như một thứ bệnh nghề nghiệp, tôi trở vào làng đi tìm một ông cán bộ y tế. Cái lời thề Hippocrates của ngành Y đã làm tôi kính trọng những cán bộ trạm y tế ở các địa phương đớn đau như thế này. Tôi đã hình dung ra một ông (hoặc bà) nhiều năm làm ở trạm y tế xã, họ cứ lặng lẽ đau đớn vì sự ra đi không gì cứu được của bà con mình. Cái anh trạm y tế thì không có gì để mà "ăn" như anh ở ngành khác (cấp xã); cũng chẳng mấy khi lo ai tiếm quyền tiếm chức cả. Họ cứ lặng lẽ, có khi họ liệm xác người có HIV nhầy nhụa khi cả làng kỳ thị hắt hủi người quá cố. Có khi họ bị đám con nghiện, đối tượng HIV/AIDS vây đòi cắt cổ chỉ vì dám đến "tư vấn" làm chúng mang tiếng là kẻ hư hỏng bệnh tật. Tôi đã không nhầm khi tìm được nhà ông Quản Văn Lộc.

50 năm lập “Sổ tử”

Cuốn "Sổ tử" mà ông Lộc đã ghi chép suốt nửa thế kỷ về những bệnh nhân ung thư ở Thạch Sơn.

Ông Lộc ngoài 70 tuổi, chân to như chân Khổng Tử, suốt ngày đánh bộ áo may ô, vận quần soóc. Ông cao lớn, mặt thô, răng hơi hô. Tính cách rất phủi. Tôi đến, đứa cháu gọi ông ở cái chỗ ông đang chơi cờ tướng về. Gặp nhà báo, ông kín đáo thở dài. Bởi ông biết rất rõ những gì ông đau đáu còn lâu mới có người chia sẻ được. Ông và bà con đã kéo đi lên xã, lên huyện, lên tỉnh, lên Trung ương quá nhiều lần rồi, mà sự việc vẫn đâu đóng đấy.

Ông bập vào chuyện ngay. Ông nói một lúc là ông phè bọt mép ra, rất mộc. "Chết thảm lắm, thảm lắm" - ông cứ đay đi đay lại như thế. Các nạn nhân ung thư, ông thuộc vanh vách từng tên, từng họ, từng người và mối quan hệ ruột rà máu mủ của họ với những người khác. Chúng tôi tỏ ý nghi ngờ, ông văng luôn: "Thì tôi sống với họ cả đời mà. Toàn làng xóm láng giềng, có gì mà tôi không biết". Vẫn đang cáu, ông Lộc cộc lốc: "Đây này". Rồi ông vứt cái quạt nan đi tìm cuốn sổ to, cũ, dài thượt ghi tên những người đã chết vì ung thư trong xã. Ông gọi đó là "Sổ tử".

Tôi hơi rùng mình, bởi mỗi lần ông mở ra là một lần làng có người chết. Hầu hết họ chết vì ung thư, những cái chết rất khủng khiếp, rất thê thảm. Nửa thập kỷ trôi qua, năm nào cũng được ông Lộc kẻ ô trong cuốn sổ, ghi ngày, giờ, tháng, năm, tên, họ, bệnh tình của từng người chết. Ô cuối cùng bên tay phải các trang giấy dài thượt bao giờ cũng có thêm dòng chữ: "K…". K là ung thư, K gan, K tử cung, K phổi, K vòm họng. Tất cả nhảy múa trong mắt chúng tôi.--PageBreak--

Năm qua có mười mấy người chết vì ung thư? Ông Lộc thống kê rồi ngồi bần thần nhìn cái bảng in mực máy vi tính ép plastic dán trên bờ tường: "Lời thề Hippocrates". Tôi nguyện chữa bệnh cho tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, giới tính, chủng tộc, biên giới quốc gia, quan điểm chính trị, làm tất cả vì người bệnh. Thống kê, ghi chép kỹ càng rồi, ông Lộc bắt đầu đi kiện cái nguồn chất thải chết người và ương bướng đến thất nhân tâm kia. Họ sản xuất ra vàng thoi bạc nén là việc của họ; và dù họ làm gì đi nữa thì phải coi tính mạng con người là quan trọng hơn hết chứ. Ông và bà con đi kiện, có người lại tỏ ra hiểu biết bằng cách rằng, nhà máy ấy, mấy cái nhà máy ấy nó làm giàu cho tỉnh, cho đất nước, phải biết chấp nhận. Ô hay, có sự cầu toàn lấp liếm nào dã man hơn như thế không?

Ông Lộc bắt đầu ngồi thống kê ngược, thống kê xuôi để người nghe dễ hiểu vấn đề. "Tính từ phía gần sát Nhà máy Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao về phía các cụm dân cư, thì ở tổ 7, liền tù tì, nhà nào cũng có ít nhất một hai người chết vì ung thư. Tất cả xóm đều chết vì ung thư: Nguyễn Văn Hùng, 19 tuổi; Nguyễn Văn Dũng, 24 tuổi; Đỗ Thị Ước, 19 tuổi; Trần Văn Bể, 24 tuổi…".

Ông Lộc đọc một lúc đã phè bọt mép vì dấu hiệu tuổi già, đọc xong, ông gạt nước mắt, ngồi im. "Xóm ấy có 34 hộ, đợi tôi từ từ đã, tôi chưa nhớ hết tên họ mất rồi". Và ông lại giở "Sổ tử". Có vẻ như chưa thuyết phục lắm. Ông Lộc lại bần thần trải cuốn "Sổ tử" dài gấp đôi tờ giấy A4 đặt nằm ngang ấy ra chiếc phản trải chiếu trúc cũ mèm. "Đây nhé, tôi dò từ trên xuống, tôi tìm vài nhà có ít nhất 2 người chết vì cùng căn bệnh ung thư nhé. Nhà này có 2 người đã chết vì ung thư, đó là Trần Ngọc Sâm, Đỗ Thị Binh; nhà này cũng 2 người, là Đào Văn Ngôn, Phan Thị Lộc... Nhà bà Môn có 4 người chết vì K; nhiều nhà liền tù tì nhau, chết sạch cả nhà. Nhà cái cô Nguyễn Thị Việt, con dâu của dòng Đào, cô ấy có 12 người thân bị chết vì K;  dòng họ Đào chi nhánh bên kia có cả thảy 24 người chết vì K…".

Ông Lộc thì vẫn thở dài thườn thượt: "Tôi đau đớn lắm, nẫu lòng ra rồi. Mấy chục năm nay rồi, có khi tôi cũng sắp nổi hạch ở cổ ở bẹn để chuẩn bị đi viện K rồi về nằm chờ chết rồi". Hai câu chuyện của ông đều châu đầu vào một chủ đề: đi kiện. Ông đi đủ các cửa, nói xin lỗi, hầu hết cơ quan và nhà các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông và đoàn đi kiện đều đã có mặt. Không ai khuyến khích việc đội đơn đến làm phiền các vị lãnh đạo. Nhưng một việc vô lý như ở Mom Dền, một người ra đi đơn giản là vì lời thề Hippocrates của ngành Y như ông Quản Văn Lộc, thì tôi nghĩ, chẳng ai nỡ trách ông nặng lời, hay quá khích.

"Tôi ki cóp tiền, lên đường về Hà Nội là vì lương tâm. Tất cả những người chết kể trên, tôi đều từng sống với họ, chữa bệnh cho họ, nhiều người tôi đã đặt họ xuống mộ. Anh không hiểu nỗi đau nếu chỉ nhìn vào con số. Có đứa trẻ chưa đầy một năm tuổi cũng chết vì ung thư. Có quá nhiều vòng hoa màu trắng. Anh cứ tưởng tượng một người đàn bà có 12 người thân chết vì ung thư đi…".

Thống kê những cái chết thảm xong, mắt ông Lộc lại vằn lên, ông căm phẫn một cái gì vẻ như vô hình, lại vẻ như hữu hình trước mắt ông. Tôi cũng giật mình, có phải lâu nay tôi cũng đã sống thờ ơ với nỗi đau đồng loại, kiểu này?

Cái hôm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực đích thân về với Thạch Sơn, trong niềm vui trào nước mắt của rất nhiều bà con - ông Lộc, người lẽ ra phải khóc nhiều nhất thì lại không hề khóc. Ông Lộc cũng vẫn rất điềm đạm, ông có mặt như chỉ để quan sát mọi chuyện. Chẳng ai nhắc gì đến ông cả, bởi ông làm việc vì lời thề Hippocrates, vinh quang không màng, nhục hờn xá kể. Ông không liên quan gì đến nỗi đau người chết âm thầm mà như ngả rạ ở Thạch Sơn, nếu tính theo mệnh lệnh hành chính của người đời. Ông chỉ là một lão già ưu thời. Hơn ai hết, ông Lộc biết, ông cần phải im lặng. Ông bảo: "Trước, có tay Chủ tịch xã hăng hái lắm, nó làm gần đến vấn đề rồi thì, tiếc thay, nó lại bị nghỉ hưu mất. Trước, năm 1987-1988 gì đấy, có dự án bốc toàn bộ dân cư xóm Mom Dền đi vào miền Nam đấy. Đang thực hiện thì dự án dừng lại và bà con giờ đã chết tiệt hết.

Người đầu tiên dắt đàn con bỏ đi khỏi xóm là ông Đào Văn Thách. Lúc ông đi, ông cán bộ xã đến đòi kỷ luật ông Thách, với lý do, huyện, xã chưa có chủ trương, sao lại bỏ đi gây hoang mang náo loạn trong xóm. Đấy, ông Thách cũng chả thoát khỏi tật bệnh. Nhưng nếu chờ chủ trương của xã của huyện thì cả xóm biến thành bãi tha ma, anh thấy đấy…".

Dĩ nhiên, ngay cả khi câu chuyện khủng khiếp ở Thạch Sơn dần đi đến con đường sáng sủa hơn, cũng chẳng ai nhắc gì đến công trạng của ông Lộc cả. Mỗi lúc tiếng kèn đám ma rúc lên, ông lại lặng lẽ mở "Sổ tử" ra ghi chép. Mỗi lần viết thêm một chữ K cuối ô giấy tự kẻ của mình, ông Lộc lại im lặng vài phút. Ông vẫn quần soóc, áo may ô, mũ lưỡi trai sụp sụp đi đánh cờ tướng, thỉnh thoảng nhắc đến các nạn nhân ung thư trong những chiều xe chở rác thải mùi thum thủm của nhà máy hóa chất đi qua, ông lại văng tục vài câu chí mạng.

Nhưng, ít ra, với anh em làm báo chúng tôi, ông là một người hùng, với sáng ngời cái mà cha ông ta trân trọng gọi là Thiên Lương

Đỗ Doãn Hoàng
.
.