Người hát rong nặng nghĩa ơn làng

Thứ Hai, 04/04/2011, 14:48
Tuy cùng làng, thời Pháp, gọi làng Chánh Lộ, to lắm, nay chia thành 6 đơn vị hành chính, thuộc thành phố Quảng Ngãi, vẫn mênh mông. Vì vậy mà có khá nhiều người tên nghe rất quen đấy, nhưng không dễ gặp họ, như nhạc sĩ Lê Cường, Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi, nhà thơ Phú Sơn, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, họa sĩ Đường Ngọc Cảnh, Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, GS TS Y khoa Phan Thị Phi Phi v,v...

Cách đây vài năm, tôi có may mắn được gặp một người, lúc nhỏ đã nghe tên, nay "định đô" nơi cái làng xưa bao la đầy kỷ niệm ấy, làng Chánh Lộ, đó là ông tổ bài chòi - Hồng Mão.

Sau Cách mạng Tháng 8, Hồng Mão vào bộ đội, Trung đoàn 126, có lẽ chưa ăn hết ruột nghé gạo, trên đã điều ông qua Ty Thông tin Tuyên truyền, vì cái khả năng văn nghệ hiếm hoi ngày ấy. Phải nói ông sáng tác rất nhanh và có giọng hô bài chòi hết ý, gần như không chủ đề nào về kháng chiến, kiến quốc, nhất là tình quân dân, tình hậu phương với tiền tuyến mà không được cất lên hồn nhiên, đầy nhiệt huyết từ trái tim chàng trai đang tuổi đôi mươi này. Sở trường của ông là sáng tác thể thơ lục bát, song thất lục bát - thể ruột của bài chòi, đặc trưng dân ca khu V.

Có lần gặp NSND Lệ Thi, siêu kép của tuồng thời thuộc Pháp ở Hà Nội, tôi nói: "Bà con Liên khu V rất nhớ và rất yêu quý chị Ngộ (kháng chiến Một, nghệ sĩ Lệ Thi thủ vai chị Ngộ trong vở tuồng cùng tên), đặc biệt giọng hô bài chòi của chị "mùi" lắm, như nước chè hai giữa trưa hè vậy. Nghệ sĩ Lệ Thi cảm ơn và chân thành nói:

- Tôi hô được bài chòi là nhờ chú Hồng Mão chỉ cho đấy. Chú nó giỏi lắm, xông xáo, nhanh nhẹn, dễ thương. Tôi hát, chứ không viết được như chú nó.

Đầu năm này, GS Trường Lưu về thăm quê, biết nghệ sĩ Hồng Mão "định đô" ở Quảng Ngãi, tôi tháp tùng giáo sư đến thăm ông. Trên 60 năm, từ đầu kháng chiến Một, giờ họ mới gặp nhau. Mừng vui khôn xiết, chuyện như ngô rang, giáo sư hứng chí đọc mấy câu thơ của Hồng Mão, từ thời chống Mỹ, viện Triều xửa xưa:

Hồng Mão, hàng dưới, người thứ hai từ trái sang với các đồng nghiệp (Ảnh chụp ở Trường Sa).

Lệnh từ Bình Nhưỡng đưa ra

Tướng Kim Nguyên soái vọng qua Khai Thành (Sesoul).

Hồng Mão ngớ người, té ra vậy, ông không nhớ được.

Các ông say với những kỷ niệm, tôi cứ lâng lâng sung sướng về tình bạn của họ được sống một thời đáng quý.

Cuộc gặp gỡ hiếm hoi của hai vị ngoại bát tuần, tôi người hóng chuyện, được biết thêm nhiều kỷ niệm khá lạ của nghệ sĩ Hồng Mão:

- Trong chuyến công tác ở Bình Định, vừa kết thúc chiến dịch Tây Nguyên (1953-1954), cũng vừa lúc đang chuẩn bị chuyển quân tập kết, như được mở cờ, người người túa ra đường, ra ruộng, nghìn nghịt, Hồng Mão viết ngay bài Em sẽ đợi chờ anh và trình bày giữa ban ngày, dưới rặng dừa bạt ngàn Bồng Sơn, do hai nhạc sĩ Lê Cường, Vân Đông đệm đàn:

Hồng Mão (người đeo kính) cùng với Thanh Hùng - diễn viên cải lương - ở Trường Sa.

Tướng Kim Nguyên soái vọng qua Khai Thành (Sesoul).

Hồng Mão ngớ người, té ra vậy, ông không nhớ được.

Các ông say với những kỷ niệm, tôi cứ lâng lâng sung sướng về tình bạn của họ được sống một thời đáng quý.

Cuộc gặp gỡ hiếm hoi của hai vị ngoại bát tuần, tôi người hóng chuyện, được biết thêm nhiều kỷ niệm khá lạ của nghệ sĩ Hồng Mão:

- Trong chuyến công tác ở Bình Định, vừa kết thúc chiến dịch Tây Nguyên (1953-1954), cũng vừa lúc đang chuẩn bị chuyển quân tập kết, như được mở cờ, người người túa ra đường, ra ruộng, nghìn nghịt, Hồng Mão viết ngay bài Em sẽ đợi chờ anh và trình bày giữa ban ngày, dưới rặng dừa bạt ngàn Bồng Sơn, do hai nhạc sĩ Lê Cường, Vân Đông đệm đàn:

Khi anh bước chân vào Vệ quốc
Thằng Bê vừa tập bước quanh nhà
Mỗi lần cây khế trổ hoa
Mỗi lần lúa chín mẹ già đợi trông
Trông anh về ăn cơm gạo mới
Trái bí đao dành đợi chờ anh
Chiều chiều xắt bí nấu canh
Là em mơ bóng hình anh trở về…

Tiếng vỗ tay hoan hô đang như sóng dậy của hàng ngàn, hàng ngàn người thì một anh bộ đội lớn tuổi, tầm thước, quân phục xi-ta-xám, giản dị, thoăn thoắt bước lên khán đài ôm hôn tác giả thắm thiết và gắn chiếc Huy hiệu Hồ Chủ tịch trên ngực áo anh ta, đó là Nguyễn Chánh, vị Chính ủy Liên khu V. Ông Hồng Mão nói: Tôi lịm người, hai hàng nước mắt cứ giàn ra…

Kỷ niệm khó quên của chàng thanh niên điển trai này, về sau còn làm anh thêm điều bất ngờ nữa…

Tập kết ra Bắc, Hồng Mão về Đài Tiếng nói Việt Nam, vẫn nghiệp cũ. Một lần, được phân công đi viết về Trường Miền Nam có phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” ở Nam Định, thì một cô gái còn thảng thốt tuổi thiếu nhi, tóc bỏ lửng ngang vai, chân chất, mặt trái xoan, giọng nhỏ nhẹ, đặc biệt cô bé có đôi mắt như hai chấm sao lóng lánh, xưng là Trần Thị Toan, quê nơi vùng tơ lụa nổi tiếng ở Mã Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam, theo gia đình tản cư vào Bình Định và nhận với anh nhà báo trẻ rằng cô có dự cuộc mít-tinh ngày ấy… và hai người trở nên đồng hương miền Nam thân thiết…

Hay chuyện, đám thanh niên của trường, hình như có vài bạn đơn phương muốn ngỏ ý với người đẹp, biết không ăn thua, thở ra: "Cóc mò, cò xơi!".

Thế mới biết sự thẩm thấu tinh tế, kỳ diệu của thi ca, nó có sức neo giữ lâu bền, tự nhiên, không dễ biết lúc nào nó phát sáng.

Chút kỷ niệm nhỏ để nhớ "cái thuở ban đầy lưu luyến ấy", chứ giờ thì ông bà Hồng Mão đã đâu vào đó: Con cái được học hành tử tế, nối nghiệp cha, kỹ sư chế tạo máy, kỹ sư âm thanh, ngành Phát thanh - Truyền hình Việt Nam. Nhân năm mới, ông bà đến thăm gia đình tôi, cậy chỗ quý nhau, tôi nói vui: Vậy mà ông Hồng Mão "nói xấu" bà miết đấy.

Bà Trần Thị Toan cười, nụ cười hồn nhiên và đẹp như những bài thơ ông viết tặng bà, cùng những tấm ảnh đen trắng được lưu giữ cẩn thận, thành tập kỷ yếu của gia đình, một phần được trích in trong tập thơ văn Để lại cho con, Hội Văn nghệ Quảng Ngãi cấp phép và tập ảnh lớn, Một thời nhớ lại khá đẹp, nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, tôi càng hiểu thêm người nghệ sĩ này, đã dấn thân cùng dân tộc, suốt hai cuộc trường chinh vệ quốc, đầy gian lao, khó nhọc, vẫn hồn nhiên, trong sáng, yêu đời.

Qua hai tập sách, không khó nhận biết tác giả luôn đau đáu với quê hương, với tình đồng chí, đồng đội, cố nhiên không ít phần dành cho vợ con.

Tình yêu quê hương của Hồng Mão, hẳn không phải vì có "chùm khế ngọt" hay "vì có chim, có bướm" mà có cái gì đó rất lạ, chắc không dễ thiếu ở mỗi người dân xứ Quảng, như con don, con lịch, con thài bai, con cá bống… đã hằn sâu tự thuở còn trong cánh nôi đưa:

"Nghèo nghèo nợ nợ cũng kiếm cô vợ bán don
Lỡ mai sau cô có mất cũng còn cặp ui".

Hay như:

"Con cá bống rim tiêu với nước mắm thật ngon
bằng cái trã đất cổ truyền rồm rộm vàng thơm
Mẹ hay ăn mỗi lần nằm chỗ…"

Hoặc mộc mạc mà sâu xa:

"Lên non tìm hòn đá trắng
Trách con chim phụng hoàng sao vắng tiếng kêu
Trời mưa lâu đá nọ thành rêu
Đứa nào ở bạc, con dế kêu thấu trời".

Ở Hà Nội, nhà không rộng, nhưng đủ cho gia đình con cháu, không đến nỗi, nhưng khi vào Sài Gòn, làm Giám đốc Cơ quan Thường trú Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Hồng Mão cũng tạo được mái ấm, có phần khá hơn, lại nhiều bạn bè, đồng nghiệp, nhưng khi nghỉ hưu, ông nhất quyết về lại quê nhà.

Ông tâm sự: Vì công việc phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, nay được nghỉ mà không về là thất lễ, thất đức với tổ tiên, ông bà, với chòm xóm láng giềng. Đơn giản vậy, nhưng đâu phải dễ thực hiện, vì cái nạn "nhất vợ nhì trời" ấy mà. Thực tình thì bà Trần Thị Toan không phải không chịu "tòng phu" mà vì đám con cháu, xa chúng nó, nhớ lắm!

Biết không thể chơi nước áp đặt được, Hồng Mão đành thực hiện phương châm "mưa dầm thấm lâu", "nước chảy đá mòn"… mất mấy năm, cuối cùng, bà Trần Thị Toan, chịu kéo "cờ trắng", khăn gói giong buồm cùng cập bến Trà Giang…

Như được cởi tấc lòng, Hồng Mão sung sướng:

Biết nói gì thêm về Quảng Ngãi
Khi đưa em về với Sông Trà?
Anh chỉ biết quê mình còn đọng mãi
Một mối tình đẹp tựa khúc dân ca.

Có được những ghi chép quý và những hình ảnh sống động đó, ngoài ý thức của một nghệ sĩ, phải nói Hồng Mão có tấm lòng sâu nặng với quê hương, bạn bè và cũng có điều kiện hơn nhiều anh em khác, vì ông ở Đài Tiếng nói Việt Nam từ những năm cuối 50, thế kỷ trước, rồi Đài Phát thanh Giải phóng, lại về Đài Tiếng nói Việt Nam cho tới ngày hạ cánh, ông nói vui:

- Mình là con ngựa chiến (tuổi Canh Ngọ - 1930) chuyên thồ và hát rong thôi.

Kể không sai, vì làm nhà đài, có mấy ai được ngồi lâu một chỗ, chân không bén đất, chạy mệt nghỉ thôi mà.

Hồng Mão rất tâm đắc câu thơ của Nguyễn Trãi: "Can qua chi hựu hạnh thân tồn" (Qua binh lửa, mà còn sống, hạnh phúc quá), và một niềm vui nữa, ông rất mãn nguyện:

- Nhận danh hiệu 50 năm tuổi Đảng ở Sài Gòn, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga.

- Nhận danh hiệu 60 năm tuổi Đảng ở Hà Nội, nhân kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long.

Tôi chúc ông sức khỏe để nhận danh hiệu 70 năm tuổi Đảng ở quê nhà.

Ông chắp tay: “Mô Phật, nhờ ơn trời cho được tới ngày đó!”.

Đã ngoại tám mươi, nghệ sĩ Hồng Mão vẫn phương phi, còn đèo vợ đi thăm bà con, bạn bè bằng Honda, như thanh niên, nhà lại ngay ven sông Trà xanh êm lồng lộng, nhất là những chiều hạ, trăng lên, hơi nước sông cuốn theo nồm như ùa cả vào khu phố mới C1 Phan Long Bằng, nơi "định đô" vĩnh viễn của người hát rong nặng nghĩa ơn làng - Hồng Mão

Nguyễn Trung Hiếu
.
.