Người hát bè trầm

Thứ Bảy, 17/01/2009, 13:30
Thằng con nít to gan mấy năm trước vượt sông với tôi bây giờ quả to gan trước bom đạn thù! Cho đến bây giờ, nhiều người đã biết về một người mẹ anh hùng 60 tuổi trên sông Nhật Lệ, nhưng cũng không ít người chưa biết đến anh Lại Tấn Chuyên, người phụ chèo trên con đò lịch sử những ngày tháng năm ấy.

Dòng sông và tuổi thơ

Khác với nhiều con sông trên đất nước Việt Nam, sông Nhật Lệ chảy qua TP Đồng Hới, Quảng Bình, bắt nguồn từ chân Trường Sơn. Sông hợp lưu của sông Kiến Giang, chảy qua lưu vực huyện Lệ Thuỷ trù phú, rộng lớn và sông Đại Giang, qua mấy xã miền Tây huyện Quảng Ninh, rồi với 12km, bất thần từ Quán Hàu phía Nam, nó thẳng đứng, tuôn tả về hướng Bắc, rồi đổ ra cửa biển. Cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa ngớt lời tranh luận hai từ "Nhật Lệ" có nghĩa nguồn từ đâu.

Thuyết cho rằng, xưa, nàng Huyền Trân Công chúa, vâng lời cha, trên đường đi hiến đời mình làm vợ vua Chiêm để Tổ quốc Đại Việt có thêm châu Ô, châu Lý, châu Địa Linh, đêm đã ngụ thuyền trên dòng sông này. Nước mắt (lệ) nàng đã giàn giụa chảy xuống sông, làm đẫm ướt câu ca dao của dân gian sau đó, nói về thân phận nàng: "Tiếc thay hạt gạo trắng ngần/ Đã vò nước đục lại vần than rơm". Tên của dòng sông phải chăng là để ghi nhớ nỗi thương đau của người con gái yêu nước - thương cha thời Trần? Song, có thuyết thì cho rằng, "lệ" là đẹp (như mỹ lệ) để chỉ dòng sông đẹp, nước trong vắt như ánh sáng mặt trời (chữ Hán là Nhật).

Khi học lên, tiếp xúc với văn hóa, lịch sử, chúng tôi mới có dịp hiểu như thế. Nhưng thuở nhỏ, lên tám, lên mười, Nhật Lệ đối với chúng tôi là dòng sông nước mặn, chan chứa ánh mặt trời, lắm tôm, nhiều cá, đôi bờ sông mượt mà, sung túc những rặng dừa trĩu quả, xanh cành, ngày cũng như đêm, lanh tanh tiếng gõ ván đuổi cá của các thuyền chài trôi dài trên sông.

Tôi và Lại Tấn Chuyên, nhân vật "Người hát bè trầm" trong thiên đoản văn này đều đã tắm tuổi thơ của mình trong dòng nước mặn mòi của con sông Nhật Lệ quê hương. Một lần, Lại Tấn Chuyên bảo tôi: "Mày với tao lội sang chợ Đồng Hới chơi đi!". Hai đứa con nít mười tuổi mà lội bộ vượt sông, không có phao bơi, gần 1 cây số, quả là to gan! Nhưng, lũ trẻ quê tôi nhiều đứa cũng to gan như thế. Nhà Lại Tấn Chuyên sát bờ sông. Một lần, trong đợt lụt, có con trâu từ mạn trên bị nước cuốn về, Chuyên đã cùng anh trai mình chèo thuyền ra, nhanh chóng thòng dây vào cổ, chèo nhanh vào bờ, họ trâu lại. Mấy ngày sau cơn lũ, người Lệ Thuỷ mất trâu tìm về. Người mất trâu cảm ơn và thịnh tình gửi lại mấy chục đồng bạc. Anh em Lại Tấn Chuyên thân ái chối từ, lại còn leo bẻ mấy quả dừa, bóc vỏ gửi người nhận trâu đưa về làm quà cho người nhà…

Chiến công thầm lặng

Tháng 5/1965, học xong cấp 3, tôi vào đại học, rồi sau đó đi làm cán bộ Nhà nước. Không được may mắn như một số bạn hữu đồng niên, nhà Lại Tấn Chuyên nghèo, đông con nên anh đã lầm lũi theo mẹ, vắt cát thành nước cho lên xanh những cọng rau, quả cà giữa sa mạc quê hương, hoặc theo bố cất vó, kéo cá ven sông để bươn chải với cuộc sống giữa đời. Ngày 7/2/1965, nhằm ngày mồng 6 Tết Ất Tỵ người dân Đồng Hới đang nô nức tham gia "Tết trồng cây", theo lời dạy của Bác Hồ thì Tổng thống Mỹ Giônxơn phát lệnh thực hiện cuộc tập kích chiến lược mang tên "Mũi lao lửa - 1", đánh vào thị xã Đồng Hới bé nhỏ bên dòng sông Nhật Lệ, để mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc đầy phiêu lưu và tội ác của chúng.

Thực hiện chủ trương của Thị ủy, một tổ chức "Công an nhí" (lứa tuổi thiếu niên), được thành lập trên quê hương Bảo Ninh, bán đảo, bức bình phong của thị xã Đồng Hới, thủ phủ Quảng Bình, bên kia sông Nhật Lệ. Đó là tổ chức "3 phòng" (phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn). "Phòng hỏa", "phòng tai nạn" có danh nhưng chưa có nội dung hoạt động. Riêng "phòng gian" thì được tiến hành ngay, vì quê hương đang bước vào chiến tranh. Song, các "Công an nhí" này lại được Đảng ủy và Xã đội địa phương phân công làm đủ mọi việc: Canh gác Văn phòng Ủy ban xã, liên lạc đưa thư từ, công văn, mệnh lệnh, chuyển đạn lên trận địa, v.v, riêng Lại Tấn Chuyên thì Bí thư Đảng ủy xã, ông Trương Hoa, phân công xuống phụ chèo một số chuyến đò cùng Mẹ Nguyễn Thị Suốt, đưa cán bộ, bộ đội quá giang trên sông Nhật Lệ.

Mẹ Suốt lập công vì những mái chèo cái nước vang sông, làm sáng bừng thêm truyền thống lịch sử cứu nước của người phụ nữ Việt Nam. Mẹ bước lên đài cao anh hùng của một dân tộc anh hùng trong những ngày đầu miền Bắc anh hùng đánh Mỹ. Có dịp, tôi đã được xem lại những thước phim tư liệu lịch sử trong bộ phim "Mỹ muốn chơi với lửa, Mỹ sẽ thiêu thân", của xưởng phim Tư liệu Quân đội nhân dân sản xuất tháng 4 năm 1965, và "Việt Nam" của các nhà làm phim Nhật Bản mà vừa qua,

Đài Truyền hình Việt Nam đã mua lại bản quyền, thì thấy Lại Tấn Chuyên và Mẹ Suốt thật hùng dũng, kiên cường. Giữa những núi sóng dựng đứng trên sông Nhật Lệ do bom thù ném xuống và hạm tàu hải quân đang xé sóng tung bờm bắn trả máy bay thù, con thuyền của mẹ vẫn hiên ngang, cảm tử chém sóng vượt qua. Kể lại những ngày làm "ét" cho Mẹ Suốt với tôi, giọng Lại Tấn Chuyên hiền khô: "Bà ấy cầm lái, mình cầm phách (chèo giữa - TG). Hợp đồng mạnh, thuyền đi càng nhanh. Bà già đã không hề sợ bom đạn, huống hồ là mình. Mà sợ chi bom đạn những lúc đó!".

Thằng con nít to gan mấy năm trước vượt sông với tôi bây giờ quả to gan trước bom đạn thù! Cho đến bây giờ, nhiều người đã biết về một người mẹ anh hùng 60 tuổi trên sông Nhật Lệ, nhưng cũng không ít người chưa biết đến anh Lại Tấn Chuyên, người phụ chèo trên con đò lịch sử những ngày tháng năm ấy.

Giữa năm 2007, Đảng ủy xã Bảo Ninh cho ra đời tập 2 cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Bảo Ninh". Trong đó, có đoạn đã ghi: "Anh Lại Tấn Chuyên ở làng Trung Bính đã dũng cảm cùng Mẹ Suốt chèo một số chuyến đò trên sông Nhật Lệ để hoàn thành nhiệm vụ trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, của nhân dân Bảo Ninh". Công lao nhỏ bé của anh đã được ghi lại, quả đó là sự đánh giá công bằng của lịch sử.

Mở đường Trường Sơn

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 15/7/1965, Lại Tấn Chuyên cùng 54 anh chị em ở thị xã Đồng Hới tình nguyện gia nhập TNXP chống Mỹ, cứu nước. Tất cả được sung vào Đại đội 736, Tiểu đoàn 73, Sư đoàn 31 của Đoàn 559. Nhiệm vụ lúc ấy là củng cố và mở đường 16, đường vượt Trường Sơn sang Lào, từ làng Ho phía Nam huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Được một thời gian, Lại Tấn Chuyên được điều động sang đội làm cầu khỉ, vượt các khe, suối cho bộ đội Trường Sơn. Họ rúc vào rừng sâu, chặt dây mây song về bện lại để làm cầu treo. Tay chân, mình mẩy ai cũng tứa máu vì gai sắc nhọn, xé nát thịt da. Những chiếc cầu treo như đu võng giữa cánh rừng Trường Sơn, đơn giản nhưng hiệu quả biết bao, đưa bao đoàn quân ra trận. Tất cả đều thắm máu, nước mắt, mồ hôi của tiểu đội ông.

Sau chiến dịch bắc cầu mây ở giữa rừng Trường Sơn, đơn vị Lại Tấn Chuyên lại được điều động ra làm đường 20 Quyết Thắng, con đường đầy máu lửa của tuyến đường Đông Trường Sơn, chạy qua phía Tây huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Máy bay Mỹ ngày đêm trinh sát, ném đủ các loại bom xuống tuyến đường này. Bao chiến sĩ TNXP của Đại đội 736 đã ngã xuống. Nhưng vì sự sống con đường, họ vẫn bám sát hiện trường, hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Ngày 18/12/1966, trong khi làm nhiệm vụ sửa đường thì một tốp máy bay F4H đến bắn đạn 20 ly và ném bom, Lại Tấn Chuyên bị một viên đạn Mỹ xuyên vào bàn chân phải, cụt gần một ngón cái. Điều trị tại trạm cứu thương dã chiến ở làng Ho được mấy hôm, đơn vị cho ông ra Bắc tiếp tục điều trị và an dưỡng. Vết thương tạm lành, ông được chuyển sang Cục Xăng dầu của Đoàn 559. Ở đây, đơn vị đã cử ông đi học lớp Quản lý đại đội của lớp sĩ quan hậu cần đóng ở Gia Lâm.

Ngày Bác mất, ông được vinh dự là người đứng đầu hàng ngũ quân chủng trong lễ truy điệu Bác tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội và cũng được chọn là một trong những người đi quanh linh cữu để tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng.

Hết chiến tranh, Lại Tấn Chuyên ra quân, trở lại Quảng Bình, về với quê hương Bảo Ninh của Mẹ Suốt anh hùng năm xưa làm nghề đánh cá biển. Mấy năm sau, tuổi già sức yếu, ông lại lên bờ, mở dịch vụ mua bán và sản xuất đá lạnh cùng gia đình ở tiểu khu 9, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới cho đến hôm nay.

Luôn tự biết mình

Đầu năm 2009 này, ông chẵn 65 tuổi, nhưng mãi đến năm 2000 tôi mới biết đích xác ông Lại Tấn Chuyên chưa được hưởng một chế độ đãi ngộ nào của Nhà nước đối với người có công. Tôi hỏi, ông lặng lẽ trả lời: "Giấy tờ phức tạp quá, tôi không muốn phiền phức đến ai, mà công lao mình với nước có đáng gì đâu!".

Tôi giải thích với người bạn cũ của mình, rằng, đãi ngộ của Nhà nước đối với người có công, dù là rất nhỏ là tính ưu việt của chế độ xã hội. Mình không làm, mình thiệt, mà lại có lỗi nữa. Nghe thế, ông phó mặc cho tôi tất cả, khi tôi yêu cầu ông tìm đưa lại cho mình giấy tờ trong những ngày ở quân ngũ và nằm viện quân y đã ố vàng mà ông vẫn cất giữ bấy lâu. Nhờ thế, mấy tháng sau, ông được ra Hội đồng giám định y khoa, rồi chính thức có sổ và trợ cấp thương binh hạng 4/4.

Sắp đến (19/5/2009), Nhà nước sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Binh đoàn 559 và ngày mở đường Trường Sơn. Quảng Bình được vinh dự Nhà nước chọn địa điểm làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm long trọng kỳ tích lịch sử này. Biết tôi đang có ý định viết về ông, một con người đã từng tham gia "mở đường trên sông Nhật Lệ" và "mở đường Trường Sơn", tuyên truyền cho chủ điểm thời sự trên, ông liền đạp xe đến khẩn khoản can ngăn, rằng đừng viết về mình.

Tiễn bạn ra về, lòng tôi lại cứ lâng lâng xúc động về hình ảnh một con người khiêm tốn, lầm lũi, muốn làm chứ không muốn nói. Ông là người đã hát bè trầm cho bài ca anh hùng Mẹ Suốt năm xưa, cũng là người đã hát trong bè trầm của bản anh hùng ca những người đi mở đường Trường Sơn huyền thoại và cũng đang hát bè trầm về chủ nghĩa nhân văn cao đẹp của dân tộc ta khi mùa xuân Kỷ Sửu đang gõ cửa mọi nhà

Hồ Ngọc Diệp
.
.