Người gieo sự sống thiêng liêng

Thứ Ba, 25/05/2010, 08:29
Ông là người quá nổi tiếng trong giới y học, được mệnh danh là "người đàn ông đông con nhất Việt Nam". Mang lại hạnh phúc thiêng liêng cho những gia đình hiếm muộn, tiến sĩ - Anh hùng lao động Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người đã trở thành ông bố của hàng ngàn đứa trẻ ra đời trong ống nghiệm. Ông coi tất cả những đứa trẻ đó như là con của mình và dù bận trăm công nghìn việc ông vẫn dõi theo sự lớn lên của chúng.

Cuối cùng thì cái hẹn cũng được khớp lịch, nhưng lần đầu tiên tôi có một cuộc hẹn phỏng vấn ngay trong phòng mổ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Nhân vật chính trong câu chuyện của tôi bước ra với đầy đủ mũ áo, găng tay, và vô số các thiết bị vô trùng cho một ca mổ vừa xong chưa kịp cởi bỏ. Ông ngồi xuống chiếc ghế duy nhất trong phòng chờ mổ và loay hoay tìm cho tôi một chiếc ghế nữa. Ông cười, nụ cười lành hiền đặc trưng không thể lẫn vào đâu được của những người con sinh ra nơi xứ Nghệ với chất giọng trầm ấm miền Trung. "Xin lỗi bạn, cho mình giữ nguyên trạng thế này nhé vì sau đây mình lại phải mổ tiếp một ca nữa".

Vậy là cuộc phỏng vấn chân dung nhân vật đầu tiên của tôi diễn ra trong một hoàn cảnh quá ấn tượng, trong mùi thuốc ête, trong sột soạt lách cách những thanh âm lạnh lùng của dao kéo mà người phụ mổ đang soạn sửa chuẩn bị cho một ca mổ sắp tới. Thỉnh thoảng, phá vỡ trong cái không gian tĩnh lặng và trang nghiêm ấy là tiếng khóc xé vỡ của một sinh linh vừa chào đời. Tôi đã có cuộc trò chuyện với người đứng đầu bệnh viện nơi bảo vệ và nâng niu những bà mẹ và trẻ em trên thế gian này trong một tâm trạng nhiều cảm xúc như vậy.

Ông là người quá nổi tiếng trong giới y học, được mệnh danh là "người đàn ông đông con nhất Việt Nam". Mang lại hạnh phúc thiêng liêng cho những gia đình hiếm muộn, tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người đã trở thành ông bố của hàng ngàn đứa trẻ ra đời trong ống nghiệm. Ông coi tất cả những đứa trẻ đó như là con của mình và dù bận trăm công nghìn việc ông vẫn dõi theo sự lớn lên của chúng.

Ông kể lại niềm hạnh phúc khi chứng kiến ca thụ tinh nhân tạo đầu tiên thành công, hai khoé mắt rưng rưng. Đó là năm 2000, một bé gái khoẻ mạnh chào đời trong niềm vui vỡ oà của cả bệnh viện. Đúng là một kỳ tích, mà kỳ tích đó của ông đã chữa lành nỗi đau của biết bao ông bố bà mẹ mang trong mình khát vọng, một khát vọng rất bình thường, nhưng đối với họ là một nỗi tuyệt vọng đau đớn, được làm bố, làm mẹ. Ông bảo, chứng kiến hạnh phúc ứa nước mắt của họ, ông  xúc động lắm. Và đó cũng chính là động lực để ông và các đồng nghiệp của mình ngày đêm không ngừng học hỏi, nghiên cứu để tìm ra những hướng đi hiệu quả nhất.

Hành trình thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm của tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến và tập thể bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã đi được một chặng đường dài 11 năm. Hạnh phúc có, nhưng cũng không ít những thất bại nhọc nhằn.  Hơn 2.000 em bé đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của bố mẹ, và của những người bác sĩ như ông. Nhưng vẫn còn đó những người làm đến 3-4 lần mà vẫn không thành công. Nhiều phụ nữ chưa một lần được làm mẹ, khăn gói từ các tỉnh xa về, vay mượn tiền bạc chỉ với một mong mỏi, được gặp bác sĩ Tiến, vị cứu tinh của họ. Và ông hiểu nỗi đau đáu trong ánh mắt tuyệt vọng khi mỗi lần họ đến bệnh viện và mang theo một niềm hy vọng dù rất mong manh. Đến lần thứ 2, thứ 3.

Nhìn nỗi tuyệt vọng càng ngày càng hằn sâu trong mắt họ, ông như cảm thấy mình có lỗi. Cái lỗi mang nặng từ tâm khảm của một người thầy thuốc luôn mang trong mình khát vọng về sự sống những sinh linh bé nhỏ. Ông bảo bây giờ, hàng ngày ông vẫn lúi húi trong phòng thí nghiệm với 10 ca thụ tinh nhân tạo. Ngày nào, cũng có ít nhất một em bé chào đời từ sức lao động bền bỉ của ông. Không những thế, ông còn là người trực tiếp đào tạo ra những đội ngũ kế cận giỏi tay nghề, nắm vững công nghệ để đáp ứng nhu cầu về sức khoẻ sinh sản ngày càng tăng của người dân. Với công nghệ thụ tinh nhân tạo, ông là người góp phần đưa vị thế của ngành sản khoa Việt Nam trở thành tiên phong trong khu vực, nhiều bác sĩ từ Lào, Mozambich, Philippines đã sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ.--PageBreak--

Trưởng thành từ một gia đình làm nghề  thuốc đông y gia truyền ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Nguyễn Viết Tiến vào đại học, mang theo giấc mộng được thử sức ở môi trường bác sĩ, mà đặc biệt là những công việc liên quan đến mổ xẻ, nên ngày đó, dù bạn bè ông truyền tụng nhau rằng, "giỏi đi nhi, ngu si đi sản", ông vẫn quyết tâm chọn ngành sản và theo đuổi nó bằng niềm đam mê vô tận của mình. Ngày đó, chàng trai 24 tuổi Nguyễn Viết Tiến cũng chưa hình dung hết được sự đa dạng của lĩnh vực sản khoa, thực ra nó không đơn giản chỉ là sinh đẻ mà gồm hàng trăm lĩnh vực, càng đi vào khám phá, ông càng thấy nó mới mẻ và hấp dẫn mình. Nên bắt đầu từ một ý thích thời trai trẻ, đến nay ông đã có hơn 27 năm gắn bó với nghề, và cũng không hiểu tự bao giờ niềm yêu thích có phần ngẫu hứng ấy đã trở thành đam mê lớn nhất trong cuộc đời tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến.

Ông coi mình là người của mọi người, gắn việc riêng với cái chung. Nên đến bây giờ dù đã đứng ở một cương vị cao, lãnh đạo một tập thể mạnh hàng đầu Việt Nam về sản khoa với những đóng góp thiết thực cho khoa học, ông vẫn không ngừng học hỏi, đọc sách và nghiên cứu. Bởi phía trước ông còn rất nhiều đỉnh núi phải chinh phục. Ông bảo, không phải làm giám đốc rồi thì không phải trau dồi về chuyên môn nữa. Nghề y có những đặc thù riêng. Ông sắp xếp, giải quyết nhanh những công việc sự vụ để dành thời gian cho chuyên môn. Bởi trời sinh ra ông một đôi bàn tay đặc biệt nhạy cảm và có lẽ chỉ để dành cho những ca mổ khó khăn. Nên hàng tuần trong chuỗi công việc kín mít của mình, ông vẫn dành 3 buổi để khám bệnh cho người dân. Những ngày đó, công việc của ông chất cao như núi, bệnh nhân xếp hàng cả dãy dài, nhiều hôm xong việc, ngẩng đầu lên thì đã bắt đầu sang một ngày mới rồi.   

Vậy nhưng trong ánh mắt người đàn ông xứ Nghệ kiên cường đó dường như chưa bao giờ mỏi mệt. Ông vẫn giữ cho mình một phong thái điềm tĩnh khoan thai, dù khối lượng công việc hàng ngày của ông phải làm gấp 5-6 lần một người bình thường. Ông bảo để có được những thành công hôm nay, ông cũng đã nếm trải cả những thất bại, những nhọc nhằn trên bước đường dài. Có vinh quang nào là không có vị mặn của những giọt nước mắt và mồ hôi. Đó không phải là con đường được lát đá hay trải thảm hoa. Nhưng tất cả những điều đó đối với người đàn ông xứ Nghệ này có lẽ chưa bao giờ quan trọng. Khí chất mạnh mẽ quyết liệt của một người con miền Trung và khát vọng chiếm lĩnh những lĩnh vực mới của một nhà khoa học chân chính đã giúp ông có những bước đi đột phá, táo bạo và mạnh mẽ không ngừng. Ông luôn nhìn ra vấn đề và tìm cách giải quyết nó một cách nhanh nhất, đưa ra những giải pháp phù hợp.

Bây giờ, đã ngoài 50 tuổi rồi, mái tóc ông đã điểm những sợi bạc nhưng sức làm việc của ông chưa bao giờ chùng lại. Tôi đọc thấy trong ánh mắt ông những nhiệt huyết không bao giờ nguôi tắt về những trăn trở cho nền y tế của nước nhà, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nên ông vẫn nói say sưa về những công việc của mình, đó là những đóng góp thực sự có ý nghĩa giúp cải thiện sức khoẻ của người dân, nhất là đối với trẻ em và phụ nữ. Nhiều năm qua ông cùng đội ngũ những bác sĩ giỏi của bệnh viện, đã chủ động được trong vấn đề mổ laze mắt cho những em bé khi ra đời có những dị tật về mắt ngay tại khoa nhi của bệnh viện. Thành tựu này là một bước ngoặt trong việc cứu sinh mệnh và đôi mắt của rất nhiều bé mà chưa một bệnh viện nào ở Việt Nam làm được. Ngày trước, khi giải quyết những vấn đề này, phải chuyển các bé sang Viện Nhi, và trong quá trình dịch chuyển nhiều khó khăn, nhiều em bé đã qua đời.

Ông cũng trăn trở nhiều với vấn đề chẩn đoán hình ảnh trước khi sinh. Bởi là một bác sĩ sản, điều mong muốn và là hạnh phúc của ông là được đỡ đầu cho sự ra đời của những em bé mạnh khoẻ,  đầy đủ, có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Công nghệ chẩn đoán trước khi sinh rất quan trọng vì những đứa trẻ dị dạng không đủ năng lực sống sẽ trở thành một gánh nặng của bố mẹ và xã hội. Nên ông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trang thiết bị, và trong thời gian tới sẽ đi sâu vào mức độ phân tử, tế bào, phát hiện từ dạng phôi để loại trừ sớm hơn những phôi dị tật và tạo điều kiện tư vấn cho họ có thể sinh được những đứa con khoẻ mạnh nhờ sự can thiệp của y học. Với những nỗ lực không ngừng đó, đầu năm 2010, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, vinh danh những cống hiến của một người thầy thuốc suốt đời bảo vệ và nâng niu những bà mẹ và em bé trên thế gian này.

Nhưng phía sau sự thành đạt của người đàn ông đó luôn có bóng hình của một người phụ nữ, hy sinh, chấp nhận những thiệt thòi và lặng lẽ đứng sau hào quang của chồng. Vợ ông, cũng là một bác sĩ Đông y, nên chị hiểu và thông cảm cho công việc của chồng. Làm một bác sĩ đã bận rộn, ông còn là một nhà quản lý, một người say mê làm khoa học nên hẳn nhiên ông không còn thời gian cho riêng mình và gia đình nữa. Ngay cả những niềm đam mê thời trẻ của ông như thể thao, âm nhạc cũng bị đánh cắp vì công việc bộn bề từng ngày của ông. Nhưng ông có một gia đình bình yên.

Người con lớn nối nghiệp bố chuẩn bị tốt nghiệp, còn cô con gái đang tu nghiệp ở Mỹ. Có thể nói, ông là điển hình của một người đàn ông thành đạt, bởi ông có sự nghiệp với những đóng góp thực sự có ý nghĩa cho nền y học nước nhà của một nhà khoa học chân chính, và càng quý giá hơn nữa, song hành với sự thành công đó, ông có một mái ấm gia đình bình yên và hạnh phúc. Sự hoàn hảo đó, không mấy ai đạt được trên con đường dài vốn phức tạp và nhiều nghiệt ngã.

Chia tay ông khi ngoài kia nắng đã vãn sang chiều, ông vội vàng bước vào phòng mổ, ở đó có ba bệnh nhân đang chờ. Đó là công việc ông làm thường ngày để kết thúc một ngày bận rộn. Nhưng những khát vọng trong ông dường như chưa bao giờ khép lại

Song Bình
.
.