Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Thái Kim Đỉnh:

Người đi bộ ba phần tư thế kỷ

Thứ Sáu, 06/04/2007, 10:00
Tết năm nay, tôi đã có dịp trở lại thăm nhà văn Thái Kim Đỉnh, một nhân vật khá độc đáo của Hà Tĩnh, một dị nhân lạ lùng, một đạo sỹ ở ẩn giữa phố thị, một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian "khổng lồ" của mảnh đất xứ Nghệ.

Lối cũ người xưa, không biết trong hai gian nhà tranh mà bạn tôi đã có lần gọi nó là một chứng tích bảo tàng nhà của người Việt hơn 60 năm về trước, giờ ông ra sao.

Tôi không hình dung được cây trạng nguyên khẳng khiu bên lối đi nhỏ giờ đã đủ sức vươn xanh chưa hay vẫn hiu hắt lá run run bám rễ, và chậu quỳnh gầy guộc lẫn trong đám dây leo chằng chịt của hoa hành hoa tỏi kia giờ đã mấy bận đơm bông chưa hay vẫn gầy guộc và lẩn khuất trong bộn bề công việc của chủ nhân già chỉ biết mỗi đèn sách.

Tôi đã từng đến nhà ông, giờ đây lại cứ mường tượng đến cái cảnh Thái Kim Đỉnh lọ mọ cúi sập lưng trên chiếc kính lúp to cộ, tỉ mẩn, chậm rãi soi từng chữ từng chữ Hán li ti như giun như dế trên những xấp tài liệu viết tay đã nhoè mực và mục nát vì thời gian lại nhớ đến trong cuốn chân dung về ông bạn hữu đã từng viết: "Ông ngồi đó, trong cái chái tranh nhỏ chật chội giữa bốn bên là sách, bên ngoài là bốn phía trát bằng vữa tóoc-xi quét vôi. Cả nhà, cả không khí trong vườn và cả người ông nữa, phả ra mùi mực, mùi sách".

Giữa một thị xã phồn vinh và sống động, ngôi nhà nơi ông gắn bó cả một kiếp người của một cuộc đời chật chội như một chiếc tổ kén cũ kỹ, chủ nhân là ông cũng cũ kỹ, hiền lành và giản đơn như con tằm cả đời chỉ biết miệt mài chăm chỉ trong tổ kén rút ruột nhả tơ để cống hiến cho đời những công trình nghiên cứu văn hoá dân gian quý giá có một không hai.

Thật may, ngôi nhà năm ngoái giờ đã thuộc về ký ức, thay vào đó là hai gian nhà xây khang trang hơn, đàng hoàng hơn dẫu chỉ một chút thôi. Bước vào căn nhà ông trong Tết Đinh Hợi này thật mừng bởi dù chật chội đến mấy ông cũng đã có lấy một chỗ đặt bàn làm việc, đặt chiếc bàn nước nhỏ xíu để mời khách đến chơi đàm đạo chén trà xanh, và thay vì bốn bề chất ngất bởi sách thì nay trên 4 bức tường đã gắn những chiếc giá đỡ vững chãi để những cuốn sách quý giá cũ kỹ và sờn gáy của ông có chỗ yên vị đàng hoàng.

Tôi không biết nên bắt đầu bức chân dung của vị "đạo sỹ già" này những gì, bởi ở Hà Tĩnh quê tôi ông nổi tiếng đến mức ai cũng biết, nhắc đến tên ông, các em học sinh ít nhiều đều đã từng phải đụng đến sách của ông, để tra cứu tài liệu qua những cuốn sách ông nghiên cứu và biên soạn.

Hà Tĩnh nhỏ như lòng bàn tay, nên người tài dù bé mọn cũng đã tiếng lành đồn xa, huống chi ông, một người dành cả cuộc đời hơn 80 năm cho công việc nghiên cứu viết lách, hơn 50 đầu sách của ông lưu hành trong cả nước cũng đủ nói lên mức độ tiếng tăm của ông lan rộng như thế nào.

Hơn nữa, mừng thọ ông 75 tuổi, năm 2001 Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tĩnh đã xuất bản hẳn một cuốn sách viết về ông, bao gồm những bài viết của bạn bè bằng hữu và cả lớp hậu sinh sau này được ông truyền nghề. Sở dĩ tôi ví ông như một đạo sỹ già bởi gần như chưa ai từng gọi ông như thế.

Mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh một Thái Kim Đỉnh là một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, nhà Folklore của Hà Tĩnh với hơn 50 đầu sách trong đó hơn 30 đầu sách ông viết riêng và chủ biên và có bài in ở hàng chục tập sách khác xuất bản ở nhiều nơi trong nước, cùng hơn 30 luận văn khảo cứu về văn học, văn hoá, lịch sử và hàng trăm bài báo in ở tạp chí Trung ương, địa phương.

Có những cuốn nổi tiếng ông làm cùng với nhà thơ Trần Hữu Thung, Giáo sư Ninh Viết Giao, và một số bạn hữu khác như: Từ điển tiếng Nghệ, Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ. Chuyện kể về Bác Hồ, Kho tàng chuyện kể dân gian xứ Nghệ. Làng cổ Hà Tĩnh, Thơ văn quanh Truyện Kiều, Tác gia Hán Nôm Nghệ Tĩnh, Địa chí huyện Đức Thọ...

Nhưng nếu nhìn ở một góc độ khác, Thái Kim Đỉnh như một đạo sỹ khổ luyện tu hành thâm sơn cùng cốc của văn hoá cổ. Bởi con người ông lạ lắm, tính cách của ông cũng lạ lắm.

Ông không học hết bậc trung học, ông tập xe đạp từ ngày bé cho đến gần 60 tuổi, nghĩa là 60 năm tập đi xe đạp nhưng ông không đi nổi, và chỉ có đặt hai bàn chân với những ngón tõe xoè bấu chặt lên mặt đất thì bước chân ông mới vững vàng, bước đi mới thăng bằng không sợ ngã.

Cả đời ông chỉ biết đi bộ và trong một bài viết về ông, bạn tôi nhà văn Trần đắc Túc đã ví ông là người đi bộ 3/4 thế kỷ. Bởi công việc của ông nếu không đi điền dã, đến tận những mảnh đất xa xôi, tận những nơi ông cần tìm hiểu thì không bao giờ thành công được.

Ở giữa thị xã nhưng tâm thái của ông tựa như ở nơi rừng sâu núi cao. Ông không quan tâm đến tivi nói gì, thời sự thế giới diễn ra những gì, cháy rừng hay động đất, thảm họa sóng thần thì ông cũng ngơ ngác như từ trên trời rơi xuống.

Điển hình nhất cho cái sự ngơ ngác với cuộc sống thực tại của ông tôi còn nhớ như in là sự kiện 11/9/2001, sau bản tin thời sự, cả thế giới dường như choáng váng trước vụ khủng bố kinh hoàng ở nước Mỹ, trước toà tháp đôi biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực của nước Mỹ đã bị đổ vụn dưới bàn tay của bọn không tặc.--PageBreak--

Một thị xã nhỏ bé như Hà Tĩnh cũng rúng động lên trước sự kiện này, đi đâu mọi người cũng chúi mũi vào đọc báo và bàn tán xôn xao. Chỉ riêng duy nhất Thái Kim Đỉnh là vẫn còng lưng cầm chiếc kính lúp to cộ, cúi rạp mình trên những tài liệu thư tịch viết tay bằng thứ chữ Hán li ti đã ruỗng mục vì thời gian.

Hai ngày hôm sau, mấy người bạn của ông trước "nỗi nhân tình thế thái" của sự kiện khủng bố gây chấn động ấy đã kéo nhau vào gian nhà tranh của ông cùng uống nước chè và tán gẫu chuyện thế giới. Thái Kim Đỉnh lúc này mới trễ cặp kính lão, tay buông chiếc kính lúp quay ra hỏi các bạn ông đang nói chuyện gì vậy.

Vụ khủng bố xảy ra đã 2 ngày, tivi liên tục phát đi những bản tin, báo chí liên tục giật những tít lớn để cung cấp thông tin cho người đọc trên toàn thế giới, riêng Thái Kim Đỉnh là dửng dưng... bởi không hề hay biết.

Giờ đây, nhắc lại chuyện xưa, ông tủm tỉm cười: "Thì mình mắc mớ với mấy cái tài liệu cổ, có coi tivi mô mà biết".  Chao ôi, ông thực như cái người không thuộc về thế giới này nữa rồi mà đã từ lâu ông là của quá khứ, thuộc quá khứ.

Ông say đắm với quá khứ mà dửng dưng trước sự ồn ào sôi động của cuộc sống thực tại. Thái Kim Đỉnh là vậy. Ông giống như củ khoai, hạt lúa yêu thương, sống ẩn mình, chắt chiu những ngọt lành cho đời. Cũng đã từng làm đến trưởng phòng văn nghệ ở Ty Văn hoá - Thông tin, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Tĩnh.

Nhưng con người ông sinh ra không phải để làm quan chức, không thuộc về quyền lực, chính trị. Thái Kim Đỉnh như một người lữ hành chậm chạp trên từng bước chân của người Việt cổ đi xuyên qua thời gian, trở về với tầng tầng lớp lớp những trầm tích từ ngàn xưa của văn hoá Việt, mà chủ yếu là ở mảnh đất xứ Nghệ.

Cái sức đi, cái chí đi của một người chỉ biết bước trên hai đôi chân trần với những ngón to bè tõe ra bấm sâu trên đất đến mọi địa danh đáng để cho chúng ta phải trân trọng và khâm phục. Cả đời ông không biết làm việc gì khác ngoài chữ nghĩa.

Ông chịu nghèo, chịu khổ vì chữ nghĩa. Ông không có cái tháo vát khôn ngoan của một người đàn ông trụ cột trong gia đình để mà kiếm được nhiều tiền của cho vợ con ăn sung mặc sướng.

Ông nói rằng: “May có người vợ đầu mình mới đi học được, và trời thương cho mình bà sau để nhờ bà mình mới có được mấy chục đầu sách. Các con cái nhờ hai bà mà lớn, mà nậy, mà trưởng thành. Mình vụng lắm".

Xét về một góc độ nào đó, Thái Kim Đỉnh vụng về và đúng là không biết làm gì ngoài việc đọc sách cặm cụi ghi chép, tỷ mẩn sưu tầm, và dày công nghiên cứu biên soạn lại những trầm tích văn hoá quý báu dâng hiến cho cuộc sống đương đại, cho kho tàng văn hoá tri thức của nhân loại.

Thái Kim Đỉnh được bạn bè trong giới nể phục bởi ông là người có tâm với sách, với chữ nghĩa. Vì lao tâm khổ tứ với sách với chữ nghĩa mà ông dám bỏ cả đời mình ra để phụng sự cho cái nghiệp sách vở chữ nghĩa.

Ông hiểu biết Hà Tĩnh từ nhiều góc độ bởi ông tiếp cận với Hà Tĩnh từ nhiều phía, nhiều cách khác nhau: sử học, văn học, ngôn ngữ học, văn bản học, khảo cổ học, dân tộc học và Folklore.

Ngoài sự tiếp cận đa chiều ấy, Thái Kim Đỉnh là người biết rất rành rọt, kể cả những truyền thuyết, giai thoại liên quan đến mọi địa danh trên mảnh đất Hà Tĩnh nói riêng, xứ Nghệ nói chung. Nếu xứ Nghệ không có những con người như ông, với những công trình nghiên cứu khoa học quý giá thì thế hệ chúng tôi bây giờ và cả con cháu mai sau biết lấy gì để bổ sung vào tri thức của mình, vào sự hiểu biết về văn hoá nơi mảnh đất mình chôn rau cắt rốn.

Thế nhưng, ẩn sau vẻ hiền lành, nhẫn nại và im lặng như mặt đất kia là một Thái Kim Đỉnh luôn biết chịu đựng và phải chịu đựng. Ngỡ như cái con người hiền lành và nhẫn nhịn ấy thì dông tố cuộc đời sẽ không bao giờ ghé qua.

Thế nhưng, năm nay trên bát thọ, ông đã phải chứng kiến hai lần mất người thân yêu. Lần thứ nhất khi ông 50 tuổi người vợ hiền thảo bệnh nặng đã bỏ ông về trời. Lần thứ hai mới đây nhất trong năm vừa qua là cái chết đột ngột của người con trai út hãy còn rất trẻ, người con gắn bó với cha mình nhiều nhất bằng cách giúp đỡ ông rất đắc lực trong công việc. Nỗi đau đớn như hoá đá, nước mắt nuốt sâu vào tim ông trở nên chậm rãi và ưu tư và lặng im hơn bao giờ hết.

Vẫn biết cuộc sống hiện tại của ông với người vợ sau dịu dàng hiền hậu và các con ngoan đã luôn luôn kéo hạnh phúc về chật ắp trong căn nhà. Thế nhưng thấp thoáng đâu đó sau bóng dáng nhẫn nại của ông là những nỗi buồn có thực và hiện hữu.

Dẫu chỉ là những nỗi buồn của nhân gian đã được ông hoá giải nơi trời cao, sao ngày xuân, nói chuyện với ông trong nghi ngút trầm hương la đà của Tết Đinh Hợi, cả ông và tôi đều cảm giác nao nao.. buồn. Tôi nhớ mấy câu thơ ông viết: “Không ngủ đêm dài nhớ vẩn vơ/ Nhớ chi không biết nhớ chi giờ/ Cuốn phim nhân thế quay nhanh chậm/ Bức ảnh nhân gian hiện tỏ mờ.../ Cái vui không đến, buồn không đến...”.

Khi con người đã ở cái ngưỡng của niềm vui không đến được, nỗi buồn cũng không chạm tới, hẳn ông đã thuộc về một cõi cô tịch nào đó mà đời thường không còn có thể chạm tới. Mọi chuyện nhân tình thế thái xảy ra quanh mình, thậm chí còn hao tổn đến mình ông cũng chẳng buồn để ý, chẳng buồn biết...

Có chuyện hỏi ông mới thảng thốt như trên trời rơi xuống giật mình ô hay! Với ông bây giờ, còn lại ngày sống nào còn phải cấp tập làm việc ngày đó. Bao cuốn sách đang chờ, mà thời gian với ông đã hạn hữu lắm rồi

Lê Thị Thanh Bình
.
.