Người đàn ông đi trong…chơi vơi

Thứ Sáu, 24/04/2009, 15:31
Đừng hy vọng ở Bùi Thạc Chuyên một thái độ trịch thượng. Anh cũng sẽ chẳng nói gì trong những cuộc cãi vã của giới điện ảnh. Nhưng cũng chẳng vì thế mà anh bàng quan. Làm phim như những người leo đỉnh Everest, biết trước hiểm nguy nhưng đầy hứng thú, biết đường đi gian nan nên từng bước tỉ mỉ, thận trọng.

Thách thức chính mình. Đo đạc lòng kiên nhẫn của chính mình. Cuộc leo núi mới nhất mang tên "Chơi vơi" đã kéo dài 6 năm. Đi con đường của mình, không lên gân, không rẻ rúng, như một cách xây dựng và bảo vệ quyết liệt cái tên Bùi Thạc Chuyên trong điện ảnh.

1. Không biết nên gọi hành trình 6 năm, mà đến giờ vẫn còn đang tiếp tục, của Bùi Thạc Chuyên, với kịch bản tốt nghiệp Trường Điện ảnh của Phan Đăng Di, là hành trình vui hay buồn. Bởi, chúng ta sống, sau mỗi ngày đã thấy dường như mình không còn mới, sau một tháng bỏ quên mình trong một góc đời nào đó, đã thấy mình cũ kỹ đi nhiều.

Làm nóng mình lại, với bầu nhiệt huyết của chính mình, đã là "cuộc cách mạng" khó khăn. Huống hồ đó là một kịch bản… chơi vơi. Chơi vơi bởi không mang cấu trúc của một kịch bản thông thường, không có nhiều kịch tính dồn đuổi nhau. Chơi vơi bởi biên kịch chưa nổi tiếng và chắc chắn đây sẽ là một bộ phim không ăn khách theo tiêu chí của một phim thương mại.

Chơi vơi còn bởi làm sao thuyết phục được nhà quản lý và nhà tài trợ duyệt kinh phí trong thời buổi, từ giới chuyên môn cho tới giới truyền thông đều kêu gọi làm những bộ phim cho số đông.

Đạo diễn và biên kịch bỏ ra tới 3 năm để tháo tung kịch bản, phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Ngắt quãng trong hơn một năm để anh đi làm "Sống trong sợ hãi", một vinh quang nho nhỏ trong nghiệp phim nhựa mà Bùi Thạc Chuyên đã có từ bộ phim này.

Và từ khi cầm kịch bản "Chơi vơi" trên tay, Bùi Thạc Chuyên lầm lũi đi nhiều nơi, vận động nhiều nguồn để mong kinh phí được nhiều hơn số tiền mà Hãng phim truyện I cấp.

Anh, với một "lý lịch điện ảnh không tồi", một giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes, một giải Cánh diều vàng, những bộ phim đã làm có sức thuyết phục, kể cả phim truyền hình như "12A và 4H" bao nhiêu năm vẫn còn dư âm xôn xao, nhưng xin kinh phí cũng chẳng dễ dàng gì. Đi kêu gọi tài trợ bao giờ cũng là câu chuyện nặng đầu với người nghệ sỹ.

Câu chuyện tiền bạc với điện ảnh Việt Nam là câu chuyện có phần bất nhẫn. Bởi cách nhìn của mỗi người khác nhau. Và cũng bởi có những đạo diễn đã "làm tiền" từ những dự án phim èo uột nhiều năm qua của điện ảnh. Thế nên người nói số tiền tỷ mà đoàn phim "Chơi vơi" nhận được là dư sức làm một bộ phim không có nhiều ngoại cảnh và bối cảnh lớn.

Người thì nói, với số tiền bèo bọt ấy, chắc chắn sẽ là một bộ phim tùng tiệm mà thôi, phim không có triệu đô thì khó lòng khá được. Chỉ có Bùi Thạc Chuyên tự mình bước chậm chạp, đi qua từng thách thức, để rồi 59 ngày quay đã xong, giờ đang làm hậu kỳ và sẽ được in tráng tại Thái Lan, phía Thiên Ngân cũng đã lên kế hoạch phát hành.

Nghĩa là Bùi Thạc Chuyên đã đi được tới 2/3 chặng đường dài. Còn khi cầm kịch bản, ngoài một chữ "thích", Chuyên chưa có gì trong tay. Thích là làm. Lâu cũng được. Tỉ mẩn tối đa. Chi tiết đẽo gọt. Phải làm ra một bộ phim đẹp. Một bộ phim không giống "Cuốc xe đêm", không giống "Sống trong sợ hãi" của chính mình. Và đến giờ thì Bùi Thạc Chuyên chắc chắn, "Chơi vơi" sẽ có những thước phim được quay đẹp mà không thua kém bất cứ một bộ phim nào của quốc tế.

2. Sự xuất hiện của Phạm Linh Đan và Đỗ Hải Yến trong "Chơi vơi" cũng được xem như nhiều phần may mắn. Có người nói, nếu Bùi Thạc Chuyên làm phim khi vợ chồng Hải Yến còn cơm lành, canh ngọt thì chắc chắn không bao giờ có được cô Phượng của "Người Mỹ trầm lặng" vào vai Duyên.

Vì những lý do cá nhân nào đó. Hoặc là vì khi ấy Yến có người quản lý là chồng mình, mà chồng cô thì không muốn đối thoại với Bùi Thạc Chuyên, không muốn cô đóng phim của anh mà chỉ đóng phim của chồng. Khi Yến đang quá lâu không có phim mới để đóng, chuyện hôn nhân vừa mới sóng gió bộn bề, cô đến với "Chơi vơi" vừa tình cờ, nhưng cũng lại vừa như một sự "giải thoát".

Còn Phạm Linh Đan mới càng xa tầm với. Một ngôi sao tầm cỡ quốc tế với mức cát sê 3.000 euro một ngày. Vai của cô sẽ quay khoảng hơn 20 ngày. Chưa từng có diễn viên Việt Nam nào nhận được 60 triệu đồng tiền Việt Nam cho một vai chính trong phim nhựa, chứ chưa nói đến hơn 60.000 euro.

Nhưng đó là cái giá của Linh Đan trên thị trường điện ảnh nước ngoài. Linh Đan nhận được kịch bản từ một người bạn của Bùi Thạc Chuyên. Và cô đặc biệt thích vai Cầm, cô cũng muốn làm điều gì đó với điện ảnh Việt Nam. Và mối nhân duyên bắt đầu như thế. Cô chấp nhận phá lệ với mức cát sê khiêm tốn hơn cái giá của mình rất nhiều lần.

Và về Việt Nam, tập thoại cho chuẩn giọng Hà Nội, bắt đầu nhập cuộc cho một bộ phim mới. Bùi Thạc Chuyên nói về Linh Đan trong một sự biết ơn: "Linh Đan có một thái độ làm việc chuyên nghiệp đến mức tôi không dám phàn nàn bất cứ điều gì. Và quay đến những ngày cuối của "Chơi vơi", cô ấy chợt nhận ra tiền của đoàn phim đã cạn. Và chúng tôi đã làm phim trong sự eo hẹp đến không ngờ.

Linh Đan nói, cô gửi lại toàn bộ cát sê của mình cho đoàn phim, để khi nào phim có lãi cô sẽ nhận lại. Rất nhiều diễn viên đã tặng lại một phần cát sê. Tôi làm bộ phim này trong sự cảm động nhiều ngày. Bởi dường như tất cả mọi người đã vì bộ phim mà hy sinh, hy sinh cả những đồng tiền bé mọn mà mình vất vả làm việc. Nếu "Chơi vơi" thành công, thì tôi nghĩ nó là sự đồng cảm trong hy sinh đủ lớn, để tạo nên một tác phẩm thực sự".  Linh Đan - Hải Yến - Jonny Trí Nguyễn, quả là bộ ba điện ảnh khá tiêu biểu.

Bùi Thạc Chuyên nói, bộ phim của anh chắc chắn sẽ không hút khách như "Giải cứu thần chết" của Nguyễn Quang Dũng, nó cũng sẽ "thách đố" những khán giả quen xem phim Mỹ, hành động kịch tính liên tục, phim 3 phút không có thay đổi là bỏ về.

Thế nên, anh cần những diễn viên thực sự tự tin. Và khuôn mặt thực sự ciné. Chính vì thế mà Đỗ Hải Yến đã được chọn, dù cô đã quá tuổi để vào vai Duyên. Cô có sự tự tin và sự chuyên nghiệp cần thiết để Duyên thực sự thuyết phục.

Bùi Thạc Chuyên đã "căn ke" đến những yếu tố nhỏ nhất trong tạo hình nhân vật, để đây sẽ là một bộ phim đặt nặng mỹ cảm và sẽ "áp đặt" người xem quan niệm thẩm mỹ của nhà làm phim.--PageBreak--

3. Trước thềm Cánh diều vàng, có tin đồn Bùi Thạc Chuyên trốn… dư luận, phim làm xong rồi mà không chịu nộp vì sợ đụng với "Trăng nơi đáy giếng" của Nguyễn Vinh Sơn, cố để dành dự giải quốc tế trước, và được giải quốc tế trước thì giải diều vàng sẽ chắc chắn nhiều hơn. Nhưng đến giờ thì quả tình là phim chưa xong thật. Và những điều ấy nằm ngoài mọi toan tính của anh.

Bùi Thạc Chuyên nói, phải đặt hy vọng vào thế hệ trẻ, còn thế hệ anh đã già và đã muộn mất rồi. Khi anh đã ngoài 40, đam mê thì còn, kinh nghiệm đã có, nhưng sự hết mình và dám liều lĩnh thách thức những cái mới sẽ giảm đi nhiều lắm. Và còn bộn bề cơm áo, ai cũng cần cho người thân một chữ yên.

Vậy là điện ảnh sẽ chênh vênh, những dự án phim ảnh lửng lơ. Anh cũng không đặt hy vọng vào những đạo diễn mới tốt nghiệp trường điện ảnh, những người bị truyền hình và quảng cáo nghiền nát mọi khát vọng, chỉ còn cuộc đua mưu sinh. Ấy là thế hệ mất phương hướng và không có được tham vọng dài hơi cho bộ phim nghiêm túc của đời mình. "Dự án của chúng tôi tài trợ 10 tháng 10 phim ngắn mà chọn không nổi kịch bản hay, chọn rồi thì rất nhiều em làm cho có, được chăng hay chớ. Cái khát vọng làm một bộ phim tử tế đã không còn trong họ nữa. Họ không hy vọng gì từ điện ảnh. Thật đáng buồn!".

Bùi Thạc Chuyên đặt hy vọng nhen nhóm vào lớp trẻ măng, thế hệ các em học sinh trong dự án "Chúng ta làm phim", hy vọng mỗi dự án sẽ có vài em xuất sắc. Dự án ấy mang ý nghĩa xã hội lớn, để các em biết cách làm phim, hay chí ít, các em biết cách xem một bộ phim, để nâng cao thẩm mỹ của khán giả, thay vì một thế hệ khán giả quen với những gì qua quýt, nhanh gọn, khóc nhanh mà cười cũng thật là nhanh… "Có những người quản lý nhìn điện ảnh như một thứ "bỏ thì thương, vương thì tội".

Đó chính là điều đau xót nhất. Tôi muốn lễ trao giải Cánh diều vàng phải có những quan chức cao cấp tới dự và trao giải, như một sự công nhận lớn lao. Còn bây giờ, tôi thấy tủi. Nhưng điện ảnh Việt Nam đang như thế. Và trách nhiệm thuộc về các nhà làm phim" - nói về điện ảnh, Bùi Thạc Chuyên hăng máu, nói miệt mài không chán. Nhưng cũng trĩu buồn.

Đến tận lúc này, gặp nhiều người trong giới điện ảnh, dường như những người tâm huyết, dù thành công hay không thành công, cũng giống Bùi Thạc Chuyên, cũng trĩu buồn. Như một người bị tình phụ. Mà không thể dừng lại. Phim ảnh quả là mang sức ma mị đầy ải khôn cùng.

4. Tôi đã từng ngồi cùng Bùi Thạc Chuyên vào một buổi chiều muộn trong khuôn viên nhà thờ Tin Lành ở Hà Nội để nói chuyện về gia đình anh. Khi ấy, anh thật lúng túng và cảm giác như muốn… bỏ trốn.

Người đàn ông nào cũng vậy, ngần ngại khi nói về gia đình. Dù gia đình ấy rất nổi tiếng. Như bố anh, nhà văn Bùi Bình Thi, người giúp anh thừa hưởng gien chữ nghĩa, viết thành công truyện ngắn được giải của Báo Văn nghệ. Như vợ anh, nghệ sỹ Tú Oanh của Nhà hát Tuổi trẻ. Họ là những người quen mặt với công chúng.

Vậy mà Bùi Thạc Chuyên vẫn ngại. Bùi Thạc Chuyên chỉ thích nói về hai đứa con của mình. Tôi đùa với anh rằng, chắc chắn hai con anh sẽ chẳng xem "Chơi vơi" vào thời điểm bây giờ. Nhưng mười năm nữa, chúng sẽ lên mạng download (tải) về, xem và chia sẻ với bạn bè. Trong sự sẻ chia ấy có một câu rất oách: "Phim này bố tôi làm đấy!".

5. "Chơi vơi" sẽ là một Hà Nội xanh nhức mắt và phập phồng những cơn mưa. Một Hà Nội rêu ướt nhiệt đới. Và một cuộc khám phá thế giới cảm xúc của con người. Đó là một hình dung rất rõ rệt khi ta đọc xong kịch bản.

Còn Bùi Thạc Chuyên đã thốt lên một chữ "tuyệt" khi nói về những thước phim của Lý Thái Dũng. Nói về ai trong đoàn phim, Bùi Thạc Chuyên cũng có vẻ… rưng rưng. Như thế đủ biết, anh vẫn còn đi trong "Chơi vơi". Và cuộc hành trình 6 năm vẫn chưa hề dừng lại...

.
.