Người đàn bà ngồi đan

Thứ Năm, 11/03/2010, 10:21
Ý Nhi là nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ. Chị đã được giải thưởng thơ do tuần báo Văn nghệ tổ chức năm 1969. Nhưng chị nổi tiếng từ năm 1985 với tập thơ Người đàn bà ngồi đan, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Hồi đó, tôi giật mình đọc câu thơ của Ý Nhi: Tôi là người đàn bà bốn mươi tuổi. Ý Nhi đã bốn mươi tuổi! Mới ngày nào đó, ở vùng quê Quế Sơn (Quảng Nam), chị còn là đứa bé suốt ngày này sang ngày khác bưng rổ bánh đi bán rao để giúp mẹ. Nhưng cô bé này còn xấu hổ, không dám rao một cách thành thạo, bèn chui vào trốn trong bụi cây, đợi chiều tối, bê nguyên rổ bánh về cho mẹ.

Ý Nhi vốn rụt rè. Hồi học ở trường học sinh miền Nam tập kết tại Hải Phòng, chị đã làm thơ. Nhưng làm thơ để thỏa mãn tình cảm của mình vậy thôi, không dám gửi cho báo nào. Mấy người bạn thân giục chị gửi đăng báo. Chị đành gửi bài Tặng anh Titov. Hồi đó, các tòa soạn báo rất chu đáo với cộng tác viên, về tận nơi động viên chị. Ít lâu sau, bài thơ được đăng báo Tiền phong. Chị vui mừng và tự tin viết tiếp. Tên tuổi chị dần dần quen thuộc với bạn đọc và trở thành một trong những nữ thi sĩ thời kháng chiến chống Mỹ.

Tuy tác giả Ý Nhi xuất hiện chậm hơn những Thúy Bắc, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ… nhưng đã có giọng thơ riêng. Người đọc lần lượt được đọc đều đặn các tập của chị: Trái tim nỗi nhớ (in chung), Đến với dòng sông, Lời ru của mẹ (in chung), Cây trong phố chờ trăng, Người đàn bà ngồi đan, Ngày thường, Mưa tuyết, Gương mặt, Vườn…

Hai yếu tố quan trọng của thơ là sự và tình. Phải dùng sự việc làm cái đinh để trao bức tranh tâm hồn của tác giả. Trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước, thơ ca thường nghiêng về sự hơn là về tình. Chất thực tế đời sống tràn vào thơ, kể lể hết việc này đến việc kia. Có bài thơ như những bài ký bằng văn vần.

Thơ Ý Nhi giàu cảm xúc, sức sống nội tâm mạnh mẽ. Như những giọt nắng trên mặt hồ yên lặng, làm run rẩy những cảm xúc ấm áp. Như những giọt mưa trên mặt ao, làm run rẩy những cảm xúc lạnh lẽo. Cảm xúc tràn trên những câu thơ, che lấp chi tiết của đời sống. Viết về ký ức khi trở về miền Trung du, ta ít thấy đồi, ít thấy cây, mà chỉ gặp một chút gì yên tĩnh/ một chút gì chở che thương mến/ trong nắng nôi bão gió của đời mình (Trung du). Trở về thăm trường học cũ ở Thái Nguyên, chị không miêu tả ngổn ngang kỷ niệm mà chỉ bộc lộ nội tâm của người đàn bà ở tuổi bốn mươi/ Cam chịu và cuồng nộ, mong mỏi và buồn nản (Về Thái Nguyên). Viết về thanh niên xung phong, mà không hề ồn ào bom đạn, xe cộ, cuốc xẻng, mà chỉ gặp con đường cũ bây giờ tôi qua/ Vẫn mùa hạ vô cùng dữ dội/ Trời xanh quá xui lòng bối rối/ Hay nỗi buồn vì con đường vắng em (Kỷ niệm về những cô thanh niên xung phong)…

Chị tự khai thác tâm hồn mình đến từng mạch từng vỉa quặng. Đã nhiều người viết về mẹ, nhưng đây là những ý tưởng độc đáo. Đời mẹ như bến vắng trên sông/ nơi đón nhận những con thuyền tránh gió/ như cây tự quên mình trong quả/ quả chín rồi ai dễ nhớ ơn cây (Kính gửi mẹ). Đứng trước thiên nhiên kỳ diệu, chị khai thác đến tận cùng mạch cảm xúc của mình: Chiều lắng mình như cát dưới lòng sông/ nước vẫn chảy không yên về phía biển/ như mạch quặng nằm sâu trong đáy giếng/ ánh mặt trời, tiếng gió đã đi qua/ như yêu thương chắt lọc lại bài ca/ như hạt muối mặn mòi sau nghìn cơn sóng vỗ (Chiều)...

Tập Người đàn bà ngồi đan khẳng định phong cách thơ Ý Nhi. Nhưng sau khi Hội Nhà văn công bố giải thưởng, một bạn thơ nói: "Tập thơ này ít thực tế đời sống". Xuân Quỳnh, Ủy viên Hội đồng thơ, liền trả lời: "Ông xem thơ Đường đấy, có bê thực tế đời sống vào đâu, mà người ta cũng tán thưởng đến hàng ngàn năm".

Có lần, Ý Nhi phát biểu: "Thơ cần lý trí". Một số người phản đối: Thơ cần đến tình cảm hơn là lý trí. Thật ra, cái lý trí mà Ý Nhi muốn nói phải được nhào nặn trong tình cảm. Chị luôn luôn chú ý đến sự cân bằng trong cuộc sống: Cân bằng/ Cân bằng/ hãy lưu tâm đến sự cân bằng (Gửi con nhân sinh nhật lần thứ 20). Chị làm riêng một bài thơ hai câu cho Con: Con - sự cân bằng/ trên sợi dây hạnh phúc cheo leo...--PageBreak--

Từ cái ý chủ đạo đó, chị phát triển trong nhiều bài thơ với nhiều cảm hứng đa dạng khi va chạm với những hiện tượng bình thường. Chị tỉnh táo luôn luôn được cân bằng suy nghĩ của mình trên hai cực của trạng thái tâm thần. Thấy con họa mi chết, chị cảm thấy mất đi cùng tiếng hót của nó/ một ít niềm vui một ít nỗi buồn (Chuyện ở vườn). Nhìn chiếc bình sứ lộng lẫy trong tủ kính sáng đèn mà xót xa nghĩ đến lúc chiếc bình sứ âm thầm rạn vỡ. Đọc một bài thơ hay trên báo, chợt lại thấy trang báo bị xé/ buồn tủi/ hân hoan/ bay những cánh bướm cuối ngày hè (Nguyện ước). Nhiều nhà thơ đã bày tỏ cảm hứng của mình trước bóng đá, nhưng với Ý Nhi, thật là độc đáo: Chào nhé/ quả bóng thân yêu/ người từng lăn trước ta như trái táo dẫn đường trong chuyện thần tiên/ Chào nhé/ vuông đất thân yêu/ đã bao lần ngươi như lửa bỏng/ đã bao lần ngươi như nước lạnh/ Chào nhé/ khung thành/ đã bao lần ta cùng kiệt trước người/ đã bao lần ta bừng sáng trước người (Trận đấu giã từ của Olex Blokhin).

Đối với chị, dường như không có niềm vui nào trọn vẹn, không có nỗi buồn nào trọn vẹn. Niềm vui đến thì nỗi buồn đang chờ đợi. Cơn bão đến thì đang ào ào đến một cơn bão dữ hơn. Lòng tưởng vừa đi qua/ nỗi đau ghê gớm nhất/ nào biết đâu buồn thương/ còn chờ ta trước mặt (Thơ tặng cháu). Trong tâm hồn chị, luôn luôn tồn tại hai trạng thái đối lập: nắng và mưa, vui sướng và buồn khổ, hân hoan và thương đau... Nội tâm luôn luôn giằng xé. Đang bình yên giữa ngày thường, chị ao ước nghe tiếng gõ bất thường sau cánh cửa. Nghe tin buồn về một người bạn qua đời, chị thảng thốt kêu lên: sao ta cứ luôn phải mất đi những người tốt nhất (Hà Nội tháng 6/1987). Cuộc đời chị như một dòng sông không bao giờ yên chảy về biển cả.

Các nhà tâm lý học cho rằng, tính cách của con người 70% là do di truyền, 30% là do giáo dục. Ý Nhi cũng vậy. Thời sinh viên, chị làm Bí thư Đoàn và là đội viên Đội Thanh niên cờ đỏ, rất nghiêm túc. Chị đôn đốc đoàn viên thực hiện giờ giấc đâu vào đấy: Giờ nào thì tập thể dục, giờ nào thì làm vệ sinh, giờ nào thì học tập cá nhân… Khi đã trưởng thành, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chị tự rèn luyện mình phải xứng đáng với tư cách một hội viên, chị hành động quyết liệt khi đã được nhận thức, có thể có người cho chị quá cứng rắn. Có lần nhận được tiền tài trợ sáng tác của Hội Nhà văn, chị mạnh dạn trả lại với lý do: Nên chuyển số tiền ấy cho đồng bào miền Trung bị bão lụt. Đến tuổi nghỉ hưu, chị viết đơn xin nghỉ chức vụ chi nhánh trưởng phía Nam của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, "Tôi cũng sẽ không sinh hoạt trong Hội Nhà văn Việt Nam mà sẽ dành hết thì giờ cho những công việc của riêng mình (…). Thơ là công việc hoàn toàn mang tính cá nhân nên không có gì thay đổi sau khi tôi đã nghỉ các công việc có tính xã hội" (Báo Thanh niên số 34 (2254) thứ bảy 23/2/2002). Chị viết đơn xin ra Hội có lẽ vì một lý do tế nhị nào đó, Ban chấp hành Hội không thông báo chị ra Hội như một số trường hợp khác. Cho nên anh chị em hội viên thành phố Hồ Chí Minh vẫn tưởng chị là hội viên, bầu chị là đại biểu đi dự Đại hội khóa 7 của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều người giục chị đi dự Đại hội cho vui. Chị khăng khăng từ chối với lý do đơn giản: "Tôi đã ra Hội rồi".

Phờlôbe nói: "Gia đình là nơi ẩn náu an toàn nhất để chống với mọi tai ương của số phận". Cuộc đời của Ý Nhi đã từng trải nghiệm và cọ xát qua hai cuộc chiến tranh. Cuối cùng, trở về với tổ ấm gia đình: Em đã đợi chờ anh suốt cuộc đời mình/ Như đá xám chờ tay người tạc tượng/ Sông khô cạn chờ mùa mưa lớn/ Cây giữa rừng đợi ánh mặt trời lên (Tìm về Chiêm Hóa). Chăm sóc chồng con. Chị làm tròn phận sự của một người vợ, người mẹ. Nuôi chồng ốm yếu. Bày dạy con cái… Tính cách chị vẫn quán xuyến quả quyết như thuở ban đầu. Tuổi trẻ, chị luôn luôn chủ động trong mọi tình huống. Bây giờ đã luống tuổi, chị vẫn vậy. Giữa phố xá ồn ào, chị vẫn tạo cho mình một môi trường tĩnh lặng: Những con đường hàng cây những dòng người xe cộ/ Nào có gì không nhắc nhớ về anh (Tháng ba). Giáo sư Nguyễn Lộc đã đem đến cho chị sự say mê trong những trang Kiều từ thuở sinh viên. Bây giờ chị vẫn giữ trọn niềm thủy chung.

Đọc thơ chị, ta hình dung một người đàn bà đứng tuổi, nền nã, giữa chiều lạnh, ngồi đan bên cửa sổ? Dưới chân chị cuộn len như quả cầu xanh/ Đang lăn những vòng chậm rãi. Nhưng đáng quý hơn, trong sự yên ả kia, vẫn cồn cào bao nhiêu suy nghĩ: Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay lo âu (Người đàn bà ngồi đan)

Võ Văn Trực
.
.