Người đàn bà không có tên

Thứ Năm, 25/09/2008, 15:30
Người đàn bà ấy tự vẽ chân dung của mình bằng 4 câu thơ buồn da diết chị thốt viết trong một khoảnh khắc nào đó của đời mình, trong một thoáng chốc chợt nhận ra ở phía cuối con đường, trong hành trình vật vã đến kiệt cùng đi kiếm tìm hạnh phúc để đặt tên cho cuộc sống mà chị đang sống, niềm tin trở nên xa mờ, lay lắt.

Tôi cứ nghĩ, khoảnh khắc ấy, chị cô đơn biết bao, có thể trong một ngày không nắng, khi mà bầu trời không khoác áo Thiên Thanh như tên của chị, và màu nắng không rọi xuống nhân gian, không sưởi ấm đến nơi chị đang ngồi một mình lẻ bóng. Chị chới với trong cóng lạnh khi tìm không có tên mình để gọi trên đời.

Ở nơi này không có nắng
Nên sắc trời chẳng thể xanh
Ở nơi này không có anh
Em chẳng có tên để gọi.

Chị đã đúng - người đàn bà chân thật với mình đến kiệt cùng. Không có tình yêu, người phụ nữ không còn là người phụ nữ. Không có người đàn ông, người đàn bà không còn là đàn bà, cô đơn, trơ trọi và vô nghĩa trên cõi đời biết bao. Không có tình yêu đích thực của một người đàn ông như mong ước, người phụ nữ lạnh lẽo, khô héo và không còn sức sống.

Người phụ nữ lúc đó chỉ còn như cây khô, lặng lẽ tàn lụi bên đời. Chị cũng chỉ là một người phụ nữ, một người đàn bà cần hơn hết mọi thứ những gì mà một người đàn bà có chứ không phải bất kỳ thứ gì hư vinh hão huyền khác.

Đó chính là chị, người nghệ sỹ nhiếp ảnh đa đoan Lương Thiên Thanh, là nhân vật trong bức ảnh nuy "hoa hồng có gai" do nữ tác giả Tuyết Minh chụp năm 1995 gây được tiếng vang trong giới nhiếp ảnh bởi vẻ đẹp rực rỡ, tròn trặn, viên mãn và đầy sức sống của một người phụ nữ. Không một ai ngờ rằng, nhân vật trong bức ảnh nuy hoàn hảo kia lại là cơ thể của một người đàn bà tròn 38 tuổi, đã hai lần làm mẹ.

Tôi mang theo nỗi ám ảnh về vẻ đẹp ấy đến gặp chị. Người đàn bà giờ đây bước qua vẻ đẹp ấy tới 13 năm. Thời gian và những nỗi buồn, cả những thất vọng đâu đó của cuộc đời đã làm đứt gãy vẻ đẹp hoàn bích khi xưa một cách xa xót.

Chị kể cho tôi nghe về những thăng trầm của đời mình, về những khát vọng giúp chị ngạo nghễ sống và vượt qua những gian truân, thậm chí qua cả những thất vọng nghiệt ngã nhất mà chị trót tôn thờ và tìm kiếm trong hành trình đơn độc của đời mình. Sinh ra trong thời tao loạn, chị thành người ba chốn bốn quê.

Quê cha đất tổ ở Nam Định, chị được sinh ra ở Phú Thọ và lớn lên trưởng thành ở thị xã Hoà Bình. Lẽ ra, cuộc đời của một thiếu nữ, một cô giáo dạy văn cấp hai ở thị xã Hoà Bình chị biết đủ và bằng lòng với hạnh phúc bình dị với một gia đình bé nhỏ với người chồng có bằng cấp, học hành tử tế và hai cậu con trai xinh xắn.

Nhưng tạo hoá thật trớ trêu khi rất ít ban cho hai chữ bình yên trong tâm hồn của những người đàn bà đẹp và thông minh, những người đàn bà có một cơ thể hoàn hảo và một tâm hồn lãng mạn nhạy cảm.

Có phải vì thế mà hầu như đàn bà đẹp và giỏi giang, đường đời thường đa đoan trắc trở. Tất nhiên, hạnh phúc hay bất hạnh, trắc trở hay bình yên là do chính con người tạo nên. Tính cách tạo nên số phận, bởi vậy chị chấp nhận tất cả những gì mình lựa chọn và bước đi trong đời riêng của mình mà không ngoái lại, hay hối tiếc.

Người thiếu nữ lãng mạn, mê đắm những thiên truyện ngắn thấm đẫm chất thơ của Pautopxki, Aimatop, yêu thơ, thích làm thơ và có những bài thơ cho riêng mình, chị đã sống bằng những xúc cảm thủy tinh, trong vắt mà dễ vỡ, lãng mạn mà dễ tan biến.

Những đổ vỡ trong cuộc sống thực tế của một tâm hồn quá lãng mạn và nhạy cảm là tất yếu. Không ai có lỗi, khi chị nhận ra rằng, trong cuộc hôn nhân mà chị vừa bước vào, chị không phải là người đàn bà sinh ra để dành cho chồng của chị.

Sự khác biệt nhau về tính cách, tâm hồn, ý nghĩ đã không làm cho chị thuộc về anh ấy, cho dù chồng chị là một người đàn ông tốt. Đôi khi trong chuyện tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà, lòng tốt không phải là tất cả.

Chị đã bước ra, khước từ hai thứ quan trọng nhất trong cuộc đời chị, cả hai thứ mà chị cảm thấy chị không đủ tình yêu, lòng đam mê nhiệt huyết và sự bình yên để thuộc về nó. Đó là công việc của một cô giáo dạy văn cấp hai ở thị xã miền núi, và một người chồng tốt.

Chị rời thị xã Hoà Bình, bỏ lại khoảnh trời bình yên nơi miền sơn cước để xuôi về Hà Nội tìm cho mình một cuộc sống đích thực. Một cuộc sống đầy xúc cảm, thứ mà chị luôn khao khát,  cho dù đã có biết bao người trước chị, sau chị đã ngoái lại quá khứ đời mình để tự hỏi xúc cảm đích thực có phải là thứ xa xỉ nhất có tồn tại thật sự hay không.

Người đàn bà tôn thờ vẻ đẹp của sự chân thật ấy đã luôn nung nấu một khát vọng được là chính mình trong cuộc sống, được là người đàn bà vắt kiệt cùng cho tình yêu.

Dù sự thật có nhuốm màu nghiệt ngã và xấu xí đến bao nhiêu thì chị cũng yêu nó, cũng tìm thấy vẻ đẹp đau buốt của nó đằng sau tất cả những thứ sần sùi xù xì kia, còn hơn phải chịu một sự giả dối khác. Chị bươn bả ra đi khỏi những ràng buộc và hệ lụy ghê gớm nhất của đời một người phụ nữ khi tròn 36 tuổi, đã có hai đứa con trai. Và chị ra đi.

Hà Nội không rộng, không nhiều chỗ để bám víu nhưng cũng đủ hé cho chị một chỗ nhỏ nhoi để đặt hai bàn chân. Chị đã đặt hai bàn chân của mình lên một chỗ nhỏ nhoi của Hà Nội từ ngày đấy cho đến bây giờ.

Và lúc này đây, ngồi trong căn hộ nhỏ thì tôi vẫn nguyên cảm giác chị mãi vẫn chỉ đặt được hai bàn chân nhỏ bé của mình ở Hà Nội này để vật lộn với cuộc mưu sinh nhọc nhằn, mà trên vai chị là gánh nặng cơm áo, học hành, sự nghiệp tương lai của 3 đứa con, của để dành quý giá nhất của đời chị.

Bản lĩnh ghê gớm, chị đã hoà nhập vào đời sống Thủ đô sôi động bằng tất cả những cố gắng đến kiệt cùng. Phải sống, và sống đàng hoàng, kiếm tiền từ hai bàn tay, sức lao động là trăn trở lớn nhất trong chị, dù có vất vả, bầm dập với cuộc mưu sinh. Rồi chị cũng tìm được một chỗ nhỏ nhoi để mở một hiệu ảnh ở Thanh Xuân Bắc.--PageBreak--

Từ đó, cái tên Lương Thiên Thanh được dân ảnh Hà Nội biết tới bởi những nỗ lực của chị trong nghề nghiệp. Sự tận tụy với cái đẹp đã nhanh chóng cho chị những khách hàng tốt. Chị đã có thể sống được từ nghề ảnh, nuôi được các con cũng từ nghề ảnh, và đến với nghệ thuật nhiếp ảnh cũng từ công việc này.

Chị tham gia duy nhất một cuộc thi ảnh nghệ thuật Phụ nữ Việt Nam năm 2000. Tham gia đúng một lần, chị giành được 4 giải trong cuộc thi ấy trong đó có một giải đặc biệt về hình ảnh người phụ nữ trong những công việc thường dành cho nam giới. Chị quan niệm ảnh đẹp trước hết phải thật, phải là chính mình.

Sự thật mới làm nên những hồn vía ám ảnh của bức ảnh. Chị thành công ở thể loại chân dung, khắc họa số phận, thân phận của con người trong cuộc sống lao động thường ngày.

Nhưng hơn ai hết, người đàn bà dám sống và dám trả giá, biết chấp nhận như chị hiểu rằng, nghệ thuật là phù hoa, và con đường đến với nghệ thuật cũng mong manh như vốn thế. Chị không đi tìm cái phù hoa, không sống chết với những hư ảo. Chị là người đàn bà, với những bản năng đàn bà mạnh mẽ và hoang dại nhất. Chị đã sống hết mình mà không hối tiếc.

Người đàn bà đẹp, tính cách sắc sảo, có phần đáo để, đã giúp chị ngạo nghễ vượt qua tất cả những chông gai trong cuộc sống một mình. Nhưng tôi biết, đằng sau lớp vỏ xù xì gai góc, đằng sau sự lạnh lùng dữ dội ấy là một người đàn bà yếu mềm và dễ gục ngã.

Đã yêu là mù quáng, là dại dột, là sợ hãi. Người đàn bà tưởng mình mạnh mẽ, tỉnh táo là chị đã gục ngã bởi một tình yêu. Chị có con gái thứ ba, và là cô con gái duy nhất với một mối tình. Những đắng đót của mối tình si, của những ảo tưởng và đổ vỡ đã không làm đau chị nhiều hơn bởi hạnh phúc mà con gái chị mang lại. Con gái đã bù đắp cho mẹ những nát tan trong xúc cảm mà chị vô vọng tìm kiếm và tôn thờ.

Trái tim không thể không yêu thương, cho dù trả giá cho yêu thương là những bầm dập thương tổn. Viết cho mối tình đau khổ sau cuộc hôn nhân, chị có những câu thơ trong lành đến tội nghiệp: "Khi anh trở về với em/ Mùa xuân còn chưa qua hết/ Mưa thưa làm gió ẩm ướt/ Và mây vào hạ đang trôi/ Khi anh trở về với em/ Đường vào chùa đầy lộc biếc/ Trong khói hương em nguyện cầu/ Cho mình bên nhau dài lâu/ Khi anh trở về với em/ Mặt hồ đâu còn phẳng lặng/ Lao xao con sóng xô bờ/ Mưa bụi ướt mềm câu thơ/ Khi anh trở về với em/ Nồng nàn mùa xuân mời gọi/ Đắm say mắt người đón đợi/ Anh về mùa xuân chưa qua/ Khi anh trở về với em/ Là khi mùa xuân ở lại/ Em biết tình yêu mãi mãi/ Vẹn nguyên trong trái tim mình".

Tình yêu mang đến cho con người những vẻ đẹp thủy tinh, kèm với hạnh phúc ngắn ngủi. Những kẻ nào tôn thờ tình yêu, tôn thờ cảm xúc sẽ phải trả giá đến tận cùng. Chị nói vậy và cười, giờ đây mỗi khi nghĩ lại cái ngày người đàn bà đã 39 tuổi là chị một mình thuê xe ôm vào viện trong cơn vượt cạn lần thứ 3. Một mình chống chọi và vượt qua tất cả. Không có đổ vỡ nào đau đớn hơn đổ vỡ niềm tin, và thất vọng bởi chính mình.

Làm nghề ảnh được 10 năm, cái chốn nhỏ nhoi để chị mở cửa hàng đã thuộc về người khác trong thời gian chị sinh nở và nuôi con một mình. Hà Nội đông đúc và chật chội bởi miếng cơm manh áo.

Cuối cùng chị mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh quần áo thời trang cho trẻ em. Vốn có gu thẩm mỹ, công việc kinh doanh thời trang của chị phát đạt, đủ cho chị kiếm tiền nuôi con, mua một ngôi nhà cho mấy mẹ con và  sống tiếp bằng cửa hàng nhỏ thêm 10 năm nữa.

Nhưng bây giờ cả cái cửa hàng thời trang đó cũng không còn, ngôi nhà chị đã bán vì các con, vì dồn tiền cho các con đi du học. Con cái là sự nghiệp của cha mẹ, bởi vậy chị dồn tất cả cho con, mong cho con có một sự đổi thay vững chãi và bền lâu từ những kinh nghiệm của cuộc đời bươn chải mà chị đã trải.

Thật may, chồng cũ của chị, bố các con trai chị đã lặng lẽ đỡ đần cùng chị cho tương lai của các con. Chị biết, anh mãi mãi là người đàn ông tốt, người bố tuyệt vời của các con mà chị may mắn có được, cho dù chị đã chối từ.

Dù cho thất vọng, mệt mỏi thì chị không bao giờ hối tiếc cái cách mà chị đã đi đến cuộc sống của mình. Được là chính mình, đó mới là khát vọng thẳm sâu nhất. Chị là vậy, người đàn bà tự gọi rằng mình không có tên trong cuộc đời này

.
.