Người đàn bà đi trong mưa phùn

Thứ Hai, 13/03/2006, 07:52

Mỗi mùa đông về thăm Huế, tôi đều muốn gặp Trần Thùy Mai. Không hẳn vì tôi có ấn tượng đặc biệt với những truyện ngắn nhẹ nhàng, sâu lắng, thực đến phát khóc mà lãng đãng khói sương đất trời xứ Huế của chị, cũng không hẳn vì sự giản dị, đoan trang của chị mà hẳn, như một người bạn tôi vẫn nói, gặp Thùy Mai như gặp một cuộn len giữa mùa đông.

Và cuộn len ấy đang đối diện với tôi. Hình như, tôi đã hiểu ra một điều, để thành một chiếc áo ấm hay những cái khăn quàng cổ thì người đan không là một ai nữa, kể cả số phận cũng bất lực - Trần Thùy Mai tự đan lấy cho mình.

Câu chuyện với Thùy Mai bắt đầu không phải là phong cách truyện ngắn, đề tài, sở trường, các mối quan tâm văn chương vân vân và vân vân, mà là mùa đông xứ Huế. Thùy Mai rất yêu mùa đông. Với Huế, mùa đông đến bằng những trận mưa dầm lê thê, khiến cho dòng sông Hương vốn quen lờ lững, khiến cho cung điện lăng tẩm vốn thâm u lại càng thêm ảm đạm. Sau mưa dầm là lất phất những cơn mưa phùn, những bụi mưa nhè nhẹ, dù không lấy gì làm ấm cúng nhưng ít ra báo hiệu thời tiết hưng hửng lên chút ít. Còn sau đó, tiếp tục điệp khúc mưa dầm hay trời quang mây tạnh lại là chuyện không nói trước. Mùa đông Huế là vậy.

Đất trời ấy, thời tiết ấy dù nhiều người cho rằng đó là nguyên nhân nỗi buồn của Huế nhưng Thùy Mai lại không hề nghĩ thế. Chị cho rằng, nỗi buồn của Huế là nỗi buồn ly tán. Ngày xưa, Huế là một kinh đô, nhộn nhịp và bề thế. "Cả một thời xưa tan tác đổ" của Vương quốc Chăm Pa, còn trơ lại điện Hòn Chén thầm lặng bên làng Hải Các, trông sang bao bể dâu bên kia sông Hương. Mà cái ngôi làng này cũng lạ, chỉ quan hệ với thành thị bằng những sọt rau, sọt hoa quả chở bằng thuyền sang, chứ không bận tâm nhiều đến cơ chế thị trường tấp nập.

Rồi đến thời chúa Nguyễn Phúc Thái, kinh đô dời từ Phú Xuân về làng Kim Long nhưng lòng người thì vẫn hướng về thẳm xa đất Bắc. Một nỗi buồn vẳng lại đến bao đời, sơn son thếp vàng nhưng vẫn là sinh ly tử biệt. Chấm dứt một vương triều, người Huế lại đi, lại ở, kẻ ra Bắc người vào Nam.

Đến Mậu Thân 1968, Huế oằn lên trong cơn bão lửa của lịch sử, lại bao dòng người đi. Người vào Nha Trang, kẻ lên Đà Lạt, kẻ phiêu bạt Sài Gòn. Rồi 10 năm bao cấp nhọc nhằn, nhiều kẻ sĩ đất Huế thấy đất Huế không dung nổi mình và gánh nặng gia đình, lại những đợt khăn gói. Đền đài cung điện chỉ là man mác trong dòng hoài niệm của nỗi nhớ đất thần kinh. Những mối tình nhỏ nhỏ, những phận đời nhỏ nhỏ còn ở lại trong những khắc khoải, càng làm cho "phố năm xưa đã buồn buồn thêm" khi "tôi đã lạc em trong cơn biến động, để tháng năm hai đứa lạnh lùng, để đêm ngày kẻ nhớ người mong" như Châu Kỳ đã viết.

Và Trần Thùy Mai, cô nữ sinh Đồng Khánh năm nào, cô học trò yêu văn và ước mơ viết văn, là người ở lại giữa dòng đời ly tán ấy.

Ở lại để viết văn với Huế, theo cách nhìn khách quan, đó là một thuận lợi. Sống trong một "đô thị thơ", giữa mảnh đất người người làm thơ, viết văn với người viết như Thùy Mai, nhiều người nghĩ như vậy thì còn gì bằng. Nhưng "cuộn len" ấy biết mình sẽ đan gì và đan như thế nào, và đan để thành cái gì trong đất Huế là một chuyện không hề giản đơn.

Đất Huế thơ mộng đấy nhưng lễ giáo vẫn còn nặng nề. Khoảng cách giữa sự trầm mặc và cái bảo thủ rất mong manh. Thành phố Huế nhỏ nhưng dư luận lại lớn. Trong khi người người viết văn người người làm thơ đấy nhưng chưa có một thị trường văn chương năng động cho những người viết văn trong cơ chế thị trường. Nên thôi thì, Trần Thùy Mai cũng như bao nhiêu người cầm bút trên mảnh đất này, cứ thủng thẳng mà viết.

Từ thời học trường Đồng Khánh, Thùy Mai đã viết. Lai rai vài truyện ngắn đăng trên Báo Tuổi hoa của trường phổ thông trung học, rồi đến Báo Sinh viên của Trường Sư phạm Huế, ý tưởng viết văn trong chị chưa thể thắng nổi con đường trở thành một cô giáo dạy văn đang tới đích. Hội Văn nghệ Huế thành lập, quy tụ những gương mặt tiêu biểu như Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm… Trần Thùy Mai thi thoảng được các anh các chị gọi đến hội chơi và được nhìn nhận như một mầm non văn nghệ mặc dù đã ở tuổi ngoài hai mươi. Thời gian này, Thùy Mai được khích lệ viết rất nhiều, chị đã rất tự tin khi các truyện ngắn cứ lần lượt được đăng trên Báo Văn nghệ. Nhưng dù thế nào thì lúc đó, chị vẫn là một cô giáo đi viết văn, chưa định hướng đi của một cái nghiệp. Những truyện ngắn được đăng có hơi thở nhè nhẹ, tinh tế như bao truyện ngắn khác của Huế, cứ viết, cứ in, chị dành tâm sức và thời gian để sưu tầm ca dao, tục ngữ để phong phú thêm vốn viết của mình.

Mà thực ra, nếu viết thế, và nếu hài lòng với đất trời êm êm, nhịp sống chầm chậm của xứ Huế, thì chị cứ việc viết và cứ việc… chìm vào quên lãng. Nhiều đồng nghiệp lấy làm ngạc nhiên, trong 5 năm gần đây, không hiểu vì lý do gì mà Trần Thùy Mai có một sức bật lớn trên văn đàn như vậy. Về phương diện viết khỏe, nhiều nhà văn lấy làm nể phục: 5 tập truyện ngắn dày dặn liên tục được ra mắt: “Quỷ trong trăng”, “Thập tự hoa”, “Biển đời người”, “Đêm tái sinh”, “Mưa đời sau”.

Về phương diện viết sâu, càng về sau văn chị đọc càng đời, càng đầy đủ mặn ngọt đắng cay của những phận đời trong đó. Vẫn những câu văn nhè nhẹ: Tôi dân dấn nước mắt nhìn người ta chặt cây hoàng lan, cành lá vứt bừa bãi trên mặt đất. Ngày xưa, gội đầu xong mẹ tôi thường giấu hoa bối vào tóc cho thơm. Bây giờ người đã đi, hoa cũng không còn… Dù những cái kết được báo trước nhưng người đọc vẫn muốn nếm hết những vị đắng cay, điệu man mác cho đến những dòng cuối cùng.

Tại sao vậy, Thùy Mai?

Chị yêu, và tình yêu là động lực của bút lực. Thùy Mai đã viết bằng tình yêu, một tình yêu nồng nàn ở cái tuổi đáng lý phải hẹn ở kiếp sau. Một tình yêu chịu khá nhiều dư luận, một tình yêu mà khi đó, các con chị cũng chưa hiểu được chị, còn một số người thầm lặng trách cho cái sự chao ôi là dịu hiền. Nhưng, như tôi đã nói, Thùy Mai tự đan cuộn len đời mình thành chiếc khăn, hay là chiếc áo.

Năm 1981, chị lập gia đình, người bạn đời của chị cùng là giáo viên, cùng dạy khoa văn của cùng một trường. Thời gian sau, chồng chị đi học ở Hà Nội, rồi lại đi tu nghiệp ở nước ngoài. Hạnh phúc trong lặng thầm, trong xa cách thì cũng thầm lặng bị tổn thương, bị héo mòn, là chuyện dễ hiểu. Tất cả những thói quen về nhau, cũng dần dần tàn đi, chỉ có thói quen sống xa nhau để rồi xa cách nhau, cứ thế được hình thành, và cứ thế, thói quen gần nhau cứ chới với dần, chẳng ai muốn thì nỗi buồn cũng đến. "Mình đã sống hết lòng trong cuộc sống với chồng. Anh ấy đi vắng bao năm, mình với mẹ chồng sống với nhau như mẹ con. Khi tình cảm đã nhạt, mình không thể sống gượng ép, mặc dù bao năm chung sống, chúng mình chưa từng cãi vã, chưa từng lớn tiếng".

Chia tay rồi, hai vợ chồng vẫn là những người bạn tốt. Lúc đầu các con chị cũng trách mẹ, nhưng càng lớn, các con càng hiểu và thương mẹ hơn. Hai vợ chồng, dù không sống cùng nhau nữa, nhưng vẫn chung tay giáo dục con cái, lo cho con cái đầy đủ cuộc sống vật chất cũng như tinh thần. Các con chị đã trưởng thành, giờ có cháu đã ra trường, có cháu đã đi du học, vẫn ngày ngày nhắn tin cho mẹ, cho ba, các con tự ý thức cuộc sống của mình và tôn trọng đời tư của ba mẹ. Trên các phương tiện truyền thông, Thùy Mai bao giờ cũng đề cao bảo vệ hạnh phúc gia đình. "Dù nói gì thì nói, cuộc sống càng phát triển thì sự ly hôn càng không tránh được. Vấn đề là, mình phải chuẩn bị tinh thần cho con người sống với sự chia ly chứ đừng kỳ thị. Chứ chia tay mà bỏ bê con cái, giành giật tài sản, cha nói xấu mẹ, mẹ nói xấu cha làm tan nát tâm hồn của con cái, đó mới là cái đáng lên án".

Tôi không muốn bàn sâu vào tình yêu ở tuổi ngoại tứ tuần của chị, bởi vì tình yêu không có tội. Tình yêu thúc đẩy cuộc sống đẹp hơn và làm được nhiều việc có ích, tại sao không… Chị đã viết "Thị trấn hoa quỳ vàng", "Quỷ trong trăng", "Thương nhớ Hoàng Lan", "Trăng nơi đáy giếng", "Gió thiên đường"… bằng trái tim của một người đàn bà yêu mãnh liệt. Tôi chỉ muốn nói, tình yêu chỉ là động lực cho bút lực, còn để có những trang văn rất đời, rất Huế lại là một chuyện khác.

Những trang viết của chị chứa đựng những cuộc đời nhỏ nhỏ, có cuộc đời thoáng qua, có cuộc đời gặp một lần rồi hun hút, có cuộc đời về trong những giấc mơ miên viễn… như thể, ta đã gặp họ đâu đó trong bóng dáng cô chèo đò của Thanh Tịnh, hay trong "O Chuột" của nhà văn Tô Hoài, như thể, ta vẫn gặp họ đâu đó trên đường phố Huế. Những nhân vật của chị gần gũi đến độ chị đã gặp không ít những lời qua tiếng lại không hay khi người ta nói chị đang cố tình viết một ai đó ở thành phố Huế. Ví dụ như, nhân vật nhà sư thoát tục trong "Thương nhớ Hoàng Lan", có người cho rằng đó là thầy Phước Điền, hay Tuyết Ng. của "Người bán linh hồn", kẻ lại cho rằng đó là bà B.- chủ của một galery lớn ở thành phố Huế. Rồi sẽ có nhiều người nhận nữa bởi vì, trong lớp bụi mưa phùn thành Huế còn biết bao nhiêu cuộc đời như thế. Nhưng vấn đề không phải nói ai, hay viết về ai, thấp thoáng cuộc đời của ai mà là cái thông điệp đằng sau những cuộc đời ấy là gì.

Huế, một thành phố nhịp độ chậm rãi. Thành phố của cung điện lăng tẩm, mòn phai đi ít nhiều. Thành phố của thành kiến còn nặng, của đa sự và đa nghĩ, của man mác buồn truyền kiếp đã đè lên số phận con người. Bất giác, Thùy Mai hỏi, tại sao người ta không nghĩ tới Huế từng nhộn nhịp kinh đô, từng bến xưa Bao Vinh cảng cũ Thanh Hà đến Đông Ba tấp nập? Những nhân vật của chị cứ vậy, cựa quậy trong những ước mơ, nửa như thoát tục nửa như thoát đời, nhưng mà lại rất đời. Nhưng âm hưởng chung, là thoát khỏi những định kiến, đấu tranh với lễ giáo, bứt phá với đất trời, với số kiếp để bay lên cùng tình yêu khát khao những hạnh phúc dẫu rất mỏng manh.

Đâu đó, một nhà thơ đi xe ôm, sau đó vợ đi biệt xứ với một người đàn ông khác để rồi anh ta hóa điên, tha thẩn trên đường phố và làm thơ còn hay và tỉnh hơn là người tỉnh. Đâu đó, hai kiếp đời lặp lại bên hương hoa hoàng lan, để rồi mà giã từ mùa hương cũ, nhìn lại thành phố với bộn bề hư thực. Thùy Mai ngẫm và ngấm nỗi buồn biệt ly của Huế, những câu văn của chị cũng cứ thế mà man mác, cứ thế mà khát khao… Có người bảo rằng, nếu chọn một giọng văn trẻ tiêu biểu cho mảnh đất này thì anh ta sẽ chọn Trần Thùy Mai.

Ngoài kia, hình như bắt đầu mưa phùn. "Con cái trưởng thành đi xa cả, chị lại có nhiều thời gian hơn để viết?". "Có thời gian để cô đơn thì đúng hơn. Lúc đầu mình nghĩ mình sẽ có nhiều thời gian hơn, nhưng khi cháu thứ hai đi học, 6 tháng mình không viết được chữ nào. Bây giờ, chúng nó cứ thay phiên nhau về thăm mẹ trong 5 tháng, cũng là 5 tháng mình không viết. Con đi rồi, mẹ lại viết, không viết thì cô đơn lắm. Huế buồn thế cơ mà"

Hoàng Nguyên Vũ
.
.