Người cựu Bí thư Tỉnh ủy nặng lòng với Tây Bắc

Chủ Nhật, 27/12/2015, 11:01
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi được cử làm phóng viên thường trú của Báo Nhân dân tại Sơn La thì ông đã giữ cương vị Bí thư tỉnh ủy nhiệm kỳ thứ 2. 


Sâu sát thực tiễn, mạnh dạn đưa ra các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; thương quý đồng bào còn lắm khó khăn nhưng cũng rất nghiêm khắc với những cái xấu, tiêu cực - đó là bản tính của ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ.

Kết thúc hai nhiệm kỳ Bí thư tỉnh uỷ Sơn La, cuối năm 1996, ông Đỗ Văn Ân được Trung ương điều động về làm Trưởng ban Cơ yếu chính phủ trước khi nghỉ hưu. Vốn quen biết ông qua công việc cách đây hơn 20 năm, câu chuyện giữa chúng tôi luôn cởi mở, chân tình. 

Rót chén trà thoang thoảng hương thơm mời khách, ông bảo: “Cậu uống thử xem, đây là giống chè Tà Sùa của bà con người Mông (huyện Bắc Yên) trồng ở độ cao hơn 1.500m so với mặt biển. Hồi tháng 10 vừa rồi, Sơn La tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh, mình lên dự. Trên đường về, tiện thể đánh đường ghé thăm lại Bắc Yên, một trong những huyện vùng cao còn khó khăn nhất của Sơn La và được anh em văn phòng huyện tặng một ít chè này đấy. Màu nước không đẹp như chè Thái Nguyên nhưng càng uống càng thấy đậm đà”...

Từng có 2 nhiệm kì làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, ông Đỗ Văn Ân luôn nặng lòng với đồng bào Tây Bắc.

Buổi sáng cuối năm, tiết trời se lạnh, lại lâu lâu mới gặp nhau nên câu chuyện giữa chúng tôi như những cuốn phim đi từ hiện tại rồi quay về quá khứ. Ông tâm sự: Tôi sinh ra ở một vùng quê chiêm trũng của huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam - nơi một thời người dân thường lưu truyền câu cửa miệng “sống ngâm da, chết ngâm xương”. Bố tôi là một ông đồ nho dạy học trong làng xã, vì gia cảnh nghèo khó nên phiêu bạt lên vùng Tam Dương, Vĩnh Yên sinh sống trước năm 1940. 

Năm 18 tuổi, tôi gia nhập Thanh niên xung phong. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đơn vị thanh niên xung phong của tôi hết đi phục vụ công trường Cánh Diều ở Ninh Bình lại ngược lên Phú Thọ xây dựng công trình thuỷ lợi ở Thanh Ba, rồi chuyển về khai thác đá ở núi Chẹ, Ba Vì để phục vụ xây dựng các tuyến đường lúc bấy giờ. 

Ăn đói, mặc rét, nhà ở chỉ là tranh tre, nứa lá nhưng dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ, trong khí thế lao động Bài ca vỡ đất của nhà thơ Hoàng Trung Thông và niềm tin vào ngày mai tươi sáng trong bài Ta đi tới của Tố Hữu, cứ thôi thúc chúng tôi ngày đêm hăng say làm việc. Ban ngày mỏi nhừ với choòng, búa khai thác đá nhưng buổi tối tôi vẫn tham gia các lớp học bổ túc văn hoá, học đồng nghiệp bạn bè trong thực tế lao động. 

Mấy năm sau tôi được đơn vị kết nạp vào Đảng và từng bước được phân công làm công tác công đoàn. Trải qua các cương vị khác nhau từ công đoàn cơ sở, lên công đoàn tỉnh Hà Sơn Bình trước đây, tôi được tỉnh ủy quyết định luân chuyển làm Bí thư huyện uỷ rồi được bầu làm Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ. 

Năm 1985, sau khi tham gia lớp bồi dưỡng lý luận tại Trường đảng cao cấp của Liên Xô trở về, tôi được Trung ương điều động lên tăng cường cho Sơn La. Thú thực khi cầm tờ quyết định này tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng; song là một đảng viên, tôi đã sắp xếp ổn thỏa việc gia đình, cử người trông coi mẹ già năm ấy đã ngoài tuổi 90, rồi lên đường… 

Ngày tôi lên Sơn La, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu vẫn tự cung, tự cấp, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 60%. Xác định muốn lãnh đạo, chỉ đạo đúng và trúng thì phải hiểu dân, sâu sát thực tiễn địa bàn. Hai, ba năm đầu lên Sơn La, tôi đặt kế hoạch cho mình hàng tháng, hàng quý phải dành thời gian nhất định thâm nhập thực tế. Chưa biết tiếng thì phải học, trước hết là những câu giao tiếp tiếng Thái, tiếng Mông thông thường. Muốn vậy, mình phải dựa vào anh em cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ là người tại chỗ giúp đỡ. Thông qua những chuyến đi cơ sở về các xã vùng cao biên giới, đặc biệt khó khăn của các huyện Sông Mã, Thuận Châu, Bắc Yên, Yên Châu… mình nắm bắt được đời sống kinh tế, văn hoá của đồng bào; học hỏi thêm lời ăn, tiếng nói và các phong tục tập quán của họ. 

Có những chuyến đi về Long Hẹ, Co Mạ (huyện Thuận Châu) hay Sốp Cộp, Sông Mã phải lội bộ cả ngày đường, vượt qua hàng chục con suối. Nhưng đến được bản làng, thấy được cuộc sống của đồng bào quanh năm vẫn phải ăn mèn mén, mùa đông con trẻ áo xống phong phanh, không được đến trường lớp mới cảm nhận rõ nỗi vất vả, khó khăn của đồng bào. Những chuyến đi như thế giúp chúng tôi sâu sát hơn để từ đó có những điều chỉnh trong kế hoạch phát triển kinh tế địa bàn đặc biệt khó khăn, đề xuất với Đảng, Nhà nước có các chính sách phù hợp đối với vùng dân tộc thiểu số.

Thu hoạch chè Tà Sùa.

Hai nhiệm kỳ làm Bí thư tỉnh uỷ Sơn La, có một sự kiện tôi không thể nào quên được đó là đúng ngày kỷ niệm Thương binh liệt sỹ (27-7-1991), sau hai, ba ngày mưa to liên tục, một trận lũ quét đã xảy ra ở thị xã Sơn La. Trận lũ kinh hoàng đã làm hơn 40 người chết, khoảng 100 ngôi nhà bị cuốn trôi, hơn 5.000 ha trồng lúa và hoa màu bị bồi lấp. Trên đường, cùng các cán bộ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đi chỉ đạo phòng chống lũ quét, suýt nữa tôi cũng bị cuốn trôi trong lũ. Cơn “đại hồng thuỷ” năm 1991 chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ nhưng phải mấy năm sau Sơn La mới cơ bản khắc phục được. 

Rồi mùa đông năm 1993, tình trạng truyền đạo trái phép diễn ra phức tạp ở Tây Bắc. Do sự xúi bẩy của kẻ chủ mưu, sự nhẹ dạ cả tin đến mức cuồng tín đã dẫn đến vụ sát hại lẫn nhau gây nên cái chết thương tâm của hàng chục người ở một bản vùng cao huyện Thuận Châu. Không thể dùng biện pháp hành chính cứng nhắc can thiệp, Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt các cơ quan đơn vị chức năng phối hợp xử lý uyển chuyển; dựa vào các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong địa bàn tìm cách giải quyết ổn thỏa sự kiện nóng nói trên…

Tháng 9 năm 1996, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai Bí thư tỉnh uỷ Sơn La, theo quyết định của Trung ương, ông Đỗ Văn Ân về Hà Nội giữ cương vị Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ thêm bảy năm nữa rồi nghỉ hưu. Gần 50 năm theo Đảng cống hiến cho cách mạng, với ông điều sâu sắc nhất, đáng nhớ nhất vẫn là thời kỳ gắn bó với Sơn La. Chẳng thế mà rời Sơn La đã gần 20 năm song trước các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, anh em vẫn liên lạc, gặp gỡ để xin ý kiến đóng góp, tham vấn của ông vào các văn kiện Đại hội hay có sự kiện gì quan trọng tại địa phương đều thông tin cho ông biết. 

Trung tuần tháng 10-2015, Sơn La kỷ niệm 120 năm ngày thành lập, ông được mời về dự. Ông bảo, thật vui mừng, phấn khởi trước một thành phố Sơn La xanh - sạch - đẹp so với thị xã Sơn La nghèo khó năm nào. Điều ấn tượng hơn là một số chương trình thời kỳ ông làm Bí thư nêu ý tưởng và triển khai sau đó đã thành hiện thực. 

Chẳng hạn, quy hoạch vùng kinh tế động lực - các huyện, thị xã dọc quốc lộ 6, chương trình cây cà phê, đàn bò sữa… đã và đang phát triển thuận lợi và có cái đã vượt mục tiêu theo dự kiến. Như đàn bò sữa đã có hơn 15 nghìn con, cây cà phê có gần 4000 ha, công trình Thủy điện Sơn La trên sông Đà hoàn thành trước thời hạn và đi vào vận hành, cung cấp điện năng cho cả nước. Bởi vậy đời sống của đồng bào các dân tộc Sơn La tuy chưa hết khó khăn nhưng đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 20%.

Nghỉ hưu đã hơn 10 năm với tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất, nhưng bản tính của người cán bộ “với đồng chí ấm áp như trời xuân, với việc công cháy nồng như nắng hạ, với chủ nghĩa cá nhân gió mùa thu quét lá” khiến ông không ngơi nghỉ. Ngày đương chức bộn bề công việc, nay có điều kiện ông đi thăm lại bạn bè, đồng nghiệp cách đây mấy chục năm từng một thời “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” gắn bó trong gian khổ. 

Mỗi lần như vậy, tâm hồn ông lại trỗi dậy xúc cảm thơ ca, mà như có lần tôi được ông đọc cho nghe bài Tình đồng đội, trong đó có đoạn: Ngày đi hăm hở tóc xanh/ Miệt mài lao động, học hành sớm khuya/ Quản chi gian khổ hiểm nguy/ Bắc Nam thống nhất tiếc gì tuổi xuân”…

Và tôi còn được biết thêm rằng, dù khi còn làm việc hay giờ đây gần tuổi 80, hàng năm cứ đến ngày giỗ cha, húy nhật của mẹ, ngoài thực đơn do vợ, con sắm sửa, bao giờ ông cũng giành “tiết mục” đồ xôi và đơm vào đĩa dâng lên ban thờ. Bởi theo ông, đó cũng là thể hiện tấm lòng với mẹ, cha mặc dù các cụ đã về với tiên tổ lâu rồi.

Nguyễn Khôi
.
.