Người của một thời

Thứ Bảy, 21/09/2013, 10:57
Trong buổi trò chuyện cùng Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, nhân bàn về hàng thủ công mỹ nghệ, chúng tôi cùng nhắc đến một người tâm huyết với nghề thủ công một thời, đó là ông Nguyễn Văn Thao. Ông Thao là ông cậu chồng bà dì ruột của anh Minh, là thủ trưởng cơ quan cũ của tôi.

Những năm thập kỷ bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, theo mô hình tổ chức của Chính phủ, ngành Tiểu thủ công nghiệp có cơ quan chủ quản là Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Trung ương. Ông Nguyễn Văn Thao nguyên là Thứ trưởng có năng lực của Bộ Công nghiệp nhẹ, một người am hiểu và có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo công tác tổ chức sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Vì thế, ông được Chính phủ phân công sang phụ trách ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp Việt Nam.

Tuy là ngành được thành lập từ năm 1961, nhưng thực chất những năm ấy, sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nước ta còn nhỏ bé, manh mún. Đa phần là các hộ cá thể, rải rác ở các làng nghề, với hình thức mạnh ai người ấy làm. Vì thế, sản lượng hàng năm rất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng nhất, mẫu mã hàng hóa kém đa dạng.

Với thực trạng ấy, bao trọng trách, bao nỗi niềm trăn trở đặt ra với người lãnh đạo. Sau nhiều chuyến đi điền dã, khảo sát thực tế các làng nghề, ông Thao thấy tiềm năng sản xuất thủ công nghiệp của nước mình rất lớn. Người thợ thủ công vốn cần cù, giàu sáng tạo. Ngành nghề khá đa dạng. Nguyên liệu sản xuất lại sẵn có. Bao cánh rừng bạt ngàn gỗ, tre,  song mây cho việc phát triển đồ mộc, đồ tre đan. Bao triền sông bãi dâu xanh mướt, thuận tiện cho việc chăn tằm dệt vải. Bao doi đất sét dẻo quánh cho việc làm gốm, sứ. Bao lò nấu đồng, luyện sắt cho ra bao sản phẩm cơ, kim khí...

Ấy nhưng sản phẩm thủ công của ta chưa đủ cung cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, chưa thể cạnh tranh với thị trường thế giới. Đời sống người thợ thủ công bao năm vẫn vất vả. Vậy thì tại nguyên do nào? Vướng mắc, rào cản ở đâu? Ông Nguyễn Văn Thao cùng các cộng sự đã vạch ra những chương trình cải tạo, sắp xếp lại ngành nghề, khai thông thị trường, góp phần từng bước trả lời những câu hỏi trên.

Ông sớm lập đề án quy hoạch toàn ngành. Về cơ cấu tổ chức, các địa phương có Liên hiệp Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp cấp tỉnh, thành phố. Cấp dưới, có Liên hiệp Hợp tác xã huyện, thị. Về sản xuất, cải tiến mẫu mã, đưa cơ giới hóa vào dây chuyền sản xuất, nâng cao kiến thức quản lý cho người phụ trách.

Hàng loạt các hợp tác xã, tổ hợp được ra đời. Bao niềm hứng khởi của người thợ được phát huy, tạo ra nhiều sản phẩm mới. Hàng hóa tiêu dùng tràn ngập trong nước. Hàng mỹ nghệ đã chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Đời sống người thợ từng bước được cải thiện. Đó là những năm đầu mở ra sự hưng thịnh của ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp Việt Nam.

Thời điểm này, rất nhiều đơn vị lá cờ đầu ra đời. Đấy là Hợp tác xã Thủy tinh Dân chủ (Hà Nội), duy trì từ năm 1947, do Anh hùng lao động Đỗ Văn Tiết làm chủ nhiệm. Hợp tác xã gốm sứ Đông Triều, với nhiều cải tiến lò nung cho chất lượng sản phẩm vượt trội. Hợp tác xã đóng thuyền Trung Kiên (Quảng Bình), Anh hùng lao động Nguyễn Thân Mến làm chủ nhiệm, từng đóng nhiều tàu gỗ công suất lớn, vượt đại dương chở lương thực và khí tài phục vụ chiến trường.

Hợp tác xã vôi Quyết Tiến (Đáp Cầu, Bắc Ninh), với người chủ nhiệm Đinh Xuân Thung năng nổ, tháo vát, tạo ra nhiều vôi phục vụ xây dựng và cải tạo cánh đồng chua mặn. Hợp tác xã thủy tinh Nam Hải (Hải Phòng), với người chủ nhiệm thương binh, Anh hùng lao động, là điển hình của gương tàn mà không phế.

Hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) phục hồi sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống. Hợp tác xã sơn mài Đình Bảng (Bắc Ninh), Hợp tác xã chạm bạc Đồng Sâm (Thái Bình) tạo ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ đặc sắc, xuất đi nhiều nước... Phong trào sản xuất trăm hoa đua nở, đó là kết quả từng bước kiện toàn tổ chức các ngành nghề, làng nghề, mà ông Nguyễn Văn Thao là người khởi xướng.

Vốn là kỹ sư canh nông dưới thời Pháp, lại là người từng bang giao nhiều nước, ông sớm nhìn ra lỗ hổng trong việc sản xuất theo lối kinh nghiệm truyền thống. Các làng nghề, phường nghề ở nước ta, tuy người thợ có đôi tay tài hoa, cần cù chịu khó, nhưng bao đời vẫn đào tạo, truyền nghề theo lối cha truyền con nối. Khắc phục hạn chế này, ông Thao đề xuất với Chính phủ xin mở Trường bồi dưỡng đào tạo cán bộ thủ công nghiệp.

Học tập mô hình thủ công của Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, ông phối hợp với các ngành liên quan, lập chế độ bảo hiểm và phúc lợi, đem lại quyền lợi cho người thợ. Một khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng dành cho người thợ thủ công được xây dựng khang trang tại bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Nhiều cán bộ, thợ thủ công được cử đi học tập, tu nghiệp ở các nước bạn. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân đầu tư máy móc, xây dựng cơ sở vật chất khang trang không thua kém doanh nghiệp quốc doanh.

Trạng thái bình đẳng giữa người thợ thủ công ngoài quốc doanh và người thợ quốc doanh được thiết lập. Không chỉ riêng các hợp tác xã thủ công chuyên nghiệp, lực lượng sản xuất thủ công trong nông nghiệp cũng rầm rộ phát triển. Nghề dệt thảm, dệt vải, thêu ren, song mây tre đan được thịnh hành khắp làng quê. Người nông dân từng bước chuyển thành người thợ thủ công, tạo ra khuôn mặt mới cho làng quê thuần nông  bao đời.

Phải nói những năm đó, ngành thủ công nghiệp đã góp phần tạo ra sự phồn thịnh đất nước. Nhiều người nói, đó là thời hoàng kim của ngành. Có ai đó đã liên tưởng về thời ông Hoàng Trọng Phu, tổng đốc Hà Đông trước cách mạng, người có công cổ súy khích lệ sản xuất ở các làng nghề. Những hội chợ, triển lãm, đấu xảo, góp phần thúc đẩy ngành nghề đua nhau phát triển.

Sinh thời, ông Thao cũng rất đề cao vai trò ông Hoàng Trọng Phu với ngành nghề thủ công. Ông đã cho thành lập Viện mỹ nghệ tại Liên hiệp xã Trung ương. Ở Hà Nội, nơi tập trung nhiều tiềm năng sản xuất, cũng được lập ra Viện mỹ nghệ thành phố. Ông Thao mời họa sỹ sơn mài danh tiếng Hoàng Tích Chù về làm Viện trưởng. Ông luôn nhắc nhở cán bộ ban ngành của cơ quan coi trọng tính ứng dụng, tính mỹ thuật trong các sản phẩm.

Họa sỹ Lê Thanh Đức, người góp nhiều công sức về khâu tạo dáng, tạo mẫu cho sản phẩm thủ công, từng nói lại tinh thần này của ông Thao. Ấy là, có ba cách tạo mẫu sản phẩm. Một là, sao chép của ông cha, tức là rơi vào cổ lỗ, thủ cựu. Hai là sao chép của thiên hạ, tức là lai căng, học mót. Ba là tự biên tự diễn, tức là làm liều, vượt quá khả năng, cho ra đời những sản phẩm thật khó định nghĩa. Điều cần thiết, là phải biết phối hợp cả ba yếu tố này. Quan điểm này của ông Thao không chỉ đúng với giai đoạn trước, mà sau này vẫn còn thích hợp.

Kỹ sư Vương Đình Thoại, kỹ sư Trần Hà, họa sỹ tạo dáng công nghiệp Lê Huy Văn, phóng viên ảnh Nguyễn Dũng là những người trong cơ quan từng được cộng sự lâu dài với ông Thao, hễ nói về ông, cùng có chung nhận định, ông là một người lãnh đạo có tri thức, luôn coi trọng và tạo điều kiện cho những người cộng sự phát huy năng lực của chính mình.

Tờ tuần báo Tiểu công nghiệp - Thủ công nghiệp khi ấy là tiếng nói của ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp Việt Nam, ông Thao thường xuyên thị đi sát chỉ đạo. Đặc biệt, ông rất khuyến khích chuyên mục làng nghề, tổ nghề.  Tôi được Ban biên tập phân việc làm chuyên mục này, thành ra may mắn được đi khắp các làng nghề dọc đất nước.

Theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, nước ta thời đó, có trên sáu chục làng nghề cổ truyền. Tôi đã được đến các làng đó, ngoài ra còn đi tới vài trăm làng nghề thủ công phát triển khác. Tôi viết được bộ sách khảo cứu Nghề cổ đất Việt, âu cũng là nhờ hai mươi năm đi làm báo thuở đó. Đi nhiều, gặp gỡ nhiều người, tôi thêm hiểu vì sao ông Thao được nhiều người thân thiện. Khi hiểu thêm gia phong của ông, chúng tôi càng nể trọng.

Ông vốn là con một gia đình khoa bảng, đỗ bằng Thành chung tại Quốc học Huế. Đỗ kỹ sư canh nông cùng khóa với nhà thơ Huy Cận. Ông theo cách mạng rất sớm. Năm 1945, ông từng là ủy viên kinh tế trong Ủy ban khởi nghĩa Huế. Sau đó, ra khu 4, làm việc ở Ủy ban kinh tài Liên khu. Năm 1949, ông được Trung ương điều ra chiến khu Việt Bắc, làm giám đốc Nha tiểu thủ công nghiệp đầu tiên của chính quyền cách mạng. Ông cũng sớm đưa người vợ của mình theo cách mạng, dù bà là con gái một thượng thư triều đình Huế.

Gia đình “danh gia vọng tộc” này khá đặc biệt, có những người con rể có đóng góp lớn cho đất nước, như bác sỹ Đặng Văn Ngữ, tướng Cao Văn Khánh, nhà sử học Nguyễn Hồng Phong, ông Nguyễn Văn Thao là rể thứ. Bà Tôn Nữ Thị Lưu, vợ ông Thao, theo chị gái là Tôn Nữ Thị Cung, vợ ông Đặng Văn Ngữ, sớm từ bỏ đời sống nhung lụa, ra chiến khu Việt Bắc, ngược vùng rừng núi hiểm trở Chiêm Hóa, chấp nhận cuộc sống khốn khó, giúp bác sỹ Đặng Văn Ngữ mở phòng bào chế thuốc Peniciline để có kháng sinh chữa bệnh.

Một người năng động như thế, sau ngày thống nhất đất nước, ông lại được Trung ương cử vào làm Phó Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương ở miền Nam. Thị trường sản xuất, tiêu dùng của miền Nam sau giải phóng thật đa dạng và lắm việc phải chấn chỉnh. Ông sớm đặt ra chương trình cải tạo, hỗ trợ, thông thương sản xuất và điều tiết thị trường giữa hai miền.

Một đất nước có hàng trăm làng nghề truyền thống, hàng vạn đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân; vậy làm thế nào để góp phần hưng thịnh đất nước? Câu hỏi luôn day dứt với người lãnh đạo đầy tâm huyết. Sau thời gian biệt phái sang công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh miền Nam, ông Nguyễn Văn Thao lại xin trở lại với ngành thủ công nghiệp Việt Nam.

Người thủ trưởng cơ quan lại biết tập hợp các cộng sự, lại vạch ra các chủ trương chính sách, đệ trình với Chính phủ về việc củng cố, phát triển sản xuất thủ công nghiệp, lại xăng xái đi xuống các làng nghề truyền thống, lắng nghe tâm tư nguyện vọng người thợ, từng bước hỗ trợ điều kiện sản xuất và đời sống của họ. Phong trào sản xuất thủ công ở các địa phương dần được kiện toàn. Sản phẩm thủ công dần chiếm lĩnh thị phần trong nước và thế giới. Ông mất đột ngột ngày 20/3/1983, khi đương chức Chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam.

Trong lễ truy điệu trọng thể cấp Nhà nước bữa đó, bên cạnh khung ảnh chân dung của ông, là tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì do Đảng và Nhà nước trao tặng; tôi còn nhận thấy rất nhiều tấm lòng tri ân, biết ơn của những người thợ thủ công dành cho ông. Đó là những tấm huân chương vô hình quý giá, mà không phải người lãnh đạo nào cũng được ân hưởng.

Hơn ba mươi năm đã qua, những người làm việc trong ngành thủ công nghiệp vẫn lưu giữ hình ảnh đẹp về ông, về người lãnh đạo tâm huyết của một thời. Thời gian vốn công bằng. Những gì ông xây dựng và tiên đoán về nền sản xuất thủ công nghiệp, vẫn đúng với thực tại, vẫn còn ý nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh.

 Tháng 7/ 2013

Vũ Từ Trang
.
.