Hoạ sĩ Lưu Công Nhân:

Người của dọc đường kháng chiến và bình yên

Chủ Nhật, 13/02/2005, 09:17
Họa sĩ Lưu Công Nhân đã có một số phận nghệ thuật gắn liền với số phận dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến, những năm tháng hòa bình, đổi mới. Tranh của ông là tiếng nói ân cần, cảm thông với mọi lớp người trong xã hội.

Mở đầu câu chuyện, họa sĩ Lưu Công Nhân bảo: “Đời vui lắm. Hôm qua tôi đi xe ôm ra bưu điện gửi thư cho mấy người bạn ở Hà Nội, mấy cô bưu điện nhìn tôi một hồi rồi nhận xét, trông ông có vẻ nghệ sĩ ra phết. Tôi ra về lòng khấp khởi. Mình bị bệnh Parkinson lẩy bẩy thế này mà vẫn có người khen trông có vẻ nghệ sĩ cơ đấy”.

Ông nhấn mạnh hai chữ “có vẻ” và cười khà khà.

Họa sĩ Lưu Công Nhân thường hay nói: “Tôi là học trò của thầy Tô Ngọc Vân”. Đối với ông, trong hội họa, thầy dạy là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tự bạch về bản thân, ông viết: “Từ tuổi niên thiếu đến ngoài sáu mươi, Lưu Công Nhân thường hay đi rong trong xóm làng, khi cuốc bộ, khi cưỡi chiếc xe đạp, thong thả ngồi vẽ cảnh và người...”.

Hoạ sĩ Lưu Công Nhân: Tôi thích bút pháp tả chân.

Cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại của dân tộc đã đưa Lưu Công Nhân, từ một chàng trai trẻ vùng trung du Phú Thọ đến với nghệ thuật. Hội họa trở thành một tình yêu chảy âm thầm và mãnh liệt trong trái tim ông ngay từ những bước đầu tiên, khi những màu sắc cuộc đời bắt đầu ngân nga trên khung vải.

Và cũng ngay từ những bức họa đầu tiên, Lưu Công Nhân chọn một lối đi riêng, vẽ bằng bút pháp tả chân, dù ông đã được tới Nga, tới Ba Lan, tiếp xúc với hội họa trừu tượng thế giới từ rất sớm. Họa sĩ nói: “Tôi không thích vẽ trừu tượng. Tôi nghĩ, một con đường làng, một chị công nhân ngày đầu giải phóng, cuộc sống đời thường của bao nhiêu số phận con người đều đáng để ta vẽ, tại sao không?

Tôi xin nói thật rằng, đôi khi nghệ thuật trừu tượng là cái cớ để người làm nghệ thuật giấu giếm sự bế tắc, sự ít học hành của mình vào đó. Hội họa trừu tượng, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn... tôi đã được xem ở Italia cách đây nửa thế kỷ rồi, bây giờ mới xuất hiện ở ta đâu phải là cái gì mới mẻ”.

Trong tinh thần của họa sĩ Lưu Công Nhân, hội họa gắn với cuộc đời là ở chỗ, khi ta bước từ ngoài cuộc đời vào phòng tranh ta thấy những bức tranh hay hơn cuộc đời. Còn khi ta bước từ phòng tranh ra ngoài cuộc đời, ta thấy cuộc đời đẹp hơn tranh. Điều đó chính là một thứ chất kích thích giúp nghệ thuật đến gần với công chúng. Tính hữu ích của nghệ thuật chính là nó khiến con người yêu cuộc sống hơn, ngạc nhiên về cuộc sống hơn.

Tôi có một thắc mắc muốn được nghe ý kiến họa sĩ Lưu Công Nhân, rằng khi đất nước còn nô lệ, tranh vẽ của ông và các họa sĩ cùng thời như Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái... luôn đầy ắp một tình yêu tự do, khát vọng tự do. Bây giờ hòa bình, nhưng xem tranh của nhiều họa sĩ trẻ, có cảm giác như họ tự bó hẹp mình lại trong những những bế tắc: Họ vẽ nhiều mà gương mặt hội họa của họ không hình dung rõ nét được.

Lưu Công Nhân bảo, đấy là điều mà các họa sĩ hôm nay phải hết sức cảnh giác. Nếu anh cứ đứng dưới danh nghĩa toàn cầu hóa hội họa, có thể anh sẽ không biết vẽ gì. Nghệ thuật, hay nói khác đi, văn hóa của mỗi dân tộc là riêng biệt. Hơn bao giờ hết, tính dân tộc trong hội họa hôm nay phải được đề cao. Anh bắt chước là anh sẽ đi sau mãi mãi, và có khi, anh đánh mất bản thân mình.

Ngay trong sự tìm tòi cũng phải hết sức bình tĩnh. Và phải học hành cho chu đáo đến tận cùng. Khi mình đã có được sự tự do sáng tạo rồi thì mình lại càng phải làm việc hết sức kỷ luật, hết sức cảnh giác với chính bản thân mình.

Tính dân tộc trong tranh ư? Làm cách nào để có thể nhận ra đây? Với Lưu Công Nhân thì điều này chẳng khó khăn gì. Anh là một họa sĩ, đừng mệt mỏi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tính dân tộc là gì. Anh hãy lo cái gốc, đó là tình yêu. Danh họa Picasso từng nói: “Xét đến tận cùng, cái đáy của bức tranh là tình yêu”.

Anh yêu kiểu gì mặc kệ anh, nhưng anh phải yêu, phải say đắm thì mới vẽ được. Hội họa, giống như nhiều thứ nghệ thuật khác, phải là tiếng nói cất lên từ trái tim biết rung động. Cái tình thực, cái chân thực đảm bảo cho sự vĩnh cửu trong mỗi bức tranh. Đừng vẽ vì một tham vọng gì cả. Tham vọng chính là yếu tố giết chết nghệ thuật.--PageBreak--

Lưu Công Nhân kể, có một khách nước ngoài tới mua tranh của ông. Vì hết tiền mua thuốc chữa bệnh, ông bán một bức. Vị khách kia hỏi mã số tài khoản của ông ở ngân hàng để gửi tiền vào. Lưu Công Nhân “nổi khùng”: “Ông tưởng tôi là nhà buôn hay sao mà có tài khoản? Tôi hết tiền thì bán một bức thôi. Tôi không vẽ tranh để bán. Mà bán tranh cũng không phải để lấy tiền gửi tiết kiệm. Tôi mà còn tiền, thì còn lâu ông mới mua được bức tranh này của tôi”.

Vị khách ngạc nhiên vì tính khí lạ lùng của ông họa sĩ, vội thanh toán tiền mặt rồi đi thẳng. Mỗi lần bán đi một bức tranh, Lưu Công Nhân thường không vui. Ông bảo, mỗi bức tranh là một phần cuộc sống của mình, là rất nhiều tình yêu và rất nhiều đau khổ. Trong những phút giây cô đơn nghệ sĩ, không có người bạn nào thấu hiểu ta hơn một bức tranh.

Lưu Công Nhân là một trong những họa sĩ vẽ nude nhiều nhất. Ông đã từng có hẳn một triển lãm tranh nude tại Hà Nội. Trong mỗi nét vẽ của ông, người phụ nữ là hiện thân của tình yêu và nhan sắc, một thứ nhan sắc rất riêng, không nhuốm màu trần tục. Một thứ nhan sắc của Lưu Công Nhân.

Giống như trong nhiếp ảnh, nude là mảnh đất tốt nhất chứng minh kỹ thuật, bản lĩnh của người nghệ sĩ. Chính vì thế, vẽ nude, đối với nhiều họa sĩ, là một cuộc chơi nguy hiểm. ở đó nếu anh không đạt tới sự chuẩn mực của cái đẹp anh sẽ rơi ngay vào sự tầm thường.

Đứng trước các bức tranh khỏa thân của ông, người xem nhìn thấy sự hoàn thiện của vẻ đẹp con người. Lưu Công Nhân nói, vẽ nude là phải có một tình cảm thực sự, phải hòa quyện cho được trong từng nét vẽ, sự gắn bó giữa thể xác và tâm hồn. Làm sao, để người xem khi đứng trước một bức tranh khỏa thân, nhận ra mình yêu con người hơn, yêu cuộc đời hơn, ham muốn cuộc sống và khước từ sự chết.

Tôi hỏi ông, liệu có hay không một tình yêu giữa người mẫu và họa sĩ? Lưu Công Nhân thừa nhận không ngần ngại, ông không thể nào vẽ được nếu đứng trước một người mẫu mà ông không có tình cảm. Có một thứ tình riêng biệt giữa người mẫu và họa sĩ, người ta thật khó mà gọi tên cho đúng được. Chỉ biết, mối tình riêng ấy là một thứ men cho nghệ thuật được thăng hoa, làm nồng nàn các gam màu và mềm mại từng nét bút.

Bản thân người mẫu tranh nude cũng phải nhận thấy sự có lý trong công việc của mình. Cần phải nhìn công việc như một tình yêu, một sự dâng hiến cho nghệ thuật. Mối tình giữa người mẫu và họa sĩ đôi khi sâu nặng tới mức họ không thể rời xa nhau một ngày. Nhưng cũng có những mối tình mơ màng như cơn gió, thổi vào một bức tranh rồi vĩnh viễn bay đi.

Chia sẻ điều này với người chồng họa sĩ danh tiếng, vào mỗi buổi sáng, khi tiếng chuông cửa ngôi nhà xinh đẹp nằm lưng chừng con dốc nở miên man hoa dã quỳ vàng ngân lên, bà Lưu Công Nhân vội vàng ra mở cửa. Những phụ nữ bước vào xưởng vẽ của ông, và khi bước ra, họ để lại hình hài của họ trên khung vải. Những bức tranh nhờ thế, bắt đầu có tuổi, làm dày thêm cuộc đời của họa sĩ...

Tranh của ông đã được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới, và là một trong những họa sĩ Việt Nam được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Nhà thơ Tố Hữu, trong lời tựa cuốn sách của họa sĩ xuất bản năm 1995 đã viết: “Lưu Công Nhân, người của dọc đường kháng chiến và bình yên”

Bình Nguyên Trang
.
.