Người bán bánh mỳ nổi tiếng nhất Hà Nội

Thứ Tư, 07/08/2013, 14:30
Từ một cô gái tật nguyền, Nhữ Thị Khoa tìm ra Hà Nội mưu sinh, gom nhặt từng đồng từ việc bán bánh mỳ. Cũng từ đó chị bén duyên với thể thao. Gặt huy chương, vinh quang rồi lại trở về với cuộc mưu sinh vật vã, nhọc nhằn. Trên khuôn mặt dày dạn sương gió và tươi rói khi bán hàng ấy, tưởng không còn biết khóc, thế mà, khi tâm sự chuyện gia đình, chị đã rơi nước mắt rất ngon lành.

Đường đến vinh quang

Từ rất lâu rồi, khoảng gần 20 năm gì đó, chị Nhữ Thị Khoa vẫn ngồi ở góc phố Trần Xuân Soạn - Lò Đúc, một góc phố quen thuộc để bán bánh mỳ. Giờ đã có con, vào những ngày cuối tuần, con được nghỉ học, nó lại ra ngồi trong lòng chị. Không biết tiếp xúc với việc buôn bán mưu sinh của mẹ sớm có làm ảnh hưởng đến một đứa trẻ, nhưng chắc chắn nó sẽ chịu khá nhiều thiếu thốn, bởi mẹ nó nghèo.

“Bánh vừa đưa về đấy ạ, hôm nay bác lấy mấy chiếc ạ?”. “Cho cô chục chiếc đi con gái”… Đó là không khí vui vẻ mà tôi “chộp” được ở quầy hàng của chị Khoa. Sự cởi mở, nhiệt tình của chị không chỉ khiến nhiều người quý mến, mà Khoa có cơ hội bán được nhiều hàng hơn. Từ năm 2007, ngoài bán bánh mỳ, Khoa cũng mua thêm mấy loại hoa quả bán thêm theo kiểu “năng nhặt chặt bị”. Nhìn dáng vẻ bề ngoài hiền lành, với nụ cười tươi rói ấy, ít người nghĩ đời chị chất chồng giông bão và phải nuốt nước mắt để vươn lên.

Sinh năm 1971 tại Ứng Hòa (Hà Nội), Khoa bị bại liệt từ năm lên 3 và từ đó sống cuộc đời bất hạnh, gắn chặt với chiếc xe lăn. Năm 22 tuổi, không chấp nhận ăn bám gia đình, cô gái nhỏ bé ấy đã tìm ra Hà Nội quyết mưu sinh bằng nghề bán bánh mỳ. Những người bạn “màn trời chiếu đất” đã dẫn Khoa vào nghề, tạo mối quan hệ để chị có thể tồn tại mà không bị ai bắt nạt.

Cuộc sống mưu sinh đầy nhọc nhằn, nhưng Khoa rất quyết tâm.

“Em thuê trọ ở chính lò bánh mỳ khu phố Thanh Nhàn và mang bánh đi bán. Họ giao hàng, bán xong mới về trả tiền vốn, tiền lãi em chắt chiu cất đi. Lúc đầu em nghĩ mình khó trụ nổi, nhưng có điều may là chủ lò bánh hết sức giúp đỡ, em đã vững tin hơn”, Khoa tâm sự.

Với chiếc xe lăn chậm chạp, Khoa đã rong ruổi ở rất nhiều con phố, rồi giữa chiều mỏi mệt chị lại tìm về góc phố, đoạn ngã ba Trần Xuân Soạn - Lò Đúc vừa nghỉ vừa bán. Những chiếc bánh mỳ đã tiếp thêm nghị lực cho một người không chịu khuất phục số phận. Hỏi, vì sao lại chọn góc phố này. Khoa nói rằng, nhiều chỗ có đông người qua lại, nhưng đều “có chủ”, đây là địa điểm mà chị đã “ngắm” được sau nhiều ngày đi qua. Lâu dần thành quen, khách đến với Khoa tăng lên. Chừng 4 năm thì chị trú chân luôn góc phố này, không đi rong nữa.

Và cũng chính tại góc phố nhỏ tạo cơ hội cho Khoa thắp sáng ước mơ. Năm 1991, Khoa được một người tên Chính ghé vào mua bánh mỳ, thấy hoàn cảnh của chị thì cảm động. Anh giới thiệu mình đang tập luyện thể thao ở CLB Khúc Hạo dành cho người khuyết tật và anh vận động Khoa cùng đi. Nghe thì có vẻ khó khăn nhưng đó là cơ hội mở ra cho rất nhiều người khuyết tật.

Suy đi tính lại, Khoa quyết định xin đi tập, để nếu không được thi đấu thì cũng được sức khỏe. Việc sắp xếp thời gian để vừa tập, vừa bán bánh không hề đơn giản bởi đi lại khó khăn. Từ chỗ trọ đến số 1 Lê Hồng Phong không quá xa, nhưng chị phải đi từ lúc 4 giờ sáng để kịp tập trung lúc 5 giờ 30 phút. Cô gái nặng 33 cân bán bánh mỳ đã mạnh dạn giao lưu, nhập cuộc cùng những người bạn khác.

Nhiều lần bị ngã, tay phồng rộp, tứa máu do tập môn đua xe lăn đã không làm Khoa nản lòng. Không ít buổi sớm trên đường đi tập, mưa xối xả ngập bánh xe lăn, Khoa cũng vượt qua. “Đó là cả một chuỗi những ngày cay đắng và hy vọng anh ạ. Có lúc, em nghĩ mình phải chứng tỏ một điều gì đó, chứ chưa hẳn là để chinh phục những tấm huy chương. Bởi lúc đó, em cũng mơ hồ về huy chương hay danh vọng. Có ai nói được huy chương thì thu về những gì đâu. Em chỉ có một niềm là quyết tâm thôi”, Khoa hồi tưởng.

Vinh quang đã đến với chị. Năm 2003 Khoa được tham gia giải tiền Para Games và giành được ba HCV; chị tiếp tục giành được năm HCV trong Para Games 2. Tiền Para Game 3 chị cũng giành ba HCV. Sau đó mang về năm HCV (ba HCV cá nhân và hai HCV đồng đội) trong Para Games 3 tổ chức tại Philippines. Những khoảnh khắc vinh quang của chị vẫn trở đi trở lại trong trí nhớ, dù các kỳ Para Games đã lùi xa, để chị có thêm niềm vui sống.

Chưa nếm hạnh phúc đã  thấy đắng lòng

Chỉ với những tấm huy chương thôi vẫn chưa đủ làm nên cuộc đời của Khoa. Ngay cả nghề bán bánh mỳ, đưa chị trở thành một người nổi tiếng ở một giai đoạn mà lúc đó, rất nhiều phóng viên tìm gặp viết bài. Điều thể hiện đầy đủ chân dung của chị là một cá tính biết giấu đi sự yếu đuối để trở nên mạnh mẽ.

Và điều để người khác nể phục chị hơn là, với những năm tháng tất tưởi mưu sinh, cộng với tiền thưởng, năm 2005 chị đã dồn được gần 300 triệu đồng mua hơn 20 mét đất và dựng ngôi nhà nhỏ ở khu vực phố Kim Ngưu. Đây là điều nhiều người ngoại tỉnh mơ ước. Nhưng đó chưa phải là “bến đỗ” cuối cùng của chị. Chị đã quen một người đàn ông tên Nguyễn Văn Lô, quê ở Hưng Yên, nuôi hy vọng và đi đến hôn nhân. Hai người quen nhau do nhiều lần Lô bán hoa quả rong, có ghé lại quầy chị Khoa mua bánh mỳ.

Năm 2006 hai người về ở với nhau mà không làm đám cưới. Khoa từng nghĩ người đàn ông này sẽ bù đắp cho những thiếu thốn của chị, ai ngờ anh ta lại lừa dối, làm chị tổn thương. Hy vọng rồi thất vọng, hóa ra người đàn ông ấy đã có gia đình riêng, hiện đang ở Lạng Sơn. Dẫu thế, chị Khoa đã có con và đành chấp nhận với cuộc sống hiện tại.

Anh Lô ít hơn chị Khoa 5 tuổi, là người đàn ông khỏe mạnh bình thường, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn và tính đến nay đã có thâm niên 20 năm bán hoa quả ở Hà Nội. Giờ anh không giấu ai chuyện mình đã có gia đình riêng. Anh cũng không phủ nhận trách nhiệm với bé Chi, là con của hai người. Lô nói: “Tôi không hề lợi dụng Khoa. Khi có tình cảm với Khoa, tôi không biết cô ấy đã mua đất và xây nhà. Cưới nhau xong tôi cũng mới biết Khoa chơi thể thao và có huy chương”.

Quầy hàng của chị Khoa ở góc phố đã quen với người dân khu vực gần 20 năm qua. Trước đây cán bộ phường từng nhắc nhở, sau thấy hoàn cảnh, họ chấp nhận để chị ở đó kiếm cơm. Cứ 4 giờ sáng anh Lô ra chợ Long Biên mua hoa quả, mang ra quầy để 7 giờ Khoa ngồi bán. Chị có chiếc xe lăn cũ, gãy khung vẫn thường dùng ngồi, làm trụ quầy hàng và đeo lên đó đủ thứ đồ. Do mang đi mang lại cồng kềnh, anh chị đã “giam” nó bằng cách đổ bê-tông cố định ở một vị trí, tránh bị người thu gom đồng nát “nẫng” mất.

Tuy thế, một người đàn ông vẫn chủ yếu “bám” vào sự năng động của chị, trông chờ tất tần tật vào quầy hàng, lại còn đèo bòng thêm vợ con anh ta ở Lạng Sơn cũng khiến cho Khoa mệt nhoài mà chưa tìm được cách giải quyết ổn thỏa.

Hỏi đến chuyện tế nhị này, Khoa rơm rớm nước mắt: “Khó giải quyết lắm các anh ạ. Hai đứa cãi nhau chán rồi, nước mắt chan chứa, đập phá cả đồ đạc rồi vẫn thế. Em bảo, hoặc là anh sống với tôi, hoặc là anh sống với vợ cũ. Nếu sống với tôi, con anh tôi sẽ nuôi từ A đến Z, cho ăn học tử tế.”. Hỏi chồng chị nói sao? Khoa trả lời: “Chồng em bảo, không bỏ được em nhưng cũng không bỏ được vợ cũ. Vợ cũ nghe tin chồng có vợ mới, chị ta phát điên. Bao nhiêu thuốc thang mới khỏi. Bây giờ lại tái phát. Các anh ơi em chỉ muốn yên ổn để nuôi con. Em muốn để dành cho con em ít vốn, khi con em lớn lên. Nhưng em không biết làm thế nào. Đồng tiền khó nhọc em kiếm ra phải chia năm sẻ bảy…”.

Mưu sinh vất vả, lại chịu cảnh một bến chông chênh hai thuyền mà số phận đẩy đưa, đã có lúc Khoa nghĩ tất cả vì con nên đành phải cắn răng chịu đựng. Được cái anh Lô cũng chịu khó. Ngoài giúp vợ, có ai thuê chở hàng anh cũng đi để kiếm thêm.

Hà Nội cuối tuần sụt sùi mưa. Khách đông hơn ngày thường. Chị Khoa vừa chăm con gái vừa bán hàng, anh Lô lo việc xếp hoa quả, đưa đồ cho khách… Cuộc sống mưu sinh với đủ thứ lo toan buộc cả hai người cùng cố gắng. “Buôn bán ngày càng khó khăn. Trước đây mỗi ngày em bán được 200 chiếc bánh mỳ, giờ chỉ được vài chục chiếc đã là may. Nếu không bán kèm hoa quả thì làm sao có tiền sống. Không biết em sẽ còn gặp phải trắc trở gì, còn lúc này em sống tàm tạm”, chị Khoa cho biết.

Tôi hỏi, sắp tới Khoa có dự định gì, hay có lúc nào nghĩ đến chuyện quay trở lại đường đua. Khoa nói, thời gian này vẫn chỉ cố gắng bán hàng, dành dụm tiền cho con ăn học. Chị cũng biết là, khó có thể ngồi mãi ở ngoài hè phố bán hàng, dù rất nhiều người thương tình ủng hộ. Vậy nên, cần phải có  một cửa hàng để buôn bán. Nhưng với tiềm lực kinh tế của hai vợ chồng lúc này, thực hiện điều đó là không thể. “Còn đường đua ư, em cũng có khao khát, nhưng thực hiện làm sao được. Giờ việc mưu sinh và con cái với em quan trọng hơn”, Khoa nói. Có khách mua bánh mỳ, chị quay ra: “Vâng, bánh ngon của bác đây ạ!”

Tạm biệt tôi, chị lại cười thật tươi.

Với Khoa từ việc bán hàng rong đến đường đua là cả một hành trình dài. Đường đua đã cho chị những người bạn tốt, vinh quang khiến chị cảm động rơi nước mắt nhưng cũng tạo đủ giúp chị nghị lực để sống tin tưởng vào cuộc sống này.

Nguyễn Sơn Khánh
.
.