Ngọn nến khát vọng

Thứ Sáu, 05/07/2013, 16:48
Không quá sôi nổi nhưng ăn nói hoạt bát, chắc chắn, tự tin, đó là điểm đầu tiên tôi ấn tượng với Nguyễn Thị Hậu, cô gái đạt giải Nhì trong cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” cuộc thi dành cho người khuyết tật. Đến với cuộc thi với mong muốn được chia sẻ, giao lưu, và có thêm bạn... Cần mẫn thực hiện ước mơ.

Tai nạn bất ngờ

Cửa hàng nhỏ nằm trên đường Vũ Thạnh (quận Đống Đa - Hà Nội) có một đôi vợ chồng mới cưới, họ bán sim thẻ, linh kiện điện thoại, một số ít đồ văn phòng phẩm và kính mắt. Họ đã có tin vui và sống hạnh phúc với những dự định của mình. Đó là cửa hàng của Hậu, nơi giúp cô có thể kiếm tiền trang trải cho cuộc sống và học hành từ năm 2009 đến giờ.

Hậu là cô con gái út trong gia đình bố mẹ làm công chức ở huyện Duy Tiên, (Hà Nam). Sinh ra là đứa trẻ bình thường, lên 5 tuổi cô bị sốt, sinh ra biến chứng. Đôi chân lành lặn hoạt bát ngày nào trở nên tê cứng, rồi teo lại đến mức không thể đỡ được cơ thể nữa. Bố mẹ Hậu lúc nào cũng nghĩ “còn nước còn tát”, nên gắng sức đưa con đi chạy chữa, dù tiền bạc trong nhà dần “đội nón ra đi”.

Hậu vẫn vừa được chạy chữa, vừa được đi học, tất cả đều do gia đình đưa đi, đón về đều đặn với mong ước cho con gái biết cái chữ. Đến năm Hậu học lớp 5 thì việc điều trị gần như bế tắc. Cô cũng được đưa đi học hết cấp II, rồi khi chẳng còn điều kiện có người đưa đón, gia đình đành phải cho con ở nhà. Những tưởng, bốn bức tường bao bọc, sẽ chôn giấu tuổi thơ của cô gái.

Nhưng không, Hậu đã quyết định đi học may với mong muốn được giao tiếp, giải quyết tâm lý, và được làm việc để nuôi sống bản thân. Gia đình gửi gắm cô ở nhà một người họ hàng và với đôi bàn tay khéo léo, sau 6 tháng Hậu đã “có nghề” và về nhà mở tiệm may nhỏ. Rồi bỗng dưng đến năm 17 tuổi, lại có người mách, Hậu được đưa về Nam Định làm phẫu thuật và cũng chẳng gặp thầy gặp thuốc.

Đợt phẫu thuật không thành, gây cho cả Hậu và gia đình nỗi thất vọng lớn lao, nhưng tất cả mọi người đều cố giấu điều đó để Hậu tiếp tục sống, vươn lên. Những ngày tháng tiếp theo, Hậu cần mẫn là một cô chủ nhỏ nhưng vẫn không nguôi hy vọng được học tiếp. Cô mê học ngành dược, để có thể góp chút sức mình trong việc cứu chữa người bệnh.

Năm 20 tuổi, sau khi chuẩn bị tinh thần, cô gái khuyết tật đã thuyết phục cha mẹ cho mình ra Hà Nội học thêm nghề may. Đây cũng là thời gian cô có cơ hội tiếp tục trở lại trường học, học bổ túc văn hóa. Là những người thương con và tôn trọng ước mơ của con gái, dù rất lo lắng, nhưng cha mẹ Hậu vẫn đồng ý cho con ra đi với lời dặn dò: “Nếu thấy khó khăn quá thì về con nhé”. Sau đó, cuộc sống mưu sinh khó khăn, cha mẹ cô biết, lại gọi điện nhắc: “Nếu thấy không thể sống được thì về quê con ạ”.

Hậu không đành lòng rút lui, dù suốt một thời gian dài của năm đầu ra Hà Nội, cô gõ cửa nhiều tiệm may để xin học nhưng không ai nhận. Cô thuê một cửa hàng nhỏ trong một con ngõ rộng trên phố Bạch Mai vừa ở, vừa làm cửa hàng, nhận đồ may cao cấp về gia công. Gặp được những người hàng xóm tốt bụng, họ đã giúp đỡ cô nhiều.

Hậu và niềm vui bên chồng.

Nhưng cuộc sống luôn có những bất trắc, và vì nhiều lý do khác nhau, mấy lần cô phải chuyển chỗ ở. Người bình thường chuyển nhà đã lỉnh kỉnh lắm thứ đồ, với Hậu đó là nỗi ám ảnh, bởi mỗi lần chuyển là mỗi lần phải vất vả sắp xếp lại, rồi tạo dựng mối thân quen với hàng xóm, với khách hàng mới, dù một số khách hàng quen vẫn theo khi cô chuyển đến nơi ở mới.

Trong làm ăn, cô còn bị lừa một cú đau. Đó là cuối năm 2008, một cặp vợ chồng đã đến cùng với cái “hợp đồng miệng” khá hời, với một số hàng kha khá nhờ Hậu gia công. Sau khi tạo thân quen, cặp vợ chồng nọ đã lừa nẫng luôn túi đồ có tiền và nhiều loại giấy tờ khác, cùng với khoản tiền công mấy tháng. Vừa buồn vì phải chuyển cửa hàng, lại thêm cú mất tài sản, muốn khóc mà không khóc được, Hậu đành nuốt hận tiếp tục sống.

Sau khi học hết bổ túc văn hóa, năm 2009 Hậu được xét học bạ và được nhận vào học tại hệ trung cấp, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ (cơ sở tại Hà Nội), đồng thời được lãnh đạo nhà trường, nơi cô đang học tập tạo điều kiện cho thuê cửa hàng hiện tại để kinh doanh, sinh sống. Cô biết ơn vì điều đó.

Cô đã học liên thông lên cao đẳng và chừng một năm nữa tốt nghiệp. Trước đây, mọi việc do Hậu hoàn toàn phải sắp xếp, mọi khó khăn chỉ một mình cô đương đầu. Cha mẹ dù thương con, cũng ít có dịp lên với Hậu dù công việc bận bịu. May mà Hậu còn có chồng là anh Nguyễn Xuân Trọng chung vai gánh đỡ.

Hậu tâm sự: “Chúng em là bạn thân thiết cũng lâu rồi anh ạ, khi em mới ra Hà Nội, quen qua một người bạn. Đến khi anh ấy đi làm ở Nga thì yêu nhau. Cưới xong, chúng em quyết định ở bên nhau làm kinh tế”. Tôi hỏi, Hậu yêu Trọng ở điểm gì? Cô cho biết, cô nhận ra ở Trọng sự nhiệt thành, tận tâm và sẵn sàng là chỗ dựa cho cuộc đời cô.

Một nấc thang mới

Trong dòng chảy ồn ã mưu sinh, có lúc Hậu cũng thấy mệt mỏi, nhưng càng ngày cô càng nhận ra giá trị của cuộc sống mình, đồng thời tin tưởng rằng, với đoạn đường đằng đẵng bản thân trải qua, cô hoàn toàn có thể chinh phục nhiều khó khăn khác. Càng sống, cô càng có thêm bạn, được tiếp cận với internet, biết được diễn đàn của người khuyết tật và nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm Sống độc lập. Từ đó có thêm những chia sẻ, giúp “trổ” thêm nghị lực, là một nấc thang trong cuộc đời.

Tháng 10/2012, qua tìm hiểu trên diễn đàn, cô quyết định đăng ký tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”.  “Em được biết đây là chương trình tôn vinh những người khuyết tật. Qua chương trình, qua chuyện của em, em cũng muốn chia sẻ rằng, chúng em là minh chứng của tình yêu và hạnh phúc có thật”, Hậu nói.

Hậu lọt vào top 10, có mặt trong đêm chung kết ngày 14/4/2013 diễn ra tại khách sạn Melia Hà Nội. Bên cạnh cô cũng có những người bạn vượt lên số phận, thể hiện rất tốt cá tính và niềm khát khao sống. Trong đó có bạn Vương Bích Việt, một người đáng lẽ có tương lai, đang du học thì bị tai nạn. Việt bị sốc trong thời con gái đầy ước mơ là đôi chân không thể đi lại được, nhưng đã cố gắng sống với đam mê của mình.

Ở đêm chung kết, có một chuyện vui cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của Hậu sau cánh gà sân khấu. Đó là chuyện trang phục. Trong phần thi “Trang phục tự chọn”, các thí sinh sẽ mặc bộ váy áo do mình chọn, được nhà thiết kế may cho. Không hiểu trong lúc thay đồ thế nào mà mọi chuyện rối bời, Hậu là thí sinh lên thi đầu tiên nên phải vội thay áo trước.

Khi mặc áo của nhà thiết kế lại nhùng nhằng không vừa. Hậu đành phải mặc chiếc váy cưới của mình, do người chị dâu đi cổ vũ đã cẩn thận mang theo. Mặc váy cưới đối với người bình thường đã khó, đã mất thời gian, với người khuyết tật ngồi xe lăn càng khó khăn gấp bội. Chiếc váy cưới của Hậu cũng có nhiều chi tiết, nên còn chưa kịp đan dây sau lưng áo, cô đã được người dẫn chương trình nhắc tên lên sân khấu. Cô đành phải quàng thêm chiếc khăn lên vai để che đi.

Các thí sinh trình diễn cùng lúc, khỏi phải nói họ đã lộng lẫy, khuôn mặt hồ hởi thế nào. Không chỉ bởi ánh đèn sân khấu, mà sự tự tin đã cho họ sự vững tin, đứng trước công chúng trong những thời khắc thiêng liêng của đời mình. Ở phần thi “Tài năng”, Hậu đã chọn ca khúc Khát vọng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.

Cô chia sẻ rằng, mình yêu âm nhạc và thích hát. Sở dĩ chọn ca khúc này, bởi đó là bài cô thích, và cuộc sống cũng chỉ có sự khát khao mới cho cô được như ngày hôm nay, rất phù hợp với hoàn cảnh cô, mỗi lần hát bài đó, cô đều nhận thấy một sự đồng cảm đặc biệt, một dòng cảm xúc cứ dâng trào.

Cô đã thể hiện rất tốt trên sân khấu, bằng một chất giọng khá cao, tràn trề cảm xúc, như thể cô đang bưng trái tim của mình, thắp lên cho khán giả thấy, bằng âm điệu của lời ca. “…Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông/ Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung/ Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc/ Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư…”.

Thực hiện xong phần thi, cả hội trường vỗ tay rầm rầm. Hậu trở thành một trong 5 thí sinh, và là người đầu tiên được xướng tên lọt vào top 5 người, sẽ thi “Ứng xử”. Chương trình có duy nhất một câu hỏi: “Có câu nói rằng ngọn nến thẳng, ngọn nến cong, khi thắp lên đều sáng lung linh. Bạn giải thích thế nào về câu nói này?”.

Hậu có 30 giây suy nghĩ. Không hề tỏ ra lúng túng, cô đã cười thật tươi và sẵn sàng trả lời: “Ngọn nến cong và ngọn nến thẳng dù thế nào vẫn là ngọn nến, chính vì vậy chúng đều có quyền được cháy, được thắp sáng, tỏa ấm đến cho mọi người. Trong cuộc sống, có nhiều tấm gương khuyết tật như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi đã khắc phục khó khăn để vươn lên. Phẩm chất của mỗi con người được đánh giá bằng khối óc, trái tim, đức hạnh. Em không đi lại được trên đôi chân của mình. Từ nhỏ, khi chưa có xe lăn, mọi sinh hoạt đều nhờ người thân. Nhưng em quyết tâm vượt khó. Năm 20 tuổi em quyết định ra Hà Nội học thêm và kiếm sống. Em ước mơ và thực hiện ước mơ  làm dược sĩ, chăm sóc sức khỏe, mang sự ấm áp đến cho mọi người. Em cũng như ngọn nến, không có quyền chọn cho mình hình dáng, nhưng có quyền vươn lên. Cuộc sống là thế. Chặng đường phía trước còn gian nan, nhưng em hạnh phúc vì có tổ ấm riêng, có gia đình đầy tình yêu thương...”.

Sẽ vững tin hơn

Nghị lực của Hậu đã cho mọi người khác thấy cách của mình tỏa sáng thế nào. Gia đình hai bên nội ngoại đã đến cổ vũ, động viên đông đủ đêm chung kết. Hậu cho biết, cuộc thi không chỉ đã dành cho em giải nhì, giải mà em xứng đáng nhận, mà còn cho mối quan hệ, cho những người bạn mới.

Ở căn nhà cạnh con phố nhỏ, có hai vợ chồng, hai trái tim. Họ chờ đợi đón nhận thành viên thứ ba. Tôi thấy vui vì sự phấn đấu của Hậu và Trọng, dù vất vả còn đợi ở phía trước. Tôi cũng thấy họ nhìn nhau rất âu yếm. Hạnh phúc chính là những điều giản dị ấy phải không nhỉ?

Hải Miên
.
.