Họa sĩ Nguyễn Phan Bách:

Nghệ thuật phải làm cho người ta nhớ, càng lâu càng tốt

Thứ Ba, 19/11/2013, 15:10

Lần đầu gặp Bách, kho khó nói chuyện. Bách có gì là lạ của một kẻ chắc là quen diễn đạt bằng khối, bằng hình, bằng màu, hơn là bằng lời nói. Cảm giác những từ Bách nói, đôi khi không đủ sức, không làm Bách thỏa mãn với ý muốn Bách định diễn đạt. Một sự chầm chậm, một chút bế tắc, và cần một  sự hiểu đủ để mở cánh cửa cho mọi câu chuyện, mọi suy tư, ý tưởng được vượt thoát. Mọi thứ sau đó bỗng trở nên dào dạt, dễ hiểu, dễ cảm hơn rất nhiều…

Bách mang gương mặt của một người rất cũ. Một người như thể ta gặp từ lâu rồi, đâu đó trong đời sống. Nó từa tựa một gương mặt nào đó trong chính triển lãm tranh đầu tiên của Bách có tên Vô diện. Vô diện, không phải một cách xóa mình đi, mà là một thái độ với nghệ thuật thì đúng hơn. Rằng trên con đường tìm kiếm, khi đã sa chân vào nghệ thuật, thì luôn luôn sẵn sàng ở đó một sự mất tích.

Người ta dấn thân để tìm hào quang, hay đôi khi chỉ là đổi lấy sự mất tích, nếu người ta không đủ sống chết hay một xác tín nào đó. Bách đúng là đã quan niệm thế. Bách chỉ có một con đường mà Bách chọn, là trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Nhưng Bách đã đi với tâm thế cực kỳ nhẹ nhàng, một tâm thế “vô diện” buổi đầu, nghĩa là hồn nhiên nhất có thể, không khoác lên nghệ thuật một áo xống nào cho đặc biệt, cho nghiêm trọng cả.

Bách vẫn còn đủ trẻ để nhận thấy, phải trút bỏ nhiều nhất có thể trên vai mình những gánh nặng không cần thiết, để được thoải mái, là mình nhất trong cuộc chơi hội họa. Đối với Bách, nghệ thuật là đời sống, là những gì thường nhật, gần gũi, không phải những thứ hàn lâm, treo tường. Nghệ thuật phải tham gia vào đời sống theo cách hồn nhiên nhất, tránh xa sự cầu kỳ, sự mỹ miều, sự cao giá.

Cụ thể, nghệ thuật phải làm cho Bách có thể kiếm tiền, có thể sống bằng chính nó. Bách làm gì cũng được. Một bức tranh phục phụ một khách hàng nào đó, họ thích decor căn phòng của họ chẳng hạn. Bách làm ngay. Bách nói, người ta tìm đến họa sĩ, và muốn một tác phẩm do chính tay họa sĩ làm, bỏ tiền ra, và đợi, thay vì chạy thẳng tới phố Nguyễn Thái Học mua một bức tranh chép vô hồn, thì đó là công chúng thực rồi còn gì. Bách làm với tất cả say mê, công sức.

Có người thuê Bách đến trang trí quán karaoke, Bách cũng làm ngay, không nề hà. Và Bách dồn tâm huyết vào câu chuyện trang trí đó. Làm gì cũng được, miễn là công việc phải dính dáng đến nghề của Bách. Có người từng nói, Bách làm thế là hạ thấp nghệ thuật, là coi thường nghệ thuật, Bách chỉ cười.

Nhìn vào lịch sử hội họa thế giới, nhiều họa sĩ tài danh buổi đầu vẫn đi vẽ tranh thuê cho các nhà thờ đấy thôi. Bách không định sa vào câu chuyện cao thấp trong nghệ thuật. Bách chỉ lao động bằng tất cả sự hồn nhiên trong cảm nhận của mình. Trong tinh thần của Bách, hội họa không cần một sự cao giá đến mức cả triệu người mới có một vài người đủ tiền để sở hữu một bức tranh.

Nghệ thuật phải đi vào đời sống. Nó càng được phát tán nhiều trong đời sống, và ai cũng có thể sở hữu được nghệ thuật, trong khả năng của họ, thì đó mới là nghệ thuật hữu ích. Và người họa sĩ, thay vì nhăm nhăm vẽ những tác phẩm đỉnh cao, với một cái giá mặc định nào đó để xứng tầm, anh có thể sáng tạo bất cứ thứ gì anh gặp, anh ngộ duyên, và để nó chảy vào đời sống. 

Bách xác định một tâm thế rất rộng rãi trong cuộc ngộ duyên hội họa. Có khi để chuẩn bị cho một triển lãm, Bách ngồi lì trong phòng, giam mình trong không gian đặc quánh, độc thoại với màu, vẽ như lên đồng. Sau những im lặng bóng tối ấy, Bách lại thích một cuộc chơi đông người. Bách tham gia vào triển lãm nhóm, những cuộc chơi đương đại cùng với nhiều họa sĩ trẻ khác. Để được cảm nhận hết sự rộn ràng của một đời sống trẻ.

Tác phẩm Con voi Thơ của Nguyễn Phan Bách. Con voi này mang trên mình nó thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Vừa rồi Bách tham gia vào triển lãm đương đại  Những bông hoa nhỏ.  Bách chỉ có 3 ngày cho một ý tưởng. Rồi Bách quyết định dựng một con voi giấy. Một con voi với kích cỡ như con voi thật. Rồi Bách nghĩ mình sẽ để gì trên lưng con voi,  làm cho sự nặng nề người ta hay hình dung về nó, biến mất. Và con voi Thơ xuất hiện. Những bài thơ của các tác giả đương đại được Bách dán lên lưng voi. Với triết lý về sự gần gũi, bay bổng, tự nhiên, Bách rất thích thú với ý nghĩ là tại triển lãm mình tham gia, con voi Thơ sẽ thu hút công chúng trẻ. Những người lúc đầu đến để xem mỹ thuật. Nhưng họ sẽ bất ngờ gặp thơ ca ở đó. Họ chụp ảnh với con voi Thơ. Mắt họ vấp vào những câu thơ, và họ nhớ. Bách chia sẻ: “Tôi rất thích những cuộc chơi mà ở đó thu hút sự tham gia của nhiều người sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi giam mình trong phòng để vẽ tranh, tôi là duy nhất. Còn ở cuộc chơi của mỹ thuật đương đại, tôi muốn đưa nhiều yếu tố khác vào, không chỉ thơ ca, mà còn có thể là môi trường, là âm nhạc, là nhiều loại hình nghệ thuật khác. Tôi muốn bạn bè, và cả công chúng đều can dự vào một tác phẩm nghệ thuật. Họ là một phần của tác phẩm. Chủ động chứ không hề thụ động. Họ tạo ra sự sinh động cho tác phẩm”.

Tôi cảm nhận ra một điều, rằng ở Bách rất nhiều chất thơ. Điều này có lẽ đương nhiên thôi, vì Bách là con của một nhà văn lớn. Cha của Bách, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, không chỉ viết văn xuôi mà còn là người mê hội họa, làm thơ nữa. Bách mang gen đó, ít nhiều. Bách thích thơ. Sau cuộc chơi của triển lãm mỹ thuật đương đại, Bách lại mang con voi Thơ của mình ra Nhà hát Lớn Hà Nội. Con voi Thơ của Bách lại trở thành một nhân vật kể một câu chuyện nào đó trong đêm thơ nhạc dành cho bạn bè và ra mắt bộ sách Nỗi buồn tốc ký của nhà thơ Hồng Thanh Quang. Bách yêu những con chữ. Bách rất thích mang cho những con chữ một diện mạo mới, một diện mạo của màu sắc, thứ mà Bách đang theo đuổi. Những bài thơ ngắn, súc tích của nhà thơ Hồng Thanh Quang rất phù hợp để Bách sáng tạo trên những vuông giấy hẹp. Và con voi thơ đứng ở sảnh Nhà hát Lớn, nơi Hồng Thanh Quang hội ngộ những người bạn của mình, là một điểm nhấn của đêm bạn bè nghệ sĩ gặp gỡ nhau. Rất thi vị.

Bách mê thơ đến nỗi, sau câu chuyện về con voi Thơ, Bách sẽ làm một triển lãm khác có tên gọi Rừng thơ. Bách sẽ biến triển lãm cá nhân của Bách thành một cuộc chơi thu hút hàng trăm nhà thơ. Tác phẩm của các nhà thơ sẽ là một trong những chất liệu để Bách sáng tạo không biên giới. Thơ ca, theo Bách, từ trước tới nay đang đứng ở một góc hẹp hơn lẽ ra nó có thể. Nếu đưa thơ đến với những cuộc chơi mở hơn, rộng rãi hơn, thì công chúng sẽ có nhiều hơn những cơ hội được thưởng thức thơ trong không gian đa chiều…

Làm nghệ thuật đương đại, theo như quan niệm của Bách, là rất đơn giản. Đương đại cho những người trẻ tuổi, là cuộc chơi hồn nhiên, có khả năng hấp dẫn những công chúng trẻ tuổi. Mình làm một tác phẩm đương đại thì làm sao phải hấp dẫn, phải làm cho người ta thích đã. Công chúng họ thích thì họ sẽ đến. Và chỉ khi kéo được họ đến xem tác phẩm rồi, thì họ mới để ý những gì mình trình bày trên tác phẩm đó. Bách chia sẻ, có rất nhiều người nhân danh nghệ thuật đương đại để lao động, sáng tạo. Nhưng họ đâu có làm cái cho hôm nay. Những giá trị họ sáng tạo vẫn là câu chuyện của cái cũ, cái đã qua. Cho nên tác phẩm của họ không có hấp lực gì với những công chúng trẻ tuổi. Đó là một sự thất bại thì đúng hơn. Quan niệm của Bách, nghệ thuật đương đại phải hướng vào những giá trị chưa có, những công chúng tiềm năng, những người đang bắt đầu khám phá đời sống và nghệ thuật.

Tôi cho rằng, nghĩ tới công chúng của tương lai, đấy là một nghệ sĩ trẻ đương đại có tư duy tốt, hợp thời. Nền nghệ thuật cần những người như Bách, những người không chịu áp lực gì nhiều trong việc bản thân phải trở thành thế nào. Bách làm nghệ thuật để làm chính mình, ngân vang hết những gì đầy ắp tuổi trẻ trong mình, để đối thoại với công chúng.

Nguyễn Phan Bách nhớ lại, lúc còn nhỏ, thường được cha, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, kể cho nghe rất nhiều câu chuyện bằng hình ảnh. “Ông thường vẽ lên tường những hình ảnh minh họa cho các con thấy. Giờ ngẫm lại, đó chính là cách để ông dạy tôi yêu hội họa, niềm đam mê không kém gì văn chương ở ông”. Rồi Bách đi học Trường Mỹ thuật. Học ngành Điêu khắc nhưng cuối cùng Bách lại vẽ là chủ yếu. Bách thấy may là mình được sinh ra trong một gia đình có bố là nhà văn. “Riêng câu chuyện của ông với những người bạn đã cho tôi một bộ lọc tốt. Tôi lớn lên trong một gia đình như thế, làm con của cha tôi, thì tôi bước đến với hội họa cũng như một lẽ tự nhiên thôi. Nhưng cha tôi là người khắt khe với nghệ thuật. Ông chưa bao giờ khen tôi cả. Ông chỉ nói “được”, đó là lời khen quý nhất. Tôi cũng chịu một áp lực nào đấy, vì tôi là con ông, nên nếu tôi đã làm nghệ thuật, thì tôi không thể làm những thứ vớ vẩn. Tôi phải hướng đến sự tử tế”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đúng là không bao giờ dễ chịu với Bách. Ông thường có xu hướng nói về nghệ thuật ở một mức độ bình thường nhất. Ông không bao giờ muốn Bách ảo tưởng về nghệ thuật. Ông muốn Bách nhìn nghệ thuật thấu đáo trước khi bước vào để đắm đuối với nó. Rằng con đường đó là con đường chông gai, nếu ảo tưởng thì “cái chết” nào đó cũng có thể đến rất nhanh.

Tôi còn nhớ, trong một bài viết về con, nhân dịp Bách triển lãm tranh lần đầu, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có nhắc tới ý này: “Bách sẽ phải nếm trải tất cả vinh quang và cay đắng cho dù thế nào đi nữa, chỉ có điều nếu thất bại thì nỗi đau của nó sẽ đau hơn nhiều những nỗi đau của người thắng lợi mà thôi, vì đấy là nỗi đau của kẻ bất tài”.

Đối với Bách, lời nói đó của cha là một sự răn đe hơn là nhắc nhở. 38 tuổi, đã từng chịu tan vỡ trong hôn nhân, Bách đang đi một mình trên đường và tự nếm trải mọi cảm giác sung sướng hay khổ đau mà nghệ thuật mang lại. Và quan trọng hơn, là phải gọi hết những năng lượng trong mình, để dấn thân. Để bất cứ điều gì khi đã trở thành nghệ thuật, trong tinh thần của Bách, phải mang một nỗi ám ảnh nào đó. Bách nói, nghệ thuật phải làm sao để cho người ta nhớ, càng lâu càng tốt…

Hội Quân
.
.