Nghệ sỹ ưu tú Minh Vượng: Vượt qua những cú sốc

Thứ Năm, 25/12/2008, 10:30
Tôi tần ngần đứng trước nhà của nghệ sỹ hài Minh Vượng. Ngõ nhỏ đầy cây xanh và nắng rực rỡ… Đã sắp Giáng sinh rồi, Hà Nội giữa đông thật đẹp. Ngoài phố kia, cuối năm dòng người hối hả tất bật. Trong dòng chảy cuồn cuộn của thời gian, không có ai dừng lại, chậm lại trong guồng quay ấy.

Vậy mà trước con ngõ nhỏ này, nơi có ngôi nhà nép tán cây xanh, tôi tưởng như Hà Nội xa xôi lắm ngoài kia, thời gian xa xôi lắm ngoài kia, và cánh cửa nhà Minh Vượng đang mở ra bày trước mắt tôi một nhịp sống chậm rãi, yên tĩnh và lặng lẽ.

Thì ra, trút bỏ xiêm y lòe loẹt trên sân khấu, trút bỏ những trận cười nghiêng ngả mà ngạo nghễ, chốn lặng của danh hài Minh Vượng là đây, nơi không phải tiếng cười là thứ duy nhất ngự trị. Nơi đây, Minh Vượng và người bạn thân thiết đang sống một đời sống chậm, giấu mình chìm lặng sau những náo nhiệt kia.

1. Minh Vượng vừa trải qua những cú sốc lớn về tinh thần. Những cú sốc tưởng chừng đã có thể quật ngã người phụ nữ to lớn, chân đi miệng nói, đến đâu là mang lại tiếng cười nghiêng ngả, mang lại niềm vui, sự ồn ào. Năm 2008 là năm có những sự kiện lớn trong cuộc đời của danh hài Minh Vượng.

Có thể nói đó là những sự kiện gây tác động không nhỏ trong cuộc đời của mỗi con người. Sự kiện đau buồn nhất là người mẹ thân thương của chị đã giã biệt chị cùng các con để đi về một cõi khác. Mẹ chị, người mẹ một đời yêu thương, sống chan hòa vui vẻ với làng trên xóm dưới, là trung tâm hòa giải của cả khu dân cư nơi tập thể Nhà máy Rượu Hà Nội, người luôn mang lại niềm tin, góp phần tích cực để hóa giải hết mọi rắc rối đau buồn của hàng xóm láng giềng những lúc khó khăn trắc trở.

Danh hài Minh Vượng kể về sự ra đi của bà, một sự ra đi nhẹ nhõm, kỳ lạ như một người trần đã sống ở chốn dương gian đủ để đến ngày bà hóa kiếp về trời. Buổi sáng hôm ấy, Minh Vượng nhớ như in, ngày 4/5/2008, bà đi trước một ngày Tết Đoan ngọ 5/5, ngày giết sâu bọ, bà gọi con gái đến và mở tủ ra dặn con, ngăn này nhà ai gửi tiền, ngăn kia nhà ai gửi vàng.

Vì trong khu tập thể có người sửa nhà không có chỗ cất tiền vàng bèn mang đến cho mẹ chị giữ giùm. Chỉ xong, bà kêu đói, ăn một bát hủ tiếu nhỏ. Một lúc sau uống thêm nửa cốc nước cam. Bà đi vào nhà vệ sinh và tự làm vệ sinh xong, lên giường ngồi tựa lưng xem tivi.

Bà chỉ nấc lên hai cái là đi ngay, như vừa thiếp ngủ. Em gái Minh Vượng ở trên tầng xuống không kịp thì mẹ đã đi rồi. Bà đi quá đột ngột khiến cho tất cả con cháu đều sốc và cảm thấy quá đỗi đau buồn. Con cái không một ai nghĩ là bà sẽ đi, vì thường ngày, bố mới là người yếu bệnh đau ốm suốt hai năm nay.

Lúc còn sống, bà vẫn thường nói với các con cháu như một điềm báo rằng: "Trông bố chúng mày ốm đau, bệnh tật đi hết viện nọ viện kia nhưng người chết trước là tao đấy. Rồi mà xem". Con cháu trách bà, cho rằng mẹ cứ gở mồm, thế mà điều bà nói lại đâm ra thật.

Sau khi bà mất, gia đình gọi hàng xóm đến lấy đồ gửi ở tủ của bà. Giá như không linh cảm trước được sự sống như ngọn đèn trước gió của mình, bà không nói cho con gái biết ai gửi tiền vàng, thì khi bà mất, biết đâu mà tìm đến tận người để gửi trả. Bà thọ 86 tuổi, ra đi nhẹ như một sự hóa kiếp.

2. Những ai mất mẹ rồi, mới thấu hết nỗi cô đơn của kẻ mồ côi, mới thấm thía tận cùng cái sợi dây neo đậu của mình với nguồn cội, với máu mủ ruột rà, với bậc sinh thành giờ đã bị đứt mất.

Mất đi sợi dây ràng buộc ấy, chúng ta như mất đi một bến bờ, như cái cây ngả nghiêng trước gió bão, như chùm rễ chỉ chực nhổ bật lên khỏi mặt đất bình yên. Từ đây, chúng ta sẽ phải đơn độc một mình, tự bám rễ, tự vững chãi, và gồng lên để làm một bến bờ cho những đứa con, cháu chắt của mình neo đậu.

Kiếp người luân hồi, ai cũng phải trải qua cảm giác mất mẹ mất cha. Thế nhưng, con người dù ở tuổi nào, dù lên chức mẹ chức bà hay trên đầu đã hai thứ tóc như Minh Vượng thì mồ côi mẹ vẫn là một nỗi buồn đau tang thương không gì sánh nổi.

Danh hài Minh Vượng mỗi lần đi diễn trở về, qua thăm nơi mẹ đã sống, ngồi lên chiếc giường trống trải, lạnh hơi mẹ, chị vẫn tâm niệm một điều rằng, mẹ đi xa đâu đó chưa về.

Và chị đợi, dù trong vô thức, một chút mệt mỏi đầy hy vọng… một ngày nào đó, khoảnh khắc nào đó, chị gặp lại mẹ mình trong ngôi nhà này, ở chỗ ngồi kia, trên chiếc giường xưa. Mỗi khi chị đến thăm mẹ, chị chỉ muốn nghe mẹ kể những chuyện vui, và nếu mẹ có tâm sự chuyện buồn, chị cứ gạt phắt đi, ngăn không cho mẹ kể.

Chị cứ biện lý do: "Mẹ ơi, mẹ cũng huyết áp, con cũng huyết áp, mẹ kể chuyện buồn, con cũng buồn, rồi mẹ con mình sao chịu nổi. Thôi mẹ đừng kể nữa". Mất mẹ rồi, Minh Vượng chỉ có một nỗi ân hận lớn lao nhất, rằng khi xưa, lúc mẹ còn sống, tại sao chị lại không một lần lắng nghe mẹ kể chuyện buồn.

Sao chị nỡ ích kỷ, chỉ muốn nghe chuyện vui từ mẹ, nhận niềm vui từ mẹ mà không muốn san sẻ nỗi buồn của mẹ. Người mẹ nào mà không có nhu cầu chia sẻ những muộn phiền, dù chỉ là những muộn phiền không lý do. Đó chính là ân hận lớn nhất của Minh Vượng.--PageBreak--

3. Danh hài Minh Vượng vừa trải qua một cú sốc lớn thứ hai trong năm ấy là chị vừa trải qua những ngày tháng thập tử nhất sinh với căn bệnh tiểu đường biến chứng thành viêm phổi cấp.

Hơn một tháng nằm viện, chạy chữa, ở mong manh giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chị mới thấm thía hết nhẽ những được mất thua thiệt ở đời. Chưa bao giờ, chị quý sự sống nhiều hơn đến thế. Có sức khỏe, con người có thể đi tới muôn vàn những ước mơ.

Nhưng không còn sức khỏe, con người cần gì hơn nữa ngoài sự sống. Một tháng nằm tại Khoa Phổi của Bệnh viện Thanh Nhàn, là một tháng Minh Vượng có thời gian rỗi để hồi ngẫm lại quá nửa đoạn đời của mình, những tháng ngày đã qua, những công việc đã trải, những vở kịch chị đã tập từ nụ cười đầu tiên, cái liếc mắt đầu tiên.

Thành công xen lẫn thất bại, hạnh phúc trổ mầm từ những cay đắng. Có lẽ đây cũng là lúc chị bắt đầu cho cuốn tự truyện của cuộc đời mình. Trong một buổi chiều vô thường như lúc này đây, danh hài Minh Vượng đã trải lòng với tôi bằng tất cả những nỗi rưng rưng của đời chị.

Minh Vượng kể rằng, phòng cấp cứu nơi chị nằm gần với nhà tang lễ của Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngày nào cũng vậy, ít thì có 3 mà nhiều thì tới 6 đám ma tiễn 6 phận người về với thế giới bên kia.

Minh Vượng tự nghĩ, cả đời chị sống trong tiếng kèn tiếng trống trên sân khấu, và bây giờ khi ốm nằm xuống, lại ngày ngày sống trong tiếng kèn tiếng trống, chỉ khác là tiếng kèn tiếng trống nơi đây ai oán và buồn tủi, ấy vậy mà thành quen. Cái ranh giới giữa sống và chết mới mong manh vô chừng.

Hôm nào chưa thấy phía nhà tang lễ cất lên tiếng trống tiếng kèn, bệnh nhân trong phòng lại hỏi nhau, ơ kìa, hôm nay không có đám ma nào nhỉ. ở lâu, đâm nhớ riết tiếng kèn tiếng trống bên nhà tang lễ. Đám ma cũng có phận của đám ma. Người sang, kẻ hèn, người theo đạo Phật thì tiếng trống tiếng kèn nức nở ai oán.

Người theo đạo Công giáo thì có cả đoàn quân nhạc mấy chục người trống kèn lừng vang như một cuộc tiễn đưa đầy hân hoan sung sướng cái người chết kia được trở về với Chúa để bắt đầu một cuộc sống thực sự của họ. Ngày nào rỗi rãi, mấy bệnh nhân lại rủ nhau ra xem đám ma.

Mỗi một đám ma chứa đựng một phận người, người thì được đeo khăn đỏ, vinh hạnh bởi lên “chức” cụ, "tứ đại đồng đường", người thì được đeo khăn vàng, người thì cô đơn buồn tủi chỉ có dăm bảy người lưa thưa đưa tiễn. Người chết trẻ, đau khổ tột cùng, người chết già, coi như một sự hóa kiếp…

Chưa lúc nào, Minh Vượng ngẫm nghĩ về phận người nhiều hơn lúc này. Mà có đau ốm mới thấu hiểu hết nỗi cực nhọc vất vả của đội ngũ y sỹ, bác sỹ ở viện. ở ngoài đời, bao nhiêu tiếng xấu, lời thị phi kể về y sỹ, bác sỹ, nhưng có trở thành bệnh nhân, có nằm miết trong bệnh viện mới thương xót và sẻ chia với những nhọc nhằn của những người làm nghề y.

Cùng là "sỹ" như nhau nhưng môi trường của văn nghệ sỹ là môi trường của giải trí, của nhẹ nhõm và vui cười. Còn với nghề y, môi trường ấy là đau ốm, bệnh tật, là những người bệnh lúc nào cũng mong được bác sỹ thăm hỏi động viên sẻ chia, để lần nào gặp bác sỹ là lại trình bày, rên rỉ bệnh tật, là kêu la, là đòi hỏi…

Người y tá, bác sỹ phải phân thân ra trăm ngàn mảnh mới đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.

Danh hài Minh Vượng tâm sự, mỗi một ngày ở bệnh viện, công việc cần làm nhất là nhìn lên đôi bàn tay để tìm chỗ ven mà truyền thuốc. Một trong những “thú vui” là nghe kèn đám ma, và ngẫm nghĩ về thân phận con người.

Minh Vượng cho rằng, bệnh nhân đi viện thì có nhiều thời gian để suy ngẫm về mình, về đời nhiều hơn. Chỉ có hai bộ quần áo sọc, sau bộ quần áo bệnh nhân ấy thì con người vào đây sang hèn đều như nhau, thủ trưởng hay nhân viên đều giống nhau tất.

Minh Vượng vừa ra viện được vài ngày, cảm giác sung sướng khi được mặc bộ quần áo mình thích, được về lại nhà mình, được gặp gỡ mọi người trong cuộc sống náo nhiệt kia. Đó là một ân huệ lớn, một diễm phúc mà chị đã phải cố gắng để chiến đấu với bệnh tật.

Chưa lúc nào Minh Vượng cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống một cách mãnh liệt hơn lúc này. Có ốm đau mới biết quý trọng sự sống, có những lúc khó khăn mới biết đến tấm lòng của bạn bè. Ai là bạn thì mãi mãi là bạn, ai là bè thì cũng chỉ mãi là bè mà thôi.

Có những người ngỡ là bạn hóa ra lại không phải, có những người là bạn đồng niên đồng tuế bên nhau từ thuở hàn vi, trở thành đồng nghiệp của nhau nhưng khi Minh Vượng trải qua những giây phút thập tử nhất sinh người đó không một dòng nhắn tin thăm hỏi.

Ngược lại, có những người cứ ngỡ không phải là bạn vì họ mới chỉ quen biết chị sau này, chơi với chị sau này nhưng bất kỳ những lúc nào Minh Vượng khó khăn nhất, họ bằng cách này cách khác đã tìm đến để sẻ chia.

Chị cứ nằng nặc bắt tôi nhắc đến hai người bạn lớn trong số bạn bè luôn bên cạnh chị, thương quý chị trong giới đã đành, mà chị kính trọng và vô cùng yêu quý đấy là nhà thơ Hồng Thanh Quang, Thiếu tướng Hữu Ước.

Đặc biệt là anh Ước, năm 2001, lúc biết tin Minh Vượng đột quỵ, dù bận đến thế anh đã săm sắn đến thương lo cho Minh Vượng từ viên thuốc, đến tìm bác sỹ, cho chị tiền, nhờ người đưa chị đi khám bệnh. Chỉ một tin nhắn, một lời động viên, một sự thăm hỏi lúc này thôi cũng đủ cho chị rưng rưng suốt đời, đâu có phải vật chất gì to tát hơn thế.

Giờ đây, cuộc sống như lại bắt đầu với Minh Vượng từ bước chân chị nhẹ hơn, run rẩy hơn, từ hơi thở chậm mà ngày ngày, chị và chị My, người bạn gái thân vẫn nương tựa vào nhau, níu vào nhau để bên nhau cảm nhận được hạnh phúc và vị ngọt của đời sống này.

Ngoài kia cuộc sống vẫn sôi động và náo nhiệt lắm, nhưng nơi đây, trong ngôi này, với hai người phụ nữ một thật nổi tiếng, và một thật bình dị vô danh, họ đang sống chầm chậm lại…

.
.