Nghệ sỹ Nga Timofei Spivak: Tôi sống và tôi ước muốn

Thứ Tư, 21/10/2009, 08:57
Xòe bàn tay, bấm đốt, Timofei Spivak cũng khó lòng tính nổi, ông đã tới Việt Nam bao nhiêu lần. Cao lớn kềnh càng, mắt xanh râu tóc bạc, Timofei Spivak săm sắn đến rồi đi, không ngừng dịch chuyển giữa nước Nga và Việt Nam, xứ sở mà ông đã phải lòng ngay từ lần đầu tiên gặp mặt...

Vốn là một diễn viên điện ảnh có tiếng ở Nga và cả thời Liên bang Xô viết, xấp xỉ hai mươi năm qua, cuộc sống của Timofei Spivak gắn kết cùng dặm dài gần 10.000 cây số đường chim bay nối Matxcova với Hà Nội… Như một ước nguyện cuối cùng, Timofei Spivak cặm cụi nhiều tháng ngày, chỉ mơ đến cái kế cục có hậu, thời khắc ra đời của phân hiệu Trường nghệ thuật đương đại Nga ngay tại Việt Nam.

1. "Đừng cố để chụp nữa, tôi không đẹp hơn được đâu. Tôi đã qua thời đẹp trai lâu quá mất rồi". Timofei Spivak cười, đôi mắt xanh nheo nheo, lấp lánh. Ống kính máy ảnh rọi về phía ông, loay hoay tìm góc độ, không phải gắng sức chọn ra khuôn hình lý tưởng nhất, mà chỉ cốt sao thu được vẻ dung dị hồn hậu rất Nga ở người đàn ông đã vào cái tuổi "lục thập nhi nhĩ thuận" này.

Thực ra, Timofei Spivak cũng đã từng là một trang "tuấn kiệt", một tài tử tạo dựng được tên tuổi của điện ảnh Xô viết thập niên 80 (thế kỷ 20). Timofei Spivak vừa cấp tập đến Việt Nam, vì đang kỳ nghỉ phép, rồi ông lại mải mốt lên máy bay về Nga khi công việc vẫn còn dang dở. Search trên Google tên Timofei Spivak cả bằng ký tự La tinh và Nga, lập tức ra hàng loạt kết quả. Danh sách những bộ phim mà Timofei Spivak đã đóng, những tác phẩm điện ảnh ông làm đạo diễn, viết kịch bản, điều hành sản xuất và cả quá trình tham gia giảng dạy nghệ thuật khắp dọc dài đất nước rộng lớn của ông.

Cũng trên bộ nhớ khổng lồ của Google còn lưu những tấm hình Timofei Spivak thời trai trẻ, lộ diện một gương mặt cương nghị, lành lạnh những vẫn phiêu bồng ở tuổi đương xoan. 23 vai diễn trong 23 bộ phim của Timofei gợi lại một thời vàng son quá khứ, những cái tên xưởng Mosfilm, Lenfilm, hay xưởng phim Gorkii đã từng rất quen tai quen mắt với vô cùng nhiều người dân Việt. Có những tháng ngày, ngập tràn trên truyền hình và màn ảnh rộng Việt Nam, là những bộ cuốn phim truyện hào hùng và trĩu nặng ân tình đến của nước Nga Xô viết, được dàn dựng từ những xưởng phim nức tiếng mà không biết bây giờ, số phận đã đưa đẩy về đâu?

Timofei Spivak không hoàn toàn là người lạ ở Việt Nam. Lần đầu đặt chân tới Việt Nam năm 1992, Timofei đã tiếp cận được với những người bạn thú vị. Để rồi, một năm sau đó, năm 1993, ông bắt tay sản xuất bộ phim hành động "Vopreki Vsemu" (tựa đề tiếng Việt là Tội phạm) về băng đảng những người Việt tại Nga. Phim làm giữa thời khó khăn kinh tế, đồng Rúp đua nhau mất giá, nhưng vẫn bán được vé và thu lời. Hai người bạn ông, hai "diễn viên" rất nghiệp dư, vốn là một nhà báo truyền hình và một chuyên viên Bộ Văn hóa đều được vào vai các nhân vật ra tấm ra món…

Không hiểu nhà báo Nguyễn Trung Kiên và chuyên viên Đào Mạnh Hùng còn nhớ về bộ phim ấy, nhưng giờ này, Timofei vẫn ghi dấu, vẫn phát âm tròn vành rõ tiếng tên những người bạn mà ông đã gặp và quen từ ngày đầu. Kể từ ấy, Timofei thường xuyên trở lại Việt Nam. Năm 2003, là đại biểu trong phái đoàn Nga tham dự "Tuần phim Nga ở Hà Nội", có dịp ngồi lẫn dưới hàng ghế khán giả, Timofei ngộ ra nhiều điều. Tình cảm và sự vấn vương với văn hóa Nga, tâm hồn Nga còn đặc quánh trong một bộ phận không nhỏ cư dân Thủ đô, kể cả những người trẻ xênh xang, điệu đà váy áo. Ông đã rưng rưng, quặn thắt. Những điều tốt đẹp sẵn có, được vun xới từ thế hệ này qua thế hệ khác, không dễ gì mất đi.

"Điều trọng đại, phải nhìn lâu mới thấy", gần 10 năm tìm và hiểu Việt Nam, Timofei Spivak đã yêu hơn hết đất nước còn nhiều bề bộn và gian khó, đất nước có những con người luôn nặng lòng với bạn bè từ thuở tấm cám. Từ những công chúng trẻ ở Hà Nội, Timofei Spivak cồn cào ước muốn được gắn kết nhiều hơn, được ở lại và nhận lãnh trách nhiệm làm sứ giả kết nối văn hóa của hai quốc gia vốn nặng ân tình.  

2.Năm 2004, Timofei Spivak đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình  thử thách sức chịu đựng và sự kiên nhẫn ngoài ý muốn của ông: Nộp hồ sơ xin phép mở phân hiệu Trường nghệ thuật đương đại Nga ở Hà Nội. Đấy là nơi ông đã đứng trên bục giảng từ năm 1992, một mảnh đất màu mỡ giúp những thanh thiếu nữ yêu nghệ thuật khắp thế giới có thể tu dưỡng để đắp bồi cho mình một cái nghề, một công việc sẽ đi theo suốt cuộc đời.

Với Timofei Spivak, dẫu vật đổi sao dời thế nào chăng nữa, văn hóa và nghệ thuật Nga vẫn mãi xứng là một giá trị mà thế giới luôn công nhận. Tỉ mẩn vượt qua hàng núi các trở ngại quan liêu giấy tờ, Timofei những mong công việc của mình được tiến triển nhanh chóng, để sớm tới ngày, ông và các thầy cô giáo đến từ nước Nga, những nghệ sỹ thành danh và đầy ắp kinh nghiệm đậu lại ở Việt Nam, đón những lứa sinh viên người Việt đầu tiên, truyền giảng cho họ bài học làm nghề ngay trên đất Việt. Ngôi trường của Timofei Spivak ở Việt Nam, đào tạo thêm nhiều ngành mà hệ thống Đại học trong nước chưa có. Kể cả năm sáu năm sau ngày đi vào hoạt động, trường cũng chỉ tuyển sinh tối đa 600 sinh viên, để có thể lựa ra những con người tinh hoa, ưu tú nhất. Ý tưởng xây dựng phân hiệu Trường nghệ thuật đương đại Nga ở Hà Nội là của Timofei Spivak, và vì thế, ông đã dồn vào đó trọn vẹn niềm tin lẫn sức lực của chính mình.

Ngày tháng chậm trôi, những gì cần phải làm, Timofei Spivak và các cộng sự của mình đã làm hết. Hoàn thành thủ tục xác nhận tài chính, chứng minh tính chất phi lợi nhuận của trường, lên kế hoạch chi tiết cho từng ngành học, năm học, tiết học, cố gắng thực hiện yêu cầu mà các cơ quan chức năng phía Việt Nam đưa ra… Hai năm sau lần đầu tiên, năm 2006 Timofei Spivak lại nộp tiếp một bộ hồ sơ nữa đã được sửa đổi nhiều theo yêu cầu của các chuyên viên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lại những giờ phút phấp phỏng ngóng trông, chờ đợi, những chuyến đi đi về về giữa hai quốc gia để đốc thúc công việc và săn tìm kết quả. Nhưng rồi, hết ngày dài đến đêm thâu, những bộ hồ sơ mà Timofei Spivak gửi đi như đang rơi vào khoảng không vô định.

Tư chất nghệ sỹ lãng mạn khiến ông rắp tâm đầu tư cho giáo dục, lại là giáo dục nghệ thuật ở một đất nước quá cách ngăn về địa lý. Timofei Spivak dường như không hợp lắm với vai trò nhà đầu tư, bản chất nghệ sỹ ít va chạm với trăm điều vụn vặt của cuộc sống làm ông không lường hết những rào cản của các thủ tục hành chính vốn lắm nhiêu khê và khó định lượng. Nhưng cũng chính đam mê nghệ sỹ giúp Timofei Spivak chẳng mấy nề hà những tốn kém cực nhọc cả về thời gian và tiền bạc, ông chỉ băn khoăn chưa kiếm ra câu trả lời hợp lý nhất cho câu hỏi: Công việc của mình còn khúc mắc ở những đâu? còn thiếu những yếu tố gì để được thực thể hóa tình yêu mà ông dành cho Việt Nam ngay trên đất nước Việt Nam. Ông chỉ nhận được những cái hẹn và lời nhắn gửi: chờ đợi, mà chưa mường tượng ra mình phải chờ đợi đến ngày tháng năm nào.

Timofey Spivak bảo ở Nga, ông là một nghệ sỹ nổi tiếng, nhưng không phải ngôi sao. Ông không thành "sao", theo cái nghĩa thời thượng của mỹ từ này, vì thiếu một yếu tố tối quan trọng: ham vinh quang. Ông chỉ muốn sống ở đời, sao cho thanh thản, tận hưởng tối đa tự do của riêng mình. Tận lúc này, sau gần 6 năm đeo đuổi ý tưởng mở trường, Timofei Spivak chưa hề có dấu hiệu nản chí. Ông chỉ ngại những người bạn đồng hành cùng ông suốt bao năm qua đã mất hết kiên nhẫn, không còn tin vào kết quả cuối cùng.

Hỏi Timofey Spivak sao không dành ngày rộng tháng dài của mình để rong chơi khắp thế giới, lại cứ phải mỏi mòn để dồn sức cho một công việc không hề sinh lời cho cá nhân?. Trong tiếng Nga có cụm từ mang nghĩa Việt là "tôi sống". Timofei Spivak bảo Tôi sống tức là có đam mê, có khát khao cống hiến. Sống như thế tức là mang lại lợi ích cho mình và cho người khác. Timofei Spivak là một nghệ sỹ và một nhà giáo dục, quen với hành động nên chán ngán sự nhà rỗi. Ông không thích nghỉ ngơi, luôn muốn khám phá những điều mới mẻ. Tôi được sống, và được thực hiện ước mơ của cá nhân mình.

Với Timofey Spivak, hình thành được phân hiệu trường Nghệ thuật đương đại Nga tại Việt Nam chính là dự án cuối cùng, khát vọng còn lại mà ông đeo đẳng trong cuộc đời. Không có quá nhiều níu kéo ràng buộc cá nhân, Timofey gần như được dành toàn bộ tiền bạc, tâm huyết cho sự hình thành ngôi trường nghệ thuật quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Ông chỉ có một cô con gái, 25 tuổi nhưng cũng đã kịp thành nữ nghệ sỹ tạo được dấu ấn ở Nga. Mariana Spivak từng đóng phim Gore-zloschast'e mà cha cô, Timofei Spivak làm đạo diễn. Cô gái Nga xinh đẹp luôn ủng hộ và nâng niu ý tưởng của cha mình, động viên ông trông chờ giây phút gặt hái thành quả của sự kiên nhẫn, chịu đựng.

Lên máy bay trở về Moskva giữa ngày Hà Nội heo heo gió mùa, Timofey Spivak còn kịp nhắn lại, tỉnh Nghệ An đã có thỏa thuận nguyên tắc, đồng ý cho ông được đầu tư trường học ở ngay bãi biển Cửa Lò. Mới thế thôi, Timofey Spivak đã xốn xang lắm. Con đường để đi tới một cái kết có hậu chưa hẳn đã hanh thông, nhưng Timofey Spivak vẫn nhủ lòng: "Tôi sống, và tôi ước muốn… Niềm tin vào những điều tốt đẹp trên cuộc đời này, chưa bao giờ phản bội lại chính tôi"

Ngô Hương Sen
.
.