Nghệ sỹ Ái Như: Người không mua bảo hiểm tình

Thứ Bảy, 08/01/2011, 15:10
Ái Như giống một người chậm chạp nhưng lặng lẽ đi trên lối đi của riêng mình, kiên định suốt gần ba mươi năm. Và đến nay, ở tuổi này, Ái Như vẫn thấy mình không còn thời gian để buồn hay tiếc, để nghĩ về những gì đã mất. Chị vẫn sống và làm việc, kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Để mỗi khi cánh màn nhung mở, đèn bật sáng, vở diễn lần lượt đi vào tâm trí khán giả, tinh tươm và chắt lọc. Giống như một người mẹ, chăm sóc cho những đứa con của mình, để mỗi khi bước ra đường, chúng đều thơm tho, tử tế…

1.Sân khấu Hoàng Thái Thanh mới mở được gần một năm. Kịch mục chưa quá dày. Nhưng với vở mới "Nửa đời ngơ ngác" đã bán hết vé trước ba tháng. "Nửa đời ngơ ngác" dựa theo truyện ngắn "Chiều vắng" của Nguyễn Ngọc Tư và do NSƯT Thành Hội dàn dựng. Thành Hội và Ái Như đã đi cùng nhau suốt chặng đường dài, như một cặp đôi tri kỷ không tách rời trên sân khấu. Họ hỗ trợ và cùng tôn nhau lên trước khán giả.

Còn trong hậu trường, họ cùng ý hướng để gầy dựng một sân khấu nghiêm túc, cùng dàn dựng những vở diễn mà họ tin rằng, đó mới là sân khấu đích thực. Chắt chiu từng nét diễn, từng chi tiết của đời sống, để đưa lên sân khấu như một dấu ấn. Mỗi vở diễn của họ đều để lại một ấn tượng đặc biệt, như bộ ba vở diễn "Thử yêu lần nữa", "Màu của tình yêu", "Cảm ơn mình đã yêu em" được dàn dựng trên sân khấu kịch Idecaf gần chục năm trước.

Aí Như vai Bà Mai trong vở Nửa đời ngơ ngác.

Có biết bao lớp khán giả đã khóc và đã quay lại sân khấu ấy, trước ánh đèn ấy để được khóc lại nhiều lần. Tất nhiên, khóc không phải là cái để chấm một vở diễn hay. Nhưng nó cho thấy đó là một vở diễn gây được sự xúc động mãnh liệt với nhiều người.

Quay lại với "Nửa đời ngơ ngác". Thành Hội dựng vở nhưng người ta vẫn nhận ra sự chăm chút chi tiết của Ái Như cho những nhân vật của họ. Và cái cách diễn mà như không của chị trong vai bà Hai cũng tạo được ấn tượng thật mạnh, vì sự dữ dội trái ngược với những vai có phần yếu ớt và quá nữ tính hoặc trong sáng ngây thơ từng tạo nên dấu ấn về phong cách của chị trong hơn 30 năm làm nghề.

"Nửa đời ngơ ngác" là câu chuyện của những cố chấp và mong muốn về hạnh phúc vuông tròn cho con gái của bà Hai, người phụ nữ quê mùa, có của ăn của để nên ý thức quá rõ về tiền bạc. Trong khi ấy, Lê, cô con gái cả lại yêu anh chàng lái ghe mướn tên Tư Nhớ rồi nửa đêm trốn mẹ về ở không với người ta. Và bi kịch bắt đầu.

Bà Hai sắp đặt mọi chuyện, báo công an chuyện con rể buôn thuốc lá lậu, ép gả con gái cho người trên phố chợ để con đi xuất cảnh. Và cơn hận kéo dài suốt cả cuộc đời của Tư Nhớ, đến mức Út Lý - cô con út của bà Hai đã dành cả thời thanh xuân của mình yêu Tư Nhớ, như một sự bù đắp, vẫn chưa làm anh nguôi ngoai. Phải đến khi vở diễn kết thúc, mâu thuẫn mới được hóa giải. Khi ấy, bà mới nhận chén nước mời của cậu con rể bà không chịu thừa nhận. Khi ấy, dù tóc đã bạc và răng đã rụng, Út Lý mới có được một mụn hạnh phúc nhỏ nhoi…

Xem vở diễn nhận ra người dựng đã rất dụng công. Và các nét diễn của diễn viên cũng được tiết chế, tới mức người ta nhận ra nó như cái cách của một người lạ mới tới nhận ra căn nhà có bàn tay vun quén của một người phụ nữ tháo vát. Mọi thứ đều được chăm chút, không có dư. Và sự xuất hiện của Ái Như trên sân khấu như có một uy lực, kéo tất cả những diễn viên còn lại xoay quanh vòng cương tỏa của chị. Một uy lực mà không dễ có, dù là với những diễn viên giỏi nghề nhất, tài năng nhất.

2. Trong suốt ba chục năm, ngoài những vai diễn, Ái Như viết và dựng gần 30 vở kịch: "Khúc nhạc lòng của vị mục sư", "Đùa với tình yêu", "Hợp đồng hôn nhân", "Trầu cau", "Bàn tay của trời", "Chuyện của Diễm", "Cho em 150 phút phiêu lưu", "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Bóng thiên nga", "Hãy khóc đi em", "Thử yêu lần nữa", "Màu của tình yêu", "Cảm ơn mình đã yêu em", "Ba người đàn ông họ Lôi", "Sông dài", "Cơn mê cuối cùng"…và chưa bao giờ thấy chị ngồi nói về những vở diễn của mình như một chiến công. Bởi với Ái Như, đó là một đam mê và chị đang làm cho chính đam mê của mình.

Với sân khấu, chị được làm chính mình, được sống và được yêu trong không gian mà chị phải rất vất vả mới có được. Mỗi khi dựng xong một vở diễn, Ái Như như người kiệt sức, về lại ngôi nhà của mình và bắt đầu… đổ bệnh. Chị từng tâm sự rằng, cứ nhìn thấy khuôn mặt chảy xệ của chị là chồng và các con chị biết chị sắp bệnh. Chị sẽ nằm nhà ba ngày, ăn bánh, uống nước trà và ăn chén cơm dẻo, có mắm thật ngon và ớt thật cay.

Rồi chị mới túc tắc trở lại, chậm chạp trong nỗi cô đơn, trống rỗng. Như người vừa vượt qua một cơn bão. Có lẽ với nhiều người, đây là một điều gì đó hơi… quá khi nói về công việc dựng một vở kịch. Nhưng có xem Ái Như diễn và dựng vở mới thấy, những điều đó hoàn toàn có thể chia sẻ.

Bởi chị quá cầu toàn, chị coi mỗi vở diễn ra đời như một cuộc sinh thành thật sự. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng làm chị không an lòng, mất ngủ. Suất diễn đầu tiên của "Nửa đời ngơ ngác" hạ màn, cả ê kíp ôm nhau trong cánh gà, trào nước mắt. Ái Như ôm từng diễn viên của mình, như một sự tri ân, như một lời vỗ về… Ái Như kỹ lưỡng đến từng tấm vé mời.

Tôi vẫn nhớ hoài những buổi chiều mưa gió, Ái Như đứng ở phòng vé sân khấu Hoàng Thái Thanh, chờ từng người mà chị mời tới xem các vở diễn của chị để đưa vé tận tay. Chính chị ân cần nói, nếu thấy vở diễn có gì muốn góp ý, hãy nhắn tin hoặc email cho chị.

Một thái độ làm người khác thấy, Ái Như rõ ràng kiên định con đường đi của mình, tin vào sự kỹ lưỡng của mình, nhưng vẫn muốn tiếp cận khán giả theo nhiều cách, để nghe những lời nói thật. Điều này không dễ tìm trong bối cảnh sân khấu hiện tại, người dựng vở ồ ạt, diễn ào ào, nhưng ít ai chấp nhận được những lời phê bình, dù lời phê bình ấy có chân thành đi nữa…

3. Ái Như đã từng đi qua quá nhiều vất vả để có được những gì chị coi là "của mình" như hôm nay. Khi chị còn đang học trường sân khấu, mẹ chị bắt chị phải xuất cảnh theo gia đình đi nước ngoài. Mẹ chị nhốt con gái vào trong nhà, không cho đi học, chị vẫn tìm cách để đến lớp.

Tình yêu thương con của mẹ chị không có lỗi. Nhưng chị đã tìm một con đường khác, để được ở lại. Chị lập gia đình khá sớm. 23 tuổi phải lo lắng cho gia đình, con cái, nỗi chật vật khiến chị phải nghỉ học, đi bán bánh, bán cà phê ở nhà văn hóa Thanh Niên.

Ngày ấy ai cũng khó khăn và chị buộc phải loay hoay với cuộc sống ấy. Nhưng rồi, chị khôn nguôi nhớ nghề và khao khát được làm nghề. Để rồi, chị may mắn được một nhạc sỹ giới thiệu đi làm văn nghệ tại một xí nghiệp may, chị dàn dựng tiểu phẩm và các tiết mục văn nghệ được đánh giá cao. Chị quyết định thi lại vào trường sân khấu, học đạo diễn. Rồi đi diễn, năm 1988, khi chị nhận được những vai diễn đầu tiên như Kim Hoàng trong "Sân ga tình yêu" hay cô bé gái 8 tuổi trong  vở "Giải độc đắc" trên sân khấu 5B Võ Văn Tần cũng là lúc con gái lớn của chị lên 8 tuổi.

Nghĩa là người mẹ Ái Như hóa thân vào những vai đồng lứa với con gái của mình ngoài đời. Và từ đó, Ái Như đã trở thành một diễn viên chuyên đóng những vai trẻ nhỏ, tạo ra phong cách riêng. Nhưng với chị, ngoài nghề diễn, việc viết và dựng vở mới là niềm say mê vô bờ bến.

Chị chuyên tâm cho mảng đề tài yêu thích, những tình yêu đẹp và buồn. "Nhưng mẹ tôi rất kiên định. Mẹ mừng cho thành công của tôi, nhưng tới khi mất, mẹ vẫn chưa hề xem vở diễn nào mà tôi dàn dựng. Đó cũng kể như một nỗi buồn" - Ái Như từng chia sẻ như vậy. Ái Như ngày hôm nay có một chốn về ấm áp và bình an. Chị đã sống mềm mại nhưng vững vàng và kiên định, mặc cho bão táp thị trường có xâm lấn vào sân khấu.

Chị đã sống bằng tất cả những gì mình có và vắt hết mình cho những vai diễn. Chính vì thế, chưa bao giờ chị phải băn khoăn nghĩ lại, rằng nếu mình đã như con tằm nhả tơ cạn kiệt, thì còn gì để tựa nương, để bấu víu. Bởi đó là tình yêu đích thực. Khi yêu người ta không toan tính và không cần điều gì để bảo hiểm. Với sân khấu, Ái Như vẫn sung sức như một người đàn bà đang yêu...

Thiên Ý
.
.