Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi: Họa mi xanh vẫn hót

Thứ Tư, 27/05/2015, 16:44
Giữa dòng đời tấp nập, thật may mắn, bạn sẽ gặp một người, chỉ một người thôi, thật đặc biệt. Họ truyền cho bạn cảm hứng, niềm tin, tình yêu. Chao ôi! Người nghệ sĩ đích thực là đây chăng?! Bao nhiêu năm trôi qua mà tình yêu ca hát vẫn rừng rực cháy, chưa bao giờ nguội lạnh, ngay cả bây giờ bà đã bước vào tuổi 78 - cái tuổi người ta an nhàn, nghỉ ngơi thì bà vẫn cứ ngút ngát công việc và đam mê ca hát. Bà là Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi.

Sau một hồi loanh quanh trong khu tập thể nghệ sĩ ở khu Đồng Xa, cuối cùng tôi cũng đến được nơi cần phải đến. Những giọt nắng đầu hè loang ra khoảng sân nhỏ trước hiên ngôi nhà 4 tầng, tấm biển trước cửa ghi: “Trung tâm Nghệ thuật tình thương”. Ngoài cửa còn ghi: NSND Tường Vi số nhà 24, B3 phố Mai Dịch, Hà Nội. Sau hồi chuông, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tường Vi ra mở cửa. Mái tóc xoăn và bộ váy tươi tắn, cùng với màu son hồng rạng rỡ. 

Tôi bước vào phòng khách khá rộng, một bộ salon hợp thời và bên cạnh là cây đàn piano. Nhưng điều đặc biệt hơn là phía trên của cây đàn treo một dãy những bức ảnh được đóng khung trang trọng, đó là một thời để nhớ, để yêu, đã khắc sâu trong bà và chưa bao giờ nguôi ngoai biết bao nhiêu năm nay. 

Một tấm ảnh đen trắng, NSND Tường Vi ngồi cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh các anh bộ độ, phía ngoài cùng có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phía trước là các em thiếu niên nhi đồng. Bên cạnh tấm hình đen trắng đó, trang trọng ngay chính giữa mặt cây đàn là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trung tâm Nghệ thuật tình thương của bà, chụp chung cùng với các học sinh ở đây… Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc lưu dấu về giây phút hạnh phúc ngọt ngào, những giá trị tinh thần vô giá.

Rồi bà nhẹ nhàng: “Cô hát tặng em một bài nhé”. Nói rồi bà ngồi xuống bên cây đàn miệng hát, tay chạm lên phím đàn, tiếng hát vang lên lảnh lót, giai điệu rung lên ngân nga. Đó là bài Thuyển và biền, nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh. Rồi bà tiếp tục đàn và hát những bản nhạc nước ngoài, say sưa thuần thục. Tiếng hát vang lên lảnh lót trong căn phòng hòa với tiếng nhạc, rạo rực cho một sớm đầy nắng ngoài sân.

Bao nhiêu năm nay bà chỉ sống cùng người giúp việc, chồng bà cũng ở gần đây thỉnh thoảng ghé thăm. Vợ chồng cậu con trai duy nhất từ lâu đã định cư ở Mỹ. Hè năm ngoái bà sang Mỹ 3 tháng thăm con cháu. Tại sao lại có Trung tâm Nghệ thuật tình thương này là cả một câu chuyện dài.

Người nghệ sĩ bồi hồi nhớ lại, những năm tháng chiến tranh, bà được đi biểu diễn phục vụ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam ở Campuchia để canh giữ những hòn đảo cho nước bạn. Khi thấy đoàn nghệ sĩ sang, các chiến sĩ của ta mừng vui khôn xiết.

Vừa nhìn thấy nghệ sĩ Tường Vi, các chàng trai trẻ độ tuổi đôi mươi chính là những sinh viên vừa rời giảng đường đại học lên đường nhập ngũ đã ùa ra gọi: “Cô như mẹ của chúng con vậy, lâu lắm rồi con mới gặp được một người mẹ Việt Nam”. 

Có hòn đảo bà đến chỉ có 5 chiến sĩ Việt Nam nhưng bà và đoàn biểu diễn vẫn đàn hát say sưa, không cần mic, chỉ với tiếng đàn guitar hoặc mandoline. Có những hòn đảo khi đặt chân đến có 7 chiến sĩ cách mạng Việt Nam, vài ngày sau quay lại chỉ còn có 5 người vì hai chiến sĩ của ta đã hi sinh khi bảo vệ đảo bạn.

Có những chiến sĩ trẻ gặp Tường Vi liền reo lên: “Cô ơi, bố con cũng đi chiến đấu. Năm ngoái, bố con viết thư cho con bảo cô biểu diễn cho đơn vị bố con, bây giờ cô lại đến chỗ con để biểu diễn.”. Trong hồi ức về một thời ca hát của mình, Tường Vi nhớ như in những lần được biểu diễn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ngay cả, khi Bác tiếp khách ngoại giao các nước bạn nghệ sĩ Tường Vi cũng được mời đến biểu diễn. Một lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với nghệ sĩ Tường Vi: “Cháu đi học hát dân ca nước ngoài đi để khi nào khách ngoại giao sang đây, cháu hát cho mọi người nghe”. Vâng lời Bác, Tường Vi đến các đại sứ quán xin bài hát, mày mò học dân ca các nước như dân ca Nga, Rumani, Pháp,  Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật… Tường Vi hát dân ca cả bằng nước ngoài và tiếng Việt.

Mỗi lần có khách nước ngoài sang, Bác cho mời nghệ sĩ Tường Vi đến để biểu diễn dân ca. Cho đến tận bây giờ, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà bà vẫn thuộc làu những bài dân ca đó. Bà hát cho tôi nghe hay hát về những kỉ niệm một thời đáng nhớ của bà, tiếng hát ngân nga vút cao, lảnh lót.

Năm nay ở vào tuổi 78, cho dù mang trong mình nhiều căn bệnh tuổi già, nhưng bà vẫn luyện thanh đều đều. Bà bảo trước đây thì ngày nào cũng tập luyện thanh nhưng vài ba năm trở lại đây sức khỏe không cho phép nên chỉ luyện thanh ba lần một tuần. Hằng ngày bà vẫn đánh đàn piano để luyện thanh cho các cháu học sinh.

Các em có hoàn cảnh khó khăn đến Trung tâm được học ngoại ngữ miễn khí, có nhiều lớp học dành cho các lứa tuổi, thêm 20 sinh viên của các trường đại học  cũng đến học lớp tiếng Anh. Nữ nghệ sĩ có những người bạn nước Mỹ đến để dạy tiếng Anh cho trẻ em và không lấy tiền thù lao.

Kinh phí của trung tâm hoạt động gần 20 năm nay đều là tự túc, nhà nước chỉ hỗ trợ về con dấu. Bà nhớ lại, khi xưa, năm 1993 hồi mới về hưu, bà muốn đón những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có năng khiếu nghệ thuật về câu lạc bộ để kèm cặp, dìu dắt. Nhìn thấy những đứa trẻ hát rất hay, bị tật nguyền do chất độc điôxin mà đế quốc Mỹ đã rải thảm xuống đất nước Việt Nam, bà lại quay quắt lòng, quyết tâm mở lớp để đón nhận những đứa trẻ có tâm hồn nghệ thuật nhưng cuộc sống thiếu may mắn.

Thời gian đầu, ngôi nhà nhỏ xíu chừa ra khoảng sân cỏ ngút ngàn, đài truyền hình đến quay, câu chuyện về tình thương và lòng nhân ái được truyền đi, ngay sau khi thước phim ấy được phát sóng, vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trung tâm Nghệ thuật tình thương của nghệ sĩ Tường Vi. Vị tướng già đưa một triệu đồng cho bà bảo ông muốn gửi đến các em nhỏ ở đây một chút quà nhỏ.

Tường Vi nhận tiền rồi bỏ một tờ tiền 500 nghìn đồng của Đại tướng vào phong bì rồi nói: “Tường Vi thay mặt các học sinh ở Trung tâm cảm ơn Đại tướng, và nếu Đại tướng rảnh xin Đại tướng đi cùng Tường Vi đến Trung tâm Trẻ em khuyết tật ở Hòa Bình và món quà này nên trao cho các em ở đó một nửa”. 

Ngay sau đó vợ chồng Đại tướng cùng nữ nghệ sĩ lên xe đi Hòa Bình… Đại tướng bịn rịn chia tay các em học sinh ở Trung tâm Nghệ thuật tình thương của Tường Vi, trước lúc về ông căn dặn nữ nghệ sĩ nếu có khó khăn gì cứ nói để ông giúp.

Còn tại sao lại có ngôi nhà 4 tầng khang trang này. Chuyện là, ngày đầu xa lắc cách đây 20 năm, lúc ấy vừa về hưu, nghệ sĩ Tường Vi mở lớp học tình thương, báo đài đăng tin, nhiều người đến nhà Tường Vi nhìn lớp học nhỏ bé sơ sài mà ứa nước mắt, trong số đoàn người đến thăm đó có một đoàn khách đặc biệt. Đó là 7 người cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam quay lại để thăm mảnh đất này. Họ nhìn những đứa trẻ hát rất hay nhưng thân hình dẹo dọ vì bị di chứng chất độc hóa học đioxin chính nước họ đã rải thảm xuống đất nước Việt Nam.

Họ rơm rớm nước mắt và nói: “Có cách nào để chúng tôi chuộc lại lỗi lầm của mình không?”. Nữ nghệ sĩ trả lời: “Các ông thấy đó, bọn trẻ không có nơi sinh hoạt cho tươm tất, liệu các ông có thể cho kinh phí để tôi xây dựng nên chỗ ở rộng rãi cho các cháu được không?”. Các cựu binh Mỹ nói: “Chúng tôi về nước sẽ kêu gọi các cựu binh khác quyên góp để gửi tiền cho chị xây dựng nên lớp học tiện ích và khang trang hơn, nhưng bù lại chị nhất định phải đồng ý giúp chúng tôi một việc”. Nữ nghệ sĩ sốt sắng: “Việc gì chứ?”. Các cựu binh Mỹ bảo: “Chúng tôi sang Việt Nam lần này có một ao ước lớn nhất là chỉ cần một lần nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp…”.

Nữ ca sĩ còn nhớ hôm đó là chiều chủ nhật, bà gọi cho Đại tướng và ông bảo với nữ ca sĩ là hãy hẹn họ vào ngày thứ tư. Sang ngày thứ tư, cả bảy cựu binh Mỹ ấy ghé thăm nhà Đại tướng. Khi gặp Đại tướng, họ đã khóc vì sung sướng.

Và đúng như lời hứa, sau khi những người cựu binh Mỹ kia về nước, chỉ ít lâu họ gửi tiền cho nghệ sĩ Tường Vi xây dựng trung tâm. Nữ nghệ sĩ một lần nữa lại khẳng khái bảo: “Tôi là nghệ sĩ chỉ biết đàn hát và làm các công việc về nghệ thuật nên không tham gia đến kinh tế, việc xây dựng ra sao thì người Mỹ các ông cứ làm việc trực tiếp với đơn vị thi công".

Ngày công trình mái ấm tình thương này hoàn thành, nhiều trẻ em có năng khiếu nghệ thuật  được đón nhận vào đây và được nữ nghệ sĩ hết lòng truyền thụ, dạy bảo, phát hiện tài năng. Thành lập trung tâm tại nhà xong xuôi, ba năm sau nữ nghệ sĩ lại mở được Trung tâm Nghệ thuật tình thương ở Đà Nẵng. Sau đó bà mở rộng lớp học ra quê hương của bà ở Quảng Ngãi. Ở nơi mở lớp là chính quyền cho đất còn bà tự kêu gọi các Mạnh Thường Quân xây dựng và duy trì trung tâm. Lớp học nơi nào cũng đông,  có cả trăm em theo học. Lớp học miễn phí nên thu hút các trẻ em nghèo. Ở đây các em được học thanh nhạc và tiếng Anh theo thời khóa biểu.

Tôi ngắm nhìn nữ nghệ sĩ, đã bao năm nay bà vẫn hằng ngày thầm lặng làm những công việc vun vén cho những mảnh đời bất hạnh chịu nhiều thiệt thòi. Con người ta sẽ sống đẹp nếu có một trái tim ấm áp, đầy tình thương, chính sự yêu thương đó làm động lực để cho bà vượt qua tuổi tác và bệnh tật để rồi say sưa hết lòng vì công việc mà bà theo đuổi. Dù thời gian có phôi pha tuổi tác cũng bất lực trước ý chí và tinh thần thép của nữ nghệ sĩ quả cảm, bà quả là con chim họa mi xanh vẫn cất cao tiếng hót…

Trần Mỹ Hiền
.
.