Nghệ sĩ nhạc Jazz Quyền Văn Minh: 10 điều ước

Chủ Nhật, 12/09/2010, 14:00
Lần nào gọi điện thoại hẹn phỏng vấn nhạc sĩ Quyền Văn Minh, chỉ cần ông hẹn giờ, phóng viên thường không phải hỏi địa điểm nữa mà chỉ cần đến chốn dừng chân quen thuộc 31 Lương Văn Can, nơi quán nhạc Jazz mang thương hiệu Quyền Văn Minh đỏ đèn 24 giờ mỗi ngày và cứ đúng 9h tối, âm thanh quen thuộc phát ra từ chiếc kèn saxophone đã làm say lòng bao kẻ bộ hành phiêu lãng phải dừng chân thưởng thức.

Lần này, khác với mọi hôm, khi tôi gọi điện thoại, ông có đôi chút bối rối và hẹn gặp ở một quán cà phê trên phố. Một không gian hẹp chỉ đủ kê vài chiếc bàn xinh xắn. Quán không quá đông, không ồn ào, tiếng nhạc nhẹ nhàng du dương trong thời tiết chuyển mùa chỉ đủ để cảm nhận âm hưởng của mùa thu đang đến.

Tôi đến trước, từ trên tầng hai của căn nhà đã nhìn thấy dáng ông bước xuống khỏi chiếc xe máy vespa nam khỏe khoắn, ông đầy cá tính và không trộn lẫn bước vào quán cà phê, mái tóc dài muối tiêu búi sau gáy, đôi kính sáng màu quen thuộc trên gương mặt người nghệ sĩ đã ở tuổi ngót lục tuần dường như không hề đổi thay theo thời gian, tuổi tác.

Ông ngồi xuống ở phía đối diện, gương mặt ông dưới phản chiếu của ánh đèn nhiều màu như trầm lặng hơn. Hôm nay, nghệ sĩ Quyền Văn Minh không nở một nụ cười tươi như nhiều lần tôi đã được chứng kiến, kể cả trong đời thực lẫn khi ông đứng trên sâu khấu biểu diễn những bản nhạc Jazz trữ tình đầy cuốn hút.

Sau những câu hỏi thăm, ông lặng lẽ mở túi lấy tẩu ra châm thuốc và nhả khói vào không gian. Ông bảo, lâu nay, ông thức đêm triền miên nên thần thái không được tốt. Khi đó, tôi mới nhìn kỹ đôi mắt có nhiều nét mệt mỏi của người nhạc sĩ vốn linh hoạt, điển trai, ngay cả những lúc ông như quên đi chính mình để thoát xác phiêu linh cùng những nốt nhạc của cây kèn saxophone trên sân khấu.

Thực ra, cuộc gặp của tôi và ông có chủ đích. Đó là vào một ngày, tôi đi qua phố Lương Văn Can nhìn vào ngôi nhà số 31 thấy trống hoác không còn biển hiệu, không còn ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy ở ngay cửa ra vào. Quán Minh's Jazz Club đóng cửa im ỉm và được quây như để sửa chữa.

Tôi cũng đồ rằng, người nhạc sĩ nhiều ý tưởng này đang tạm dừng biểu diễn để sửa chữa, nâng cấp cho thương hiệu nhạc Jazz mà ông vốn được coi là con chim đầu đàn, người đã tự học, tự mày mò đầy cần mẫn để rồi tạo nên được cả nền móng cho Jazz Việt, thứ nhạc được coi là của hiếm ở nước ta và thời gian gần đây đã bắt đầu được bạn bè trên thế giới ít nhiều biết đến.

Khi tôi đem ý nghĩ ấy nói với ông, nhạc sĩ Quyền Văn Minh hít một hơi thuốc dài, lắc đầu buồn bã. Ông nói bằng một chất giọng trầm ấm và truyền cảm: "Địa chỉ Jazz này, không phải đóng cửa tạm thời mà sẽ là mãi mãi. Bắt đầu từ 30/6/2010, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã có lệnh chấm dứt hợp đồng thuê nhà của tôi sau hơn 10 năm gắn bó để đại tu và theo như những gì tờ giấy ấy ghi thì nếu tôi không chấp hành sẽ "đưa ra pháp luật".

Tôi sợ quá, mà lòng cũng đầy tự trọng vì mình vốn là một người không ưa sự kỳ kèo, bán tống bán tháo mọi thứ đi với cái giá chỉ chưa đến một phần mười như khi mua sắm. Cũng chưa thể ngay tức thì tìm ra được một địa chỉ mới để thuê. Thuê địa điểm bán cà phê thì dễ, có thể có hàng trăm chỗ, chứ thuê một chỗ là chốn dừng chân của những người yêu âm nhạc và là nơi để những nghệ sĩ đốt hết mình trên sân khấu để cống hiến cho khán giả những giai điệu phát ra từ con tim và hơi thở thì khó lắm, không vội được.

Ngày tôi giã từ quán nhạc ở Lương Văn Can, một địa chỉ quen thuộc để xôm tụ bè bạn yêu thích nhạc Jazz trong mười năm qua, lòng tôi đau như thắt lại. Nói không buồn là không đúng. Nó đã quá gắn bó, nó đã như ngôi nhà thứ hai của mình. Thỉnh thoảng nhớ quá tôi vẫn đi qua thì thấy cửa vẫn đóng im ỉm, chưa có dấu hiệu của sửa chữa.

Tôi có lặng đi đôi chút, cảm tưởng mình nhớ đến từng cái đinh được đóng trên tường để treo những bức tranh truyền thống nhạc Jazz mà tôi đã sưu tầm được bất cứ lúc nào tôi đi biểu diễn ở nước ngoài. Nhưng biết sao được. Ngẫm lại, tôi thấy mình đã trải qua nhiều thứ khốn khó trong cuộc đời và đã bắt đầu lại rất thành công.

Đã quá tam ba bận tôi treo lên rồi lại gỡ xuống cái tấm biển mang tên mình để bắt đầu lại một một thứ mà mình đã bắt đầu khi mới 13 tuổi: Đi tìm chỗ đứng cho nhạc Jazz trong công chúng Việt. Tôi yêu những nốt nhạc không lời và chiếc kèn saxo và cho dù bây giờ đã là một "bố già" kể cả tuổi đời và tuổi nghề, song, tôi chẳng bao giờ thấy là muộn khi đi tìm chỗ đứng của Jazz Việt trong sự đa dạng của âm nhạc Việt cũng như vị trí của nó trên thế giới. Và tôi biết chắc rằng bên cạnh mình giờ đây đã có rất nhiều người bạn đồng hành chứ không còn đơn độc như cái thuở còn sơ khai nữa".

Sau một hồi lặng im chờ ông châm điếu thuốc cuối cùng trong bao thuốc đã hút dở, tôi hỏi nhạc sĩ Quyền Văn Minh: Trong lần trò chuyện về con người, sự nghiệp, cuộc sống cùng ông, nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang từng hỏi: Nếu cho ông 10 điều ước, ông sẽ ước những gì? Hình như, ông vẫn chưa trả lời câu hỏi ấy!

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh cười nhẹ bảo rằng, 10 điều ước đối với ông là quá nhiều nhưng là quá ít đối với cả một đời theo đuổi âm nhạc, cho dù vậy, nghĩ đến những điều ước cũng đã làm cho trái tim ông vui trở lại sau nhiều đêm trằn trọc, lo toan, đi tìm một bến đỗ bình yên cho những nốt nhạc Jazz, thứ mà ông vẫn hài hước nói rằng, đã cưới làm "vợ" từ năm 13 tuổi.

Và ông bay bổng với những ước mơ của mình: "Ước gì tôi được gặp lại Mẹ tôi, người thầy đầu tiên của tôi để báo cáo với bà những gì tôi đã làm được trong gần 20 năm qua, kể từ lúc bà ra đi, dù trước đó, chương trình độc tấu Saxophone năm 1988 -1989 tại Phòng hòa nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam và tôi đã chính thức trở thành giảng viên của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) bà đã tham dự và đã òa khóc cùng niềm vui trưởng thành của tôi.

Có lẽ bà luôn dõi từng bước đường tôi đi, nhưng giờ đầu đã hai thứ tóc, thì thành công hay thất bại tôi vẫn nhớ tới bà. Tôi muốn nói với bà: Mẹ ơi, mẹ dạy con rằng, hơi thở ở gần trái tim, khi con chơi kèn, hơi thở ấy đưa được cái hay, cái đẹp xuất phát từ Tâm tới mọi người thì mọi người sẽ lại cho con những điều tốt lành trong cuộc đời. Và Mẹ ạ, trái tim con vẫn như thuở nhỏ, dù đã hơn 40 năm qua đi…

Ước gì con trai Quyền Thiện Đắc hoặc học sinh nào đó trung thành tuyệt đối với nhạc Jazz có thể thay thế những công việc tôi đang làm dở dang tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, và bằng cách nào đó, sẽ xây dựng Minh's Jazz Club thành một Hội quán Âm nhạc dành cho thế hệ những nghệ sĩ trẻ biểu diễn nhạc Jazz tại Việt Nam để tôi có thời gian làm những ước vọng ấp ủ từ lâu, như muốn độc tấu một Concerto 3 chương âm nhạc cổ điển chính thống bằng kèn saxophone với Dàn nhạc Giao hưởng.

Hoặc một ý tưởng rất lớn mà từ năm 2007 tôi đã ấp ủ là sáng tác được một Concerto Jazz với tiêu đề "Tình yêu". Hiện tại tôi đang quá bận với nhiều công việc dang dở, mà quỹ thời gian để tôi biểu diễn những tác phẩm lớn thì không còn nhiều…

Ước gì một ngày sẽ có 36 tiếng đồng hồ hoặc hơn nữa để có thêm thời gian khoảng sáu tiếng một ngày tập luyện nâng cao tay nghề và có thể chơi ngang ngửa với "đối thủ" Quyền Thiện Đắc, cho dù đối thủ này được học rất bài bản từ nhỏ ở Nhạc Viện Hà Nội rồi tốt nghiệp xuất sắc tại Trường nhạc Jazz Berklee (Mỹ) và hiện tại vừa tốt nghiệp cao học tại Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển).

Ngoài ra số thời gian còn lại dành cho giao lưu, đàm đạo với các đồng nghiệp, bạn bè để được học hỏi, tham khảo thêm kiến thức tổng hợp và để quên đi sự đơn độc trong suốt 40 năm làm âm nhạc. Ước gì tôi được trẻ lại 20 tuổi để phấn đấu trở thành một nghệ sĩ kèn saxo của Việt Nam, và sẽ nói chuyện đàng hoàng với các nghệ sĩ trên thế giới về nhạc Jazz.

Ước gì bạn hữu, công chúng trong xã hội hiểu rằng, Quyền Văn Minh quyết tâm duy trì, phát triển nhạc Jazz tại Việt Nam là để chứng minh với bạn bè quốc tế rằng: Ở Việt Nam, nghệ sĩ có nghèo, có chậm trễ so với thế giới, song vẫn có những nghệ sĩ "chơi" văn hóa với các bạn, đó có thể là những bản nhạc Jazz quốc tế và cả những tác phẩm âm nhạc dân gian Việt Nam với phong cách Jazz mà chúng tôi gọi là Nhạc Jazz tinh thần Việt…

Ước gì tỷ lệ khán giả đến thưởng thức âm nhạc ở Minh's Jazz Club hàng đêm là 50/50 giữa khách quốc tế và người Việt Nam để được quyền tuyên bố: Tôi là người thành công sau hơn 40 năm làm âm nhạc và 22 năm biểu diễn nhạc Jazz kể từ đêm 15/9/1988 tại phòng Hòa nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam...

Ước gì những học sinh từng học Quyền Văn Minh hiểu được đúng tâm nguyện của thầy hãy gắn bó với nhau hơn, kết hợp với nhau cùng phát triển để đưa nhạc Jazz Việt Nam có tiếng nói riêng trong nền Nhạc Jazz thế giới và để quên đi nỗi buồn khi tôi sáng tác bài "Cảm nhận" với ý nghĩ: Thật đáng buồn vì tính cộng đồng của các nghệ sĩ chơi Jazz ở Việt Nam còn quá ít…

Ước gì trời đã cho tôi sức khỏe để phấn đấu tới ngày hôm nay sẽ cho được lâu hơn để đến khi Quyền Thiện Đắc có con trai, tôi lại có thể dạy cháu trở thành giỏi hơn cả ông và bố... Ước gì tất cả những gì tôi chưa trọn vẹn được với bạn bè, đồng nghiệp từ thời tuổi trẻ tới nay do vì hoàn cảnh cuộc sống và công việc sẽ được các bạn đại xá để được thanh thản trong sự nghiệp âm nhạc đầy gian khó này.

Ước gì một câu nói hài hước với các bạn hữu từng giúp đỡ khi tôi gặp những khó khăn trong cuộc sống riêng tư và trong sự nghiệp phát triển nhạc Jazz sẽ trở thành hiện thực là: Nếu một ngày nào đó Thượng đế đổi ý cho nốt nhạc được sử dụng thay tiền bạc thì lúc ấy bạn nhớ chạy ngay tới nhà Quyền Văn Minh không thì "đói" đấy!"…

Trải lòng với những điều ước, gương mặt nghệ sĩ Quyền Văn Minh dường như tươi tắn hơn. Ông bảo, dù thế nào đi chăng nữa, ông cũng cảm ơn âm nhạc vì đã mang đến cho ông nhiều thứ có ý nghĩa trong cuộc đời, mặc dù cũng vì âm nhạc mà ông cũng đã già hơn rất nhiều so với tuổi của mình, bởi vì những trăn trở trong lòng là có thật, là đau đáu. Cũng như giờ đây, đến 9h đêm, ông vẫn nhìn lên đồng hồ và cứ thế trân trân với cái kim giây tích tắc.

Ông nhớ Minh's Jazz Club ở Lương Văn Can, nhớ anh em trong ban nhạc đã luôn chơi hết mình, cho dù ở hàng ghế khán giả có 100 người, 50 người, 10 người, thậm chí là 1 người. Trong nỗ lực đi tìm một địa điểm mới, ông khẳng định rằng, âm nhạc đã ngấm vào từng huyết quản Quyền Văn Minh, và dù chỉ còn vài giây trước khi từ giã cõi đời, ông vẫn gượng dậy để hỏi Quyền Thiện Đắc một câu: Câu lạc bộ Jazz hôm nay vẫn chơi đấy chứ?

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.