Nghệ sĩ hài Văn Hiệp: Bước đầu vào nghệ thuật

Thứ Hai, 09/06/2008, 08:00
Trong đội văn nghệ thiếu niên, Văn Hiệp luôn luôn ở vị trí đầu trò và là một cây hài nổi nhất. Ở các chương trình văn nghệ của chúng tôi, nếu muốn có được không khí sôi nổi, nếu muốn có được sự cổ vũ và thích thú của khán giả thì chương trình đó không thể nào thiếu được Văn Hiệp. Lúc thì anh tấu hài, lúc thì ngâm thơ và thậm chí có lúc anh còn làm xiếc trên chiếc xe đạp con của mình…

Năm 1954, sau Chiến dịch  Điện Biên Phủ, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Văn Hiệp và tôi cùng vào học tại Trường Phổ thông cơ sở tư thục Minh Tân nằm trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Chúng tôi không thể nào quên được không khí háo hức của những ngày đầu giải phóng. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy tiếng cười vui, tiếng hát cùng với những hoạt động văn nghệ cực kỳ sôi nổi… Và trong những hoạt động đó có sự đóng góp rất nhiệt tình của đội văn nghệ Thiếu niên Tiền phong trường chúng tôi mà ở đó, Văn Hiệp là một thành viên tích cực với rất nhiều sáng kiến và nhiều trò tinh quái nhất.

Chúng tôi cùng nhau múa, hát, diễn kịch, tấu hài, ngâm thơ… Tuy chỉ là đội văn nghệ thiếu nhi nhưng chúng tôi luyện tập  rất chăm chỉ, có bài bản và các tiết mục văn nghệ lúc đó cũng rất có chất lượng mà trong đó, nổi hơn cả là vở ca kịch “Lỳ và Sáo” do nhạc sĩ Văn Chung sáng tác, viết nhạc và dàn dựng cho chúng tôi.

Trong vở diễn, Văn Hiệp tuy không đóng vai chính nhưng chỉ bằng sáng tạo trong một vai phụ của vở, anh đã chinh phục được ngay khán giả và qua đó anh đã bắt đầu bộc lộ được một phẩm chất hài đáng quý và phải chăng đó cũng là mầm mống báo hiệu sự xuất hiện một tài năng hài sân khấu sau này.

Trong đội văn nghệ thiếu niên, Văn Hiệp luôn luôn ở vị trí đầu trò và là một cây hài nổi nhất. Ở các chương trình văn nghệ của chúng tôi, nếu muốn có được không khí sôi nổi, nếu muốn có được sự cổ vũ và thích thú của khán giả thì chương trình đó không thể nào thiếu được Văn Hiệp.

Lúc thì anh tấu hài, lúc thì ngâm thơ và thậm chí có lúc anh còn làm xiếc trên chiếc xe đạp con của mình…

Chúng tôi say mê văn nghệ tới mức gần như "rồ dại". Chỗ nào có văn công, văn nghệ là không thể nào thiếu được sự có mặt của chúng tôi.

Một tuần hai, ba lần chúng tôi đến Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở phố Bà Triệu để thu thanh buổi phát thanh Thiếu niên Tiền phong. Ngay từ ngày đó, giọng đọc của Văn Hiệp đã có một nét riêng biệt hấp dẫn tới người nghe mà chị Phú, người phụ trách thu thanh chúng tôi rất ưa thích.

Chủ nhật, chúng tôi lại đi sinh hoạt Tổ Kịch của Câu lạc bộ Thiếu nhi Thủ đô. Tại đây, Văn Hiệp cũng luôn luôn là một diễn viên nhí với các vai diễn độc đáo nhất.

Đó là những hoạt động trong lĩnh vực văn công, văn nghệ nghiệp dư, còn ngoài đời, thì trong những sinh hoạt của tuổi thiếu niên, Văn Hiệp cũng luôn luôn có những phát hiện hài hước khác đời để tìm cách gây cười và mua vui cho mọi  nguời.

Khi chúng tôi đi chơi cùng nhau, vào hiệu chè Liên Hoan trên phố Hàng Bài ăn chè, hỏi Hiệp ăn gì, chè nóng hay chè lạnh thì bao giờ cũng nhận được câu trả lời: Nóng rồi lạnh! Hoăc đi ăn phở thì bao giờ cũng bò rồi gà!

Ăn phở xong, Hiệp tấm tắc khen ông chủ hiệu phở nấu giỏi quá, thịt trâu mà nấu giỏi… y như thịt bò!

Nửa đêm đi chơi cùng nhau, Văn Hiệp cũng lại nghĩ ra trò gọi "đổ thùng" các nhà để tạo nên tình huống hài hước, gây cười. (Hồi đó, ở Hà Nội, rất ít nhà có "xí máy" như bây giờ, nhưng Văn Hiệp toàn nhè các nhà có "xí máy" để gọi trêu).

Một kỷ niệm với Văn Hiệp mà suốt đời, không bao giờ tôi quên được.

Vào một buổi chiều cuối đông năm 1955, khi đội văn nghệ thiếu nhi của chúng tôi biểu diễn vở ca kịch “Lỳ và Sáo” tại Nhà hát Lớn thành phố.

Chúng tôi được bố trí diễn suất chiều và kết thúc vở diễn vào lúc 16h. Chúng tôi tẩy trang và ra về theo lối sau của Nhà hát Lớn.

Khi đi qua những dãy phòng dành cho các nghệ sĩ hóa trang sau hậu trường Nhà hát, chúng tôi vô cùng thích thú khi nhìn thấy trong các phòng đó, các nghệ sĩ của Đoàn Kịch nói Quân đội đang ngồi hóa trang các nhân vật cho buổi biểu diễn vào tối hôm đó. Phòng này là những nhân vật Tây mũi lõ với râu tóc vàng hoe, phòng kia là những lão nông đầu tóc trắng xóa, rồi những bà già với những nếp nhăn tự tạo trông thật sinh động.

Lại còn những khẩu súng trường, những mã tấu… bằng gỗ làm như thật!

Tất cả đối với chúng tôi đều mới mẻ và ngạc nhiên, hấp dẫn đến độ mê mẩn.

Thế là, vẫn cái tinh quái của Văn Hiệp, Hiệp rủ tôi trốn lại để chờ đến tối được xem các bác, các anh, chị Đoàn Kịch nói Quân đội biểu diễn. Tôi đồng ý và ngay sau đó, một quyết định được thống nhất đưa ra: Hai chúng tôi sẽ trốn lại trong phòng vệ sinh rồi đến giờ bắt đầu diễn sẽ nhảy ra để xem diễn.

Chúng tôi chọn phòng vệ sinh bên trái tầng thượng của Nhà hát Lớn để trốn vì từ đó, chúng tôi còn có thể để mắt tới chiếc xe đạp của Văn Hiệp khoá bên kia đường, trước cửa Nhà hát Lớn.

Phòng vệ sinh thì nhỏ và cũng chẳng lấy gì làm thơm tho nhưng hai chúng tôi cố chịu đựng và rất vui, hí hửng thực hiện được một âm mưu cực kỳ "sáng tạo" để thỏa mãn lòng ham mê nghệ thuật của mình.

Đúng 19h30', chuông Nhà hát Lớn vang lên, giờ biểu diễn bắt đầu. Tôi và Văn Hiệp nhào ra thì thật không may, chúng tôi bị bảo vệ nhà hát bắt quả tang ngay trước cửa nhà vệ sinh. Mặc kệ cho chúng tôi "trình bày hoàn cảnh" rồi "lòng say mê nghệ thuật"… chúng tôi vẫn bị xách tai, cảnh cáo và mời ra khỏi nhà hát một cách rất "lịch sự".

Chúng tôi đành ra về với tâm trạng rất xấu hổ vì bị liệt vào loại "thiếu nhi vô kỷ luật" và mất toi cả buổi chiều trong phòng vệ sinh cùng hai cái bụng trống rỗng vì đói.

Văn Hiệp cay cú chuyện bị đuổi ra ngoài, rồi với một tính cách rất trẻ con, Hiệp vừa đi vừa lẩm bẩm: Cứ đợi đấy! Sẽ có ngày "chúng ông" quay lại nhà hát!--PageBreak--

Nhưng rồi cả hai đứa lại rất vui, rất tự hào và an ủi nhau rằng: Chúng mình đã có được  sự "hy sinh cho nghệ thuật!".

Sau này khi đã trưởng thành và trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam, được góp phần làm chủ Nhà hát Lớn một thời gian dài, mỗi khi đứng trong nhà hát, được diễn trên sàn diễn mà bấy lâu khao khát, tôi nhớ lại câu chuyện xưa của tôi và Văn Hiệp với một niềm  xúc động  kỳ lạ.

Chúng tôi bắt đầu cuộc đời nghệ thuật của mình như vậy đó!

Thế rồi trời đất run rủi thế nào, hai chúng tôi lại cùng nhau nhập học tại Trường Phổ thông cấp III Việt Đức và lại cùng hoạt động trong đội văn nghệ của nhà trường. Chúng tôi dựng vở chèo "Đêm hội mùa" của tác giả Lộng Chương với sự giúp đỡ của nghệ sĩ Duy Hinh của Đoàn Chèo Hà Nội, rồi chúng tôi dựng vở "15 phút lịch sử" của tác giả Nguyễn Văn Niêm với sự tham gia dàn dựng của chính tác giả.

Ngày đó, ban kịch của trường chúng tôi rất nổi đình đám. Chúng tôi được mời đi diễn khắp nơi và là đối thủ đáng gờm của Ban Kịch của các nghệ sĩ Trọng Khôi, Cao Khương, Tuyết Mai thuộc Trường Phổ thông ba B, Ban Kịch của nghệ sĩ Thanh Tú, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo ở Trường Chu Văn An...

Trong các vở chúng tôi dàn dựng, Văn Hiệp thường không đóng vai chính, nhưng các vai phụ của anh đều khiến người xem rất hấp dẫn và thích thú.

Như trong vở "15 phút lịch sử", Hiệp chỉ đóng vai một lính Sài Gòn nhưng khi anh diễn thì không kể khán giả mà ngay anh em trong ban kịch cũng dồn hết ra đứng cánh gà để cùng cười với khán giả, cùng thưởng thức màn trò đầy hấp dẫn của Văn Hiệp.

Đã có nhiều đêm, hai cậu học sinh "chíp hôi" tập tọng hút thuốc lá hiệu Bông lúa, Trường Sơn (thứ thuốc lá rẻ nhất lúc đó) thức thâu đêm tại ngôi nhà 150 phố Bạch Mai để cùng tâm sự, để cùng mộng mơ một ngày nào đó sẽ được trở thành nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp.

Thế rồi cơ hội đó đã đến!

Trên báo chí lúc đó đăng tin Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam tuyển sinh vào Khoa Kịch nói.

Đối với chúng tôi, thông báo này như một tiếng  sét ngang tai khiến hai chúng tôi xúc cảm ghê gớm như những người đang lênh đênh giữa biển mà nhìn thấy bến bờ, như những kẻ đang sắp chết khát thấy được nguồn nước giữa sa mạc.

Từ bữa đó, chúng tôi không tập trung vào học tập nữa mà suốt ngày thì thà thì thụt tính cách để  xin phép gia đình, để cùng nhau bàn bạc về cách luyện thi với các bản nhạc, bài thơ, tiểu phẩm, tấu hài… với một quyết tâm rất cao như người lính trước lúc bước vào trận đánh.

Về phần tôi thì việc bỏ học để đi vào con đường nghệ thuật là một quyết định "động trời" bởi vì cả gia đình tôi, anh em đều theo học đại học rất quy củ và theo như bố mẹ tôi thì đấy là một việc làm dại dột nên các cụ dứt khoát không đồng ý.

Văn Hiệp thì dễ dàng hơn vì cha mẹ anh dễ tính hơn nên việc bỏ học thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam của Hiệp được chấp nhận ngay.

Thế là tôi phải đóng kịch bỏ ăn, vật vã, đau khổ tới mức mặt mũi phờ phạc khiến các cụ thương quá và cộng với sự thuyết phục rất tài tình của Văn Hiệp, cuối cùng thì cũng đành phải chiều theo ý thích của tôi.

Lúc đó, số thí sinh dự tuyển vào Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam rất đông, con số lên tới trên một ngàn người, mà số lấy vào chỉ có khoảng hơn sáu chục. Nghĩa là một phải chọi tới hơn mười người.

Nhưng chúng tôi rất tự tin vì dù sao, chúng tôi cũng đã từng làm quen với khán giả và ánh đèn sân khấu từ trước đó rất lâu.

Chúng tôi bắt đầu luyện tập ngày đêm các tiểu phẩm và thực hiện rất nghiêm chỉnh mọi yêu cầu của Hội đồng Giám khảo tuyển chọn thí sinh.

Đêm trước ngày đi thi, cả tôi và Văn Hiệp không sao ngủ được vì hồi hộp và lo lắng.

Thế rồi mọi việc cũng qua đi và phần thi của chúng tôi cũng tạm gọi là ổn thoả.

Những ngày chờ đợi kết quả là những ngày chúng tôi sống trong lo âu, phấp phỏng đến mất ăn, mất ngủ.

Văn Hiệp thì chạy khắp nơi để dò la tin tức, kết quả tuyển sinh của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam và gần như chúng tôi chả còn thiết học hành gì nữa. Suốt ngày đi với nhau để cùng nhau vẽ ra viễn tưởng, hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Và ngày đó đã đến.

Chúng tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Khoá 1- Phân hiệu Kịch nói Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Từ mốc son này (12/1960) cuộc đời nghệ sĩ của chúng tôi bắt đầu…

NSND Doãn Châu
.
.