Nghệ sĩ Thu Hương: 40 năm, dành sẵn một cơ may

Thứ Sáu, 15/10/2010, 15:48
Rổn rảng chuyện trò, hồ hởi "độc thoại", nhưng một ngày sau khi kết thúc đêm diễn khai mạc Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sỹ CAND Việt Nam" lần thứ II, Thu Hương đã đuối sức nhiều.

Tắt điện thoại để ngủ, nhất quyết không ra khỏi nhà để nghỉ ngơi, Thu Hương cố bứt nhân vật bà vợ ông Giám đốc Công an Lê Đức trong vở diễn "Tiếng chuông" ra khỏi đầu cho khuây khỏa, dù biết đấy là điều bất khả kháng. Phụ nữ, 40 tuổi, sửa soạn bị liệt vào hàng ngũ những "đào già", Hương lần đầu tiên mới được đắm mình trong không gian của một cuộc đua tài sân khấu. Dẫu vẫn biết đang còn là sung sức, tóc vẫn xanh và má vẫn hồng, nhưng sự chạnh lòng thì không phải dễ mà vượt qua.

1. Ngày tình cờ chọn sân khấu làm cái nghiệp của đời, Thu Hương nhất quyết không tin mình sẽ nổi tiếng nhờ các vai diễn hài. Thích chính kịch, sở trường vai bi, Hương hoạch định cho sự nghiệp của mình, sẽ trở thành một Lê Khanh, Lan Hương hay Ngọc Huyền, Minh Hằng, những tên tuổi nữ đang độ sáng cả về thanh và sắc của sân khấu.

Ra trường, biên chế ngay vào địa chỉ đắt giá nhất, Nhà hát Tuổi trẻ, tấp tểnh làm "thợ" học việc, lẫn trong đám đông các vai diễn quần chúng không ai nhớ tên chưa ai thuộc mặt, Hương mới sững sờ ngộ ra rằng: Khó để định danh tên tuổi cho riêng mình ở một nơi mà dấu ấn cá nhân của các nghệ sỹ là cực kỳ rõ nét.

Chị Khanh, chị Hương, chị Hằng, chị Huyền luôn luôn là xuân sắc, là những tài năng không dễ gì có sự thay thế. Chưa chọn cho mình một lối đi riêng, Hương sẽ mãi cam chịu phận hát bè, lấp chỗ trống, đứng trên sân khấu không thành người hầu công chúa thì cũng chỉ biến hình trong vóc dáng mấy cô gái làng chơi móng tay dài, móng chân đỏ lót đường. 

Thông minh và nhạy cảm, Thu Hương âm thầm "ủ mưu". Mọi con đường đều dẫn tới thành Roma, cách này hay cách khác, miễn được làm nghề và sống trọn với các nghề mình lỡ đeo đuổi. Năm 1996, VTV3 khai sinh chương trình "Gặp nhau cuối tuần".

Cơ hội thành người nổi tiếng đã mỉm cười với Hương và nhiều đồng nghiệp của Nhà hát Tuổi trẻ. Thu Hương, Vân Dung, cả Đức Hải vừa từ Liên Xô về, rồi Ngọc Bích thoắt cái trở thành những "danh hài" ăn khách, nhờ độ phủ sóng đậm đặc của một kênh truyền hình quảng bá. Thu Hương thành Hương "tươi" từ dạo ấy, với những tiểu phẩm xem xong rồi cười, cười xong rồi quên, quên xong rồi tuần sau lại bật tivi xem tiếp.

Thu Hương trong vở “Tiếng chuông”. Ảnh: Trang Dũng

Kịch hài cho Hương một thương hiệu, những sô diễn ở đủ các tỉnh thành phía Bắc, sự mến mộ của một bộ phận công chúng và mức cát sê giúp cuộc sống trở nên thênh thang dễ thở hơn nhiều. Các tiểu phẩm hài còn đưa đường dẫn lối, biến Hương thành một MC của các show game truyền hình đang ngày một nhiều đến độ khán giả cũng khó lòng phân biệt được.

Nhưng, hài kịch chưa thể giúp Hương vợi bớt nỗi khát khao, nguôi ngoai niềm mong ước, được là chính mình, được đường hoàng đứng trên sân khấu lớn, trong các vở chính kịch dài nghiêm ngắn. Hương muốn mình được khóc, muốn làm cho khán giả rưng rưng lệ, theo số phận những nhân vật đang tồn tại trong một khoảnh khắc, dù là ngắn ngủi trên sân khấu. Hương khao khát trở thành nghệ sỹ, theo nguyên nghĩa cô đọng, dung dị nhất của danh từ này.

2. Cuối năm 2005, Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng "Tiếng chuông". Khó ai hợp hơn để gióng lên lời cảnh tỉnh, đem thông điệp về sự tha hóa, biến chất đang lần hồi xâm nhập vào hàng ngũ các cán bộ công chức nhà nước mà nhà văn Hữu Ước truyền tải qua kịch bản "Tiếng chuông" bằng đạo diễn - NSND Xuân Huyền.

Đáo để, sắc nhọn, gai góc và luôn muốn đi tới tận cùng các vấn đề đặt ra, "Tiếng chuông" của nhà văn Hữu Ước - Đạo diễn Xuân Huyền cùng tập thể nghệ sỹ Đoàn kịch 1 - Nhà hát Tuổi trẻ đã tìm được sự đồng vọng sâu rộng. Thầy Xuân Huyền đã chấm Hương cho vai nữ quan trọng nhất vở, bên cạnh vai nam chính được đích thân Trưởng đoàn - NSƯT Anh Tú thủ diễn.

Thu Hương trở thành vợ của Đại tá - Giám đốc Công an tỉnh Lê Đức - một đối trọng của chính chồng mình trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Khoảng thời gian quá ngắn chưa kịp quên đi những dễ dãi của các clip hài, chưa thấm hồn cốt nhân vật, nhưng Hương vẫn lên sân khấu.

Khi ấy, Hương vẫn còn nguyên trạng thái của một người trẻ đóng vai già, cố để biến mình thành cội cằn tuổi tác, cố để đau khổ dằn vặt. Trái ngược với những nỗ lực của mình, chưa cần phải ai bình xét, Hương cũng tự hiểu, cô đã thua cuộc. Hương vẫn đứng ngoài nhân vật, không thể sống cuộc đời của nhân vật, cười khóc theo nhân vật, và khiến người xem tin vào sự có thể tồn tại của một nhân vật như thế ngoài cuộc đời.

Năm 2010, 5 năm cộng thêm vào tuổi đời, cộng thêm cuộc sống đã vẹn tròn hơn, đủ đầy hơn về hạnh phúc, cộng thêm chồng và những đứa con, cũng tức là trải nghiệm của Hương "tươi" đã chín muồi, đầy đặn. Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sỹ CAND Việt Nam" lần thứ II sửa soạn khai cuộc, Nhà hát Tuổi trẻ quyết tâm làm lại "Tiếng chuông" mang tới cuộc thi tài.

NSND Xuân Huyền vì lý do sức khỏe, không thể đích thân thực thi ý tưởng mới của mình. Ông đã ủy quyền cho Anh Tú tiếp tục khai phá tác phẩm cũ, mang lại cho vở diễn sức sống mới, hơi thở mới cập nhật hơn với đương thời. Hơn ai hết, Thu Hương dạt dào phấn chấn trước sự kiện này. Cô hiểu, mình không được quyền thất bại, đây chính là Liên hoan sân khấu lần đầu tiên trong đời mình.

40 tuổi, độ tuổi ấy, Lê Khanh đã chuẩn bị thành NSND, Lan Hương, Ngọc Huyền, Minh Hằng đã xác lập vị trí, Thu Hương mới trở thành "nhân vật chính" trong một sân chơi của những người chuyên nghiệp. Vẫn bận diễn hài, vẫn đắt sô đi tỉnh, nhưng Hương dằn lòng gác lại hết, để dành thời gian ngẫm nghĩ về vai diễn, suy tư từng lời thoạt và bắt đầu sống cuộc đời bà vợ ông Giám đốc Công an.

Hương chỉn chu cả khâu phục trang, băn khoăn với tạo hình sân khấu sao cho nhân vật vừa biểu cảm và vừa đủ để hợp lý. Tự tin và tràn trề hưng phấn, Thu Hương đến với Liên hoan, trong tâm thế của một người không còn trẻ, lần đầu tiên ứng thí.

Đêm 21/9, khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội nồng nàn hoa và những gương mặt người rạng rỡ, những nghệ sỹ từ khắp các tỉnh thành dồn về, hân hoan trong không khí ngày hội. Vở diễn "Tiếng chuông" trình làng trong một diện mạo mới, sức sống mới. Vẫn là Anh Tú, Đức Khuê khó lòng thay thế, vẫn là Thu Hương chưa nói đã cười, mảnh mai và tươi trẻ. Nhưng Hương đã khác xa 5 năm trước.

Cô xuất hiện trên sân khấu đằm thắm hơn, dịu dàng hơn, trầm mặc và cũng dằn vặt hơn xưa rất nhiều. Không còn căng cứng, không diễn cương, Hương chủ động để nhân vật nhập vào mình, đi lại nói năng trên sân khấu, tự nhiên và thoải mái, bình đẳng với cả Đức Khuê và Anh Tú.

Là người mẹ thương con, người bạn biết giữ sự thủy chung trước sau như nhất, bà vợ Lê Đức còn phải là người lẽ ra cảm thông hơn hết với công việc của chồng. Giáo lý đạo Phật răn người tránh xa cái ác, tận tâm làm việc thiện, nhưng triết lý nhà Phật còn cao hơn thế, thúc đẩy con người phải tẩy chay, tiêu diệt cái ác, để cuộc sống không ngừng tốt đẹp hơn.

Trong một đêm bình yên đầy may mắn, Thu Hương đã thực hiện tròn vẹn vai diễn, đi tới tận cùng số phận không kém phần éo le, bi kịch của nhân vật, một người tốt muốn lánh xa bụi trần để giữ trọn tình với chồng, và vẹn nghĩa với ân nhân của gia đình.

Trước khi đày mình ra trước Ban giám khảo, trước công chúng tại Liên hoan, Thu Hương đã ngập ngừng xem lại băng hình vai diễn của mình 5 năm trước. Xem rồi cô tự co mình, xấu hổ, tự cười và tự giễu. Biết tự trào, tự phủ nhận mình, là phẩm chất mà nghệ sỹ luôn cần có.

Đi qua ngày hôm qua để sống với hôm nay, rồi lại trọn vẹn với một ngày mai tiếp diễn, sự tiếp nối luôn khiến cho hành trình nghệ thuật của mỗi cá nhân trở thành duy nhất, thành số phận riêng rẽ, khó có thể cào bằng. Hương bảo rằng, cơ may của cô chính là được gặp kịch bản của nhà văn Hữu Ước, được làm việc với thầy Xuân Huyền và những người anh như Anh Tú, Đức Khuê, được sống trong môi trường mà cơ hội thành danh luôn chia đều cho những ai biết  tích lũy để chờ đợi.

Ở tuổi không dám tự coi mình là trẻ, nhưng cũng chưa ai nỡ gán ghép là "già", Thu Hương, cô Hương "tươi" gây cười dưới mỗi nếp nhà đều đặn vào trưa chủ nhật dạo nào, mới thực sự được khóc trên sân khấu, được hoàn thành mơ ước tuổi 20 của riêng mình.

Thu Hương không tiểu phẩm hài, Thu Hương đầy đặn vai diễn chính kịch, lần đầu tiên được là mình. Tiếng chuông mà cô và ê kíp dàn dựng vở diễn gióng lên, đã lập tức vang vọng, nối nhau như những làn sóng bất tác thành niềm tin cho công chúng đương thời

Khánh Bằng
.
.