Nghệ sĩ Tăng Thành Nam: Đi giữa đường xa vạn dặm

Thứ Bảy, 21/03/2009, 14:31
Tăng Thành Nam nói, có hai thời điểm anh có thể trả lời phỏng vấn, một là lúc 12 giờ trưa, hai là lúc 23 giờ khuya. Giờ trưa mà "hành hạ" nhau thì hơi mệt, vì anh sẽ phải ăn rất vội, nói cũng rất vội, gói cho xong câu chuyện cho kịp giờ dạy thêm buổi chiều. Tôi chọn 23 giờ. Khi ấy, xe cộ phố xá cũng lắng lại nhiều rồi, khu chung cư anh ở bước vào giờ tĩnh mịch. Anh nói cũng vừa đi dạy về và ăn xong chén cơm… khuya.

Khác xa hình dung của mọi người về một concertmaster (bè trưởng dàn dây) của Dàn nhạc giao hưởng TP HCM. Anh giống một thầy giáo tận tụy và chăm chỉ. Đời nghệ sỹ nhạc cổ điển ở Việt Nam, dường như chẳng ai yên ổn được với tháp ngà nghệ thuật. Ai cũng xuôi người đời cơm áo…

Không ai nghĩ, một nghệ sỹ của dàn nhạc giao hưởng thì sẽ bận rộn. Thực tế, những buổi trình diễn nhạc cổ điển cũng ít khi được dư luận quan tâm. Ở Việt Nam là vậy. Những gì là đại chúng, đơn giản và dễ cười vui thì được nhắc đến nhiều hơn.

Ở một thành phố tiêu thụ như Sài Gòn, thì cảm giác đó càng rõ rệt hơn, những gì thuộc về văn hoá tiêu dùng sẽ được người ta đón đợi, còn những thứ hàn lâm vốn luôn chỉ dành cho một số người. Mà số người ấy hình như ngày càng ít đi. Người theo nhạc cổ điển cũng ít đi.

Những ước mơ, khát vọng cũng mai một từ thực tế khắc nghiệt. Đời sống ào ạt chạy, khát vọng thực sự không dễ đâm chồi. Tăng Thành Nam sống trong trung tâm của đời sống ấy. Và cũng đã trải qua những năm tháng tự suy lại mình. Anh đã tham gia hầu hết các chương trình ca nhạc lớn, như "Duyên dáng Việt Nam" chẳng hạn, tham gia các chương trình của đạo diễn Tất My Loan…

Nếu anh thiết tha với nhạc nhẹ, anh có thể đã sống một đời sống khác. Tiền có thể nhiều hơn. Và danh vọng cũng dễ kiếm. "Nhưng tôi soi mình rất kỹ. Chỉ trong nhạc cổ điển, tôi mới được là chính mình" - anh nói. Và để được là chính mình, thì ngày hôm nay, Tăng Thành Nam phải khép kín thời gian làm việc của mình tới 23 giờ khuya và có đến hai phần ba thời gian là dành cho việc đi dạy đàn cho học sinh để kiếm sống. Một phần ba còn lại, anh tập với dàn nhạc.

Mỗi tháng Dàn nhạc giao hưởng TP HCM trình diễn hai buổi vào ngày 9 và 19. Để có hai buổi diễn ấy, các nghệ sỹ phải tập trong nhiều ngày và ngày nào cũng phải cần mẫn làm việc cùng nhau.

Không thể nói đó là những tác phẩm đã quen. Âm nhạc là sự khổ luyện và người nghệ sỹ luôn gắn với cây đàn. Như Tăng Thành Nam luôn gắn trên vai anh ba chục năm cây đàn violin, như một sự khổ hạnh, như một sự thăng hoa, như là niềm kiêu hãnh.

"Đấy là chưa kể những chương trình đột xuất, nói đúng hơn là các chương trình biểu diễn không định kỳ, thường là sự kết hợp với các dàn nhạc và nghệ sỹ nước ngoài, thì bọn mình sẽ phải tập và diễn bất cứ ngày nào. Nói chung, không có "trong giờ" hay "ngoài giờ", giờ nào cũng diễn cả" - Tăng Thành Nam nói.

Anh cùng các nghệ sỹ của mình vừa hoàn thành xong đêm diễn với các nghệ sỹ Macedonia lại vội vã bắt tay vào tập với một chỉ huy dàn nhạc người Hàn Quốc. Cứ thế, công việc ngày này qua tháng khác, anh và các đồng nghiệp đã làm nhiều việc chỉ để giữ lại cho mình một niềm đam mê đích thực, đó chính là thứ âm nhạc mà anh theo đuổi từ năm lên 6 tuổi.

Khi có lịch tập và trình diễn, Tăng Thành Nam gác lại mọi công việc. Anh có đủ sức mạnh để gạt những ưu phiền khi bước vào vòng cương tỏa của cây đàn. Cứ như thế, Tăng Thành Nam đã sống những ngày mê say, mà không thấy mình đang sống một kiếp "trời đày".

Dù khi đó, bỏ một buổi chiều dạy nhạc là anh bỏ đi hơn 1 triệu đồng (60 đô la) và nhận về 40 ngàn tiền bồi dưỡng, bỏ một buổi tối là anh mất 80 đô la và nhận về 250 ngàn tiền cát sê. Đã từ lâu, anh đã không coi công việc biểu diễn là công việc để kiếm tiền. Chưa khi nào anh nghĩ rằng mình sẽ là một người giàu khi mình là một nghệ sỹ.

Tăng Thành Nam bắt đầu đến với cây đàn violon từ năm lên 6. Khi ấy, thầy Bùi Công Thành đã nhận ra ở anh một khả năng thiên bẩm. Khi anh đoạt giải Nhất Cuộc thi Giai điệu mùa thu, thì tài năng của Tăng Thành Nam đã được cả giới chuyên môn ghi nhận.

Năm 1998, Tăng Thành Nam đến Nhạc viện Boulogne - Billancourt (Pháp) với hành trang duy nhất là tiếng đàn và tấm vé máy bay được Quỹ tài năng trẻ Tp Hồ Chí Minh tài trợ.

Khi ấy, anh không biết một chữ tiếng Pháp, và cha anh (nghệ sỹ Tăng Minh Thành) cũng chỉ là một nghệ sỹ nhạc cổ điển, biên tập âm nhạc của Đài tiếng nói nhân dân TP HCM, không thể có điều kiện tài chính để cho anh cuộc sống tươm tất hơn.

"Nhưng nhờ anh em bạn bè mà mình sống được suốt gần 5 năm ở Pháp. Những anh em ngày ấy giờ cũng thành danh cả rồi, nhưng quả thực cũng không có nhiều người trở về" - Tăng Thành Nam chia sẻ.

Sống 5 năm ở xứ người, anh đã làm biết bao nhiêu việc để duy trì việc học. Và mỗi giờ tập đàn với anh như một thách thức lớn. Bởi nếu như học ở Việt Nam, chỉ cần học theo những gì thầy dạy đã là xuất sắc. Còn tại Pháp, với cách tư duy âm nhạc hoàn toàn khác và sinh viên buộc phải đối diện với việc, mình sẽ cảm nhận và xử lý tác phẩm như thế nào.

Suốt gần 5 năm ấy, Tăng Thành Nam theo học nghệ sỹ nổi tiếng Le Dizes. Ở tuổi ngoài 60 với hơn 50 năm lao động nghệ thuật miệt mài, Le Dizes là một cô giáo khắc nghiệt và kiệm lời khen. Chỉ đến khi anh bước vào kỳ thi quan trọng nhất, bà mới động viên một câu duy nhất: "Tự tin lên, tôi tin em sẽ thành công".

Và khi Tăng Thành Nam rời cây đàn ở phòng thi, bà cũng là người đón anh ở cửa với lời nói hài lòng: "Em đã làm được điều mà tôi chờ đợi nhất". Tăng Thành Nam đã là một trong ba sinh viên được trao bằng xuất sắc của khoá học ấy. Và anh là một trong hai nghệ sỹ đi du học ở châu Âu trở về, tiếp tục công tác tại Dàn nhạc giao hưởng TP HCM. --PageBreak--

Bắt đầu quay lại dàn nhạc và bắt đầu đi lên, khẳng định uy tín và khả năng của mình, trở thành bè trưởng dàn dây, đó là một hành trình không dễ dàng. Tăng Thành Nam nói, ở Việt Nam chúng ta buộc phải học cách sống cùng với người khác trong nghệ thuật chứ không thể chỉ học cách vươn lên và khẳng định bản thân.

Phải học làm sao để những người từng là thầy, là đàn anh, là đồng nghiệp… chấp nhận tiếng nói của mình, để họ thừa nhận khả năng và nỗ lực của mình và để mình không quá thất vọng về những điều mà họ không làm được. Chúng ta chưa có những chuẩn mực trong nghệ thuật.

Và chúng ta bị đời sống chi phối quá nhiều. Những người đang đi cùng anh hôm nay, có không ít người mơ ước đã phôi phai, vì đời sống và những niềm vui khác. Và điều anh mơ ước, là ngày càng nhiều những người trẻ, đi học và chịu trở về, để cùng chung tay "làm một cái gì đó lớn một chút". Còn bây giờ, anh giống như một người cô đơn với những ý tưởng và khao khát của mình.

Tháng 6 này, anh cùng 4 đồng nghiệp tại Dàn nhạc giao hưởng TP HCM sẽ qua tập luyện và biểu diễn cùng một dàn nhạc giao hưởng của Nhật Bản trong vòng một tháng. "Đây là một dàn nhạc chuyên nghiệp vì họ biểu diễn có lợi nhuận chứ không chỉ là biểu diễn giao lưu và tham dự các festival như dàn giao hưởng của chúng ta. Mình tham gia không phải vì đây là dàn nhạc kiếm ra tiền, mà mình nghĩ nó thực sự là cơ hội cọ sát lớn và không dễ gì có được".

Tăng Thành Nam là một người may mắn, vì anh đam mê âm nhạc đến quên mình, nhưng anh vẫn có một gia đình yên ấm. Vợ anh, nữ nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang, vẫn làm mọi việc, để anh trở về nhà vào mỗi buổi tối vẫn thấy không gian ấm áp ấy, vẫn nghe tiếng con cười nói bi bô và vẫn được ăn những chén canh do chính tay chị nấu. Châu Giang làm nhiều việc, biên tập sách, viết văn và dạo gần đây chị vẽ rất nhiều.

Họ yêu nhau khi Châu Giang còn là sinh viên Mỹ thuật, yêu nhau 8 năm trước khi kết hôn, (thời gian đủ dài để mọi thứ chấm dứt nếu tình yêu không đủ lớn). Năm trước, đâu đó đã có những câu chuyện về sự rạn vỡ hạnh phúc trong gia đình họ. Nhưng có lẽ mọi sự yên ổn đều do Châu Giang sắp đặt, mọi cãi vã rồi cũng qua, mọi thương tổn đều được hàn gắn lại.

Vợ chồng nghệ sỹ đôi khi cảm giác về hạnh phúc mong manh hơn người thường. Nhưng với một người sợ chữ "quá" như Châu Giang thì có vẻ mọi sự dễ an lành hơn. Và đến ngày hôm nay, Tăng Thành Nam nói, anh vẫn thấy cuộc sống của mình yên ổn. Và muốn trở về nhà mỗi ngày. Hạnh phúc là trạng thái không dừng lại, và không phải là bất biến.

Anh là người nhiều tham vọng, nhưng anh biết đâu là những thứ thuộc về mình. "Mình ít đọc văn của Giang, nhưng chia sẻ được với Giang nhiều ở những bức tranh. Còn Giang thì lại hài lòng những buổi biểu diễn của mình. Mình nghĩ, đó cũng là sự chia sẻ và cộng cảm" - Tăng Thành Nam tâm sự.

Cô bé Cầm Thy, con gái lớn của Tăng Thành Nam và Nguyễn Thị Châu Giang đã bước vào tuổi lên 5 và anh bắt đầu cho con đi học đàn. Các giáo sư thường đùa anh, "thôi, tha cho con bé". Hơn ai hết anh hiểu những vất vả của người nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ ở Việt Nam.

Anh cũng hiểu, hơn ai hết cái nghèo của những người theo nghiệp đàn. Thực ra nghệ sỹ nhạc hàn lâm ở đâu cũng nghèo. Nhưng anh vẫn muốn con theo học đàn, nếu con có tài năng thực sự. Nếu không thì con anh cũng có thể làm việc trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Bởi anh nghiệm từ chính cuộc đời mình.

Anh chưa bao giờ nghĩ mình phải kiếm được nhiều tiền. Vợ chồng anh chưa bao giờ phải suy nghĩ mình làm ra nhiều tiền mới là thành đạt. Người nghệ sỹ, suy cho cùng là phải có niềm đam mê lớn. Và tài năng là thứ sẽ giúp người ta đem niềm đam mê đó đến đỉnh vinh quang.

Nói chuyện với Tăng Thành Nam, như một lực hút tự nhiên, anh kéo người đối diện vào dòng chảy mê say của anh với âm nhạc. Nó như một thứ từ trường mạnh, tự phả ra xung quanh mà không cần những lời lẽ xôn xao.

Có lẽ, điều ấy chỉ có được khi người ta thực sự gắn kết cả tâm trí mình vào một niềm đam mê cực lớn. Với Tăng Thành Nam, âm nhạc là con đường duy nhất, dù đích đến vẫn còn xa vạn dặm. Nhưng anh vẫn đang đi. Dù có thể trên con đường ấy, anh chỉ bước một mình...

Toàn Nguyễn
.
.