Nghệ sĩ Phương Dung: Người quen qua ngõ

Thứ Hai, 05/09/2016, 16:34
Phương Dung ở ngoài xinh hơn vai diễn hoặc lên ảnh rất nhiều, hiền khô, chân tình. Vậy mà không hiểu sao đóng vai ác lại xuất thần, lại hợp đến vậy. Hợp đến mức về quê bị hàng xóm chỉ mặt mắng.

Bây giờ thì nắng lên rồi, ngoài sân con chim sâu đang tắm trộm trong chậu súng tím, lâm râm tán lá xanh xanh. Tôi ngồi với một buổi trưa, nhớ quên chấp chới vắng xa, thườn thượt như tiếng con thạch sùng thủ thỉ.

Cô em hàng xóm dắt ra phố, ngại ngần gì hỏi vọng, "Lâu quá em không thấy nghệ sĩ Phương Dung diễn kịch, ha anh?". Tôi cười cười, đáp ừ.

Đúng là lâu quá, không thấy chị trên truyền hình.

1. Ấu thơ tôi đầu trần chân đất, chén cơm trên tay dò dẫm đường làng xem ké tivi đen trắng. Tivi chiếu phim Phạm Công, Cúc Hoa, chiếu đi chiếu lại mãi, hết thương Nghi Xuân rồi thương Tấn Lực, càng thương càng ghét con mụ dì ghẻ gian ác Tào Thị. Ghét cay ghét đắng, ghét đến mức xem hết phim, ăn hết cơm, bàn hết chuyện rồi sáng mai gặp ai trong xóm cũng rủ nhau đứng lại để chửi Tào Thị tiếp. 

Giá mà hồi đó Tào Thị hiện hữu ở nhà lối xóm đang chiếu phim, dám người dân quê tôi không tiếc gì chuyện đấm một cái, tát một cái cho con mụ dì ghẻ ấy biết thế nào là sự căm phẫn của nhân dân. Những năm ấy là thập niên 90 của thế kỷ trước.

Người đóng vai Tào Thị ấy là chị Phương Dung. Chị kể, chị nhận vai này tỉnh queo. Trưa đang nằm nhà tính ngủ, diễn viên Công Hậu chạy xe gắn máy qua nhà gọi: "Chị Dung ơi, thay đồ nhanh, đi diễn với em". 

Nghe nói, quýnh quáng thay đồ, ngồi sau xe gắn máy của Công Hậu, chưa kịp hỏi là diễn cái gì, ở đâu. Công Hậu chở Phương Dung đến thẳng phim trường của bộ phim nhựa Phạm Công, Cúc Hoa. Nữ nghệ sĩ vào vai Tào Thị, đang quay ngon trớn tự dưng nghỉ diễn, đạo diễn hoảng quá mà không biết làm cách nào. Họp đoàn phim, hỏi thẳng: "Ai biết nghệ sĩ nào đóng vai ác được không?". 

Công Hậu ở dưới nghe vậy, giơ tay đáp "Có". Vậy là, Phương Dung có mặt tại trường quay. Đọc sơ thoại, là chị nhào vào diễn luôn. Diễn cái thắng ngay, chắc là tổ đãi.

Chị ở ngoài xinh hơn vai diễn hoặc lên ảnh rất nhiều, hiền khô, chân tình. Vậy mà không hiểu sao đóng vai ác lại xuất thần, lại hợp đến vậy. Hợp đến mức về quê bị hàng xóm đón đầu chặn lại, chỉ mặt mắng: "Ngoài đời mày cũng dễ coi quá mà, sao lên phim ác vậy". 

Mắng xong, tát một cái thật lực vào vai rồi bỏ đi. Phương Dung đứng cười trừ, chứ biết làm sao. Có thành công thì khán giả mới nhớ, mà nhớ kiểu này thì… hơi cực mình. Dẫu sao, còn đỡ hơn là người ta quên hẳn.

Hồi còn ở đoàn Kim Cương, đoàn lưu diễn tại Huế, chị thủ vai cô Ba Hội đồng, chị diễn chắc vai quá. Chắc đến độ khán giả phía dưới nhào lên sân khấu quyết định đánh cho chị một trận, chứ "Có loại người gì ác mà ác vô hậu". Trước khi nhào lên sân khấu, họ còn rủ nhau ném đá cho chết cô Ba Hội đồng.

Bầu sô thấy vậy hoảng quá, vội kéo màn đưa chị vào trong trốn, trốn đúng nghĩa. Chị trốn xong đến lượt bầu sô ra giải thích: "Bà con bình tĩnh, cái này là vở diễn thôi. Vở diễn thì là trạng thái tâm lý, hành động của nhân vật chứ bà Phương Dung ngoài đời hiền khô à". 

Mặc, bầu sô giải thích cứ giải thích, khán giả ném đá cứ ném đá. Người nói cứ nói, người ném đá cứ ném đá, đến tận gần khuya, khán giả mới thông chuyện đó chỉ là vai diễn để lục tục kiếm chỗ ngồi xem chị hát tiếp.

Mà để đưa Phương Dung về đoàn Kim Cương, bầu sô phải xuất tiền bồi thường tiền học mấy năm ở Trường Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh cho chị. Hồi đó, Sài Gòn có hai đoàn nổi tiếng, đoàn Bông Hồng của tài tử Thẩm Thúy Hằng và đoàn còn lại là Kim Cương. 

Ông chủ đoàn Kim Cương xem chị diễn ở chương trình "Trong nhà, ngoài phố" trên Đài Truyền hình TP HCM đâm mến, nhất quyết bằng mọi cách mang chị về đoàn.

2. Thôi, chuyện diễn nói sau, phần này nói chuyện tình duyên của chị một quãng. Những năm 80 chị đi diễn, chị yêu một người. Anh Australia gặp chị, duyên nợ muộn màng. Anh thương chị nhiều lắm, thương đến độ anh hồi hương để có thể nên vợ nên chồng với chị. Chị cũng thương anh, hẳn nhiên là như vậy. Đang êm đềm thì biến cố xảy ra.

Tôi vẫn thường viết đời người luôn có nhiều biến cố, những biến cố đôi lúc như cái cách để chúng ta đối diện và trải qua để nhận ra rằng mình đang sống chứ không chỉ là tồn tại. 

Thêm nữa, vạn sự trên đời này có gì không thể hợp rồi lại tan, duyên kiếp ba sinh thì sao, cái hẹn tiền kiếp thì sao, chẳng làm sao cả. Bởi yêu thương rồi đến với nhau là duyên, ở được với nhau đầu bạc răng long là nợ. Nợ ít thì trả ít, nợ nhiều thì trả nhiều, trả xong thì tàn thôi.

Chị với nghệ sĩ hài Hữu Phước thắng lớn cùng tiểu phẩm Tội phạm sứt môi, khán giả ở miền Bắc khó mường tượng, chứ khán giả miền Nam thì hiểu Tội phạm sứt môi làm mưa làm gió như thế nào. Khắp trong nhà ngoài ngõ, tụ điểm sân khấu cà phê, phòng trà, đều vang lên tiếng của Tội phạm sứt môi. 

Hữu Phước vào vai tội phạm sứt môi rất duyên, chị mảng miếng tung hứng rất duyên. Cứ vậy tung hoành khắp nước. Không chỉ trong nước, Tội phạm sứt môi còn lưu diễn tại các cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Tiểu phẩm ăn khách, cái tên đang ăn khách, tôi trò chuyện với hàng chục nghệ sĩ hài rồi, và hiểu rằng tên đang ăn khách, tiểu phẩm đang ăn khách thì phải cắm mặt vào mà diễn. Cắm mặt vào mà diễn đồng nghĩa có được nhiều tiền, tiền để lo lắng cho gia đình, tiền để tích lũy. Còn hơn cả tiền, đó chính là tâm thế hân hoan khi mình bước ra sân khấu và được khán giả nhiệt liệt đón chào.

Nghệ sĩ Duy Phương năm xưa kể chi tiết này, nhớ mãi đến giờ. "Anh là một trong những nghệ sĩ hài đầu tiên của miền Nam mang hài kịch ra miền Bắc. Kết hợp cùng ca sĩ Ngọc Tân, anh tung hoành khắp các tỉnh miền Bắc, từ Hải Phòng cho đến Hà Nội, rồi Quảng Ninh, Nam Định… 

Mỗi ngày diễn 4 suất, diễn đêm sau thì hôm trước đã bán hết vé, tiền vô như nước. "Đã lắm em, đã lắm. Chưa khi nào làm nghệ thuật mà đã đến vậy", Duy Phương hồi tưởng. Có lần, ông khán giả gặp Duy Phương ngoài phố, túm lấy vai, bảo: "Tôi xem ông đến lần thứ… 43 rồi đấy. Mà vẫn thích". 

Duy Phương làm bầu mát tay, làm nghề còn mát tay hơn bạo. Anh cùng danh hài Bảo Quốc lập nhóm tấu hài, khuynh đảo cả sân khấu kịch nghệ tại Sài Gòn. Đêm nào cũng diễn hàng chục suất, thu băng cassette liên tục… Đó là thời Duy Phương muốn gì được nấy". Ngày đó, cát-sê đi diễn tính bằng cây, đưa vàng trước, diễn sau, lại được khán giả ái mộ thực tâm, sướng hơn cả tiên. Như lúc nghệ sĩ Thương Tín kể anh lơ ngơ ngoài phố Hà Nội, mấy anh dân xã hội trông thấy bắt, tống lên xe chở thẳng về Hải Phòng đãi như tuần phủ vi hành, không gì là không có, không muốn gì mà không được.

Chắc là, lúc ấy chị Phương Dung cũng vậy. Chị nghĩ hồn nhiên, chỉ có người đàn ông của chị là buồn tủi.

Nghệ sĩ mà, lại là nghệ sĩ nữ, thì sàn diễn và mái ấm đôi khi phải đánh đổi. Chị với anh chia tay nhẹ tênh, dẫu nói như chị thì "Chị bị sốc nhiều lắm. Chị nghĩ, chị kiếm ra tiền cũng chỉ để lo cho gia đình thôi. Chị lại xinh xắn, chung thủy… 

Có thua gì người ta đâu mà ổng tìm đến người phụ nữ khác". Nói thì nói vậy, qua cơn sốc ban đầu, chị hiểu, người đàn ông luôn cần một nơi để tìm về. Mà chị thì lại không làm được điều đó. Thôi thì coi như tóc tơ thương nhớ chỉ chừng ấy thôi.

3. Nhắc chuyện xưa lại nhớ cái hồi chị hỏi tôi: "Khoảng chừng ba năm trở lại đây chị mới nổi tiếng, đúng không em?". Tôi đáp, dạ rất chính xác. Hiện tại, chị đang đổ bộ vào tất cả các đài truyền hình tại miền Nam. Chị cười, nói cái nghiệp diễn này ngộ lắm. Có những người mới bước vào nghề phút chốc thành ngôi sao. Còn chị, theo nghề gần 30 năm, giờ mới may mắn được khán giả nhớ tên tuổi. Cũng giống như, người ta đi thang máy, còn chị đi cầu thang bộ vậy.

Ấy vậy mà có lúc chị chán nghiệp diễn, nghỉ ở nhà ra chợ An Đông phụ mẹ bán… bún thịt nướng. Nhà chị có tiệm bán bún thịt nướng nổi tiếng khắp chợ An Đông theo kiểu gia truyền. Nổi tiếng đến mức, có bà chủ kinh doanh cửa hàng thức ăn ở Mỹ, về nói với bà ngoại chị rằng: "Con sẽ bỏ tiền cho bà sang Mỹ định cư. Đổi lại, bà dạy con cách pha nước mắm chan bún thịt nướng". 

Bà ngoại chị từ chối đề nghị đó. Đơn giản, bà có tuổi, bà không muốn xa Việt Nam. Ở nhà được hơn năm, nhớ sân khấu quá, chị chịu không nổi, có người rủ về đoàn này đoàn kia lại đi. 

Chị kể chi tiết này nghe thương thương. Chị nói, tất bật cả ngày ngoài chợ phụ mẹ bưng bê thì còn đỡ nhớ chứ đêm về ánh đèn sân khấu, đồng nghiệp, khán giả trong ký ức cứ làm mình cồn cào ruột gan. Để đỡ nhớ, chị lục lại đồ trang điểm, cũng đánh phấn tô son, soi mình trước gương… rồi lặng lẽ buồn.

Hồi đó gặp chị thấy nhiều viên mãn, danh vọng đang lên như diều lại có một tình yêu đẹp với người đàn ông của chị ở Mỹ. Hằng năm, chị vẫn tranh thủ sang Mỹ thăm anh vài tháng rồi lại về. Hỏi sao chị không sang đấy luôn. Chị mỉm cười, nói chị còn nhiều thứ ở Việt Nam.

Mà bên đó cuộc sống hiện đại quá, gấp gáp quá, chị không quen. Về Việt Nam, cả ngày cắm mặt ở trường quay, đêm lại trò chuyện, nhìn mặt người yêu qua mạng, kể cũng hạnh phúc.

Lâu rồi không gặp, vẫn mong chị an yên.

Ngô Tuệ Trí
.
.