Nghệ sĩ Mỹ Chi: Một kiếp tằm tơ

Thứ Tư, 14/09/2011, 14:37
Lâu rồi, chị cô đơn. Những người con lớn lên và trưởng thành, những ngày sắm vai bà hoàng trong làng kịch hài thành phố trở thành niềm quá vãng… Mỹ Chi giờ yên ắng trong căn nhà được trang trí rất điệu đàng, chị kể về ngày đã qua bằng giọng hào hứng, cái hào hứng pha lẫn nhiều nuối tiếc. Duy có điều, nụ cười của chị vẫn duyên như những năm xa, khi mà chị làm mưa làm gió ở các tụ điểm hài, trên sóng truyền hình…

1. Những năm xưa, khi mà cái tên Mỹ Chi trở thành thương hiệu để bán vé của bất kỳ tụ điểm giải trí nào. Những ngày mà suất diễn của chị kéo dài từ sáng cho đến tận nửa khuya. Ngày mà chị diễn lắm lúc lên đến 24 suất… thì cũng là lúc, trúc trắc phận người.

Chị lặng lẽ đặt lên bàn làm việc của chồng chị, một bác sĩ có tiếng, tờ giấy xin ly hôn. Anh ngớ người ra trước quyết định của chị. Ừ, thì có người đàn ông nào không gái trai, không rượu chè, chỉ bệnh viện, phòng mạch và gia đình lại không ngẩn người khi vợ đòi ly dị.

Chị nói mọi thứ đơn giản thôi, chị xin lỗi vì đã không chăm sóc được cho chồng đúng nghĩa của một người vợ. Chị theo kiếp diễn hài, đi biền biệt… Anh làm nghề bác sĩ, việc bận tối tăm. Sáng chạm mặt nhau một lần, tối chào nhau trước khi đi ngủ, vậy là hết ngày. Anh nghe chị nói, lặng im.

Chị kể thương lắm. Chị nói, hầu như diễn viên hài nào cũng chỉ cười trên sân khấu thôi. Về đến nhà, họ trở nên dễ cau có và hay gắt gỏng vô cớ. Bởi, có bao nhiêu năng lượng để sống, họ trút vào sân khấu hết rồi.

Đổ vỡ trong hôn nhân có ai mà không đau lòng, nhưng đôi khi, cái duyên cái phận đến đó là đã hết. Thương chồng, chị lại làm một việc ít người ngờ tới…

Nghệ sĩ Mỹ Chi và danh hài Tùng Lâm.

Nghệ sĩ cải lương Thanh Sang nghe chị thủ thỉ, nói bâng quơ, ông có người cháu gái, xinh xắn. Biết đâu hết duyên phận này đến duyên nợ kia. Chị nhờ ông đứng ra làm mai làm mối, rồi nhờ ông làm cả chủ hôn. Ngày người phụ nữ thế vai chị sánh đôi bên người chồng cũ, cảm xúc của chị rất khó tả. Biết là phải nói làm sao.

Giờ, họ như bạn. Chuyện gì cũng túc tắc gọi nhau. Ai trong nhà chị bị bệnh anh nhanh chóng chạy sang thăm khám. Anh có chuyện gì, cũng rủ chị ngồi cà phê tâm sự. Cuối tuần, họ vẫn đi ăn. Thi thoảng, tổ chức đi chơi xa với nhau. Xong cuộc vui, thì ai lại về nhà nấy.

Những người con của chị và anh đều thành đạt. Cô gái lớn làm phó tổng giám đốc, cậu em kế làm trưởng phòng kinh doanh còn người con trai út đang du học tại Singapore.

Cuộc sống với chị có khi đã là viên mãn. Nên nói theo cách của chị thì, giờ không phải là thời điểm để chị kiếm tiền nữa, mà là lúc chị xuất hiện trên sân khấu để làm bước đệm cho các diễn viên hài trẻ. Thật ra, thời để kiếm tiền từ sân khấu hài qua từ hồi xa lắc. Những danh hài nổi danh cũng xuất phát từ cái lò của chị, như Mai Sơn hay Tấn Beo…

Lâu, khi Tấn Beo còn diễn chung với chị, đang là một cặp song tấu hài ăn khách, chị nói với Tấn Beo: "Con tách nhóm đi. Con về kéo thằng Tấn Bo lên, đi với cô chặng đường như vậy là đủ để trưởng thành rồi". Giá mà không có lời khuyên đó, biết cặp song tấu thuộc dạng quái kiệt Tấn Beo - Tấn Bo cách đây vài năm có cơ hội để hiện hữu hay không.

Mai Sơn ngồi cà phê với tôi, bao giờ cũng nhắc đến nghệ sĩ Mỹ Chi bằng tất cả sự trân trọng của mình. Mở miệng một chị Mỹ Chi, cất tiếng hai chị Mỹ Chi… Ngày trước, nhà ảo thuật Alicaba không giới thiệu Hoàng Sơn với Mỹ Chi, thì Mai Sơn cũng có thể trở thành diễn viên hài có tiếng, nhưng hẳn nhiên, chặng đường đi của anh sẽ khác. Dài hơn hoặc ngắn bớt lại, là do cái duyên…

Những diễn viên trẻ đến với Mỹ Chi, được chị chăm chút cho cả những chuyện ngoài sàn diễn. Chị muốn họ xuất hiện trong cánh gà sân khấu với những bộ quần áo tươm tất, chị muốn họ đi trên những chiếc xe gắn máy coi được một chút… Mà họ vừa chân ướt chân ráo theo nghề, tiền để sinh hoạt hằng ngày là điều khó khăn, nên những thứ phụ tùng kia đều do một tay chị lo toan. Theo kiểu "Chị cho mày một nửa tiền mua xe, nửa còn lại, bao giờ mày có mày trả cho chị". Mà bao giờ là biết đến bao giờ, nên thôi…

2. Ngày Mỹ Chi chắp tay trước mặt bố chị, xin phép cho chị được trở thành sinh viên của Khoa Cải lương, Học Viện Quốc gia Âm nhạc, thuở đất nước còn loạn ly, bố chị đã giận đến tím mặt. Ông vốn là dân kinh doanh có tiếng ở Sài Gòn, Mỹ Chi không thuộc dòng trâm anh thế phiệt, nhưng cũng được liệt vào dạng tiểu thư trứng mỏng, nên tự dưng đòi theo nghiệp con hát ngủ đình thì có ông bố nào mà không giận.

Chị kể, chị khóc hết nước mắt. Khóc quá thì bố chị cũng phải chiều. Mà có dễ đâu, ngày đó thi vào Học viện Quốc gia Âm nhạc khó khủng khiếp. Chị lén gia đình đi thi, chắc là do cái nghiệp vận vào thân từ sớm, nên ngày ra trường, chị đỗ thủ khoa. Nhiều đoàn hát mời chị làm đào chánh, chị cứ so đo đong đếm vì ngại chuyện này, e dè chuyện kia.

Thời điểm ấy, ký hợp đồng với đoàn hát lớn sống cũng tương đối khỏe, nhưng có điều, khi bỏ ngang hợp đồng để từ đoàn này về với đoàn khác nhằm kiếm lương cao hơn, thì số tiền bồi thường hợp đồng là rất lớn.

Mà cũng ngộ, đào chánh là linh hồn của toàn đoàn, là con át chủ bài, là cái cần câu cơm. Đào chánh được biệt đãi không khác gì bà chúa của đoàn. Nhân viên trong đoàn ngủ vạ vật đâu không biết, đào chánh phải có người hầu. Người hầu luôn túc trực bên cạnh, từ chuyện cơm ăn nước uống cho đến giặt áo chải đầu… Người hầu là những nghệ sĩ trẻ đang cố gắng kiếm tìm một danh vọng.

Khi mà bố đại diện cho chị ký hợp đồng với đoàn hát nọ, chị không biết mình cũng trải qua quá trình kiếm tuổi tên bằng con đường… ở đợ đúng nghĩa của danh xưng này. Trong một lần ông đi công tác ở Vũng Tàu, cũng là lúc đoàn hát của chị trưng biển quảng cáo suất diễn ở nơi này.

Thương con gái, giữa trưa ông lẳng lặng vào đoàn xem con mình tập tuồng như thế nào. Trái ngược với những gì chị đã kể trong thư, trước mắt ông là cảnh chị đang nằm dưới giường, ngóng mắt chờ đào chánh sai bảo.

Chị bị buộc về lại Sài Gòn ngay trưa hôm đó. Lần này, chị không còn cơ hội để nài nỉ, để khóc, để van xin hay mong ông nghĩ lại. Bởi, có người cha nào mà không xót lòng khi thấy con gái mình phút chốc trở thành người ở của kẻ khác. Trong lúc, tư duy ông vẫn đang hình dung về ngày chị nổi tiếng, như khi chị ước mơ.

Sài Gòn những ngày buồn bã sẽ kéo dài mãi, nếu như ông chủ của đoàn Tân Dân Nam, là nghệ sĩ Anh Lân không tìm đến chị. Thêm một lần bố chị nhượng bộ con gái, chị được đứng trên sân khấu kịch từ thời điểm ấy. Vở Cô gái út đóng đinh nghệ danh Mỹ Chi trong lòng khán giả. Chị được Đài Truyền hình cho phép thành lập ban kịch riêng, được diễn trên đài. Cùng với những Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương… đoàn kịch chị có riêng một chỗ đứng, vững chắc. Mà theo như lời chị, thì chị là chủ nhiệm trẻ nhất trong số ít ỏi những đoàn kịch được Đài Truyền hình cho phép thành lập.

3. Ngày trước, không có danh hiệu là nghệ sĩ hài, danh hài hay vua hài gì gì cả. Mấy ai chịu theo nghiêp đóng hài. Khán giả gọi họ là con hề hoặc thằng hề. Họ chỉ đứng trên sân khấu khi bộ phận chuẩn bị sân khấu cần thời gian để thay đổi phông cảnh. Họ sẽ thoại vài câu ba lăng nhăng để chọc cười khán giả, xong lại biến mất vào cánh gà. Họ được xếp vào hàng chiếu dưới… Có cũng được, không có cũng không sao.

Giới nghệ sĩ hài thành phố cho đến giờ, vẫn nhớ ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nếu như ông không lập ra cuộc thi "Tiếng cười sân khấu" để phong tặng danh hiệu mỹ miều là danh hài cho những người theo mảng hài, thì chắc là, họ không có chỗ đứng trong làng giải trí như hiện nay.

Thủ tướng tạo nên danh hài, thì quái kiệt Phi Thoàng, bố ruột của diễn viên cũng thuộc hàng quái kiệt Phi Phụng, cho ra đời thể loại hài song tấu. Hài song tấu là kiểu hài tối giản, người này tung, người kia hứng… cứ đối đáp qua lại kiểu cà tửng cà tưng mà khán giả cười đến gập người.

"Chú Phi Thoàng ngày đó diễn có duyên khủng khiếp. Chú chuyên cải biên lại những bài hát nổi tiếng. Đương nhiên, cải biên theo kiểu chọc cười vừa phải, chứ không cải biên như mấy đứa hài ở… đám ma bây giờ đâu. Giờ, họ cải biên bậy bạ không chịu được", chị nói.

Hỏi chị là chị còn nhớ những bài hát cải biên của quái kiệt Phi Thoàng không, chị trả lời nhanh, nhớ chứ. Rồi chị hát "Tôi lấy vợ tôi, được mười lăm tháng, vợ tôi buôn bán, còn tôi nấu cơm lo dọn dẹp nhà… Nhưng mới hồi hôm, gặp người hàng xóm, người ta cho biết, rằng tôi tới đây sẽ bị mọc sừng"… Một đoạn cải biên từ bài hát nổi tiếng Duyên quê của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.

Cái tên của chị đã xác tín cho tài năng, đã đủ bảo chứng cho tuổi tên, nên nhắc thêm về những giải thưởng chị đạt được hóa ra thừa. Mà chị tài lắm, có những câu nói rất đỗi bình thường, qua khuôn miệng của chị bỗng chốc trở thành chuyện hài không thể tả.

Trong khoảng lặng của buổi trò chuyện, chị nói về nỗi nhớ ánh đèn sân khấu. Nỗi nhớ khiến không nghệ sĩ nào có thể nguôi ngoai, ngay cả khi không còn đủ sức để đứng dưới đánh đèn. Họ nhớ khán giả, nhớ son phấn, nhớ không khí…

Cái nhớ quắt quay, nhớ đôi khi không chỉ là nhớ, mà là nghiện. Tôi thưa với chị là nói nghiện ánh đèn sân khấu có chính xác không. Chị bảo, chính xác lắm chứ.

Đã có một Mỹ Chi lừng danh trong làng hài thành phố, giờ lại có một Mỹ Chi lặng lẽ trong phòng khách, ngồi kể với tôi những điều được mất. Tự dưng, cái cảm giác của những người từa tựa như Kép Tư Bền lại ập về choán hết tư duy.

Mười lăm năm trước, trong căn nhà nhỏ ở quê, trước cái tivi trắng đen có dây điện nối vào bình ắc-quy. Cái tivi mà tôi nhớ, chỉ tiếp sóng được duy nhất hai đài. Ngày ấy, gần như tất cả hàng xóm của tôi đều nín thở để nhìn Mỹ Chi diễn trong khung hình.

Mỹ Chi, dẫu danh vọng đã xa vắng, nhưng vẫn đủ sức để trở thành thần tượng

Ngô Luân
.
.