Nghệ sĩ Lê Tín: Kịch trường xứ Mỹ

Thứ Bảy, 19/10/2013, 10:26
Vài năm trước, khi xem Lê Tín diễn với nghệ sĩ Kiều Oanh trong tiểu phẩm Tình quê, tôi đã rất muốn có dịp được ngồi trò chuyện cùng anh. Chỉ là, anh đang ở Mỹ, xa xôi quá biết chừng nào mới được gặp.

Tuần trước, đi làm ngang rạp Công nhân, thấy poster quảng cáo vở kịch mới có tên anh, biết là anh đang có mặt tại Việt Nam. Lấy được số điện thoại, gọi hẹn cái lịch phỏng vấn. Tưởng là đã xong, ngờ đâu rập rình mãi hai tuần sau anh em mới ngồi lại.

Quán, nằm ngay cạnh Ban đại diện của Chuyên đề An ninh thế giới, đi bộ loáng cái là đến. Lê Tín ngồi đợi tôi trước, ở phía bên trong. Lê Tín ngoài đời, khác nhiều với Lê Tín trên sàn diễn. Anh chân chất, thân tình có phần nào là sòng phẳng. Buổi trò chuyện chỉ xoay quanh hậu trường kịch nghệ xứ Mỹ.

Lê Tín nói, ở Mỹ thời gian rảnh không biết làm gì, ngoài chuyện đi cà phê hay lên đọc báo mạng. Thời suy thoái kinh tế, kéo theo cả cảnh lao đao của nghệ sĩ. Trước, nghệ sĩ sống cũng tương đối thoải mái, nay thì chỉ còn diễn tại các show trong casino. “Y như là casino nuôi nghệ sĩ vậy, em ạ. Ai theo nghiệp diễn mà ở Mỹ về Việt Nam, nói rằng casino là chỗ không đàng hoàng, họ không thèm diễn là nói xạo hết đó”, Lê Tín bảo vậy.

Hỏi Lê Tín là bên đó nghệ sĩ có chèn ép nhau như bên này không? Lê Tín trả lời, đâu cũng vậy thôi. Ai thuộc hàng top, được khán giả yêu thích thì là một quyền lực. Họ thích ai, thì người đó được diễn với họ, không thích thì đành chịu chết. Vì bầu show cần họ, họ mới là nguồn thu quan trọng cho chương trình, có họ có khán giả, vắng họ thì lỗ tái tê. Hồi anh mới qua, vừa vào một trung tâm cũng có tên tuổi, diễn được đúng một show thì có đại danh hài không thích anh. Không thích vì đại danh hài nghe người này người kia đơm đặt về anh, nghe vậy tin vậy cũng không hề hỏi lại. Chỉ gọn lỏn, “không thích Lê Tín”. Vậy là anh rời trung tâm, ra diễn cùng nghệ sĩ khác.

“Bên đó, nghệ sĩ diễn chủ yếu cuối tuần. 5 ngày còn lại rảnh nhiều. Nghệ sĩ nào khá một chút, thì mở tiệm. Nghệ sĩ nào không mở tiệm, thì đi làm thêm. May là dạo này các đài truyền hình cũng phát triển, nên nghệ sĩ có thêm đất mà làm. Như anh, anh vừa dẫn vừa biên tập chương trình cổ nhạc cho một kênh truyền hình, tuần làm 3 show. Chủ yếu là làm vì thích thôi, chứ cát-sê thấp lắm, độ 100USD/show. Vừa vặn đủ tiền trang phục, make-up”, Lê Tín kể.

Tất nhiên là nghệ sĩ ở Mỹ, không chỉ toàn những câu chuyện hắt hiu. Khán giả Việt ở Mỹ vẫn dành cho nghệ sĩ sự yêu thương đúng nghĩa, nói theo kiểu Lê Tín thì “Người già còn mà, đã mất hết đâu. Với em xem nhiều chương trình ở hải ngoại thì em thấy đó, giới trẻ vẫn đến rạp xem đầy đó thôi. Có điều, diễn ở cho khán giả trẻ thì phải nói chậm rãi, để giới trẻ Việt ở Mỹ nghe kịp còn hiểu. Lối diễn cũng phải lựa, không được diễn thâm thúy quá, diễn thâm thúy thì như đánh đố khán giả vậy”, Lê Tín nói.

“Quan trọng hơn hết em biết là gì không? Tức là em không được sử dụng hình thể quá nhiều. Khán giả không thích điều đó. Ngộ lắm và có nhiều khác biệt. Như có khi anh diễn, khán giả chỉ thích đúng bộ đồ bà ba màu xanh đọt chuối anh mặc, cứ gặp anh là nhắc đến… bộ đồ đó”, lời của Lê Tín.

Năm 1997, Lê Tín rời Việt Nam. Trước khi rời Việt Nam, anh cũng đã đi diễn. Sang Mỹ, Tín làm thợ tiện.

Tôi không biết cái tướng còm nhom của Lê Tín làm trong hãng tiện sẽ ra sao nữa. “Cái này cũng may lắm em. Anh đi làm ít lâu thì mấy anh em người Việt làm cùng, móc show cho anh đi hát ở đám cưới. Tại khi làm, họ thấy anh hát hò vui vui nên họ giới thiệu. May quá, có lúc anh đang diễn thì ông chủ hãng tham dự. Ổng gặp anh, nói: “Hát được quá hả, Lê Tín”. Anh thưa: “Dạ, trước ở Việt Nam có đi diễn”. Ổng cười cười. Tuần sau đi làm, ổng chuyển anh qua làm ở nhà kho, chỉ kiểm soát việc xuất nhập hàng, nhàn lắm. Mà mỗi lần có show diễn xa, anh xin ổng nghỉ, ổng cũng tạo điều kiện tối đa. Đó là một người tốt”. Lê Tín kể vậy.

Lê Tín theo hài, Lê Tín hát gì ở đám cưới(?). “Mấy bài vui vui của chú La Thoại Tân, rồi bài sôi động... Mình vừa làm tấu hài, vừa hát, khách đến dự thích lắm”.

Lê Tín có tên, anh buộc phải lựa chọn. Vì anh không thể vừa làm hãng, vừa đi diễn. Cuối cùng, Lê Tín chọn nghề diễn. Vừa làm vừa dành dụm, mấy năm Lê Tín bảo lãnh mẹ sang định cư cùng, gọi đúng nghĩa thì anh là người “Đi hát nuôi mẹ”. “Xứ Mỹ buồn lắm. Thời gian đầu qua, anh qua một mình. Đêm nhớ nhà ngủ không được. Cái Tết đầu tiên, anh bó gối trong phòng, nhìn ra ngoài trời nghĩ gì cũng không biết nữa. Mẹ anh sang ở cùng, mới thấy vui nhiều, em ạ”. Giọng Lê Tín hắt hiu.

Lê Tín đi diễn với nhiều người, nhưng cho đến khi nghệ sĩ Kiều Oanh xuất hiện, thì cặp đôi Kiều Oanh – Lê Tín nhanh chóng khuấy đảo sàn diễn trong cộng đồng người Việt, từ Mỹ, sang Úc, rồi Canada…

Anh có cái duyên của người làm nền, tức là anh tạo bàn đạp cực tốt để bạn diễn cùng thoát được hết chất “tưng tửng” mà một diễn viên hài cần có. Đây là điều không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. Xem Lê Tín diễn, cảm giác là anh nhận hết phần thua thiệt về mình, nói tếu táo như má tôi mỗi lần xem Lê Tín diễn thì: “Tội nghiệp thằng này, Kiều Oanh diễn chung với nó mắng nó… như con”.

Đang tung tăng, thì đột nhiên không thấy Lê Tín diễn cùng Kiều Oanh nữa. Có lần, ngồi với chị Kiều Oanh, tôi hỏi về Lê Tín, chị Kiều Oanh trả lời: “Ông đó dễ thương lắm”. Sau, ngồi với anh, anh nói rằng “Thì bà Oanh đi diễn với Lê Huỳnh chồng bả, anh xen vô làm gì. Bả diễn với Lê Huỳnh, anh đi diễn với người khác. Lúc bả không còn diễn với Lê Huỳnh nữa, thì bả lại gọi anh. Bả nói với anh, tui thích nhất là diễn với ông. Anh nghe bả nói vậy, anh hạnh phúc lắm”.

“Người ta đồn, anh với chị Kiều Oanh có tình cảm với nhau?”, tôi đùa. “Nghĩ làm sao. Anh gặp bà Kiều Oanh toàn là lúc bả đã có chồng”, Lê Tín cũng đùa.

Kiều Oanh – Lê Tín là một cặp bạn diễn trời sinh, điều này không chỉ mình tôi nhận định. Ông nhà văn với danh hiệu “Đệ nhất MC người Việt ở hải ngoại” cũng đưa ra nhận định này. Ông từng nói tại một sân khấu ở Úc: “Tôi đã thấy Kiều Oanh diễn với rất nhiều nghệ sĩ khác, nhưng chắc chắn người bạn diễn ăn ý nhất của Kiều Oanh phải là Lê Tín”.

“Em biết vì sao anh với Kiều Oanh ráp lại với nhau, mau có tên không?”, Lê Tín hỏi tôi. “Làm sao em biết được”, tôi đáp. “Là bởi, anh với bả giống như có thần giao cách cảm vậy. Anh với bả ngồi nói ý tưởng với nhau, xong bả chạy về nhà ngồi viết phần của bả, anh viết phần của anh. Gặp nhau, ngồi ghép kịch bản lại là diễn”, Lê Tín nói thêm.

Kiểu diễn hài theo kịch bản từng người viết vậy là lạ, nghe anh kể tôi mới biết. Bởi bấy lâu nay, tôi vẫn hình dung nghệ sĩ hài diễn theo kịch bản chung do một người soạn. Mà hình như không chỉ có cặp Kiều Oanh – Lê Tín, ở hải ngoại cũng có một ít cặp tấu hài diễn theo lối này. Nghĩa là, chỉ nêu ý tưởng còn “phần ai nấy lo”.

“Cuộc sống của anh hiện tại như thế nào?”. “Thì cũng bình thường thôi em. Ở nhà trọ cùng mẹ, đi diễn, đến đài làm chương trình của mình. Ở Mỹ hay Việt Nam gì thì đều như nhau. Ai làm nhiều, xài nhiều. Ai làm ít, xài ít. Như anh làm không nhiều tiền, anh chạy Camry, Kiều Oanh làm nhiều tiền, chạy BMW… là anh ví dụ vậy”.

“Như anh nói, nghệ sĩ bên đó dạo này chủ yếu diễn ở casino. Có khi nào diễn xong, tiền cát-sê không đủ tiền thua bài hả anh?”. “Tất nhiên là có. Trong casino dễ sa ngã lắm, vấn đề là do mình thôi. Ví dụ, mình diễn có cát-sê 1.200 USD đi, mình nghĩ bỏ ra 300 USD ngồi vô sòng, thắng thua gì cũng chơi nhiêu đây, thì là biết. Còn không biết thì cát-sê 1.200 USD, mang hết quẳng vô sòng rồi lấy luôn tiền dành dụm nướng vào đó, không ai thắng casino được đâu”.

Đợt này, Lê Tín về Việt Nam tương đối nhiều. Anh chuẩn bị quay một loạt chương trình cho Trung tâm Vân Sơn. Đó là trung tâm mà theo anh, còn đối đãi với nghệ sĩ bằng tình          người, chứ nhiều trung tâm của người Việt khác ở Mỹ bóc lột nghệ sĩ khủng khiếp lắm. Có trung tâm, nghệ sĩ đi diễn về phải trả ngược lại tiền cho trung tâm, trung tâm đi diễn xa nghệ sĩ phải tự bỏ tiền mua vé máy bay, hát không cát-sê... chỉ là cố lấy cái tiếng của trung tâm để có show diễn ngoài thêm, bởi mọi thứ đang khó khăn quá.

“Truyền thông bên đó đối với nghệ sĩ có loạn như ở Việt Nam không anh?”. “Không, có ai quan tâm đến truyền thông bên đó đâu. Truyền thông tư nhân mà, ai có tiền cứ bỏ ra làm. Ví dụ em ghét nghệ sĩ A., em làm một tờ báo 16 trang, từ trang bìa cho đến trang cuối em cứ viết chửi nghệ sĩ A. thoải mái. Còn em thích nghệ sĩ B., em cứ làm tờ báo khen nghệ sĩ B. từ đầu đến đuôi”. “Nhỡ họ kiện thì sao?”. “Ai rảnh mà kiện em, với lại tiền thuê luật sư mắc lắm. Giống như em đăng cái tin Lê Tín trúng vé số 1 triệu USD, ngay lập tức thiên hạ sẽ nghi ngờ anh bỏ tiền ra để làm tờ báo đó. Mặc dù, đây lại là sự thật”.

Nói chung thì, kịch trường của nghệ sĩ Việt ở xứ Mỹ có rất nhiều chuyện lạ mà tôi không tiện viết hết trên mặt báo

Ngô Kinh Luân
.
.