Nghệ sĩ Kim Thư: Đi hết những ngày buồn

Thứ Ba, 08/06/2010, 10:35
Không ai đoán được tuổi của Kim Thư. Bởi cái cách nói chuyện của bà vừa trẻ trung, vừa sắc sảo pha chút hài hước dễ chịu. Nói về chuyện gì, từ nghệ thuật, tình yêu tới muôn mặt đời thường, tôi đều thấy bà gần với lớp trẻ chúng tôi, cho dù chúng tôi không được nhìn thấy bà trên sấn khấu thuở bà rực rỡ nhất.

Đời Kim Thư giống như một cuốn tiểu thuyết với những chương buồn vui, cay đắng. Bà bảo, bà sẽ xuất bản cuốn hồi ký về đời mình với tên gọi: "Đàn ba â- nghệ thuật - chiến tranh". Tôi nói thêm rằng, cần phải có 2 chữ Tình yêu trong cuốn hồi ký ấy nữa. Vì đời Kim Thư, tình yêu là một góc rất đẹp, rất dữ dội. Bà chỉ cười, khuôn mặt lấp lánh niềm vui rồi lại thoáng chút thâm trầm. Bà kể: "Hồi còn trẻ, đi diễn ở Nam Định, có người chỉ mặt và bảo, tất cả mọi thứ trong đời tôi chỉ được một nửa thôi, có muốn hơn cũng không được. Ngẫm lại thấy sao mà đúng quá".

Kim Thư bước vào kịch nghệ từ rất sớm. Đẹp, sắc sảo, tài năng, bà thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, và nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt sáng giá nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam, bên cạnh những tên tuổi như Tú Mai, Mỹ Dung, Bích Thu... Người chồng yêu quý của bà là một sĩ quan quân đội, là con trai của nhà văn nổi tiếng Vũ Ngọc Phan. Hai cô con gái ra đời là kết quả của những tháng ngày ngọt ngào, hạnh phúc.

"Đứa con đầu tôi đặt tên là Linh Dương vì đọc một câu chuyện của nhà văn Pháp, kể về một người phụ nữ khi chờ mong tin chồng ngoài chiến trận thì nhìn thấy một con linh dương chạy qua như một điềm lành. Bà ta chợt cảm thấy mình rất hạnh phúc và có một niềm tin chắc chắn chồng mình sẽ trở về. Đứa con thứ 2 tôi đặt là Hoàng Hoa vì tôi sinh nó vào mùa thu, mùa rực rỡ hoa cúc vàng nở".

Linh Dương, thật không may, sinh ra đã là một đứa trẻ thiểu năng về trí tuệ, còn Hoàng Hoa thì học hành giỏi giang, sắc sảo và âm thầm nuôi ước mơ trở thành một nhà văn, như ông nội của mình. Đấy là cái được "một nửa" đầu tiên mà Kim Thư mơ hồ nhận ra lời tiên tri của một người lạ mặt năm nào đang ứng vào mình. Trái tim người mẹ trong bà như thắt lại khi nhìn Linh Dương với những khuyết tật bẩm sinh. Thế rồi số phận tai quái lại giáng cho Kim Thư một đòn đau trí mạng không dễ dàng để gượng dậy, đó là người chồng yêu dấu của bà tử nạn trong một tai nạn máy bay khi đang làm nhiệm vụ. Nhớ lại những giây phút ấy Kim Thư vẫn còn bàng hoàng: "Tôi không hiểu vì sao mình có thể vượt qua những ngày tháng ấy. Đất trời như sụp đổ, đời sống như tan biến vào hư vô. Giờ phút này tôi vẫn cảm giác như nỗi đau ấy không có thật, như là một giấc chiêm bao vậy".

Mất chồng, một nách hai con nhỏ dại, đơn thân làm nghệ thuật trong thời buổi đất nước có chiến tranh, giặc giã, Kim Thư lá ngọc cành vàng đã trở thành một người đàn bà lo toan, lận đận nhất. "Khi chồng tôi còn sống, tôi chỉ làm nghệ thuật mà không phải nghĩ đến tiền. Anh cho tôi một cuộc sống không dư dật nhiều nhưng chưa bao giờ thiếu thốn. Cái chết của anh đã đẩy ba mẹ con tôi vào hoàn cảnh cùng cực. Cái nghèo bủa vây chúng tôi trong một thời gian dài đến nỗi giờ đây tôi vẫn bị nó ám ảnh.

Hàng ngày, tôi tô son điểm phấn và sống với các nhân vật của mình trên sân khấu, nhưng khi trở về nhà tôi trút bỏ xiêm y lộng lẫy để làm một người nông dân ngay giữa lòng phố thị. Tôi nuôi lợn, nuôi gà đem ra chợ bán để có tiền nuôi con. Linh Dương thì đau ốm quặt quẹo, một năm phải vào viện mổ 3 lần, còn Hoàng Hoa thì đang tuổi đi học. Của nả trong nhà có gì đội nón ra đi hết, ba mẹ con chỉ còn chiếc giường để nằm. Chăn nuôi không kiếm đủ tiền nuôi con, tôi xoay ra đủ nghề, từ mở quán cà phê đến kinh doanh quần áo, đến móc len, đan len thuê để lấy tiền...". Vất vả, mệt nhoài vì gánh nặng mưu sinh, có những lúc Kim Thư cảm thấy như mình không vượt qua được đời sống khốn khổ ấy để tiếp tục làm nghệ thuật.

Nhưng nghệ thuật là một tiếng gọi lớn và hình như càng rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu, khó khăn nhất của đời sống, người ta càng cần nghệ thuật như một chốn nương náu, nơi gửi gắm những ước mơ không thành. Kim Thư ngày càng trở nên sâu sắc hơn khi nhập vào từng vai diễn. Và vẻ đẹp của bà, cứ như đối lập với những bất hạnh trong đời sống, cứ rực rỡ như một đóa hoa đang mùa khoe sắc. Trong hồi ký của mình, Kim Thư kể lại một kỷ niệm thời chiến tranh, khi bà đi biểu diễn cho bộ đội ở vùng giáp sông Gianh, Quảng Bình, năm 1972:

"Chúng tôi phải diễn dưới ánh trăng, không được thắp điện vì kỷ luật phòng không và vì pháo sáng của máy bay địch thả trên trời. Thỉnh thoảng lúc ngớt tiếng pháo, cánh làm kỹ thuật mới dùng đèn pin chiếu vào mặt diễn viên cho bộ đội nhìn rõ. Tôi bao giờ cũng hát đơn ca trước khi mở màn vở diễn, vì mình được đánh giá là có giọng hát hay ở Nhà hát Kịch. Thông thường thì anh Văn Hiệp hoặc anh Doãn Châu đệm đàn ghi ta cho tôi hát. Một buổi tối khi đi biểu diễn về dọc theo bờ sông Gianh, tôi bất thần cảm thấy một cánh tay đàn ông khoác lên vai mình và hỏi: "Em tên gì?". Tôi trả lời: "Em là nghệ sĩ, còn anh là bộ đội phải không?". Tự nhiên tôi thấy cánh tay ấy rung lên. Tôi quay lại, ngước mắt nhìn lên và nhận ra đấy là một thủy thủ, với dáng người vạm vỡ, cao lớn và khuôn mặt có vẻ như rất nhiều cảm xúc. Anh đi lùi lại một vài bước và bảo tôi: "Em có thể cho anh hôn em một cái được không?". Tôi nói không. Anh lại bảo: "Em đẹp lắm". Tôi đối đáp ngay: "Tại vì anh nhìn em dưới ánh trăng thôi". Người lính trận mạc cũng đáp lại rất hay: "Nếu dưới ánh trăng mà đẹp thế này thì anh mong không bao giờ có mặt trời". Rồi anh nói thêm: "Ngày mai sẽ là một ngày ác liệt đấy em ạ. Đúng lúc đó thì còi báo động vang lên, chúng tôi mỗi người một ngả. Người thủy thủ nói với theo: "Ngày mai tôi sẽ đến tìm em". Nhưng ngày hôm sau đúng như dự đoán của anh, là một ngày ác liệt. Chiếc tàu nơi người thủy thủ đóng quân bị bom vùi tan nát. Tất cả thủy thủ trên tàu đã hy sinh.Tôi chạy dọc sông Gianh, cùng rất nhiều người dân khác, sau trận bom vùi, và khóc lặng lẽ vì mình đã không dành cho người lính đáng yêu ấy một cái hôn".--PageBreak--

Những kỷ niệm đẹp như vậy, trong lòng Kim Thư thực sự đã trở thành một tài sản vô giá. Bà gìn giữ nó và thầm cảm ơn đời sống, cảm ơn nghệ thuật đã cho bà những giờ phút như thế, để quên đi vất vả đời thường, để bay trên những lo lắng đời thường mà mình đang đối mặt.

Tôi luôn nghĩ, đối với một người đàn bà làm nghệ thuật, luôn có một tiếng gọi mạnh mẽ cất lên từ tình yêu, từ khát vọng được hy sinh và dâng hiến. Kim Thư hình như cũng không chống lại điều ấy. Sau những mất mát, khổ đau, bà hình như đã quăng mình vào cuộc kiếm tìm trong trẻo ấy, với mong muốn là mình lại được tình yêu dẫn lối để đi qua những chặng đời dài dằng dặc. Nhưng hình như bà đã thất vọng. Những người đàn ông đến với Kim Thư hình như đã không bao chứa nổi bà. Kim Thư là kiểu phụ nữ vừa đơn giản vừa phức tạp, tưởng dễ nắm bắt mà thực ra rất khó. Bà sống thành thực với mình và điều gì cũng muốn nhìn thấu đến tận cùng, đến đáy, nên tình yêu mà bà tìm kiếm trở nên khó khăn, có lúc là vô vọng. Những vết thương tình yêu không phải có những lúc đã làm phiền bà. "Và tôi chọn cách một mình đi hết đường đời còn lại, không ưu phiền".

Giờ đây Kim Thư có một niềm an ủi lớn lao là con gái Hoàng Hoa của bà đã trở thành một nhà văn. Hoàng Hoa lập gia đình với một người đàn ông Pháp và theo đuổi giấc mộng văn chương. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Vũ Hoàng Hoa được Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành với tên gọi: "Thảo- những hạt cát đời" là kể về chính cuộc đời làm nghệ thuật của mẹ mình. Sự thật nghiệt ngã của đời sống, những bi kịch mà người đàn bà làm nghệ thuật mà Kim Thư trải qua cũng chính là những bi kịch của một thế hệ nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh và trong thời kỳ bao cấp. Hoàng Hoa đã viết thật chân thực, thật xót đau, nhưng cũng thật yêu thương về những gì mà mẹ chị đã đi qua, đã nếm trải. Đọc sách của Hoàng Hoa gặp lại những câu chuyện, những cảnh sống của một thời "rưng rưng nước mắt".

Về chuyện con gái mình viết văn, Kim Thư tâm sự: "Ban đầu tôi rất sợ con gái mình viết văn. Vì tôi biết đàn bà viết văn cuộc đời chìm nổi lắm. Hơn nữa trong tâm mình, trong suy nghĩ của mình lúc nào cũng bị dằn vặt. Tôi muốn Hoàng Hoa làm một nghề khác. Nhưng hình như đó là nghiệp rồi. Đọc sách của con, tôi mới hiểu rằng con đã mong ước trở thành nhà văn từ tấm bé. Và tôi ủng hộ niềm say mê của con. Hoàng Hoa cũng coi mẹ như một bạn đọc đầu tiên của mình. Viết gì xong Hoa cũng đọc cho mẹ nghe trước".

Kim Thư bảo, có nhiều lúc hai mẹ con nằm ôm nhau ngủ, khi thì ở Ý, khi thì ở Pháp, bà đều nói với con rằng: "Không hiểu sao mẹ có thể vượt qua một giai đoạn khó khăn đến mức mẹ tưởng chừng như nó không có thật trên đời". Hoàng Hoa là một sự bù đắp của cuộc đời dành cho Kim Thư, vì khi trò chuyện với con bà thấy mình được an ủi. Hai mẹ con bà đang ấp ủ một cuốn sách viết về tình trạng ly hôn trong các gia đình thời hiện đại. Bà có ý thức sưu tầm, ghi chép, giữ gìn tài liệu để cung cấp cho con gái.

Tôi hỏi, nghỉ hưu rồi, không bận việc đi diễn nữa, con gái lại ở xa, Kim Thư làm gì cho hết một ngày? Và Kim Thư cười: "Người ta cứ nghĩ rằng hoàn cảnh của tôi như bây giờ là bất hạnh lắm: chồng thì chết sớm, con khôn thì ở rất xa, con dại ở gần phải chăm sóc nó. Nhưng kỳ thực là tôi không thấy mình bất hạnh. Thậm chí tôi còn thấy đời cho tôi nhiều hơn điều mà tôi mong muốn. Phật dạy rằng, sướng khổ tại tâm cơ mà. Tôi đang cảm thấy mình hạnh phúc vì Trời cho mình sức khỏe. Tôi cũng giữ gìn sức khỏe như một "chương trình sống" của mình. Tôi sống khỏe để thấy mình vui, mình đẹp, để con ở xa không phải lo lắng về mình. Tôi không giàu có nhưng khi thích cái gì thì cũng có thể có được, thế là vui rồi. Khi nào thấy cần đi du lịch thì xách túi lên đường. Tôi học ngoại ngữ chăm chỉ hàng ngày để não mình "không mịn". Tôi học đàn và sáng tác nhạc. Tôi vui với cái cây trước nhà, ngắm bông hoa trong vườn để nhận ra cái đẹp của cuộc sống. Và quan trọng là tôi có rất nhiều những kỷ niệm quý giá trong đời nghệ sĩ, để mỗi lúc buồn ngồi giở chúng ra, ngẫm nghĩ, cũng thấy thú vị vô cùng"

Bình Nguyên Trang
.
.