Nghệ sĩ Kim Sinh: Dẫu lìa ngõ ý…

Thứ Hai, 21/03/2011, 16:05
Hà Nội, một chiều áp Tết. Sau đợt nóng như mùa hạ, trời trở gió, mưa và lạnh. Một chị bạn chuyên làm phim về văn hoá rủ tôi tới thăm Nghệ sĩ ưu tú Kim Sinh của Đoàn Chuông Vàng. Chị cứ áy náy mãi vì sau buổi ghi hình, lão nghệ sĩ nằm bất tỉnh ba tiếng liền. Cảm sốt mấy hôm, không ăn uống được gì, nhưng vì đã hứa, ông tới địa điểm ghi hình trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh.

Ngồi không vững, tay ông chạy trên phím đàn một cách mờ ảo. Hôm ấy, ông đã chơi đàn hoàn toàn bằng bản năng. Con gái ông  nhìn cha đàn, mà nước mắt cứ trào ra… Cha cô là vậy, đã hơn 80 tuổi rồi, nhưng ông vẫn sống hết mình vì nghệ thuật, với tài năng bẩm sinh, với cái tâm và cái tình, sâu sắc đấy, mà cũng đa đoan đấy.

Đã từng nghe kể về nơi ở chật hẹp của nghệ sĩ Kim Sinh, nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi dò từng bước trên cái cầu thang tối om om của một căn nhà cũ ven sông Hồng, để bước vào căn phòng độ mươi mét vuông của ông. Hơi thất vọng, vì trước mắt tôi là một ông già khiếm thị gầy gò, không có vẻ đa tài như người ta ca ngợi. Gia tài của ông chỉ vẻn vẹn có một chiếc ghi âm cũ và các loại đàn treo la liệt quanh tường. Ngay cả tiền thuê căn phòng này cũng không phải của ông. Một đại gia mến mộ ông đã trả tiền thuê phòng hằng năm cho ông.

Tôi chạnh lòng: vẫn biết nghệ sĩ thường nghèo, nhưng một nghệ sĩ tài danh, từng được coi là "bậc thầy của đàn gảy Việt Nam" như ông mà phải sống thế này sao? Ông cười và thanh minh: "Đấy là do cái số tôi, lắm vợ nhiều con, nên tôi đem chia hết cái nhà nhỏ Nhà nước phân cho. Sống thế này là tốt lắm rồi. Nhiều người mời tôi vào Sài Gòn, nhưng tôi không đi. Ở đây tôi có lương hưu, có vợ con, rồi bạn bè gần xa, trong ngoài nước tới quay phim, phỏng vấn, mời đi biểu diễn vui lắm".

Nhắc lại chuyện giữ lời hứa đi ghi hình đến mức hồn suýt lìa khỏi phách, ông xuề xoà: "Đấy là cháu nó cứ lo, chứ tôi còn lâu mới chết. Tôi nể chị đạo diễn, làm phim vì cái tâm, nên tôi hứa là tôi làm hết sức. Ta giúp người thì người lại giúp ta. Đó là niềm vui của tôi mà".

Nghe cái giọng sang sảng của người nghệ sĩ khiếm thị, chợt ngắm nhìn ông, tôi cảm nhận được ánh sáng tâm hồn bừng chiếu trên gương mặt đẹp - một gương mặt mà thời trẻ đã làm xiêu lòng bao cô gái và bao thế hệ học trò của ông. "Mình phải cái hay yếu lòng, yêu ai là yêu hết lòng. Mà chị em lại cứ hay theo mình", ông Kim Sinh tâm sự, "nên trông thế này mà bốn lần lên xe hoa rồi đấy…".

Cậu bé Kim Sinh ra đời khôi ngô và lành lặn như mọi cậu bé khác. Một lần đau mắt, bác sĩ cho thuốc nhầm, mắt cậu hỏng và ông bố bỏ nhà ra đi. Tình thương của người mẹ và ông bà ngoại nuôi cậu lớn thành người. Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi hết của Kim Sinh! Nghệ sĩ vừa sáng tác nhạc, vừa có giọng hát ngọt ngào và chơi được gần chục loại đàn, cả dân tộc lẫn hiện đại, như ghita Hawaii chẳng hạn.

Sinh năm 1930, 14 tuổi, Kim Sinh đã trở thành một kép hát được mến mộ tại các sân đình và phòng khách nhà vương tôn công tử. Ông là học trò của nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Cao Văn Sỹ... Mười chín tuổi, Kim Sinh được bà chủ gánh hát gả con gái cho vì quý cái tính, trọng cái tài của cậu. Bà vợ cả có với ông sáu người con, con trai lớn đã ngót sáu mươi, hàng tháng vẫn qua lại thăm ông.

Ông phân bua: "Các cháu nó bận lắm, lại cũng khó khăn. Cũng có đứa giàu có, nhưng chúng nó lo cho mẹ chu đáo là tôi mát lòng rồi. Cái số mình đa đoan nên chẳng trọn nghĩa được với mẹ các cháu". Căn nhà được Nhà nước cấp ở phố Nguyễn Siêu, ông chia một phần cho sáu người con bà cả.

Một phần nữa ông biến báo tìm cách để pháp luật can thiệp phải chia cho bà vợ thứ hai. Nhắc đến bà hai, giọng ông run lên: "Bà ấy con nhà tư sản Hà Nội, mến tài mà theo tôi, cả gia đình bà can ngăn không được, tôi thương lắm. Nếu tôi không đứng đơn ly dị thì làm sao bà ấy có một phần nhà mà ở cho yên ổn với hai đứa nhỏ con tôi".

Nghệ sĩ già xuýt xoa: "Gia đình cô ấy tốt lắm, khi hai người ly dị, gia đình viết lại di chúc rất cảm động. Đại ý là, nay con gái đã trở về, bố mẹ viết lại di chúc chia một phần căn nhà lớn mặt phố cho các cháu. Chẳng may bố mẹ các cháu mất đi, thì các cháu được hưởng... Tôi có ly dị thì bố mẹ cô ấy mới nghĩ lại, vợ con tôi mới đỡ thiệt thòi".

Kim Sinh cảm động vì bố mẹ vợ rộng lòng với vợ con ông, và ông tự hào vì bây giờ, người con gái quyết hi sinh vì ông vẫn ở căn nhà mua bằng phần tài sản ông để lại cho vợ và hai con. Dù chính ông đang phải ở căn nhà thuê chật chội trả bằng tiền người khác, ông vẫn thấy yên lòng và hạnh phúc, vì với khả năng hạn hẹp của mình, ông đã trả nghĩa cho người vợ thứ hai.

Ở địa vị ông, người khác thấy khổ, nhưng ông thì không. Trời đã cho cái tình thì phải sống cho trọn tình. Người ta sống khác, chắc không vất vả như ông. Người ta tự kiềm chế để giữ địa vị, tiếng tăm, giữ gia đình vợ cái con cột; hoặc có người vẫn trăng hoa nhưng giấu giếm vợ con. Kim Sinh thì không vậy.

Người ta có thể giận ông vì cái sự đa đoan, nhưng lại xót lòng thương ông vì cái tình ông dành trọn cho những người trót đa đoan, lận đận cùng ông. Có phải ai cũng dám yêu hết mình và khổ hết mình như lão nghệ sĩ tài hoa này?

Ông kể, bình thường ở cơ quan, khi còn đi làm, ông cũng không phải tay vừa. Nhưng ông lại dễ mềm lòng trước sự chân thành và những tình cảm thật lòng. Với tâm hồn và trái tim nghệ sĩ, ông đón nhận những tình cảm ấy, sống hết mình với nó, không nghĩ nhiều đến hậu quả. Nhưng khi đã tỉnh ra, ông nhận thức được trách nhiệm của mình và tận tâm thực hiện nghĩa vụ cần có. Nghĩa vụ, lương tâm với vợ, với các con để cho lòng thanh thản!

Bà vợ thứ ba là bà Lê, mẹ cô Kim Ngọc bây giờ. Một lần ông về Hưng Yên biểu diễn, và ông lại gặp một cô gái quê chất phác ngưỡng mộ ông. Hai người thành thân năm 1983, Kim Ngọc ra đời và sống với mẹ ở quê, bởi cái số của cha cô còn đa đoan lắm. Người đàn bà thứ tư đến với ông rồi đi. Lão nghệ sĩ tâm sự rằng, ông chẳng dám trách ai, vì ông chẳng có gì ngoài chữ Tài và chữ Tâm, nghe rất vô hình và mong manh, mà cuộc đời này thì nhiều sóng gió.

Trong gian nan mới biết lòng người! Lúc nghệ sĩ Kim Sinh ốm đau khốn khó nhất, thì người tận tâm nhất với ông lại là bà Lê - người mà lúc bình thường ông ít quan tâm nhất. Lẽ đời là vậy! Người phụ nữ chân quê này luôn ngưỡng mộ, kính phục ông, tình yêu ấy dành cho Kim Sinh không chỉ khi ông đang ở đỉnh cao của ánh hào quang nghệ thuật, mà cả khi bà phải chăm bẵm, nâng giấc ông như chăm trẻ nhỏ bây giờ.

Bà biết hết cái sự đa tình của ông, nhưng tình yêu đã khiến bà chấp nhận và tha thứ. Hôm ấy chúng tôi ngồi khá lâu, sốt ruột vì sợ ông lại lả đi sau trận ốm kéo dài, nhưng bà Lê chỉ dám rón rén gõ cửa phòng ông, lấy cớ rót thêm nước cho khách. Dường như cái nết ấy, tình cảm ấy của bà đã làm lão nghệ sĩ thực sự hối hận vì những gì chưa kịp bù đắp cho bà.

Bao nhiêu tình cảm ông dồn hết cho cô gái út Kim Ngọc. Bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy suốt gần 70 năm làm nghệ thuật, ông cố gắng truyền hết cho con. Tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống của Nhạc viện Hà Nội, Kim Ngọc còn là đào nương của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long.

Kim Sinh là một trong số những nghệ sĩ đầu tiên ở ta được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào đầu những năm 80. Nhiều người biết đến ông với giọng ca ngọt ngào mê đắm và những ngón đàn tài hoa thánh thót. Người ta cũng biết ông có đến bốn bà vợ, nhưng không mấy người biết, ông đã cố gắng như thế nào để đã yêu là phải sống hết tình, hết trách nhiệm.

Người ta thương hơn là giận trái tim nghệ sĩ dễ rung lên như sợi dây đàn của Kim Sinh. Ông yêu hồn nhiên, sống cũng hồn nhiên, nhưng cuối đời, ông mới thấm nỗi ân hận, vì đã không thể lo lắng được trọn vẹn cho những đứa con và những người đàn bà ông yêu. Khi đã ngộ ra thì ông không hồn nhiên nữa. Ở cái tuổi cận kề 70, với tài hoa của mình, ông vẫn còn làm xiêu lòng các cô gái trẻ, nhưng nỗi day dứt của người cha, của người đàn ông trách nhiệm đã giúp ông biết điểm dừng cần thiết. Kim Sinh kể lại, lần đi Mỹ năm ấy, ông đã phải quỳ xuống vái sống một cô gái ngoại quốc mới 22 tuổi mến mộ ông.

Nghệ sĩ cười: "Tôi nghĩ mình lúc ấy chẳng khác gì Con cáo và Chùm nho. Mình biết, mình chỉ làm nghệ thuật được thôi, còn nhiều thứ khác thì mình thua kém người đời, không dám phiêu lưu, làm phiền ai thêm nữa. Cuộc đời mình cũng như con đò nát rồi mà..!". Thế đấy, 70 tuổi, 4 bà vợ rồi, mà vẫn nghĩ yêu là phải có trách nhiệm, tình yêu không phải là trò chơi! Kim Sinh khổ cũng có lẽ cũng vì sự chân thành ấy. Nghệ sĩ cười buồn: "Cả đoàn cũng khổ lây vì tôi. Chuyến xuất ngoại ấy không có xe đi vì cô gái ấy có xe riêng và cô chính là người tình nguyện đưa đón đoàn đi biểu diễn. Sau khi tôi buộc lòng từ chối, cô đã xấu hổ bỏ đi…".

Chuyện còn dài, nhưng chúng tôi đành dứt áo ra về vì sợ nghệ sĩ Kim Sinh quá mệt. Bởi ông, cứ nói đụng đến nghệ thuật là có thể hết mình cho tới tận đêm khuya. Cả cuộc đời biểu diễn của ông là như vậy. Và cả cuộc đời với chữ Yêu của ông cũng vậy. Nhiều người nghĩ ông khổ vì ông dại dột quá, hết mình quá và hồn nhiên quá.

Nhưng lão nghệ sĩ không nghĩ như vậy: đã mấy người vinh hoa đấy, phú quý đấy mà được sống thật là mình, sống hết mình như ông! Tiễn chúng tôi ra cửa căn nhà ở bãi Phúc Xá, thuê chung với không biết bao nhiêu chủ, ông cười hơ hớ và dặn: Khi nào báo ra, thì gửi cho ông một tờ, nhớ ghi rõ trên phong bì:

"Gửi nghệ sĩ Kim Sinh
Năm lăm phố Bảo Linh
Gác hai, phía trong, nhà có nhiều chó dữ".

Thật hài hước, thật yêu đời! Năm mới tới, xin trân trọng gửi tới Nghệ sĩ Kim Sinh bài báo nhỏ - như một lời cầu chúc Sức khỏe và Bình an, tới ông và những người phụ nữ đã vì ông mà "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng…"

Phan Quỳnh Anh
.
.