Nghệ sĩ Kim Ngọc: Xót lòng ký ức

Thứ Ba, 10/03/2009, 08:05
Bà Kim Ngọc ngồi mơ màng trong gian phòng nhỏ bề bộn đồ đạc. Bên cạnh là người chồng thân yêu, vốn là một người chiến sĩ Tây Tiến hào hoa thuở nào. Ông ngồi chìm sâu trong chiếc ghế, lim dim đôi mắt. Và nếu thỉnh thoảng ông không nhắc cho bà vài câu hát bà nhớ không chính xác thì tôi cứ ngỡ ông đang ngủ.

Trải qua mấy cơn tai biến mà bà Kim Ngọc vẫn giữ được giọng hát đủ để tôi hiểu rằng vì sao ngày xưa nhạc sĩ Văn Cao lại dành cho bà những lời ưu ái đến thế: "Tôi lấy làm lạ là giọng hát của Kim Ngọc trải qua hơn 40 năm vẫn không hề bị ô-xy hóa".

Bà Kim Ngọc mở đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm về nhà thơ Quang Dũng, một người anh cũng đồng thời là người bạn chiến đấu thân thiết của chồng bà. "Thỉnh thoảng nghĩ về ông Quang Dũng, vợ chồng tôi đều thương nhớ ông ấy quá chừng. Một con người đẹp đẽ, hào hoa, tài năng và có tình yêu quê hương đất nước rộng lớn. Mỗi lúc, giai điệu lãng mạn trữ tình của bài hát "Ba Vì mờ sương" ông Quang Dũng sáng tác gần 60 năm rồi cứ ngân nga trong tôi. Tôi hát bài hát ấy khi mình mới chỉ 16 tuổi, vừa tham gia vào đội tuyên truyền văn nghệ của Liên khu 3. Tôi là người đầu tiên và hình như cũng là người duy nhất hát bài hát "Ba Vì mờ sương" của Quang Dũng".

Rồi bà hát nhè nhẹ: "Ba Vì mờ cao, làn sương chiều sa buông/ Gió về hương núi thơm đưa hồn về đâu/ Đồi thông lên màu tím/ Đồi lau úa trong hơi mù ướt/ Nước róc rách đâu đây/ Bước chân đi bâng khuâng, lối về mềm mây...". Những câu hát đẹp như những câu thơ ấy bây giờ thật khó tìm trong các ca khúc nhạc trẻ.

Bà Kim Ngọc nói: "Những bài hát như vậy một khi đã ở lại trong lòng ai đó, thì sẽ ở lại mãi đấy, không bao giờ mất đi. Và không thể nào mất đi được. Vì nó quyện vào tâm hồn, tình cảm của chúng ta". Rồi lại thấy bà chợt buồn khi nhớ lại những năm tháng cuối đời nhà thơ Quang Dũng phải sống trong cảnh nghèo túng và bệnh tật. Những ngày cuối cùng biết mình không qua khỏi, Quang Dũng đã rất mong mỏi được nghe Kim Ngọc hát. Bà đã đến cầm tay nhà thơ và hát ca khúc "Ba Vì mờ sương" khiến ông rưng rưng nước mắt vì xúc động.

Giống như nhiều ca sĩ cùng thế hệ mình, Kim Ngọc trưởng thành từ một người lính, trải qua nhiều năm tháng chiến tranh và bom đạn. "Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi ngoài việc biểu diễn còn biết cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi cần. Chúng tôi không có nhiều quần áo đẹp, không có nhiều son phấn để xuất hiện trước khán giả của mình. Chúng tôi chỉ có giọng hát và tình yêu đối với đất nước, bộ đội và chiến sĩ".

Trong chiến tranh, là nghệ sĩ của Đoàn Văn công Sư đoàn 312, một trong những sư đoàn được thành lập đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Kim Ngọc đã đi phục vụ những chiến dịch lớn ở Việt Bắc, Tây Bắc, và sang cả chiến trường Lào. Hát để cổ vũ tinh thần của người lính trước khi ra trận. Hát để làm vơi bớt nỗi đau của những thương binh. Hát để xua đi nỗi nhớ nhà của những người lính trẻ. "Thời đó chúng tôi tự ví tiếng hát của mình cũng là súng đạn, vũ khí. Nâng cao sức chiến đấu của bộ đội và khi cần thiết thì có thể diệt quân thù. Tôi không bao giờ quên ký ức về những buổi đứng hát để động viên các thương binh vượt qua ca mổ hiểm nghèo không có thuốc gây mê. Chỉ có những hiện thực như vậy mới giúp tôi hiểu được thế nào là sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam".

Trong những năm chống Mỹ, tiếng hát Kim Ngọc đến với chiến sĩ trên các trận địa cao xạ tuyến lửa khu 4, các đảo xa ngoài vịnh Hạ Long như Cô Tô, Long Châu, Hòn Rồng, Trà Cổ, Cái Bầu, Bạch Long Vĩ... Không có người thầy âm nhạc nào, Kim Ngọc tự học là chính. Cùng với giọng hát trời phú, chính là cuộc chiến tranh đã tôi luyện nên con người nghệ sĩ trong bà.

Với giọng hát một mạc, chân thành và đằm sâu tình cảm, Kim Ngọc một thời vang danh với những ca khúc của Đoàn Chuẩn, Văn Chung và Văn Cao. Riêng câu chuyện đến với âm nhạc Văn Cao bà vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết. "Hồi ấy, khi tôi hát ca khúc "Bóng ai qua thềm" của Văn Chung được nhiều người khen ngợi, bà Văn Cao vốn là người sắc sảo, hay lo toan cho sự nghiệp của chồng có ngỏ lời mời tôi hát nhạc của chồng bà, song tôi có một vài điều e ngại.

Nhưng rồi khi đi cùng nghệ sĩ Quý Dương đến gặp Văn Cao, hát cho ông nghe, Văn Cao "duyệt" tôi ngay lập tức. Văn Cao vốn nổi tiếng là người khó tính, để ông thừa nhận thật chẳng dễ dàng gì.

Ngày đó trong các chương trình biểu diễn nhạc của mình, Văn Cao thích nhất 4 gương mặt, gồm có ca sĩ Quý Dương, tôi, ca sĩ Kim Định và nhạc sĩ Hồ Quang Bình làm vai trò MC, giới thiệu tác phẩm. Quý Dương hát "Bắc Sơn", "Đàn Chim Việt", Kim Định hát "Sông Lô", còn tôi hát "Trương Chi", "Buồn tàn thu", "Thiên thai" khiến Văn Cao hài lòng vô cùng. Riêng tôi, ông cho phép được "toàn quyền" biểu diễn tác phẩm của ông mà không cần phải xin phép. Nhưng mỗi lần hát bài mới, tôi đều xin phép ông cẩn thận". --PageBreak--

Về tính sáng tạo của người nghệ sĩ, bà Kim Ngọc bày tỏ: "Người ca sĩ khi đứng trên sân khấu đừng rập khuôn. Không phải người nhạc sĩ bảo thế nào thì biểu diễn thế đó, mà phải có nét riêng của mình. Ví dụ khi hát bài "Trương Chi", tôi nói với nhạc sĩ: "Em hát Trương Chi  của anh sẽ khác đấy. Những bài hát em trình bày tất nhiên là của anh, nhưng cũng có cái riêng của em nữa".

Khi biểu diễn nhạc phẩm "Buồn tàn thu", Kim Ngọc đến gặp Văn Cao và đề nghị rằng bà sẽ lấy hai câu thơ của ông: "Tri âm nghe thử dây đồng vọng/ Lạc lõng đêm vàng tiếng nhạc thu" và ngâm theo điệu sa mạc trong trống quân, trước khi bắt đầu bài hát. Nhạc sĩ Văn Cao nghe xong, ngạc nhiên bảo: "Thì ra Kim Ngọc cũng ghê thật đấy". Ông rất vui vì sự sáng tạo thông minh của người ca sĩ.

Kim Ngọc đã lập nên một kỷ lục trong làng âm nhạc Việt Nam, là bà đã tham gia 62 đêm biểu diễn nhạc Văn Cao. Điều này cho thấy giọng hát của bà được công chúng mến mộ và nhạc sĩ Văn Cao tin tưởng như thế nào.

Văn Cao từng nói: "Tôi thích Kim Ngọc vì nó là một con thiên nga. Một con thiên nga hát tác phẩm của tôi mộc mạc, không điệu đà. Cái mộc mới là cái của tôi". Trong cuộc đời một nghệ sĩ, giành được tình cảm của đồng nghiệp và công chúng chừng đó thôi, cũng đã là rất đáng để tự hào.

Tôi hỏi Kim Ngọc nhận xét như thế nào về các ca sĩ hát nhạc Văn Cao sau này, bà thẳng thắn: "Sau này người hát Văn Cao đáng kể nhất là ca sĩ Ánh Tuyết, nhưng tôi không thích cách cô ấy hát. Động tác biểu diễn "giật" micro của cô ấy không phù hợp với nhạc Văn Cao. Hơn nữa, Ánh Tuyết hát nhạc Văn Cao "vàng" quá". Đó là một nhận xét rất thật lòng, rất tinh tế của một người nghệ sĩ năm nay đã ở tuổi 80 và có đến nửa thế kỷ làm nghề. 

Ngoài công tác biểu diễn, Kim Ngọc còn tham gia công tác giảng dạy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Học trò của bà có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Vốn là người thẳng thăën, quyết liệt, Kim Ngọc thường đưa ra những phương pháp dạy học trò mà không phải lúc nào cũng được chấp nhận ngay lập tức. Nhưng bà kiên trì và tận tụy với học trò.

Bà nói: "Nhiều giáo viên thanh nhạc từ chối ngay lập tức một học sinh mà mới nhìn qua họ nghĩ không có gì nổi bật để đào tạo thành tài. Nhưng tôi bao giờ cũng nhìn sâu hơn một chút, và cố gắng để phát hiện ra những ưu điểm của người học trò đó. Và khi nhận ra họ là một thứ bột có thể "gột" lên một loại hồ tốt, tôi sẵn sàng giúp đỡ các em và đề ra một phương pháp giảng dạy riêng phù hợp. Thực tế là tôi có những học trò sau này thành danh, nhưng buổi đầu không được các giáo viên thừa nhận là có khả năng âm nhạc".

Tôi lấy làm lạ là tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng tình yêu của bà Kim Ngọc dành cho âm nhạc vẫn còn nguyên vẹn đấy, như chưa hề vơi cạn đi một chút nào. Và ngay cả sự sắc sảo trong mỗi nhận xét cũng khiến nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ: "Đời sống âm nhạc hôm nay tạp nham quá. Tôi cảm thấy rất nhiều ca sĩ có chất giọng đẹp lại không có cơ hội được xuất hiện trước công chúng. Nếu ta không trân trọng cái đẹp, mà chỉ thích cái lóng lánh, bắt mắt thì âm nhạc đã mất đi ý nghĩa chân chính của nó rồi".

Bà Kim Ngọc thuộc về một thế hệ nghệ sĩ hoàn toàn vô tư làm nghệ thuật. Gia tài suốt một đời cống hiến của bà không có gì nhiều, ngoài những tấm ảnh nhắc về một ký ức sôi nổi. Căn hộ tập thể giản dị, chật hẹp với mấy thế hệ sống chung. Ông bà chỉ dành một góc nho nhỏ đủ để kê chiếc giường, còn lại thì dành cho các con, cháu. Bà hoàn toàn thoải mái với sự chật chội ấy. Bà bảo: "Bây giờ người ta chạy theo giá trị vật chất, nhưng vật chất không phải là thước đo một cuộc đời đẹp".

Vậy một cuộc đời đẹp là như thế nào? Tôi đã muốn hỏi bà Kim Ngọc câu hỏi ấy, nhưng khi thấy bà ân cần quay sang người chồng đang ngồi lim dim lắng nghe bà nói, rồi ngước nhìn những tấm ảnh tuổi trẻ căng tràn sức sống của ông bà trên bức tường bạc màu thời gian thì tôi không hỏi nữa.

Tôi hiểu rằng, một cuộc đời đẹp là như vậy đấy. Là khi xế chiều họ vẫn ở bên nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm, những năm tuổi hai mươi. Và tuổi trẻ của bà Kim Ngọc đã qua là những năm tháng đầy ắp khát vọng được cống hiến sức lực và tài năng cho ngày Độc lập của đất nước và cho âm nhạc. Như thế cũng đã là đủ để hôm nay bà ngồi đây, hoàn toàn thanh thản, không vướng bận điều gì

.
.