NSƯT Trung Hiếu: Hạnh phúc là một cuộc kiếm tìm

Chủ Nhật, 05/07/2015, 10:36
Một Trung Hiếu với những vai diễn góc cạnh, xù xì trên màn ảnh nhỏ, một Trung Hiếu tài hoa với những nét thư pháp vi diệu, một Trung Hiếu của những sắc màu và một Trung Hiếu dữ dội trong các vai nặng ký ở Nhà hát kịch Hà Nội. Tôi hỏi Trung Hiếu, anh là ai trong thế giới đa sắc và biến hình đó. Hiếu cười, giản đơn anh chỉ là nghệ sĩ Trung Hiếu thôi.

1. Buổi chiều muộn ở phòng khách nhà hát, rất khó khăn khi Trung Hiếu thu xếp được một cuộc trò chuyện với tôi. Lâu lắm rồi, anh mới có một khoảng bình yên như thế. Không phim ảnh. Không hội họa. Không chim chóc. Không thư pháp. Không kịch bản. Một khoảng lặng hiếm hoi của Hiếu giữa bộn bề công việc và đam mê. Phòng làm việc của Hiếu giản dị, treo rất nhiều tranh, tranh của Hiếu, tranh của bạn bè vẽ tặng. Tôi ấn tượng với chân dung họa sĩ Chu Văn Lượng vẽ Hiếu ngồi trầm ngâm, đôi mắt buồn sau cặp kính cận. Một nỗi buồn ẩn giấu trong thế giới quá phong phú và có phần hoạt náo của Hiếu. Hình như đó mới là Hiếu một cách trọn vẹn nhất, sâu thẳm nhất.

Tôi hỏi Hiếu có ôm đồm quá không, khi ở tuổi này, anh cần những khoảng lặng. Nhưng cuộc sống là những chảy trôi không ngừng. Và với Hiếu, khoảng lặng sẽ đến ngay trong cả sự vận động đó. Bởi Trung Hiếu luôn có tâm thế ung dung, tự tại của một người làm nghề sung sức, không danh lợi, bon chen. Anh bây giờ là Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, nơi anh hàng ngày, hàng giờ vẫn truyền lửa đam mê cho các thế hệ kế cận của nhà hát. Trong anh luôn có sự quyết liệt của một người làm nghề, yêu và dấn thân. “Đã không làm thì thôi. Đã làm thì phải là những thứ mình thích và sống với nó đến tận cùng”. Đó là cách Hiếu đến với nghệ thuật.

Mấy đêm diễn ở nhà hát kịch Hà Nội, vai Năm Sài Gòn trong Bỉ vỏ của đạo diễn Doãn Hoàng Giang cho thấy sự quyết liệt của Trung Hiếu. Anh thích khai thác khía cạnh nhân văn của nhân vật. Bởi anh tin, trong tận cùng tâm hồn mỗi con người đều có những vệt sáng của tình thương, của sự thiện lương. Cái khát vọng ấy, luôn lẩn khuất đâu đó ngay cả ở một gã tướng cướp. Với Trung Hiếu, “Cuộc sống là một hành trình đi tìm kiếm. Và nghệ thuật cũng thế, đó là một hành trình của những khát vọng. Những điều tôi diễn trên sân khấu, khát vọng về cuộc sống, về hạnh phúc, về tình yêu, đó là cách tôi gửi gắm tâm hồn của chính mình”.

Tôi cảm giác Trung Hiếu làm nghề từ lâu lắm rồi. Và cuộc đời Hiếu cứ như được rải thảm đỏ cho những vinh quang. Tốt nghiệp Trường Sân khấu điện ảnh, anh về Nhà hát Kịch Hà Nội. Nhưng khán giả biết đến Hiếu, từ những vai diễn phim truyền hình. Gần như đó là cách nghệ sĩ kịch nói đến với công chúng một cách nhanh nhất.

Nhưng cốt lõi của Trung  Hiếu, vẫn là sân khấu, đó mới là anh một cách trọn vẹn nhất, thăng hoa nhất. Anh nói về nghề một cách say mê. Một niềm say mê bất tận của người nghệ sĩ khi đã trót yêu và dấn thân. Một niềm say mê không tính toán, không vụ lợi. Đến bây giờ, đã trở thành gạo cội của làng sân khấu, đã lùi lại phía sau với vị trí đạo diễn, nhưng nếu vào vai, anh vẫn cảm giác run rẩy. Cái cảm giác nguyên sơ của nghệ sĩ khi đứng trước nhân vật. Và luôn trăn trở.

Với Trung Hiếu, mỗi nhân vật là một cuộc kiếm tìm. Phải ra chất Trung Hiếu trong từng vai diễn, không nhạt nhòa, không trộn lẫn. Đó là một Tống Thoại - Cát bụi, một Lý Thường Kiệt - Tình sử ngàn năm, một Năm Sài Gòn trong Bỉ vỏ của Trung Hiếu chứ không phải của ai khác. “Đôi khi có những nhân vật ám ảnh tôi ghê gớm, chỉ một chi tiết mình chưa nghĩ ra, vai diễn chưa tròn đầy cũng khiến mình mất ăn mất ngủ. Và rượu, những cuộc đàm đạo với bạn bè đã giúp tôi thăng hoa. Rượu đôi khi là bạn đồng hành của những sáng tạo. Thế mới hiểu tại sao ngày xưa, có tiên tửu Lý Bạch, chỉ khi say mới làm được những bài thơ bất tử đến thế”. 

Trung Hiếu không có thói quen nhớ về những khó khăn. Ngay cả khi nói về những khó khăn, anh cũng kể một cách nhẹ tênh. Nhiều bạn bè tưởng, đời nghệ sĩ sung sướng, phù hoa. Họ không hiểu, phía sau bức màn kia, là những chật vật, lăn lộn, thậm chí sinh tử với nghề. Cuộc sống là những dòng chảy về phía trước, là sự tiếp nối của những hy vọng. “Đã dấn thân với nghề, thì đừng ngại khổ, tôi không có thói quen nghĩ và nói về những khó khăn, những buồn bã trong cuộc sống. Tôi luôn tìm cách vượt qua và không hoài nhớ về nó, cuộc sống luôn hướng về phía trước, hạnh phúc là luôn đi kiếm tìm”.

Và Trung Hiếu, đến bây giờ, đã có trong tay rất nhiều vai diễn đầy đặn, các giải thưởng, huy chương vàng. Thế nhưng khi nói về sân khấu, anh vẫn run run. Đối với những nghệ sĩ như anh, thì đó vẫn là một thánh đường linh thiêng mà anh, những nghệ sĩ chân chính luôn cảm thấy ngưỡng vọng, chưa bao giờ chạm tay tới đỉnh cao. Với anh, những vai diễn vẫn luôn là khát vọng, chạm tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ và lung linh nhất. “Thế nên, người nghệ sĩ rất cần sự cô đơn, cần những khoảng lặng tự làm việc với chính mình, với tâm hồn mình. Đôi khi phải nghĩ trong im lặng”.

2. Trung Hiếu gai góc, dữ dội trên sân khấu, nhưng ngoài đời sống, Hiếu giản dị, chân tình. Hiếu quảng giao, bạn bè tứ chiếng. Giới hội họa, giới thư pháp, giới phim ảnh. Bạn bè, rải từ Bắc chí Nam, đi đâu cũng bạn, sống nhờ bạn. Hiếu bảo, đó là gia tài lớn nhất trong đời anh. Còn tôi biết, gia tài lớn trong đời Hiếu còn là sự lịch lãm của một trí tuệ thâm thúy, hiểu sâu biết rộng.

Trung Hiếu trong vai Năm Sài Gòn - Bỉ vỏ.

Tôi đùa Trung Hiếu, cuộc sống của anh bị “bủa vây” bởi những đam mê. Hội họa, thư pháp, chim chóc. Hiếu đam mê gì cũng đến độ, chứ không hời hợt, lướt ván. Trong giới thư pháp, anh thuộc hạng cây đa cây đề. Thỉnh thoảng bắt gặp anh trong bóng hình ông đồ già xưa, ngồi viết chữ ở Văn Miếu. Chữ nghĩa thâm hậu. Người chơi chữ cũng đạt đến độ thâm hậu. Rồi không dừng ở thư pháp, Hiếu vẽ tranh. Nhà anh chất đầy tranh của anh, tranh bạn bè vẽ tặng. Anh coi đó là những cuộc chơi, thỏa mãn cái tôi cá nhân của mình mà thôi. Một cuộc dạo chơi bất tận.

Tôi không hiểu, Hiếu lấy đâu ra năng lượng cho chừng ấy những đam mê. Còn anh thì coi đó như một cách cân bằng cuộc sống, khiến tâm mình tự tại, bình an hơn. Đó cũng là một cách thiền trong đời sống vội vã, bất an hôm nay. “Nhiều hôm tôi ngồi vẽ đến 2-3h sáng, mẹ lên phòng, thấy tôi vẫn ngồi còng lưng bên giá vẽ, bà xót xa, đam mê thế này có khổ không hả con. Nhưng với tôi, đó là hạnh phúc, là một cách giải phóng những ẩn ức trong tâm hồn tôi”.

Sân khấu hay điện ảnh, chưa đủ cho những khát vọng của Hiếu. Hay anh đang đi tìm chính mình trong thế giới nội tâm đa sắc của người nghệ sĩ. Hiếu không biết nữa. Tôi hỏi Hiếu, có bao giờ anh cảm thấy cô độc trong thế giới của mình. “Bản thân cuộc sống của nghệ sĩ đã cô đơn. Đó là sự cô đơn cần thiết cho những sáng tạo. Tôi luôn được tự do trong thế giới của mình. Với người nghệ sĩ, đó là hạnh phúc”. Trung Hiếu nói.

Vậy anh có mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ. Giấc mơ đời thường ấy, có thể níu bước chân của kẻ khách giang hồ phiêu lãng như anh? Có chứ, anh đã từng mơ về giấc mơ ấy. Và anh luôn muốn chạm tay tới nó. Nhưng có lẽ là số phận. “Tôi tin vào số phận, và cuộc sống cứ thuận theo tự nhiên mà sống. Hạnh phúc là những sự tìm kiếm”. Hiếu chưa bao giờ ngừng yêu. Những người tình của anh luôn nằm trong bí mật vì anh nghĩ, đó là một đời sống khác của nghệ sĩ, anh muốn giữ nó được trọn vẹn cho riêng mình.

Tôi cứ hình dung, Trung Hiếu, một kẻ sĩ Bắc Hà, trọng danh dự, khảng khái và trong sáng. Hiếu tự tin, đời sẽ công bằng với những kẻ khảng khái và trong sáng như anh. Và rồi thì, cuộc sống cũng sẽ tròn đầy. Nhưng cuộc đời, không phải cứ tròn đầy thì sẽ đẹp. Cái đẹp ám ảnh, đôi khi nằm ở chính sự hao khuyết, vơi đầy. Và Trung Hiếu, bao giờ, sẽ dừng bước chân của kẻ phiêu lãng trong hành trình đi tìm chính mình ấy.

Nhưng, có lẽ, đừng bao giờ đem những quy chuẩn về hạnh phúc đời thường để soi chiếu cuộc đời người nghệ sĩ. Bởi với họ, hạnh phúc đôi khi nằm ngoài những lý lẽ đời thường đó. Hạnh phúc, với họ, là được dấn thân, được thăng hoa trong từng vai diễn, được chạm tay tới những khát vọng. Với họ, đôi khi, hạnh phúc đó đã là đủ đầy. Nhưng tôi, và có lẽ, những người yêu quý Trung Hiếu vẫn mong, một lúc nào đó, rất gần, anh sẽ dừng bước chân lữ khách, bên một quán trọ bình yên.

Việt Hà Nguyễn
.
.