NSƯT Lê Thiện: Mải vui trên những nhọc nhằn

Thứ Sáu, 19/06/2015, 21:26
NSƯT Lê Thiện hỏi, nhà báo ăn gì chưa, ở đây có tiệm mì rất ngon. Sợ tôi ngại bà nói thêm: “Đừng lo, bữa nay tập kịch, cô có tiền!”. Tôi tình thật thưa không đói. Lúc tôi đưa bà về, bà nhất quyết mua cho tôi một ly chè ở tiệm quen, với lý do “chè chỗ này rất ngon, ăn thử cho biết!”. Tôi nhận mà rưng rưng nước mắt. Cả cuộc đời bà gieo neo, lận đận mà tình thương của bà với mọi người xung quanh lúc nào cũng nồng ấm và hồn hậu…

Hôm ấy, nắng rực rỡ, bầu trời không gợn chút mây. Bà ngồi với tôi trong khuôn viên sân khấu kịch Idecaf, khi vừa tập xong một vai nhỏ trong vở kịch truyền hình.

1. NSƯT Lê Thiện hay cười lắm. Nụ cười nheo đuôi mắt, phúc hậu vô cùng. Mấy khi không cười thì bà cũng kiếm chuyện này chuyện kia nói rổn rảng cho đỡ buồn, đỡ căng thẳng. Trên trường quay, ở sân khấu kịch, chỗ nào có bà là tiếng cười nở hoa chỗ ấy. Làm trò cho vui vậy chớ bà tập vở, quay phim nghiêm túc lắm. Bao giờ bà cũng là người gần như có mặt trước nhất ở đoàn phim, sân khấu. Mấy lúc, diễn viên đau ốm, kẹt việc nhà, bà ngồi thơ thẩn người đợi một cảnh quay.

Ai thương bà, ngỏ ý trách người vắng mặt, bà vội đỡ lời: “Chuyện ngoài ý muốn mà…”. Rồi dường như, tính bà dễ cảm thông nên nhiều người cứ lân la bỏ mặc để bà đợi khơi khơi. Hỏi thăm, bà buồn buồn bảo: “Có lẽ tại tôi lạc hậu quá rồi nhà báo ạ!”. Là nói vì lợi ích chung, bởi chẳng phải mình bà phải đợi một người mà là cả một tập thể trễ nải vì một vài cá nhân thiếu kỷ luật. Tính của bà chẳng chấp ai chuyện gì bao giờ, nhưng làm ảnh hưởng đến tập thể thì bà ái ngại. Cái ái ngại của một người gắn bó cả đời với nghiệp diễn, trọng nghề và say mê từng thân phận bà hóa thân.

Vậy nên, dàn diễn viên từ lâu năm đến trẻ măng, từ đạo diễn cho đến các thành viên trong ekip ai cũng quý, cũng mến, cũng thương bà, gọi bà bằng hai tiếng “Bà Nội” thân thương. Từ đận bà đóng bà nội Đông Dương trong Vừa đi vừa khóc của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, mỗi lần khán giả gặp đều tay bắt mặt mừng, gọi “bà nội” kèm nickname đáng yêu “bá đạo” tỉnh queo như người thân trong nhà lâu ngày gặp lại.

Quả đúng là về nghề, NSƯT Lê Thiện cũng thuộc hàng “bá đạo” thật. Bà nguyên quán ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; 11 tuổi bà tập kết ra Bắc, được đào tạo và công tác ở nhiều đơn vị nghệ thuật. Do bản tính tò mò, thích tìm hiểu, lại ở nhiều năm trong khu văn công nên điều gì bà cũng muốn biết, muốn học. Bà đã từng đi biểu diễn ở nhiều nước và từng trải qua nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau như hát, múa, đóng kịch, xiếc (uốn dẻo, nhào lộn).

Trở lại chuyện phim, thật ra trước “bà nội Đông Dương”, bà đóng khá nhiều phim truyền hình. Cái duyên đưa bà đến với phim ảnh thật bất ngờ sau gần chục năm nghỉ hưu. Một bữa bà nhận được cú điện thoại của hãng Chánh Phương, mời vào vai bà Mỹ 80 tuổi trong phim truyền hình Dù gió có thổi. Thoạt đầu, bà từ chối, nghĩ mình già rồi, với trước giờ có biết phim ảnh là gì đâu mà đóng.

Cậu cháu biết nghe được chuyện, biết bà nhớ nghề bèn khích: “Bà nội làm biếng quá hà!”. Vậy là bà gật đầu với hãng phim, nhẹ tênh. Lần đầu xuất hiện trước ống kính máy quay với không ít bỡ ngỡ, nhưng “bà nội” với cách diễn tưng tửng cùng chất giọng Bắc nhà quê rất đặc trưng của NS Lê Thiện, cộng với sự tung hứng khá ăn ý của NS hài Anh Tuấn trong vai cậu Mẫn, đã tạo thành cặp nhân vật được khán giả chờ đợi nhất mỗi lần phim lên sóng.

Sau cú thành công bất ngờ, sự nghiệp phim ảnh của NSƯT Lê Thiện lên như diều gặp gió. Những vai già, vai khó, vai đa tính cách là đạo diễn nghĩ ngay đến bà. Hết làm bà nội của Phù Sa (Tường Vi đóng) trong Cá rô, em yêu anh (đạo diễn Phương Điền) sang mẹ nuôi của Kim Tuyến trong Mùa sen cạn (ĐD Nguyễn Dương), vợ của nghệ sĩ Hùng Minh trong Bụi đời (ĐD Đinh Đức Liêm), mẹ của Trương Minh Quốc Thái trong Trả giá (ĐD Đinh Đức Liêm), người yêu cuối mùa của NS Mạc Can trong Đánh thức trái tim (ĐD Thịnh Chuột)…

NSƯT Lê Thiện làm khách mời trong chương trình “Hoa khôi Áo dài”.

Mỗi vai diễn bà nhận lời là mỗi sự thú vị. Bà bảo, người già đôi khi có hơi trái tính trái nết thiệt nhưng cái tâm của người già luôn tốt bụng nên bà đều đóng sao cho vai nào ra vai đó, không lẫn mà vẫn giữ được cái tâm sáng của người già, không để khán giả phải ghét người già. Vì bà cũng ở độ tuổi ấy, bà hiểu và cảm thông vô cùng. Thậm chí, kịch bản nào xây dựng người già mà khó chịu, ẩm ương quá, bà bàn với đạo diễn và biên kịch điều chỉnh cho phù hợp với tâm lý và cả với phim. Rất nhiều đạo diễn trân quý sự nhiệt thành và hết mình đó của bà.

2. Nhiều người kháo nhau, NSƯT Lê Thiện có số nở hậu. Thời trẻ bà tả xung hữu đột bao nhiêu vai diễn trên sân khấu cải lương vậy mà bây giờ mới được đông đảo khán giả biết đến nhờ phim ảnh. Bà nghe vậy chỉ cười, nói, chắc ông Tổ thương sự cần mẫn của bà nên cho niềm vui tuổi già. Bởi, trước đó, bà nhường vinh quang, nhường sự tỏa sáng ấy cho đồng nghiệp, cho thế hệ đàn em, đàn cháu. Bởi, lúc ấy bà gánh vác trọng trách của cả một nhà hát với vai trò Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang kiêm trưởng đoàn Xung kích. Nhiệm vụ của bà phải bảo đảm suất diễn và giữ được chén cơm cho biết bao nhiêu con người mà phía sau họ là cả một gia đình. Có những vai diễn bà thích, bà yêu song bà đều gác lại nỗi mê đắm của cá nhân, giao cho người xứng đáng nhất. Vì bổn phận mà cũng vì “mình là người kêu gọi anh em về, mình giành vai vậy, coi sao đặng”.

Rồi những khi đứng trước ngã rẽ, bà vì phận nữ nhi bị người ta dồn ép, thậm chí khinh thường, một mình bà kiên cường đứng lên đối mặt và quyết liệt đấu tranh cho lẽ phải, cho những gì bà tin là đúng và tốt nhất cho anh em trong đoàn. Khi giông tố qua đi, một người anh trong nghề đứng lên giữa cuộc họp, bảo: “Tao không ngờ mày có thể làm được như vậy!”.

Tính kiên quyết, rắn rỏi đúng lúc và mềm mỏng đúng nơi, đúng chuyện đã giúp bà lèo lái được con thuyền ấy đến những tháng ngày vinh quang, huy hoàng nhất, cả về thành tích lẫn lòng người. Nhiều diễn viên trẻ ở nhà hát cải lương ngày ấy đều gọi bà bằng “bố”, bằng “cha” bởi chuyện lớn, chuyện nhỏ vô tay bà đều được giải quyết ổn thỏa. Anh em trong đoàn thường nói, có chuyện gì thì cứ tìm đến “bố Thiện”, từ ốm đau, bệnh tật, chuyện con cái,… Có rất nhiều câu chuyện thuộc hàng kinh điển nếu kể về bà. Xin kể lại một chuyện. Diễn viên Hữu Quốc thời điểm đó được giao vai giáo sư trong vở Bản tình ca quê mẹ nhưng một hai từ chối do không ưa đóng vai già và thích để tóc dài.

NSƯT Lê Thiện muốn tạo điều kiện cho những người trẻ và bà biết không ai có thể đóng vai đó tốt hơn Hữu Quốc, bèn nói: “Nếu đóng vai này mà con không được huy chương vàng là “bố” bỏ nghề”. Thấy “bố” quá kiên quyết, Hữu Quốc nghe theo. Anh là một trong hai diễn viên của vở đoạt huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985!

Vai đẹp, vai tốt bà đều phân công, chia hết cho anh em trong đoàn. Còn vai nào phụ, ít đất diễn, không ai nhận lời thì bà cáng đáng cho tròn một mảnh ghép. Cả cuộc đời đi diễn của bà, gần như ít khi nào được đóng vai chính, ngoại trừ thời còn trẻ, lăn lộn nơi chiến trường theo đoàn văn công đi diễn phục vụ. Không phải vì bà không đủ thanh, đủ sắc mà do cái tính thích làm chuyện khó. Vai càng khó, càng ít đất diễn, vô tay bà đều trở nên lung linh, ấn tượng khiến khán giả nhắc nhớ đến tận bây giờ. Từ Lý Thần Phi trong Rạng ngọc Côn Sơn cho đến bà Năm trong Vụ án trộm trứng gà,… Hôm báo chí đưa tin về bà trong Vừa đi vừa khóc, có một độc giả mà tôi đoán ở lứa tuổi trung niên, nhắc vô cùng chi tiết về những vai diễn của bà trong phần ý kiến độc giả.

Tôi có thuật lại cho NSƯT Lê Thiện. Ánh mắt bà hấp háy, thứ ánh sáng sung sướng, mãn nguyện mà chỉ những ai yêu nhân vật, yêu vai diễn hết mình có thể cảm nhận hết được. Như khi kết thúc vai bà lão mê tiền, chiều con khiến con đâm hư cuối cùng dẫn đến cái chết của con trong vở kịch Đêm vượn hú, NSƯT Lê Thiện gập nửa người chào khán giả, điệu bộ trịnh trọng và cao quý vô cùng. Ở đó có sự trân trọng hết mình những khán giả đã đến xem, cả niềm tự hào, sự kiêu hãnh mà khiêm nhường về nghề nghiệp của bản thân. Ở đó, có sự tận hiến cho vai diễn, cho khán giả và danh vọng tự nhiên rủ đến.

3. Tôi may mắn được hai lần hầu chuyện bà. Và mỗi lẫn bà đều giữ tôi lại, kể cho tôi nghe khá nhiều chuyện quanh cuộc đời bà. Những câu chuyện mà tôi hứa giữ trọn tâm nguyện bà sống để bụng, chết mang theo. Cuộc đời của người đàn bà đẹp, nhiều nước mắt và lắm truân chuyên. Bà như thân tùng đứng giữa mùa đông vươn mình ra chịu đựng tất cả giông gió của cuộc đời và của nghi kỵ, ganh ghét để thêm vững chãi. Như khi bà bước lên bàn mổ cuối những năm 80, lành ít dữ nhiều, bạn bè thân quý và cả ekip bác sĩ, ai cũng thương, cũng nước mắt giàn giụa.

Bà mỉm cười, lòng an nhiên động viên: “Trời cho mình sống tới đâu hay tới đó. Con cái cũng đã lớn rồi, có nơi có chỗ. Hồi xưa mình mười mấy tuổi mà tự sống được, tụi nó con mình, chắc cũng sẽ biết cách vượt qua”.

Bà nói với tôi, giọng điềm tĩnh vô cùng: “Bạn bè cô thường ngạc nhiên, không hiểu sao lúc nào cũng thấy cô lạc quan, vui tươi được. Cũng có những lúc “mình ta với ta”, cô ước gì mình được trẻ lại. Phá vỡ những quy luật, những buộc ràng đó đi, sống cho mình… Mà thèm là thèm vậy thôi! Cô nghĩ đời ai cũng vậy. Đời sống mỗi sáng mở mắt ra, chuyện của mình cũng giống như thời tiết vậy. Mưa thì cố che sao cho khỏi ướt. Nắng thì gắng sao để đừng bệnh.

Cuộc đời mình, mình biết kêu ai, than vãn với ai. Cô tự tổ chức đời sống cho mình, lấy công việc để khỏa lấp những nỗi buồn, để không gục ngã. Và chính những khỏa lấp đó tiếp để mình cống hiến được, để lo cho con cháu. Cuộc đời vẫn đẹp nếu mình coi đó là đẹp. Người ta vẫn tốt với mình nếu mình tin vào họ. Tất nhiên, có lúc vầy lúc khác nhưng đã nói hai tiếng “cuộc đời” thì bao giờ cũng “vẫn đẹp sao”.

Bây giờ, những ngày không tất bật ngoài phim trường, không ra sân khấu, bà hết chăm cho cháu lại bắt xe ôm đến thăm đồng đội. Khi thì vài chiếc bánh quy ngon bà cắt củm để dành, khi thì ly chè, quả cam; cũng có khi là nụ cười với những câu chuyện vui réo rắt. Đồng đội của bà, những người năm nay đã tuổi 80, 90, cô quạnh và muôn vàn khó khăn. Ánh mắt bà xa xăm: “Chỉ sợ không còn sức để đi…”.

Hoàng Hoài Hương
.
.