NSƯT Công Ninh: Tài hoa yêu nỗi một mình

Thứ Năm, 12/03/2015, 06:03
Công Ninh bất ngờ nhận mình đã trở thành một người… bất tử! Hẳn ai người nghe thế sẽ bảo rằng Công Ninh tưng tửng! Nhưng với ông, Oscar – đứa con gái hơn 1 tuổi chính là sự bất tử của ông. Đứa con ấy cũng được ví như giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá mà cuộc đời đã ban tặng cho ông!

1. Những ngày cuối năm, trời Sài Gòn se lạnh, nhất là lúc ban mai và đêm xuống. 18 độ C là một tiết trời tuyệt vời với những người khỏe mạnh, nhưng với Công Ninh những ngày này là một nỗi vất vả. Ông đang bị viêm khí quản, trời trở lạnh là ông ho, ông nói có những lúc ho hết cả đêm. Nhưng cũng may là ông phát hiện bệnh kịp thời để chữa trị, nếu không hậu quả rất nặng nề. Ông nói, đây cũng chính là cơ hội quyết định để ông cai thuốc. Điều mà trước đây khi ông mới có con, ông đã từng thực hiện nhưng không thành. Giờ thì bắt buộc!

Công Ninh gặp tôi khi ông vừa kết thúc chuyến đi tịnh dưỡng ở Vũng Tàu. Ông nói, xuống đấy để hít thở không khí trong lành, để đi bộ, để chiêm nghiệm lại một năm qua. Nói chung, là tịnh dưỡng cả thân tâm.

Vẫn ở góc quán quen thuộc đối diện Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, nơi tôi từng ngồi với Công Ninh và cũng là nơi quen thuộc hàng chục năm nay của ông. Quán có cô chủ nhỏ, cô ấy có nói, Công Ninh thường ngồi đây một mình, hút thuốc, mắt nhìn ra đường nhưng tâm trí thì miên man nơi khác, cô đọc được điều đó. Cô nói, cảm giác lúc nào Công Ninh cũng là người rất cô độc!

Thật ra, hình ảnh quen thuộc mà cô ấy thấy cũng là điều từng tạo ấn tượng với tôi về Công Ninh khoảng 10 năm trước. Khi đó, tôi còn là sinh viên năm nhất, tôi sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ trẻ ở Nhà văn hóa Thanh niên vào buổi tối. Tôi hay gặp Công Ninh ở đấy. Công Ninh ngồi một mình trên ghế đá và hút thuốc, đôi mắt vẫn xa xăm vô định… Nhưng lạ một điều là hình ảnh Công Ninh đối diện tôi hiện tại so với 10 trước đó trong ký ức, vẫn không khác là mấy. Vẫn là một khuôn mặt khắc khổ, dáng cao gầy, đôi mắt sâu. Sự thật thì Công Ninh không trẻ ra, mà là từ ngày đó, nhìn ông đã già như bây giờ rồi!

Công Ninh thú nhận, ông là người từng rất cô độc và lạ lùng và ông yêu sự cô độc đó. Ông thích ngồi một mình nơi vắng lặng để suy nghĩ về mọi thứ của cuộc đời. Đôi khi, ông không nghĩ gì nhưng cũng chẳng có nhu cầu nói chuyện với ai. Hàng chục năm trước, ông sống một mình trong con hẻm nhỏ, chiều chiều sau giờ làm, ông lại lang thang đâu đó để giết thời gian. Tối về, ông lại ngồi một mình trong phòng. Phòng ngập khói thuốc!

Ông cũng tâm sự với tôi rằng, mối tình sâu đậm 10 năm với Ngọc Trinh tan vỡ đã để lại trong ông biết bao nỗi buồn và niềm day dứt. Suốt thời gian dài sau cuộc chia tay đó, ông sợ cuộc đời phải gắn kết với ai, sợ không đủ sức lo cho người ông thương yêu, sợ những điều thân thuộc đột ngột biến mất khỏi tầm tay… Ông từng định sẽ cô độc suốt đời.

Nhưng may thay, khi bước qua tuổi 50, ông nói ông bắt đầu suy nghĩ lại quyết định của mình. Ông cảm giác là mình không thể sống độc thân thêm được nữa. Ông cần phải biết mình sống vì ai, vì điều gì, mục đích sống ở đâu? “Hơn nữa, sống độc thân, tôi cảm giác mình bị bào mòn kinh khủng do phải luôn chống đỡ với chiều thuận. Tức tôi đang đi ngược lại quy luật cuộc sống nên phải tạo ra cho mình ảo giác là mình đang sống bình thường, không có gì dằn vặt, đơn côi. Nhưng sự thật đâu phải như vậy! Sự huyễn hoặc bản thân ấy cứ mài mòn cơ thể, cả về trí tuệ cũng như thể lực” – ông nói.

Thế rồi, ông quyết định sẽ lấy vợ vào năm 2012. Ông gặp Tuyết Vân – vợ ông hiện tại, là một diễn viên lồng tiếng, cô ấy nhỏ hơn ông 20 tuổi. Tuy tuổi tác là một sự cách biệt của thế hệ nhưng ông nói, cả hai thấy hợp nhau nên đã kết thành vợ chồng, nên duyên giai ngẫu. Cuộc đời ông chuyển sang một trang khác kể từ đó.

2. Cuộc đời Công Ninh cũng lắm thăng trầm, vất vả. Ông kể, từ nhỏ ông đã cảm giác bị cuộc đời thử thách ghê lắm! Ngày trước, nhà ông rất nghèo nên có lúc ông phải nghỉ học giữa chừng cho dù ba mẹ ông luôn muốn ông học hành đến nơi đến chốn. Đó là vào khoảng năm 1976, ông học lớp 9.

“Khi đó nhà tôi khó khăn quá, cơm không đủ no thì lấy tiền, sức đâu học hành. Thế là tôi quyết định nghỉ học để phụ giúp gia đình. Tôi đi bán bánh, bán trà đá dạo”. Ông nghỉ đúng một năm thì xin đi học lại vì “nhớ trường lớp không chịu nổi”. Ông nói, có những lúc đứng bán ngoài cổng trường, nhìn mấy đứa trẻ cùng tuổi đi học, loáng thoáng tiếng thầy cô giảng bài, những hồi trống trường như giục giã lòng ông… Nhiều lúc, ông khóc thầm ngoài cổng!

Với diễn xuất, có lẽ đó là duyên tiền kiếp của ông. Công Ninh kể, từ nhỏ ông đã thích làm diễn viên lắm rồi. Ông hay tụ tập mấy đứa bạn trong xóm lại để diễn kịch, những vở mà ông đã từng xem trên tivi. Niềm đam mê ấy được ông nuôi dưỡng cho đến lớn. Ông lén gia đình thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (Trường Đại học Sân khấu điện ảnh bây giờ) bởi mẹ ông thì lại bắt ông thi vào Trường Đại học Bách khoa để trở thành một kỹ sư. May mắn là ông đã trúng tuyển và cũng được gia đình cho theo học.

4 năm sau, ông tốt nghiệp ra trường. Đúng năm đó trường có hai suất học bổng du học ngành đạo diễn bên Nga dành cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất. Công Ninh được một suất đó.

Sau 5 năm ở Nga, vào năm 1990, Công Ninh về nước với tấm bằng thạc sĩ ngành đạo diễn nhưng… thất nghiệp! Ông từng thành công với hai vở Êlêna thân yêu Gã giang hồ quốc tế ở sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần. Những tưởng từ đó công việc ông sẽ thuận lợi nhưng cả năm không ai nhờ ông dựng một vở kịch nào. Ông trở thành kẻ bất đắc chí. Lúc đó ông từng nghĩ là sẽ tìm cách xuất khẩu lao động sang Nga. Mọi thủ tục đã làm xong, nhưng ông đã nghĩ lại. “Tôi học xong thạc sĩ đạo diễn rồi lại sang đó làm phiên dịch thì quá phí công. Thế là tôi tiếp tục tìm cơ hội cho mình ở quê nhà”.

Rồi sau đó, Công Ninh nhận công việc phụ giảng ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh bây giờ. Cũng thời gian này, ông được đoàn Kịch trẻ thành phố mời dựng kịch. Ông gắn bó với cả hai việc kể từ đó.

Đặc biệt nhất là vào khoảng năm 1993-1994, đó là năm bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Công Ninh. Ông được đạo diễn Lê Hoàng mời đóng một vai nhỏ trong phim Ai xuôi vạn lý, vai Tấn - một anh bộ đội luôn bị ám ảnh chuyện quá khứ; đây cũng là một vai diễn rất hợp với khuôn mặt khắc khổ của ông. Và vai diễn điện ảnh đầu tay đó cũng đã mang vinh quang về cho Công Ninh.

Năm 1995, tại Liên hoan phim Toàn quốc lần thứ 12 tại Huế, ông vinh dự được nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất. Năm 1995 cũng là năm thành công rực rỡ của ông khi ông tiếp tục gây được tiếng vang lớn với vở kịch Dạ cổ hoài lang (kịch bản Thanh Hoàng) tại sân khấu kịch 5B.

Đến bây giờ, ngoài Ai xuôi vạn lý thì Công Ninh đã có nhiều vai diễn dạng “để đời” trong các phim khác như: Đời cát, Cha con đậu đũa

3. Công Ninh của hiện tại vẫn dáng dấp già nua, khắc khổ ấy nhưng đôi mắt, nụ cười đã bắt đầu ánh lên những niềm hạnh phúc; cái hạnh phúc bình dị của bao người trai trẻ, nhưng ông thì chỉ mới nếm trải khi bước qua tuổi trung niên. Đó là cuộc sống với gia đình, vợ con và đặc biệt nhất là con gái Oscar mới hơn 1 tuổi của ông.

Ông nói, bên cạnh niềm vui sống thì từ khi có vợ con, ông cũng bắt đầu lo lắng hơn, thậm chí là có lúc bị stress nặng, bạc cả mái đầu! Cũng dễ hiểu vì Công Ninh năm nay đã ngoài 50 tuổi, thời gian làm việc của ông không còn nhiều trong khi con của ông thì còn quá bé. Ông bắt đầu làm việc quần quật, ông cũng không có nhiều sự đắn đo lựa chọn như trước đây, kể cả việc “kén vai” cũng không còn. Bằng chứng là gần đây, người ta thấy ông đóng luôn cả vai hài, loại vai mà ông hiếm khi đụng đến trước kia.

Tôi hỏi ông về cái tên nghe là lạ của con gái ông - Oscar, ông cười bảo rằng đó là tên gọi ở nhà, còn tên khai sinh là Hoàng Khuyên. Công Ninh lý giải rằng, đời làm diễn viên này của ông sẽ không bao giờ đoạt được giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá, nhưng đứa con gái sẽ chính là “giải Oscar” trong cuộc đời ông! Đứa con ấy có ý nghĩa lớn lao như chính một người diễn viên đoạt giải điện ảnh lớn nhất hành tinh vậy. Tên Oscar ra đời từ chính ý đó!

Ông nói thêm, từ khi có Oscar, ông trở thành kẻ bất tử rồi! Tôi cười, và chắc hẳn, nhiều người nghe điều này cũng sẽ bảo rằng Công Ninh… tưng tửng! Nhưng ông nói thế không phải là không lý do. Theo ông, “con người không cần thiết cố tìm kiếm phương thuốc trường sinh bất tử làm gì bởi đứa con chính là sự bất tử của bản thân. Vì sao ư? Người xưa có câu “Tre già măng mọc”, đó là sự sống tiếp nối liên tục chứ không hề mất đi.

Cũng vậy, đứa con là một phần do chính người cha và mẹ tạo ra. Tức là cha mẹ chuyển hóa một phần từ thể xác mình sang thể xác con. Con sinh ra giống cha mẹ cũng là vì lẽ đó. Cho nên tôi quan niệm con người chỉ chết đi khi không có đứa con mà thôi! Mà tôi thì đã có con rồi, con gái tôi đáng yêu lắm!”…

Công Ninh nói, cuộc sống ông từ băng giá, cô độc thì giờ đây đã có mùa xuân; dẫu hạnh phúc có đến với ông hơi muộn màng nhưng ông vẫn hoàn toàn cảm thấy viên mãn với điều đó! Như bầu trời ngoài kia đã bắt đầu chiều, nhưng nắng tươi và gió vẫn xôn xao…

Hoàng Lãm
.
.