NSƯU Anh Tú: Hào hoa và khắc nghiệt

Thứ Ba, 28/10/2008, 18:00
Anh Tú đã không còn trẻ nữa. Tuổi ngoài 40, chòm râu dài dưới cằm, thân hình đã bệ vệ. Lâu nay anh cũng đã đứng vào cánh gà, lo cho những vở diễn của mình với vai trò đạo diễn. Chàng hào hoa trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ đã thực sự bước vào giai đoạn mới của cuộc sống. Vẫn là anh, vẫn là sân khấu, nhưng tâm thế đã khác nhiều, khát khao nghề nghiệp cũng khác nhiều.

Anh Tú quả là một diễn viên chuyên nghiệp. Và là một “nhà ngoại giao” không tồi. Từ cái vóc ngồi trên ghế, nhìn thẳng vào người đối diện, đối thoại áp đảo nhằm "trấn áp" ngay phóng viên nhằm dẹp bỏ những câu hỏi mang tính chất riêng tư, ngoài lề.

Rất nhiều nghệ sỹ, khi có danh rồi, đều ngại nói những chuyện bên lề sân khấu, những khó khăn trong đời sống chẳng hạn. Còn công chúng, đôi khi lại chán những chuyện nghề nghiệp vì nó đã được bàn quá kỹ. Tôi nói với anh rằng, anh hãy nói với tôi những điều anh nghĩ, còn tôi sẽ viết những điều tôi nghĩ về những điều anh nghĩ.

Khi cương, lúc nhu, như mèo vờn chuột, nhưng quả là cuộc nói chuyện thú vị. Còn anh thì yêu cầu rất nghiêm túc, đừng ghi âm, anh muốn nói chuyện thoải mái mà không mang tâm lý… ghi biên bản!

May mà kinh doanh thành… tay trắng…

Không ở đâu như Hà Nội, địa linh nhân kiệt, anh tài của giới nghệ sỹ biểu diễn không đếm hết, họ rất nổi tiếng và được báo chí tụng ca, nhưng họ vẫn là những người nghèo. Danh tiếng không mang lại cho họ một thứ vật chất đáng kể nào. Bởi họ là những công chức làm nghệ thuật. Anh Tú là một trong những người như vậy.

Vào giữa những năm 90, khi ấy, cơ chế thị trường bắt đầu… ngấm vào đời sống nghệ sỹ. Và như sau một giấc ngủ dài, họ bừng tỉnh giấc. Người đi làm tiệm chụp ảnh, người mở tiệm áo cưới, trang điểm cô dâu, người mở nhà hàng, khách sạn, người đi làm cho công ty nước ngoài. Tất cả ào ạt chạy.

Nơi nhà hát của anh, các nghệ sỹ chuyển qua kinh doanh nhiều, theo kiểu "chân trong chân ngoài" và không ít người đã thành công. Đó chính là một áp lực. "Mình cũng ngoài ba chục tuổi, lúc ấy vẫn chưa có gì, ăn cơm mẹ nấu, xe cũng mẹ mua. Mình nghĩ là mình phải làm cái gì đó. Nên quyết định hùn vốn mở nhà hàng", Anh Tú nói.

Khi ấy, sân khấu Hà Nội đang rơi vào cơn khủng hoảng. (Cơn khủng hoảng ấy kéo đến tận bây giờ. Nhưng đời nghệ sỹ thì được cải thiện rất nhiều, từ hài kịch, chạy show tỉnh cho đến phim truyền hình. Nghệ sỹ bây giờ đã sống được bằng nghề diễn hoặc những công việc liên quan đến nghệ thuật).

Các nhà hát đều cầm chừng dựng vở theo "phân phối" và số tiền dựng vở cũng khá eo hẹp. Anh Tú cảm thấy nản. Lòng yêu sân khấu là lòng yêu lâu bền. Nhưng nghề đã không nuôi được nghệ sỹ, buộc anh phải quyết tâm đổi thay. "Khi ấy, tôi quyết chí lắm, nếu kinh doanh thành công tôi sẽ rời nghiệp diễn".

Nhưng ông tổ sân khấu đã không cho anh rời thánh đường của mình. Công việc không thuận lợi như anh nghĩ. Kinh doanh là chiến trường thực sự, mà anh không phải là chiến binh giỏi trên mặt trận này. Nhà hàng do anh đầu tư ban đầu cũng đông khách, nhưng rồi cứ vắng dần, vắng dần.

Cho đến một ngày anh buộc phải dừng lại. Một món nợ không nhỏ anh đã phải gánh. Và mẹ anh, những người thân của anh đã phải giúp anh giải quyết món nợ trong vài năm trời. Và khi ấy, trong nỗi buồn và ngấm đủ nỗi đau của kẻ bại trận thì sân khấu, đồng nghiệp lại là nơi chốn để anh nương tựa. Anh bắt đầu quay lại, lần tìm những ước mơ của mình.

… nên còn một đạo diễn không tồi   

Anh Tú là một nghệ sỹ đa năng, dường như khi anh bước lên sân khấu, thì đó chính là ngôi nhà của mình. Hành trang hơn ba chục năm theo nghề diễn, số vai không thể kể hết, nhưng nhắc tới anh là nhắc tới Vũ Như Tô, Macbeth, Rừng trúc, Một chuyện tình… Lứa chúng tôi nhớ tới anh, nhớ tới Lan Hương, Minh Hằng, Chí Trung… bắt đầu từ những vở kịch truyền hình trên cái tivi đen trắng.

Khi ấy, Anh Tú là một chàng trai trẻ, những vai diễn của anh cũng vậy, thoải mái và yêu đời. Những vở diễn khi ấy được đầu tư khá đơn giản, nhưng nó lưu lại trong lòng người bởi hình ảnh của các nghệ sỹ. Chỉ cần được thấy các nghệ sỹ nổi tiếng trên tivi, chưa cần diễn, khán giả đã cảm thấy vui sướng.

Cái thời khó khăn ấy, niềm vui cũng giản đơn, nhu cầu giải trí cũng giản dị và tình yêu nghề của người nghệ sỹ cũng vô cùng trong sáng. Hình ảnh của Anh Tú không mang bóng dáng của sự phiền muộn, nó gợi lên một chàng trai thú vị và hóm hỉnh. Rồi những năm sau này, khi anh bước vào những ngày sung sức nhất của nghề diễn, vai Vũ Như Tô đã là một dấu ấn thực sự không dễ có ai vượt qua.

Bản dựng "Vũ Như Tô" của đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành được coi là một trong những bản dựng chuẩn mực của sân khấu phía Bắc. Và cũng rất khó để tìm một diễn viên thứ hai thích hợp hơn Anh Tú trong nhân vật Vũ Như Tô.

Có lẽ đây là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có một kịch bản hay, một đạo diễn giỏi và một diễn viên đủ tầm vóc để hóa thân thành một nhân vật lịch sử có tâm lý dữ dội và phức tạp.

Đến bây giờ, khi làm công việc của một đạo diễn, anh vẫn muốn dựng lại "Vũ Như Tô", không phải vì không hài lòng với bản dựng của thầy mình, mà chỉ muốn sáng tạo thêm, bổ sung thêm nhiều tầng cảm xúc mới. Ở vào mỗi thời đoạn của cuộc sống, con người ta sẽ nhìn vấn đề khác đi. Và cái tâm thế của người dựng vở cũng là điều làm cho vở diễn khác đi rất nhiều...--PageBreak--

Khi Anh Tú đi thi vào lớp đạo diễn, cũng là lúc phong trào diễn viên học cái bằng đạo diễn "phòng thân" khi tuổi không còn trẻ như một thứ... mốt, đã có người hồ nghi khả năng của anh. Nhưng Anh Tú đã làm được nhiều điều để sự hồ nghi đó chỉ giống như một cơn gió thoảng.

Sau "Vũ nữ đêm giao thừa", sau "Kiều Loan", "Chuyện cổ Loa Thành" thì anh xứng đáng để đặt một niềm hy vọng lớn. Và bây giờ thì anh là đạo diễn đắt show, nhiều đoàn mời anh về dựng, nếu trùng lịch dựng thì sẽ được đợi chờ.

Anh Tú nói, anh đã từ bỏ nghề một lần, nhưng nghề đã không bỏ anh. Anh có danh, có tiền và có được mọi thứ từ sân khấu. Anh đang dựng một vở mới cho Nhà hát kịch Việt Nam, kịch bản của Lê Hoàng.

Và sẽ cùng đạo diễn Doãn Hoàng Giang dựng vở "Sang sông" của Nguyễn Huy Thiệp, để dự thi Liên hoan sân khấu thể nghiệm vào cuối năm 2008. Anh Tú nói, anh là một thế hệ may mắn, được làm việc với các đạo diễn nhiều tinh tuý nhất. Và cũng từ môi trường đó, anh đã học được rất nhiều về nghề từ những thầy dạy của mình.

Hào hoa và nghiệt ngã

Trong những vai diễn của mình, Anh Tú thường vào những trang hào kiệt, không ít nhân vật hào hoa phong nhã. Nhưng trong vai trò của một đạo diễn, Anh Tú là một người quyết liệt. Khi anh dựng vở, diễn viên phải là những người biết lắng nghe. Khi ấy, dù không bằng lòng cũng không được cãi lời. Chỉ khi xong buổi tập, anh sẽ lắng nghe những lời góp ý. Đó là một nguyên tắc, như thể trò thì không được cãi thầy trong lớp vậy.

Anh đang làm công việc của một đạo diễn, nhưng đồng thời cũng là người quản lý Đoàn kịch I của Nhà hát Tuổi trẻ, dưới quyền anh là vài chục con người. Diễn viên sân khấu, đến giờ này, vẫn rất nghèo. Và họ yêu nghề bằng một niềm tin thần thánh, rằng cứ yêu nghề có một ngày nào đó nghề sẽ không phụ.

Còn họ phải sống trong một đời sống eo hẹp và phải làm thêm những công việc tay trái nuôi mình, nuôi gia đình. Các diễn viên trẻ là thế hệ hứng đủ những nỗi cay đắng của sân khấu, còn thế hệ của Anh Tú vẫn còn là thế hệ có được những ngày tháng hoàng kim. Rất may là đơn vị anh là một đơn vị năng động.

Chính vì sự năng động ấy, mà diễn viên của anh đã sống đàng hoàng hơn, đỡ chật vật hơn. Nhưng để có được điều đó, anh và các đồng nghiệp đã phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng biết làm sao được, nếu muốn sống bằng nghề, tài năng thôi chưa đủ, nó buộc người nghệ sỹ phải biết cách làm nghề cho hợp thời.

Sân khấu Hà Nội đang rơi vào trạng thái "ngủ gật", lâu lâu sẽ có người giật tóc cho tỉnh ngủ, rồi sẽ lại rơi vào cuộc mệt mỏi mưu sinh. Thế nên những người buồn với sân khấu nhiều nhất chính là những người tâm huyết nhất.

Đổi thay, ai cũng mong muốn. Nhưng đổi thay như thế nào, thì lại là điều không đơn giản. Anh Tú cũng mơ một không gian lý tưởng cho sân khấu của mình. Một không gian mà ở đó Nhà hát phải là nhà hát được thiết kế riêng cho sân khấu kịch nói, điều mà ở Việt Nam chưa từng có.

Và ở đó, mỗi Nhà hát phải có một phong cách nghệ thuật riêng, làm nghề theo tiêu chí riêng, chứ không có chuyện giống nhau như các nhà hát kịch của Việt Nam. Và khán giả phải là những người yêu sân khấu, mong muốn được đến Nhà hát thưởng thức nghệ thuật...

Tất cả những điều đó, có thể chỉ là một giấc mơ ở thời điểm hiện tại. Nhưng nó không phải là điều không tưởng của ngày mai. Ngày mai vẫn là ngày mà Anh Tú còn làm được rất nhiều việc cho sân khấu...

Hoài Phố
.
.