NSƯT Trần Bình: “Nhìn nhau chỉ thấy thương thương”

Thứ Hai, 08/05/2006, 15:00

“Không chỉ riêng với Ái Vân mà với cả những đồng nghiệp cũ từ xa về, như Lệ Quyên chẳng hạn, bây giờ gặp lại, nhìn thấy nhau chỉ thấy thương thương. Ngày xưa họ thiếu đủ thứ điều kiện vật chất nhưng họ có cái căn bản nhất của nghề. Giờ thì họ có quá nhiều thứ trong tay, nhưng lại bị thiếu chính bản thân mình” NSƯT Trần Bình tâm sự.

Thực sự là với những gì tôi biết, tôi thường có ấn tượng không mấy mặn mà với các ông bầu nghệ thuật trong cơ chế thị trường ở ta. NSƯT Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương là một trong những ông bầu có tiếng nhất. Tôi quen biết anh đã gần hai mươi năm nay và được nhìn thấy anh trong nhiều tình huống khác nhau của cuộc sống, được nghe khá nhiều chuyện, cả sự thật lẫn giai thoại, về cảnh đời nghệ sĩ lúc ấm lúc lạnh nhưng bao giờ cũng rất giàu có sự kiện. Và có lẽ vì thế nên riêng với anh, tôi luôn cố gắng nhìn thấy anh ở những góc độ con người nằm ngoài lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật. Và ở trong tôi, cảm tình đối với anh thường chiếm phần nhiều. Bên lề đợt kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương mà anh là Giám đốc, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện cuối tháng chứa đựng nhiều hồi ức với NSƯT Trần Bình.

Nỗi cô đơn đáng... tị

Phóng viên (PV): Ngày 14/4/2006, Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương kỷ niệm 20 năm thành lập. Thế ông Giám đốc của nó đã bao nhiêu năm trong nghề rồi?

NSƯT Trần Bình (TB): Nếu tính một cách chính xác thì tới tháng 9 này tôi đã bước chân vào làng nghệ thuật đúng 40 năm.

PV: Tôi nhớ, có một ông diễn viên người Nga tên là Innoketi Smoktunovsky, rất lừng danh với nhiều vai diễn trong điện ảnh, đặc biệt là vai Hamlet... Smoktunovsky lúc về già có kể lại rằng, sở dĩ ông trở thành diễn viên vì hồi trẻ, có anh bạn rủ, nào tớ với cậu cùng đi làm nghệ thuật đi, để sống đời nghệ sĩ vô tư lự, nhảy múa suốt ngày. Vốn tính ham vui, Smoktunovsky đã trở thành nghệ sĩ. Nhưng những gì đã trải qua lại cho ông thấy rằng, đời một nghệ sĩ chân chính và thành đạt đâu chỉ là nhảy múa vô tư lự, trái lại, đó là thân phận giời đày, mình tự làm khổ mình, khổ cực hơn là làm bất cứ một nghề phu phe tạp dịch nào! Với NSƯT Trần Bình, có thể nói gì về đoạn đời nghệ sỹ đã qua? Tại sao anh lại quyết định học múa? Và những gì anh đã chiêm nghiệm được có khác với suy nghĩ của anh khi mới vào nghề không?

NSƯT TB: Không biết những người khác thế nào, chứ cá nhân tôi đã quyết định đi học múa chỉ vì lúc ấy ở nhà khổ quá...

PV: Khổ quá?

NSƯT TB: Lúc đó là giữa những năm 60, gia đình tôi sơ tán ở Ứng Hòa (Hà Tây). Khi ấy, mẹ tôi đã mất được mấy năm, một mình ông bố tôi phải làm lụng nuôi tới 6 người con. Tôi thấy đời sống cực quá, với lại, bản thân từ bé đã thích được tự do phóng túng. Thế là tôi đã quyết định mượn xe đạp đạp từ trong Ứng Hòa ra trường múa để thi tuyển... Thế mà đã gần 40 năm trôi qua. Giờ ngồi nghĩ, thấy mình vẫn chưa hết khổ.

PV: Trông bên ngoài thì không ai nói rằng ông Giám đốc Trần Bình khổ!

NSƯT TB: Đấy là nhìn bề ngoài thôi. Thực ra, Trần Bình không chỉ khổ mà còn cô đơn. Mới hôm qua ngồi lại với các anh chị nghệ sĩ những lứa đầu của Nhà hát, như anh Mạnh Hà, chị Vũ Dậu, anh Hoàng Thịnh.. hay Ái Vân, Lệ Quyên... tôi đã nói rằng, bây giờ cái khổ nhất của tôi là mỗi lần công tác, dẫn đoàn đi diễn, nhìn xung quanh thì toàn thế hệ con cháu rồi, có thể là gần đấy, nhưng cũng có thể là xa đấy.... Xa là mình không thể đối thoại gần gụi được chuyện gì nữa. May mà giờ vẫn còn một ông phó giám đốc Nhà hát ở thế hệ mình, nhưng anh ấy sang năm cũng đến tuổi về hưu... Làm sao mà mình không cảm thấy cô đơn!

 PV: Một mình giữa bao nhiêu ngôi sao trẻ! Cô đơn như thế thì tôi lúc nào cũng muốn... Anh có biết rằng nhiều người ghen tị với sự cô đơn của anh không?

NSƯT TB (cười thích thú)...

Những bài học tổng hợp

PV: Thường thì cái gì bay bổng thì cái ấy ít khi là chắc chắn. Đa phần xã hội thường có cái nhìn định kiến về các nghệ sĩ, rằng, một khi đã hát hay múa giỏi thì không thể nào làm tốt một việc nghiêm túc như công tác quản lý. Thế nhưng, chứng kiến quá trình làm Giám đốc Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương của "múa công" Trần Bình thì không thể không công nhận rằng, đây là một "cao thủ" trong nghề quản lý nghệ thuật. Tôi có nghe nói, ngay chính ca sĩ kỳ cựu Mạnh Hà, một người có thể được coi là "đàn anh" của anh cả trong nghệ thuật lẫn trong công tác quản lý, mới đây khi ngồi cùng bầu bạn cũ của Nhà hát cũng phải công nhận rằng, nếu biết Trần Bình làm tốt công tác quản lý như thế thì ngay từ năm 1986, khi thành lập Đoàn Ca múa nhạc nhẹ Trung ương, đã đề nghị Trần Bình làm giám đốc luôn cho tiện việc. Theo anh, nhờ đâu mà anh thu được "danh thơm" này? Nhờ những khôn ngoan thiên bẩm?

NSƯT TB: Cảm ơn anh đã quá khen. Tôi cũng biết rằng không chỉ các nghệ sĩ múa đâu, mà lắm khi cả các vận động viên, các cầu thủ, các diễn viên xiếc, các ca sĩ... cũng đều bị xã hội định kiến về trí lự trong khoa học quản lý. Tôi không phải là người nghệ sĩ đầu tiên hay người cuối cùng bị hiểu sai như thế. Nhưng tôi cũng không bảo rằng định kiến ấy là hoàn toàn sai. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng, sở dĩ tôi đã làm được một số việc có ý nghĩa ở ngoài cái nghề múa của mình là vì tôi đã sớm hiểu ra, học thầy không tầy học bạn! Tôi có cái may là ngay từ khi mới thoát ly gia đình đi làm nghệ thuật, đã được ở giữa rất nhiều người anh lớn. Thí dụ như anh Trọng Khôi, anh Hà Văn Trọng, anh Thế Anh... Rồi anh Lê Phương, nhà văn; anh Lưu Công Nhân, anh Bùi Huy Hiếu, cả hai đều là bậc thầy về hội họa... Rồi anh Phan Vũ, Hồng Đăng... Giờ tôi đã hơn 50 tuổi rồi nhưng khi gặp lại, các anh ấy vẫn gọi là "thằng Bình con"! Tôi đã học được ở các anh ấy rất nhiều...--PageBreak--

PV: Tôi thì tôi vẫn nghĩ rằng, ở gần các văn nghệ sĩ lớn đôi khi lại lợi bất cập hại. Tại sao lại như thế? Vì rằng nếu ta non nớt, ta dễ nhiễm những điểm yếu của họ, trong khi ta lại không có được những cái mạnh như họ... Học các đàn anh theo cách đó thì nguy!

NSƯT TB: Anh nói rất đúng. Tôi ở gần các ông anh lớn và tôi đã thấy được rằng, có những "vết xe đổ" nào của các ông anh mà mình dứt khoát không nên theo... Nhưng đồng thời, tôi cũng thấm thía được nhiều lời hay ý đẹp của các anh ấy.

PV: Anh có thể nói cụ thể là những lời hay ý đẹp gì không?

NSƯT TB (ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu): Cụ thể thì tôi không nói ra ngay được đâu. Ta cứ thử hình dung như thế này, một người bệnh mà thuốc gì cũng uống và khỏi bệnh, sẽ không biết mình khỏi bệnh cụ thể vì thứ thuốc gì. Tôi hấp thụ các bài học cuộc sống từ những người anh lớn cũng tương tự như thế. Những bài học ấy hòa trộn vào nhau cuối cùng trở thành kinh nghiệm của chính tôi. Và tôi xử lý mọi việc trên cơ sở những kinh nghiệm ấy, cũng không rõ cụ thể là nhờ bài học của người anh nào đã dạy...

Nghệ thuật cần tình yêu thực lòng

PV: Bây giờ có một số người hay phê phán nếp sống nghệ sỹ của thời hiện đại, thời kinh tế thị trường. Và đã xuất hiện không ít những hồi ức này nọ, ngỡ như trong quá khứ nghệ sĩ ai cũng như "gương", mười phân vẹn mười. Tôi thì tôi thấy khác và nghĩ khác. Ở bất cứ thời nào thì người nghệ sĩ đích thực cũng phải sống thực ghềnh thác, thực long đong với đời, với nghề mới may ra đạt được đỉnh cao thiên phú. Và ở thời nào, người nghệ sĩ đích thực cũng hồn nhiên, thoắt vui, thoắt buồn, dễ vấp váp, dễ thay đổi tâm trạng, nhưng lại "mỗi người mỗi kiểu". Cái chung nhất giữa họ chỉ là một tinh thần hết lòng vì nghề không kể lợi hại, và hướng thiện, đôi khi ngây thơ tới phát khóc lên được. Anh là người đã sống với nhiều thế hệ nghệ sĩ ở ta, nhìn gần gụi nhiều gương mặt ưu tú của nền nghệ thuật nước nhà, ít nhất là trong ba bốn chục năm gần đây, anh nghĩ thế nào về cảm nhận của tôi? Và theo anh, liệu sự khác nhau giữa các giai đoạn thời gian đã tạo nên những sự khác nhau điển hình gì giữa các thế hệ nghệ sĩ của chúng ta?

NSƯT TB: Ngày trước, cám dỗ vật chất không nhiều nên người nghệ sĩ không bị lôi cuốn quá đà theo các lợi ích cá nhân. Cơ chế hồi đó là tất cả cùng làm, cùng hưởng, độ chênh lệch hơn thiệt chẳng đáng bao nhiêu. Tất nhiên, khi đến đâu đó biểu diễn, bọn mình cũng biết là đôi khi cả đoàn được địa phương chiêu đãi, chiều chuộng đặc biệt là vì một hai ba nghệ sĩ cụ thể nào đó nhưng những nghệ sĩ đó cũng không nệ vào cái ấy mà lên mặt hay đòi hỏi này nọ. Thêm vào đó, thời chúng tôi còn trẻ, làm nghệ thuật là phải yêu ghê gớm lắm mới đủ sức mà theo.

PV: Tôi nghĩ, bây giờ những nghệ sĩ đích thực cũng chỉ vì yêu mà dấn thân theo nghệ thuật. Các nghệ sĩ đỉnh cao của thời nay cũng phải khổ sở, đắm đuối lắm mới đạt được cái mà họ đã đạt được. Thời nào cũng thế, nghệ thuật chưa chắc đã phải là lĩnh vực có thể mang lại cho người ta những lợi ích vật chất lớn nhất. Theo anh, có phải là ngày xưa nếu các nghệ sĩ sống giản dị, vô tư hơn bây giờ thì chỉ đơn giản vì lý do khi đó ít cám dỗ vật chất, chứ không phải vì người ngày xưa có nhiều phẩm chất tốt hơn người bây giờ?

NSƯT TB (cười, gật đầu): Nhà hát chúng tôi hiện cũng có không ít những nghệ sĩ như thế. Tôi chỉ lấy thí dụ về nữ diễn viên múa Nguyệt Thu chẳng hạn. Cô ấy năm nay mới khoảng 23 tuổi thôi, gia cảnh tùng tiệm lắm. Ấy vậy mà Thu sẵn sàng từ chối nhiều show diễn ở vũ trường hay nhà hàng, sẵn sàng "hy sinh" cả chuyện tình yêu hay việc đi dạy thêm chỗ này chỗ khác nếu những hoạt động như thế làm ảnh hưởng tới thời gian và chất lượng luyện tập chuyên môn. Và giời cũng có mắt. Trong hội diễn toàn quốc vừa rồi, có tới năm, bảy trăm nghệ sĩ múa tham dự,  Nguyệt Thu là một trong hai người đạt được danh hiệu Nghệ sĩ múa xuất sắc. Mà theo tôi, Thu có sức thuyết phục về nghệ thuật lớn hơn cả. Anh hãy thử tưởng tượng mà xem, Thu về với Nhà hát từ năm 1999 mà đến bây giờ cũng vẫn chưa đủ tiền để mua nổi một chiếc xe máy, kể cả loại rẻ tiền... Những nghệ sĩ như Nguyệt Thu không ít đâu. Tôi rất khâm phục những nghệ sĩ như thế. Nói như anh vừa rồi là hết sức chính xác, thời này cám dỗ nhiều gấp bội phần so với thời bọn tôi còn trẻ, nhưng vẫn có những nghệ sĩ đích thực đam mê nghề hơn mọi sự trên đời. Và họ không sớm thì muộn cũng sẽ đạt được đỉnh cao trong nghề.

PV: Giá với tư cách Giám đốc Nhà hát, anh không chỉ khâm phục mà tạo được thêm điều kiện cho những nghệ sĩ như chị Nguyệt Thu có đủ thu nhập để mua xe máy thì tốt hơn (cười). Ấy là tôi tiện thì nói vậy thôi, anh đừng giận! Tôi cứ nghĩ thế này, ở xã hội nào cũng thế, có được tài năng nghệ thuật là hết sức hiếm hoi, đấy là vận may cho từng thời đại. Và khi chúng ta chứng kiến 1, 2, 3, 4... ngôi sao nghệ thuật nào đó bị cám dỗ, bị sa ngã bởi những chuyện không hay ho thì có lẽ thay vì chỉ lên tiếng ta thán, trách cứ, mỗi người có tình yêu đối với nghệ thuật cũng cần phải cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm, một phần lỗi. Hạt giống đỏ nào muốn nảy mầm tốt cũng cần tới những điều kiện thích ứng. Để hạt giống tốt thui chột thì không thể bảo là môi trường xung quanh vô can hoàn toàn được. Tất nhiên, nói thế không có nghĩa là loại bỏ trách nhiệm cá nhân của từng nghệ sĩ, những người được "giời" giao cho giữ tài năng hiếm có đó. Anh có nghĩ như thế không?

NSƯT TB: Đúng như thế thật...--PageBreak--

Một thuở Gala

PV: Bây giờ cái từ Gala xem ra đã trở nên bình thường rồi. Nhưng tôi còn nhớ, cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi các chương trình Gala mới xuất hiện, thì đó quả thực đã là những lễ hội âm nhạc giải trí cực kỳ hấp dẫn và xúc động nữa. Quá nhiều tiết mục đỉnh cao đã đến với khán giả trong các Gala hồi ấy. Nói thực, đến bây giờ nhắm mắt lại thì tôi vẫn có thể nhớ lại hình ảnh của một Lê Dung đã làm khán giả rưng rưng lệ như thế nào với "Đêm đông" của Nguyễn Văn Thương. Hay hình ảnh cặp song ca trữ tình và lãng mạn bậc nhất hồi ấy là Quang Vinh và Hồng Nhung trong "Lời của gió" của Duy Thái hay "Tiếng sóng biển" của Dương Thụ... Tôi biết, anh là ông bầu của các Gala hồi ấy. Tôi rất muốn hỏi, vì sao bỗng nhiên anh lại nghĩ ra loạt chương trình này?

NSƯT TB: Nói thật, hồi đấy tôi đang gặp nhiều chuyện buồn lắm. Việc gia đình liêu xiêu bát xát. Mọi sự đều như không ổn định. Và cũng khi ấy, tôi được anh em bầu làm Phó Giám đốc của Đoàn Ca múa nhạc nhẹ Trung ương, tiền thân của Nhà hát bây giờ...

PV: Thế trước đó, anh giữ vị trí gì ở đoàn?

NSƯT TB: Trước đó tôi cũng đã là một nghệ sĩ trong đoàn, nhưng hay đứng ra "đánh pắc" cho chính đơn vị nghệ thuật của mình, tức là tổ chức các show diễn với danh nghĩa của đoàn, tự thu tự chi và "nộp thuế thân" cho đoàn, lời ăn lỗ chịu... Lên làm Phó Giám đốc rồi, phải có hoạt động gì đổi mới chứ. Nghiền ngẫm mấy tuần mới có được ý tưởng. Tuy nhiên, lúc đó mình đang nợ nần như chúa Chổm, có khoản nợ phải trả lãi tới 12 phân. Thế là còn mỗi "con" xe máy cũng phải mang đi đặt để lấy tiền chi phí chuẩn bị cho chương trình. Nhờ giời, mọi sự cuối cùng đều ổn (cười).

PV: Thường thì cùng tắc biến, khi ta khó khăn nhất thì ý tưởng hay mới dễ xuất hiện...

NSƯT TB (cười mãn nguyện)...

Mạnh Hà "chín bỏ làm mười"

PV: Trong chương trình biểu diễn kỷ niệm 20 năm Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương đã xuất hiện không chỉ một giọng ca "vang bóng một thời" như Mạnh Hà, Vũ Dậu... Nghe họ, những khán giả như tôi thấy sống lại rất nhiều kỷ niệm, khi chúng ta đều trẻ hơn và cả tin hơn bây giờ rất nhiều. Hôm nay, anh có thể nói gì về ca sĩ Mạnh Hà?

NSƯT TB: Anh Mạnh Hà từng là Phó Giám đốc Đoàn Ca múa nhạc nhẹ Trung ương ngay từ ngày đầu. Tôi và anh gắn bó với nhau còn từ trước đó, từ năm 1979 cơ, khi nhóm hát nhạc nhẹ mới manh nha hình thành. Có thể nói, anh Mạnh Hà đã là linh hồn của nhóm anh em chơi thể nghiệm nhạc nhẹ ở Hà Nội từ khi ý tưởng thành lập một đơn vị nghệ thuật như thế mới phôi thai. Nói như anh em chúng tôi vẫn bảo thì "bác" ấy "tội không ít nhưng công cũng rất nhiều" (cười). Dù qua rất nhiều gian khó, thử thách, đến mức có lúc phải nổi xung với nhau nhưng cuối cùng thì anh Mạnh Hà vẫn chứng minh được chất nghệ sĩ của mình. Anh biết "chín bỏ làm mười" mọi chuyện vặt, không để bụng ngay cả với những ai từng lỡ lời xúc phạm đến anh. Câu nói quen thuộc của anh: Thôi, mình là người lớn, là thằng nghệ sĩ, chấp nhặt nhau làm gì, tha bổng nhau đi! Cách nói có phần tếu táo nhưng luôn lạc quan ấy của anh đã là sức hút mạnh mẽ, quy tụ mọi người lại với nhau cùng làm việc.

Tảo tần Vũ Dậu

PV: Anh nhớ gì về chị Vũ Dậu ngày xưa?

NSƯT TB: Chị Vũ Dậu là người đã rất cố gắng để tự khẳng định mình trên sân khấu nhạc nhẹ hồi đó. Khi thành lập đoàn, chị Vũ Dậu chuyển sang đây từ ca nhạc dân tộc, ở đó chị thường chỉ hay hát tốp ca thôi. Thế nhưng, chuyển sang hát nhạc nhẹ, chị đã cố gắng rất nhiều để thích ứng với vai trò mới. Trong đoàn, chị Vũ Dậu lúc nào cũng như người chị cả. Ngày xưa đi công tác, làm gì có nhà nghỉ hay khách sạn để ở. Tới nơi biểu diễn, thường là chị Vũ Dậu phải đi chợ với số kinh phí ít ỏi của đoàn, rồi về nấu nướng, lo bữa ăn cho anh chị em. Một người phụ nữ thật tảo tần, dù là ca sĩ nổi tiếng thời đó!

PV: Ngày ấy, Ngọc Châu và Khánh Linh (hai người con của chị Vũ Dậu-PV) còn bé tí. Gặp các cháu khi đó, anh có nghĩ rằng rồi tới một ngày đó lại là một nhạc sĩ và một nữ ca sĩ nổi tiếng, thậm chí còn hơn cả mẹ mình ngày trước không?

NSƯT TB: Thực sự là trước đây tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày tôi lại được làm việc với các cháu với tư cách đồng nghiệp như bây giờ. Ngọc Châu cũng từng đầu quân cho Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương... Thời trẻ của chúng tôi, đời nghệ sĩ quá ư là vất vả. Nhiều người trong chúng tôi đã nghĩ rằng, thôi, mình theo nghề vì "đã mang lấy nghiệp vào thân", chứ con cái mình thì phải để chúng làm cái nghề gì khác cho đỡ khổ. Ai dè, nhiều cháu rốt cuộc lại đi theo cái nghề của cha mẹ. Mà xem ra, chúng đâu có khổ, nếu không muốn nói là sung sướng hơn các thế hệ đi trước nhiều, nếu có tài năng.

Để tốt về sau

PV: Thực sự tôi không muốn "khuấy lại những tro tàn quá khứ" của bất kỳ ai nhưng dẫu sao tôi vẫn muốn hỏi anh về ca sĩ Ái Vân. Tôi vẫn nhớ rằng, hai ba thập niên trước, với nhiều người trong chúng ta, Ái Vân đã là một ngôi sao mát lành không chỉ của điện ảnh, mà còn của cả ca nhạc... Xinh đẹp, hiền dịu, đúng là "Chị Nhung"! Mê một người như thế chẳng có gì là sai quấy cả, nếu không muốn nói là chuyện tất nhiên. Nhưng mê như anh trong các lời đồn đại thì cũng ít người làm được...

NSƯT TB (cười ngượng ngập)...

PV: Tôi biết, đó là chuyện cũ rồi và không thể nào ảnh hưởng tới cuộc sống của anh hiện nay. Nhưng tôi vẫn muốn biết, anh nhớ gì về hình ảnh chị Ái Vân thuở đó?

NSƯT TB: Anh nói đúng, Vân đẹp. Một vẻ đẹp thánh thiện, kiêu sa. Chúng tôi quen nhau từ thuở phim "Chị Nhung". Rồi sau này ở cùng một đoàn. Tôi có ấn tượng về Vân như một người trong quan hệ với đồng nghiệp rất bình dị, chu đáo, bao giờ cũng đối xử tốt với anh chị em ở bộ phận phục vụ... Tôi nhớ, dạo ấy, mỗi lần đoàn đi biểu diễn xa là Vân lại mang theo một phích đá để ướp khăn mặt cho anh chị em...--PageBreak--

PV: Trước tôi vẫn nghĩ sáng kiến ướp lạnh khăn mặt trên xe là của Hoàng Long với loạt xe khách chất lượng cao xuất hiện gần đây trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Hóa ra, Ái Vân đã làm việc này từ hơn hai mươi năm trước...

NSƯT TB (cười): Dạo ấy, có nhiều người mê Vân lắm...

PV: Và có một giai thoại người ta kể như thế này: Thấy anh mê chị Vân, gia đình nghệ sĩ Ái Liên lo lắm, chỉ sợ con gái mình lấy một nghệ sĩ múa như Trần Bình thì rồi sẽ khổ. Thế là để chứng minh tấm chân thành, Trần Bình đã mang chiếu đến trải trước cửa nhà Ái Vân ngủ cả đêm. Sáng dậy, ông thân sinh của Ái Vân mở cửa thấy anh vẫn nằm nguyên ở đó, sốt ruột quá, bèn bảo con gái: "Thôi con ạ, nó mê con thế này thì trời cũng phải thua. Lấy nó đi chứ không thì nó còn ngủ ở cửa nhà mình nhiều đêm nữa đấy!". Hư thực thế nào, thưa anh?

NSƯT TB: Chuyện bịa cả thôi. Bọn mình lấy nhau là do cả hai đều quyết tâm. Nếu Vân không quyết tâm thì làm sao có được cuốn sổ hộ khẩu của gia đình Vân để hai đứa mang đi đăng ký kết hôn?! Mà phải nói rằng, Trần Bình hồi đó nghèo lắm, không có của nả gì hấp dẫn đâu... May mà lúc ấy Vân mới đi biểu diễn bên Liên Xô trong chương trình “Giai điệu bạn bè”, khi về mang được 4 chỉ vàng. Thế nên mới có tiền làm đám cưới...

PV: Anh chị tổ chức đám cưới ở đâu?

NSƯT TB: Trên tầng hai cửa hàng Bodega Tràng Tiền. Khách 60 người. Đám cưới diễn ra đúng vào ngày 30/6/1982.

PV: Đúng vào mùa hè. Hồi đấy thì chưa có máy lạnh...

NSƯT TB: Chỉ có quạt thôi...

PV: Anh chị sống với nhau như thế cũng khoảng 8-9 năm?

NSƯT TB: 8 năm... Sau khi bọn mình chia tay là bắt đầu giai đoạn khốn khó nhất của đời mình, kéo dài tới 7-8 năm sau, mãi cho tới khi mình quyết định lập gia đình thêm lần nữa. Dư luận, rồi nhiều nhiều thứ khác nữa... Tôi đã im lặng trước mọi đồn thổi vì nghĩ rằng, với người thân thì mình đòi phần hơn làm gì, kể cả trong dư luận... Rồi mọi sự cũng lắng đi, còn lại bây giờ là mối quan hệ bạn bè tốt. Mình rất mừng là Vân và bà vợ mình hiện nay đối xử rất tốt với nhau.

PV: Giờ gặp lại chị Vân, anh có cảm giác gì?

NSƯT TB: Không chỉ riêng với Vân mà với cả những đồng nghiệp cũ từ xa về, như Lệ Quyên chẳng hạn, bây giờ gặp lại, nhìn thấy nhau chỉ thấy thương thương. Bao nhiêu năm trôi qua rồi, họ vẫn là những nghệ sĩ biểu diễn, nhưng cái tuổi nó đã xồng xộc đến. Ngày xưa họ thiếu đủ thứ điều kiện vật chất nhưng họ có cái căn bản nhất của nghề. Giờ thì họ có quá nhiều thứ trong tay, nhưng lại bị thiếu chính bản thân mình. Xót xa lắm chứ!

Thua thiệt đủ điều

PV: Ai đó đã nói rằng, lúc có thì ta không giữ, mất rồi ta mới biết tiếc. Có những nghệ sĩ khi họ còn hiện hữu bên ta, có khi ta không những không ý thức được hết giá trị nghệ thuật của họ có ý nghĩa nhường nào mà ta lại khó chịu về họ vì một vài ba tiểu tiết trong tính cách (Có tài năng lớn nào lại hoàn toàn "trơn tru" trong cá tính?!). Thế nhưng, khi họ vĩnh viễn rời bỏ ta rồi thì ta mới hiểu ra là mình đã phải chấp nhận một mất mát lớn nhường bao. Tôi muốn nói tới ca sĩ Lê Dung. Là người từng làm việc khá lâu với Lê Dung, có cả những kỷ niệm vui lẫn những ký ức gay cấn trong công việc, anh nghĩ gì về người nữ NSND này?

NSƯT TB: Nói hoàn toàn không phải sáo rỗng, nhưng mình vẫn cho rằng, sự ra đi của Lê Dung đã để lại một lỗ hổng không gì bù đắp được cho nền thanh nhạc của chúng ta và trong lòng bè bạn. Làm việc với Dung quả thực không dễ, có vui, có buồn, có bực tức, nhưng giờ mỗi khi nhớ lại, thì chỉ thấy thương Dung thôi. Một tài hoa không mấy may mắn, rất ít gặp chuyện may mắn... Mình nhớ, có chuyến lưu diễn, chính mình lái xe chở Lê Dung và Thanh Hoa đi...

PV: Tôi biết, đó là lần trở về từ Đà Lạt...

NSƯT TB: Hôm đó, vượt đoạn dốc gần xuống Khánh Hòa, chỉ thiếu chút nữa là xe lao xuống vực. Phanh được xe lại rồi, mình còn toát cả mồ hôi. Dung và Thanh Hoa nhảy ra khỏi xe là quỳ xuống vái lạy trời đất tứ phương (rơm rớm nước mắt). Dung là người đam mê lắm, đam mê công việc, đam mê sống nhưng luôn ở trong trạng thái bất ổn, lúc nào cũng như dự cảm một chuyện gì đó chẳng lành... Lứa ca sĩ của Dung, cùng Thanh Hoa, Thu Hiền... sống vô cùng bản năng, lúc nào cũng như mới từ trên giời rơi xuống, lúc nào cũng cả tin, đến lúc đã tứ thập ngũ thập rồi cũng vẫn cả tin như trẻ con mới lớn... Lứa ca sĩ con cháu như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh... đã biết rút kinh nghiệm từ những người đi trước nên sớm biết chuẩn bị tương lai...

Mỗi người mỗi lối

PV: Anh có muốn các con anh đi theo nghề của cha mình không?

NSƯT TB: Mình luôn tôn trọng sự lựa chọn của các con mình. Rất mừng là cô con gái lớn đã đi trường Luật, cậu con thứ hai ở Mỹ thì cũng muốn học về bác sĩ. Cậu thứ ba hiện nay 8 tuổi rất mê vẽ và vẽ đẹp lắm... Nói thực là mình yêu công việc mình đang làm nhưng mình không muốn con mình nối nghiệp cha. Làm nghệ thuật là một nghề đầy rủi ro và gian truân, đến khi tỉnh ra thì thấy mình tay trắng vẫn hoàn tay trắng...

PV: Anh có vẻ bi quan quá nhỉ?

NSƯT TB: Tôi không bi quan đâu, nhưng tôi phải nói thế để các con tôi thấy rằng, người ta chỉ đi làm nghệ thuật nếu thấy mình không yêu công việc gì khác hơn thế, nếu thấy mình không thể sống được nếu thiếu nó. Công việc này đòi hỏi phải dâng hiến hết mình và có lẽ hạnh phúc nằm ở trong sự dâng hiến tới tận cùng đó. Nghệ thuật không giúp cho con người dễ dàng có được danh lợi như ai đó vẫn tưởng đâu!..

PV: Xin cảm ơn NSƯT Trần Bình!

.
.