NSƯT Quang Lý: Dòng sông ấy đã trôi về miền ảo mộng

Thứ Ba, 13/12/2016, 19:41
Chuyến tàu cuối cùng đã rời ga, rời cõi nhân sinh nhiều phiền muộn. Và NSƯT ở bên kia thế giới sẽ thanh thản mỉm cười, vì ông đã sống một cuộc đời đáng sống.

“Những chiếc lá một ngày sẽ rơi xuống theo gió cuốn về nơi xa, nhưng vẫn còn những chiếc lá lẻ loi lang thang trên con đường vắng trong đêm lạnh mùa đông. Những chiếc cầu gỗ một ngày nào đó có thể bốc cháy, nhưng vẫn còn những thanh gỗ cuối cùng về với dòng sông”. Dòng sông ấy đã trôi về miền ảo mộng, nhưng tiếng hát của ông, tâm hồn ông vẫn hiện diện ở đâu đó, trong đời sống này.

Tôi gặp ông trong những chuyến ra Hà Nội diễn, mấy năm gần đây, Quang Lý ra Hà Nội nhiều hơn. Tôi vẫn cảm giác, Hà Nội thuộc về ông nhiều hơn thành phố đông đúc Sài Gòn. Và ông cũng từng nói với tôi như vậy. Ở một tầng sâu nào đó, tâm hồn ông thuộc về Hà Nội, về từng góc phố, từng con đường Hà Nội. Những bài hát ông hát về Hà Nội vẫn mang một nỗi day dứt, thẳm sâu. 

Có lẽ vì thế mà nhiều khán giả sẽ nhớ ông, khi mỗi mùa heo may về. “Tôi muốn mang hồ đi trú đông/ Nhưng làm sao mang nổi được sông Hồng? Làm sao gói được heo may rét?”. 

Rất nhiều người hát về Hà Nội, nhưng Quang Lý vẫn mang một nỗi ám ảnh, day dứt riêng. Và chính sự day dứt đó đã chạm vào phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn người nghe, để ai đó, nhớ Hà Nội, muốn tìm về Hà Nội với những giá trị nguyên khiết nhất, sẽ tìm đến tiếng hát của Quang Lý. Ông từng nói với tôi rằng, ông thuộc về những giá trị xưa cũ. 

Những giá trị được mài gọt, chưng cất từ văn hóa, từ truyền thống và từ tâm thế làm nghề an nhiên, tự tại, không vướng bận những tục lụy cuộc đời của người nghệ sĩ. Có lẽ vì thế mà sự ra đi đột ngột của Quang Lý đã để lại nhiều tiếc thương cho mọi người. Họ tiếc thương không chỉ một giọng hát đẹp, ám ảnh mà còn nhớ tiếc một nhân cách, một tâm hồn nghệ sĩ đã đến và hát lên những bản tình ca đẹp về đời sống này.

Cuộc đời Quang Lý là những chuyến thiên di. Ông sinh ra ở Thái Lan, 9 tuổi về Hải Phòng, rồi lên Hà Nội, lấy vợ lại quay về Hải Phòng. Đến năm 1983, ông quyết định Nam tiến, đầu quân về Nhà hát Bông Sen. Ở một góc nhỏ, tĩnh lặng của Sài Gòn vẫn có chỗ dành cho những người lặng lẽ, trầm tính như ông.

Ông từng kể cho tôi về những tháng ngày gian khó ấy trong một bài báo cách đây 3 năm khi ông ra Hà Nội hát Khúc mùa thu trong đêm Thơ và nhạc của nhà thơ Hồng Thanh Quang. Và cũng từ bài báo đó mà chú cháu gần nhau, để mỗi khi ra Hà Nội, tôi lại được trò chuyện cùng ông. 

Ông lúc nào cũng dịu dàng, nhỏ nhẹ. Nói chuyện với ông, tôi cảm giác thế giới của ông được phủ kín bởi âm nhạc, trong từng hơi thở, từng tế bào. Tâm hồn người nghệ sĩ ấy không có chỗ cho những bon chen, vướng bận của đời sống. Ông kể về một thời nghèo khó nhưng tâm hồn phơi phới. 

“Sài Gòn những năm 1980, nghèo khó, chật vật. Tôi gặp nhạc sĩ Trần Tiến, khi tôi hát Ngẫu hứng lý qua cầu của Trần Tiến, nhiều khán giả thích. Phải duyên nhau, Trần Tiến rủ tôi đi hát kiếm sống. 

Mỗi người một cây guitar, và chiếc vespa cổ của Trần Tiến rong ruổi khắp các nẻo đường từ Nam ra Bắc. Khi ở nhà máy dệt, lúc ở công trường, lúc hát cho sinh viên nghe, lúc cho những người dân lao động chân lấm tay bùn. Chiếc vespa cổ của Trần Tiến lúc nào cũng phải mất 10 phút khởi động, có khi phải è cổ đẩy cả một đoạn đường dài. 

Thế mà một “chim én” Quang Lý và một “chim cú” Trần Tiến đã có những năm tháng đẹp như thế, hát cho đồng bào tôi nghe. Nói là hát kiếm tiền, nhưng chưa hết cuộc thì tiền đã cạn túi. Thù lao là những chiếc áo, những cân đường, đôi khi là củ sắn, củ khoai bà con tặng”.

Quang Lý nói, ông cảm ơn những ngày tháng đó, đã cho ông nếm trải nhiều dư vị của cuộc sống. Đi nhiều, sống và cảm nhận, trái tim người nghệ sĩ ấy thâu nhận vào mình tất cả những thanh âm của đời sống để rồi khi ông hát, tiếng hát ấy chạm tới cảm xúc của nhiều người. Tôi từng hỏi vì sao chú hát ám ảnh đến thế. Ông cười, mọi thứ đều tự nhiên đi ra từ trái tim ông, trái tim người nghệ sĩ lành hiền, hồn hậu và yêu thương cuộc đời. 

Sống và trải nghiệm với mọi buồn vui, hạnh phúc của cuộc đời, vì thế tiếng hát của Quang Lý rất đẹp nhưng cũng rất đời. Những cuộc thiên di, được - mất, những lăn lộn, phong trần với đời sống gió bụi ngoài kia đã thấm vào tâm hồn ông. 

“Tôi thích sống giản dị vời đời sống ngoài kia, người nghệ sĩ không ở trong tháp ngà của mình để hát. Tiếng hát cũng là thân phận, là cuộc đời”. Ông tâm sự. Những kỷ niệm đó đã trở thành máu thịt trong cuộc đời nghệ sĩ.

Có một thời đoạn, suốt những năm 1980, cả xã hội vất vả, nghèo túng. Nghệ sĩ lại càng nghèo. Quang Lý xắn tay vào lo toan cuộc sống với vợ, phụ vợ may hàng gia công, làm kem, bánh ngọt bỏ mối vẫn không đủ sống. Nhiều lúc phải bán cả quần áo biểu diễn để lấy tiền đóng học cho con. 

Cùng cực, bức bối, Quang Lý đã nghĩ sẽ bỏ nghề hát. Chỉ ý nghĩ thôi, ông đã thấy đau lòng. “Cuộc đời mình sinh ra chỉ để hát mà thôi, làm sao mình có thể từ bỏ tình yêu của mình”. Và vì tình yêu, ông đã vượt qua những đoạn trường của cuộc sống để giữ trọn tiếng hát của mình. Đối với ông, đó là hạnh phúc. 

Dù Quang Lý không phải là người may mắn, khởi nghiệp của ông cũng nhiều lận đận, truân chuyên, khi làm việc ở nhà hát, ông phải đứng vào dàn đồng ca. Mãi sau, từ những nỗ lực không ngừng ông mới phát triển sự nghiệp solo của mình. 

Cuộc sống khốn khó là vậy, nhưng khi Quang Lý đứng trên sân khấu, thì mọi vất vả, tục lụy của đời thường đều được hóa giải. Khi Quang Lý hát là ông đang mang đến một giấc mơ đẹp và thánh thiện về cuộc sống. 

Cho đến những ngày cuối đời, trong căn nhà nhỏ của ông, hàng ngày vẫn vang lên tiếng đàn piano và tiếng hát của Quang Lý. Ông không ngừng luyện thanh mỗi ngày. Và ông muốn khi xuất hiện trước công chúng phải hoàn hảo nhất, đẹp nhất có thể, không thể vin vào cớ tuổi tác để lấy sự cảm thông.

Nghệ sĩ Quang Lý trong chương trình  “Hoán chuyển bất ngờ”.

Sự tự trọng với nghề đã khiến người nghệ sĩ ấy không ngừng làm việc. Rất nhiều những dự định vẫn còn dang dở. Ở tuổi 68, ông vẫn hào hứng với “The mash up - Hoán chuyển bất ngờ” như một cách khuyến khích thế hệ ca sĩ tiếp nối..

Một cuộc đời không ngừng hát, nhưng Quang Lý chỉ ra vỏn vẹn 2 album. Album đầu tiên, Vọng âm sóng, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết lời đề dẫn rằng: "Sở hữu một giọng hát đẹp đến hiếm hoi, NSƯT Quang Lý vẫn là một bảo đảm thuần nhã, trữ tình cho sự thể hiện những ca khúc danh tiếng của những tiếng sóng, của những dòng sông trôi qua”. 

Năm 2009, ông phát hành album thứ 2 trong sự nghiệp ca hát của mình mang tên Cung trầm, gồm những ca khúc do ông tự sáng tác, một bước ngoặt mới trên con đường nghệ thuật của ông. Những bản tình ca thấm tình đời, tình nghệ sĩ. 

Nhưng trong thời buổi lao xao của những giá trị ảo nhiều hơn thực, album cũng không được nhiều người để ý. Nhưng với người nghệ sĩ ấy, thì danh tiếng hay sự ồn ào cũng chỉ là phù du mà thôi. Ông hát hay cả khi ông viết, đều là cách ông thể hiện yêu thương với cuộc đời này chứ không đi tìm sự nổi tiếng.

Nhưng tôi biết, trong Cung trầm, có một bài ông viết tặng người vợ yêu quý của mình. Ca khúc Xin cảm ơn rất xúc động. “Mỗi sớm mai thức dậy, từng cơn gió mát lạnh thì thầm gọi tên em. Mỗi sớm mai thức dậy, lời ngọt ngào đầu tiên, anh nói yêu em. Ôi, tình em, tình em chắp cánh ta bay. Xin cảm ơn hương đời, xin cảm ơn tình em đã cho ta một bài ca”… 

Một nghệ sĩ hào hoa, lịch lãm như Quang Lý hẳn sẽ có rất nhiều cô gái mê đắm. Nhưng ông vẫn giữ trọn thủy chung với người vợ của mình. Những tình như gió thoảng mây trôi, đôi khi chỉ là cảm xúc để người nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu mà thôi. Và ông biết cách để tất cả những xúc cảm ấy ở ngoài kia cánh cửa để giữ bình yên bên gia đình. Đó cũng là một giá trị mà Quang Lý được bạn bè, đồng nghiệp trân quý.

Khi nhận được tin ông mất, tôi đã ngồi một mình và nghe Dịu dàng ơi. Chính nhạc sĩ Phú Quang đã thừa nhận rằng, đến bây giờ, vẫn chưa có ai hát Dịu dàng ơi, tiếc nuối và day dứt như Quang Lý. “Phố đầy người dưng hờ hững bước chân qua/ Em mỏng manh mùa thu hiền quá/ Thôi về đi em mặc tôi với con đường xa/ Em thánh thiện làm chi/ Tôi chỉ là giấc mơ buồn ngày qua”…

Có gì đó như là định mệnh, định mệnh nghiệt ngã đã mang người nghệ sĩ ấy ra đi quá đột ngột khi tình yêu vẫn còn đầy trong trái tim ông, khi niềm yêu sống vẫn tràn trong tiếng hát. Nhưng làm sao thoát khỏi hai chữ định mệnh, khi trên gương mặt hào hoa lịch lãm của ông, vẫn u uất một nỗi muộn phiền nào đó. 

Tôi muốn viết một lời tiễn biệt ông, một người mà tôi trân quý. Chuyến tàu cuối cùng đã rời ga, rời cõi nhân sinh nhiều phiền muộn. Và ông ở bên kia thế giới sẽ thanh thản mỉm cười, vì ông đã sống một cuộc đời đáng sống.

Sài Gòn, mưa và tiếng piano da diết tiễn biệt một nhân cách… “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”...

Khánh Linh
.
.