NSƯT Minh Hằng: Vẫn miết mải những "người trong cõi nhớ"

Thứ Ba, 01/03/2011, 15:22
Minh Hằng dù đã bị coi là "người có tuổi", nhưng da vẫn mướt, mắt vẫn đen lay láy, vóc người nhỏ nhắn và giọng nói vẫn chưa thôi truyền cảm. Minh Hằng trùng tên với nhiều nữ nghệ sỹ khác, giống nhau ở cả cái nhan sắc đàn bà, người khác giới gặp một lần là dễ neo vào nỗi nhớ.

Nhưng Minh Hằng đương kim Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội, lại là hiện thân của một lớp nghệ sỹ đặc biệt, những nghệ sỹ mặc áo lính, những người lính trong hình hài nghệ sỹ, lãng mạn đấy, hồn nhiên đấy, đắm say mê muội đấy mà vẫn luôn biết đến điểm dừng, luôn tạc trong mình những danh từ "bổn phận" và "trách nhiệm", để không bao giờ (dám) bứt phá, đi tới cái giới hạn cuối cùng.

1. Hễ gặp Minh Hằng là lại muốn chần chừ nán lại cốt nghe chị nói, cái giọng nói ấm và nhiều âm vực trầm, dễ nhận diện và truyền cảm đến nao lòng. Miệng thì cười và mắt lúc nào cũng như chực chờ sắp khóc. Các cụ xưa nói, đàn bà kiểu ấy là đa đoan, cuộc đời nhiều sóng gió. Minh Hằng năm 18 tuổi, tóc dài ngang gối, gái phố cổ Hà Nội lại học trường Quân đội, nên được rèn giũa đâu vào đấy.

Minh Hằng tuổi 18, chưa một lần thực sự bước lên sân khấu, ngoài những buổi diễn báo cáo, "trả bài" ở trường. Bất chợt gặp thầy Nguyễn Đình Nghi khi ông đến đoàn kịch Quân đội khi ấy còn mang tên Tổng cục Chính trị sửa soạn dàn dựng vở mới, một tác phẩm tầm cỡ của tác giả Đào Hồng Cẩm chuẩn bị chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Minh Hằng đã sững sờ khi vị đạo diễn khả kính cứ thủng thẳng hỏi bao nhiêu chuyện: "Cháu tên gì, bao nhiều tuổi, học trường nào?".

Toàn những điều vu vơ và Minh Hằng cứ trong veo nhìn vào mắt thầy và từ tốn trả lời, rồi cũng chả ý tứ nghĩ ngợi sâu xa gì vì nghĩ, mình còn mới quá, trẻ quá, hàng còn dài, ga đến còn xa xôi lắm. Rồi Minh Hằng được phân vai o Giang cho kíp 3, một kiểu bố trí người theo tư duy của lãnh đạo là ngồi đấy cho dễ học các chị đi trước. Minh Hằng ngồi, hoàn toàn vô tư, đầy háo hức dưới hàng ghế khán giả, nhẩm thoại, xem thầy Nghi hướng dẫn các bậc đàn anh đàn chị tập vai.

Định mệnh, cơ duyên hay chỉ đơn thuần là đôi mắt xanh và đầy bao dung, cởi mở của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã góp công tác thành nên một tên tuổi nữ nghệ sỹ sân khấu, một số phận đào thương cả đời quắt quay với những khổ đau mất mát của kiếp người trong nhân vật.

Một chiều, khi tập đến lớp kịch khó vào bậc nhất của cả vở, trường đoạn o Giang lặng câm chứng kiến cảnh bà má bờ Nam bơi thuyền qua sông Bến Hải thăm con, bị đạn thù bắn chết, cái thi thể đơn côi trôi dạt vào bờ Bắc, thầy Nghi thốt nhiên quay sang hỏi Minh Hằng: "Cháu có thuộc thoại lớp này không". Hằng rụt rè đáp có và thầy Nghi lập tức đẩy cô gái trẻ ra giữa quầng sáng mê hoặc của ánh đèn sân khấu.

Từ giây phút đấy, Minh Hằng bước vào hàng ngũ "sô lít", một nữ diễn viên chuyên đảm nhiệm các vai chính của kịch Quân đội. Vai diễn đầu tiên khi vừa rời ghế nhà trường, Minh Hằng đã trở thành o Giang, đi qua các đàn chị để đảm nhận vị trí "đinh" trong một vở diễn vô cùng quan trọng. Sau này, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi tiết lộ, ngay khi nhìn vào mắt Minh Hằng, nghe Minh Hằng nói, ông biết, mình đã gặp được o Giang.

Vẻ mặt sáng trong và giọng nói đặc biệt, chính là ấn tượng về Hằng mà thầy Nghi giữ trong tâm khảm, để rồi quyết đoán đặt lên vai cô gái trẻ thách thức đầu đời, cái thách thức mà bất kỳ nghệ sỹ nào cũng mong sớm được chạm ngõ. Hơn 10 năm sau, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi còn trở lại với Minh Hằng ở vở diễn "Điều không thể mất", kịch bản mà Lưu Quang Vũ chưa viết trọn những dòng cuối cùng, đã vội đi xa.

Vai Nhâm của Minh Hằng, cũng là một lối diễn, một cách thể hiện chả phải dụng công, sắp đặt gì nhiều, cứ bình thản bước ra sân khấu, là đã hiển hiện nỗi đau không thể thốt thành lời của một cựu nữ thanh niên xung phong Trường Sơn, gặp lại người yêu sau bao năm xa cách, khi mà anh đã đề huề vợ con và đủ đầy gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Lại thầy Nghi, lại đạo diễn Nguyễn Đình Nghi thêm lần nữa truyền cho Minh Hằng bí quyết, diễn viên, đâu phải lúc nào cũng có thể để nhân vật dẫn dụ, mê hoặc mình. Lệ thuộc vào nhân vật quá nhiều, đâu đã chắc thành công? Cảm xúc đầm đìa không hẳn chứng thực cho sự thông minh và tài hoa, mà hơn thế, nữ nghệ sỹ, còn phải lý trí, lý tính, tỉnh táo ngay cả khi đang cơn say trong những phút giây xuất thần.

Minh Hằng đã tiết chế, điềm tĩnh hơn, và cuối cùng, Nhâm trên sân khấu, phút giây giáp mặt người yêu dưới mái nhà ríu ran niềm vui của anh, bình thản từng lời, khuôn mặt dịu hiền, không một giọt nước mắt, nhưng khán giả ở phía dưới thì cứ sụt sùi mãi khôn nguôi.

2. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi là một "người trong cõi nhớ" của Minh Hằng, một bậc thầy, một đàn anh mà chị luôn tâm niệm, đã có công thắp lên ngọn lửa sân khấu trong cuộc đời chị. Nhưng Minh Hằng còn thầy Dương Ngọc Đức, còn nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã từng ngồi bên nữ sỹ Xuân Quỳnh, vừa xem kịch Quân đội diễn tổng duyệt "Lời thề thứ 9", vừa tay bút tay giấy viết tiếp kịch bản mới.

Lúc ấy, chồng Minh Hằng, nghệ sỹ Hoàng Mai quá ngạc nhiên nhìn Lưu Quang Vũ lật đi lật lại những trang bản thảo, không kiềm chế được sự tò mò bèn chụm đầu thầm thì hỏi: "Anh Vũ ơi, sao anh cứ phải làm việc vất vả thế. Anh viết khỏe, viết giỏi thật đấy". Lưu Quang Vũ ngước lên, cái giọng buồn buồn, ma mị: "Mình cứ làm sẵn đề cương, đoàn nào yêu cầu là mình lại lao vào viết. Mình phải viết nhanh, viết khỏe, vì người ta bảo rằng, số mình chết non, không còn thời gian nhiều nữa".

 Minh Hằng kể, một hai ngày sau buổi tổng duyệt "Lời thề thứ 9" mà nhà thơ Xuân Quỳnh ngồi xem bên chồng, cứ khóc nức từ đầu đến cuối, cả gia đình Lưu Quang Vũ đi làm việc ở Hải Phòng. Rồi một hai ngày sau đó nữa, Minh Hằng nghe điện thoại, một đồng nghiệp, một giọng nữ thông báo rằng, cả nhà anh Vũ đã gặp tai nạn thảm khốc trên đường về. 

Giữa sớm xuân Hà Nội nắng vàng rải đầy trên phố vắng, Minh Hằng nép trong quán đông, đôi mắt đã đỏ heo, thực sự đỏ hoe vì những hồi ức về Lưu Quang Vũ, một "người trong cõi nhớ", ra đi và để lại cho giới sân khấu biết bao "điều không thể mất".

Những người đó, đã là quá khứ, dẫu chả tan biến bao giờ, vì hiện hữu trong tâm tưởng người trần thế. Minh Hằng bảo, chị may mắn vì được sống và làm nghề trong thời vàng son của sân khấu, lại ngay tại môi trường Quân đội mà mỗi khi có lệnh, cả đoàn cấp tập lên đường lưu diễn hàng vài tháng ròng, phục vụ bộ đội và nhân dân không thiếu một vùng miền nào khắp dọc dài đất nước. Hơn 30 năm, Minh Hằng 18 tuổi, giờ đã thành bà đại tá, đã được tưởng thưởng bằng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú và đảm nhiệm trọng trách không hề nhẹ nhàng: Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội.

Hơn 30 năm, giọng nói của Minh Hằng vẫn cuốn hút, vẫn đằm thắm tròn vai người vợ, người mẹ rồi mới đến nữ nghệ sỹ hay gì đi nữa. Vài năm chung đoàn với Hoàng Mai, chả mấy để ý đến anh chàng con nhà nòi đã nhòm ngó cô diễn viên da trắng ngay buổi đầu thấy mặt, vậy mà mãi đến thời khắc Hoàng Mai tỏa sáng, thành nam diễn viên thành công nhất Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1980 bằng nhân vật Hồng vệ binh Chu Tiểu Quân, Minh Hằng mới cảm và phải lòng anh chàng có điệu cười cực kỳ sảng khoái, hồn hậu.

Chồng cũng đại tá, giờ thành đạo diễn, cùng chung Nhà hát, tất nhiên vẫn dưới cơ bà Giám đốc, nhưng chẳng hề hấn gì, Minh Hằng vẫn giữ được cho riêng mình trong ấm ngoài êm. Hình như ẩn sâu dưới cái vẻ mềm mại nữ tính, Minh Hằng lại có sức mạnh và sự xốc vác rất đàn ông. Làm được điều gì cho lớp trẻ, là chị lao vào làm, cũng để trả nghĩa cách mà thầy Nghi và các thầy cô khác đã mạnh dạn tin vào Minh Hằng từ tuổi 18.

Tổ chức lớp tập huấn cho diễn viên trẻ, giúp họ có cơ hội vào các vai mẫu, vai kinh điển, mở trại sáng tác kịch bản và "dụ dỗ" các nhà văn viết kịch cho mình, giờ thì Minh Hằng cứ loay hoay xoay xở, tìm cách nào đó để khởi xướng, hiện thực hóa khát vọng về một Liên hoan sân khấu dành riêng cho đề tài anh Bộ đội Cụ Hồ, như cách Bộ Công an đã làm rất thành công với Liên hoan sân khấu về Hình tượng người chiến sỹ Công an.  

Minh Hằng họ Đỗ, tuy chả mấy khi phải xưng danh theo cách đó để phân biệt với một đồng nghiệp cũng cùng tên cùng nổi tiếng bên Nhà hát Tuổi trẻ. Chị, dẫu "vùng phủ sóng" không rộng, và sức lan tỏa không thuộc về số đông, vẫn được mặc định trong nỗi nhớ của nhiều người về những vai diễn đong đầy cảnh ngộ.

Chính sự điềm đạm giúp Minh Hằng luôn ổn thỏa trong cuộc sống, tiết chế được những phân vân và giảm thiểu tối đa những phút xao lòng. Bạn chị, những nữ nghệ sỹ cùng lứa, không ít người đã trả giá cho sự nông nổi bằng chính cuộc hôn nhân tưởng chừng đã dừng bến an toàn. Minh Hằng môi cười mà mắt ướt, dẫu có đa đoan thì vẫn cân bằng, sự đa đoan chỉ là những lớp sóng lòng tự nổi lên rồi tự tan vào dĩ vãng.

Năm 2010 Minh Hằng có nhiều hanh thông, thuận lợi, và chị đang trông chờ những tháng ngày tiếp theo, là sự nối dài những niềm vui chẳng ai muốn dừng lại bao giờ. Chị, hơn 30 năm cách ngăn với tuổi 18, mà vẫn rưng rưng, vẫn nổi da gà, vẫn run rẩy khi nhớ về những ngày đầu tiên, bước ra rạng ngời dưới ánh đèn sân khấu

Ngô Hương Sen
.
.