NSƯT Kim Xuân: Mê mải một đời

Chủ Nhật, 18/05/2014, 16:19

Tôi đọc đâu đó rằng, tên của một người nào đó phần nào nói lên tính cách của họ. Tôi không biết rút kết đó chính xác tới độ nào, song tôi nghĩ nó đúng, ít nhất là với những cá nhân có tên đệm hoặc tên chính mang từ “Xuân” tôi được biết. Họ luôn lưu lại trong tôi dư vị của ngọt ngào, mát lành, trong trẻo như tiết trời tháng giêng ngập tràn cỏ hoa.

1. Cơn mưa đầu hè bất ngờ ập đến khi nắng còn vương trên những tán lá. Tôi biếng lười bỏ mặc mưa cố chạy thật nhanh đến chỗ hẹn NSƯT Kim Xuân. Rũ vội chiếc áo mưa, chị vừa đưa tay vuốt lại tóc vừa bước đến chỗ tôi ngồi. Ô cửa kính trông thẳng ra đường, ngoài kia mưa ngày càng nặng hạt. Áo mưa xanh đỏ dập dìu trôi trên nền trời vẫn còn hửng sáng. Kim Xuân thích thú, reo như trẻ nhỏ, vội lấy điện thoại chộp lại khoảnh khắc đó, sợ không còn kịp nữa. Phải chăng, mưa đã rửa sạch lớp áo nhàu bụi để tâm hồn người ta trở nên trong trẻo hơn? Hay bởi sự hồn nhiên thơ trẻ chưa bao giờ vơi trong chị? Hôm trước Kim Xuân nhắn cho tôi cái hẹn, sẽ chẳng có gì đáng đề cập nếu là một tin nhắn thông thường. Đằng này, chị nhắn qua viber - phần mềm mà tôi luôn đinh ninh típ phụ nữ bận rộn vì con cháu, công việc và nhất là ở cái tuổi sắp lục tuần thường hiếm khi hoặc từ chối dùng tới. Cũng như, chị ngạc nhiên khi thấy một người trẻ như tôi đủ kiên nhẫn ngồi nghe chuyện nghề, chuyện đời của chị thay vì hỏi: “Chị/ cô ơi, có scandal nào không?”.

Kim Xuân trẻ hơn nhiều so với tuổi, tinh thần làm việc lại hăng say chẳng khác gì hồi chị hai mươi, háo hức với đời, hăm hở với nghề. Nhiều người thắc mắc, không biết chị lấy đâu ra sức lực mà vẫn cứ còn “xuân”? Chị cười: “Vì mình trải qua quãng đời tuổi trẻ có nhiều điều đặc biệt quá mà có lẽ một tuổi trẻ bình thường không có được!”. Đặc biệt bởi ai cũng rừng rực sức trẻ, rừng rực nhiệt huyết cho lý tưởng, cho đam mê kiến tạo, dựng xây khi đất nước vừa đi qua một cuộc chiến dài. Trong không khí vui mừng, sôi nổi đó, dù vừa đậu khoa Kỹ thuật nữ công gia chánh của Trường Đại học Bách khoa, chị vẫn tích cực tham gia sinh hoạt văn nghệ trong phường, quận Bình Thạnh. Vốn là con nhà nòi cải lương, có thanh lẫn sắc, Kim Xuân được cử đi học lớp văn nghệ quần chúng tại Nhà hát Thành phố. Chị liều đăng ký vào lớp kịch nói của NSND Can Trường. “Thầy là một người Nam Bộ hào sảng, và quá giỏi. Nếu không phải là thầy thì có lẽ cánh cửa nghệ thuật của cuộc đời chị sẽ khép vĩnh viễn. Nó là một cái gì đó kỳ lạ lắm em, giống như có ai giấu ngọn lửa đâu đó trong người mình bấy nay, rồi bỗng dưng mình gặp được một người khơi và thổi bùng ngọn lửa ấy lên. Thế là nó cháy, cháy nồng nàn, mãnh liệt, vượt qua tất cả gian nan, thử thách cho đến hôm nay. Nói sao cho hết lòng biết ơn của chị với thầy...”.

Kim Xuân nói vậy, bởi ba của chị tuy là một nghệ sĩ cải lương ca hay, diễn giỏi nhưng tạo hóa lại cho ông vẻ bề ngoài của một anh diễn hài. Thành ra, cái nghiệp hát nổi trôi đeo đẳng ông lưng chừng trọn một kiếp. Thương kiếp gánh hát bồng bềnh, bất định, lúc chị lên 4, 5 tuổi, bà nội chị bắt về Sài Gòn cho đi học để chị quên đi cái nợ gánh hát. Bà sợ cô cháu cơ cực một đời cũng như con trai. Mà dường như Kim Xuân quên thật. Chị đâm ra mê thêu thùa may vá hơn ca hát. Ước mơ của chị ngày ấy là được trở thành một cô giáo dạy may vá thêu thùa như thần tượng Triệu Thị Chơi chị vẫn thầm ái mộ qua truyền hình.

Khóa học vỏn vẹn hai tháng nhưng là bước ngoặt lớn với cả cuộc đời Kim Xuân. Chị kết khóa bằng hai vở diễn và đều được tin tưởng giao vai nữ chính. Xem chị đóng, cả thầy cả bạn đều gật gù tán thưởng. Tình cờ, đoàn kịch Cửu Long Giang (tiền thân của đoàn kịch Thành phố) thông qua NSND Can Trường tổ chức cuộc thi chọn diễn viên cho đoàn. Ngày đó, ai học Sân khấu Điện ảnh ra mà thi đậu vào đoàn kịch Cửu Long Giang là may mắn rất lớn vì nhiều người học xong bỏ nghề hoặc đi làm phong trào. Mấy trăm sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố mê nghệ thuật ùa về đăng ký. Ngày thi vui như hội. Kim Xuân đỗ đầu trong top 12 người được chọn giữa cơ man người. Điều thú vị là, trong 12 người đỗ đó, đa phần lại là sinh viên của Trường Bách khoa, Trường Luật, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

2. Kim Xuân nói chị là người may mắn. Vì được nghề chọn, Tổ thương và khán giả quý. Chưa bao giờ chị dám hình dung thi một cái là đậu vào đoàn kịch lớn nhất nhì nước. 19 tuổi được tuyển vô đoàn, 20 tuổi chị có vai chính đầu tiên trong vở Tình Ca của tác giả Ngô Y Linh, do NSƯT Út Bạch Lan vừa tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn ở Liên Xô về dàn dựng. “Lúc đó trong đoàn có nhiều chị diễn viên tập kết vào, các chị đẹp lắm, diễn hay nữa nhưng chị được chọn có lẽ vì chị là người Sài Gòn nên hợp với vai cô gái này chăng?”. Việc một nữ diễn viên trẻ lần đầu đóng kịch lại được giao vai chính trên sân khấu chính kịch của một đoàn danh tiếng, hơn nữa lại là người Sài Gòn, trở thành sự kiện thu hút sự chú ý của giới sân khấu và báo chí. Vở diễn thành công vang dội. Trên trang văn nghệ của báo Tuổi Trẻ, Kim Xuân xuất hiện ở vị trí trang trọng: “Nữ diễn viên chính của vở Tình Ca là một nữ thanh niên sinh ra tại Sài Gòn”. Có niềm vui và hạnh phúc nào bằng, tôi nghĩ vậy.

Tình Ca thành công và lan tỏa đến mức trước ngày các chàng trai cô gái thanh niên xung phong lên đường ra biên giới Tây Nam, đã có 2 đêm chiêu đãi vở ở hội trường sân khấu xổ số kiến thiết bây giờ với sự có mặt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Chị không bao giờ quên được cảm giác bùi ngùi khi đứng trên sân khấu nhìn xuống, rợp một màu áo xanh thanh niên xung phong. Chị biết ngày mai những chiếc áo ấy sẽ tỏa ra chiến trường, sẽ cống hiến bằng hết sức lực của mình và có những chiếc áo sẽ vĩnh viễn nằm lại… Thành ra, chị muốn được hết mình trong những đêm diễn đó” - Kim Xuân bồi hồi nhớ lại.

Kim Xuân có duyên đóng vai chính. Vai nào qua tay chị đều ra tấm ra món, có hồn, có tính cách riêng biệt. Nên không chỉ ở Cửu Long Giang mà sau này về bất cứ đoàn kịch nào, từ Bông Hồng, sân khấu thể nghiệm 5B cho đến Idecaf, kịch Thành phố,… chị đều được ưu ái giao vai chính. Cái bình cổ, Cô gái ngồi trên gốc cây gãy, Đôi bông tai, Cõi tình, Tình yêu dành cho hai người, Ký ức,… là những vở mà bất cứ nữ diễn viên nào cũng mơ ước chạm đến một lần. Khơi chuyện cũ, mắt chị xa xăm như đang tìm về cái ngày sân khấu còn vàng son, huy hoàng. “Hồi đó đóng toàn vai chính nhưng nghèo lắm do đồng lương dở quá. Được cái vui lắm, vì hầu như được diễn suốt cả tuần. Lại có nhiều rạp, rạp nào cũng diễn được. Không biết sao bây giờ rạp co cụm rồi mất dần và biến thành nhà hàng, khách sạn hết trơn?”.

Chuyện cát-sê một đêm chỉ đủ ăn tô phở bình dân là chuyện quen thuộc với giới nghệ sĩ ngày ấy. Có thời điểm khó quá, như nhiều nghệ sĩ, Kim Xuân xoay qua bán buôn kiếm thêm đồng ra đồng vào, cố trụ nghề. Hụt trước hụt sau do người ta mua chịu, chị thôi nghề tay trái. Thương chị, nhóm hài của nghệ sĩ Bảo Quốc rủ chị theo. “Anh em thương nên giúp để chị không bỏ nghề thôi chứ chị biết mình diễn hài như một bông hoa vậy. Còn anh Bảo Quốc, anh Hữu Châu, cô Kiều Mai Lý,… trời sinh là danh hài rồi”. Tấu hài được 2, 3 năm gì đó, một hôm tác giả Huỳnh Phúc Điền (sau này là đạo diễn) và đạo diễn Hồng Phúc tìm đến tận nhà mời chị đóng vở Cõi tình. Cầm kịch bản của cậu thanh niên mới 24, 25 tuổi, chị đọc một mạch và nhận lời luôn vì “ấn tượng quá”. Vở có 2 diễn viên chính (nhân vật nam do nghệ sĩ Minh Hoàng thủ diễn và một khách mời vai ông già là công nhân vệ sinh do nghệ sĩ Lê Bình đảm nhận), tính luôn đạo diễn và tác giả kịch bản là 5 người nhưng rinh đến 3 Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc tại Quảng Ninh.

Sau hội diễn, sân khấu 5B được nhiều người biết tới hơn nhưng đời sống của diễn viên vẫn không mấy khả quan. Vậy mà, Kim Xuân vẫn miệt mài bám sân khấu và tận hiến. Ngọn lửa được khơi cháy sáng hơn bao giờ hết, tiếp thêm niềm tin cho những ngọn lửa khác. Nhắc đến 5B hay Idecaf, có lẽ không quá khi nói NSƯT Kim Xuân là một trong những hạt nhân cơ bản tạo của 2 sân khấu này.

Khi các phương tiện giải trí bắt đầu phát triển, Kim Xuân như con thoi, vừa đóng phim, vừa làm sân khấu, vừa đóng kịch truyền hình. Nhắc đến chương trình “Trong nhà ngoài phố”, chị là một trong những cái tên “cộm cán”. Những vở kịch truyền hình để đời như: Vụ án người đốt đền, Khuất Nguyên, Thời con gái đã xa, Cơn mê cuối cùng, Người đàn bà mộng du,… đều gắn liền với tên tuổi chị. Cái thời phim quay bằng video chiếu ở rạp thịnh hành, Kim Xuân đắt show tới độ một năm chị quay 16 cuộn video. Vai chính có, vai phụ cũng nhiều, vai thứ chính cũng không ít. Chị trở thành gương mặt mà hầu như đạo diễn nào cũng thích. Đến giai đoạn phim truyền hình nở rộ với những dự án đình đám như: phim hợp tác đầu tiên giữa Việt Nam với Hàn Quốc như Lẵng hoa tình yêu, Mùi ngò gai, phim dài tập đầu tiên của Việt Nam Dù gió có thổi, phim ảo thuật dành cho các em nhỏ Gia đình phép thuật, phim đầu tiên trên chương trình Giờ vàng phim Việt Vòng xoáy tình yêu,… chị đều được các đạo diễn tin tưởng “chọn mặt gởi vàng”.

Kim Xuân nói vui rằng, đời chị may mắn vì được “nếm” rất nhiều “lần đầu tiên”. Còn tôi, xin bổ sung, “lần đầu tiên” nào của chị cũng đơm quả ngọt. Để có một chùm những-trái-ngọt ấy, hẳn không chỉ có sự may mắn mà còn là tài năng, tinh thần lao động miệt mài và sự hy sinh hết mình cho nghiệp diễn

Hoàng Dung
.
.