NSƯT Kim Tử Long: Gió mưa danh vọng

Thứ Tư, 28/08/2013, 11:08
Nghệ sĩ Kim Tử Long nhắn: “Sang xem anh tập tuồng rồi anh em mình cà phê luôn”. Trước đó vài tuần, khi xảy ra biến cố của đời anh, tôi có gọi cho anh, đề nghị: “Hay là anh em mình ngồi lại với nhau một lát, anh cứ im lặng vậy để thiên hạ muốn nói sao thì nói là điều không hay”. Anh từ chối, anh bảo: “Để anh suy nghĩ thêm đã, chứ bây giờ anh đang rối quá”.

Trưa giữa tuần rồi, tôi sang phòng trà Nam Quang xem anh tập tuồng cùng nữ ca sĩ hải ngoại Phi Nhung, hình như là vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài… Quán cà phê cạnh bên, anh ngồi rủ rỉ nhiều chuyện, chuyện nghề chuyện đời, ngoài trời có mưa rây rây...

Anh là một tên tuổi trong giới sân khấu, cải lương. Có thịnh hay suy, thì anh vẫn cứ là ngôi sao trong lòng người hâm mộ. Giải thưởng cao quý gì về nghề anh cũng sở hữu hết rồi. Vậy mà, thăng trầm đời người như gió như mây, biết thế nào mà lường trước. Nhưng đoan chắc là gần 30 năm nay, cái tên Kim Tử Long chưa bao giờ hạ nhiệt trong lòng khán giả mộ điệu, từ vai diễn đầu tiên – vai diễn đóng dấu ấn của anh, vai Gia Đồng trong vở Nàng tiên Mẫu đơn, được dựng năm 1987.

Hai năm trước, anh làm liveshow kỷ niệm 30 năm đi hát, anh tìm hoài mà mà không biết lần đâu ra những hình ảnh của vai diễn ghi tên mình năm ấy. Đang lo lắng thì anh nhận được điện thoại của một khán giả gọi về từ Mỹ, vị nữ khán giá chắc tuổi đã ngoài thất thập. Bà nói với anh: “Cô nghe con sắp làm liveshow, con cho cô địa chỉ đi cô gửi cho con món quà”. Anh nghe vậy, anh ngại lắm. Bởi tính anh ngại nhất là những gì liên quan đến vật chất. Anh từ chối. Nữ khán giả cứ khẩn khoản. Mãi sau, anh cũng đưa địa chỉ cho bà.

“Không ngờ là chỉ 5 ngày sau, có người mang lại nhà đưa cho anh cái hộp gói quà rất đẹp. Anh mở ra thì đó chính là cái băng video của vở Nàng tiên Mẫu đơn. Hôm sau nữa thì cô lại gọi về, lần này anh vừa cảm ơn cô vừa khóc. Anh không bao giờ tưởng tượng được rằng, bao nhiêu năm rồi vẫn có khán giả lưu dấu lại kỷ niệm thời ban đầu đi hát của anh”. Anh kể vậy.

Hóa ra, khi Nàng tiên Mẫu đơn được  phát sóng trên truyền hình liên tục vào thời điểm đó, nữ khán giả đã yêu cầu người nhà quay phim lại rồi sang ra băng video. Xuất ngoại sang Mỹ, bà vẫn mang theo cuốn băng đó để làm kỷ niệm.

Tôi chơi với nhiều nghệ sĩ, nói điều này chắc mấy anh chị khác cũng giận, nhưng theo cảm giác của tôi, duy có nghệ sĩ cải lương nếu được khán giả yêu mến thì sự yêu mến ấy sẽ vững chắc vô cùng. Đó không phải là tình cảm thoáng qua, là tình cảm của người hâm mộ dành cho nghệ sĩ, mà cao hơn nữa, đó chính là tình thương của những thành viên trong gia đình dành cho nhau.

Như cái hồi anh đi lưu diễn ở thành phố Dallas (bang Texas, Hoa Kỳ), có gia đình khán giả cứ khẩn khoản mời anh về nhà dùng cơm thân mật. Không nỡ từ chối, anh nhận lời. Sau bữa cơm, anh chủ nhà đề nghị anh vào phòng của mẹ anh để giới thiệu cho nghệ sĩ Kim Tử Long thấy bộ sưu tập tất cả băng đĩa liên quan đến nghệ sĩ Kim Tử Long. Nhìn bộ sưu tập ấy anh choáng lắm, choáng hơn nữa là khi anh nhắc đến bất cứ vai diễn nào của mình, cụ bà là mẹ của anh chủ nhà đều có thể thuận tay rút ra một cái băng từ cassette, video, VCD… trong bộ sưu tập ấy đúng vở mà anh vừa đề cập.

NSƯT Kim Tử Long trong một trích đoạn cải lương.

Vẫn ở Mỹ, anh đã vừa khóc vừa ký tặng vào một quyển album sưu tập toàn bộ hình ảnh của anh cho một nữ khán giả trẻ tuổi, ngồi trên xe lăn… Ở Pháp, anh lặng nhìn vị khán giả lớn tuổi dùng tay lần từng nét trên khuôn mặt của anh để mường tượng “Xem Kim Tử Long có khác gì ngày xưa không”. Vị khán giả ấy không còn nhìn thấy được nữa… Tình cảm của người hâm mộ dành cho anh là rất lớn lao.

Chớm mười bốn tuổi, anh theo nghề diễn. Ban đầu là trốn học đi hát, sau cha anh biết được, ông khảo nghiệm khả năng hát của anh. Nghe anh hát xong, ông bảo: “Cái gì cũng phải đàng hoàng, con ạ. Hoặc là con bỏ hát theo học chữ nghĩa, hoặc con bỏ học chữ nghĩa để đi học hát”. Anh quyết định đi học hát.

Thời điểm ấy, nhà hát Trần Hữu Trang còn mở khóa chiêu sinh các giọng ca tiềm năng, hàng nghìn thí sinh đăng ký tham dự. Anh dự thi với tâm trạng, “rớt thì mình cũng đi hát, đậu mình cũng đi hát. Có gì mà lo lắng”. Với sự thoải mái đó, anh đậu loại ưu. Bốn năm sau anh tốt nghiệp, được học hành bài bản, sự chỉ dạy tận tình của các cây đa cây đề trong nghề, anh có một hành trang vững chắc để bước vào cuộc chơi mà anh đã chọn. Tên anh nhanh chóng được nâng lên qua từng vai diễn, anh hát ngọt, điệu bộ đẹp, cái vẫy tay, cái liếc mắt.. đều để lại ấn tượng ở mỗi suất diễn. “Cuối những năm 80, em biết không? Đó là thời điểm cực thịnh của cải lương. Anh với Ngọc Huyền, Thoại Mỹ... cùng nhiều anh chị khác hát suất nào, khán giả kéo đến chật rạp suất đó. Tối rạp hát mới mở màn, thì vào 10 giờ sáng vé đã bán sạch”. Anh nói. Anh trẻ tuổi, thành công đến sớm, cả danh vọng và tiền tài kéo về vận vào anh cùng lượt. Đáng nhẽ, anh phải có một thời trai trẻ đầy sôi nổi, vậy mà “Hồi đó anh hiền khô. Chỉ đi hát rồi về nhà, thi thoảng đi chơi với bạn bè một chút”, anh nhớ.

Thời năm 1992 cho đến 1994, khán giả đang phát cuồng với thể loại cải lương được quay ngoại cảnh rồi xuất xưởng với dạng băng video. Anh trở thành cái tên được giới bầu show săn đón nhất trong giới. Mỗi tháng, anh quay liền 7 đến 8 cuốn. Sáng đi quay, tối đi hát. Sáng đi thu, tối đi diễn… Cái guồng quay như dòng điện đã bật công tắc khởi động, không ngăn lại được. Hầu như mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của anh ngay khi mở mắt là trả lời điện thoại nhận và từ chối những lời mời quay.

Tiền ùa đến anh như nước, nhưng anh đang rất bận, bận đến độ không có thời gian để xài đến tiền. Anh nói với tôi rằng, thật ra hồi này anh cũng không quan tâm gì đến tiền đâu. Anh chỉ quan tâm đến vai diễn thôi, vì lúc này anh đang ở thời điểm sung sức nhất. Cũng từ băng đĩa, cái tên Kim Tử Long có cơ hội đến gần hơn với cộng đồng người Việt ở nước ngoài… Những lời mời lưu diễn thường xuyên hơn, danh tiếng được bền chặt hơn.

Internet vào Việt Nam, giới trẻ bắt đầu được tiệm cận với những loại hình giải trí mới, rồi sự cạnh tranh không lành mạnh của các trung tâm sản xuất băng đĩa cải lương… dẫn đến việc ngành nghệ thuật này thoái trào. Thoái trào, nghĩa là cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ bị thu hẹp lại, chứ những nghệ sĩ kịp khắc tên mình vào lòng khán giả như anh (và những nghệ sĩ khác) thì show diễn vẫn cứ đến đều đặn, chưa hề giảm sút.

Cải lương không trụ được ở thành phố, thì còn bạt ngàn các sân khấu ở miền Tây, thậm chí là cả miền Bắc vẫn đang ngóng nghệ sĩ về. Như năm 2012 và 2013, anh cũng từng đưa đoàn cải lương miền Nam ra trình diễn ở Hà Nội rất thành công trong chương trình Ngôi sao phương Nam. Tháng 10 năm này, anh lại tiếp tục đưa đoàn đi lưu diễn phía Bắc.

Anh bắt đầu nói với tôi về biến cố của đời mình. Anh nói, đó là một cú vấp ngã. Tôi trả lời, tôi am hiểu cá tính và sự nhạy cảm của mỗi nghệ sĩ. Với lại, có ai kết án anh đâu, chỉ là truyền thông kết án anh thôi mà. Giả mà anh không phải là Kim Tử Long, anh chỉ là một cá nhân khác, thì chắc chắn anh không phải hứng chịu một trận bão truyền thông đến mức như vậy. Anh cười, giọng buồn buồn.

Mấy bài báo họ giật tít ghê quá, nội dung một đằng họ giật một nẻo. Người đọc không đọc nội dung, chỉ đọc tít thì có khi tưởng anh đã bị bắt hôm nảo hôm nào rồi. Khán giả gọi về cho anh từ khắp nơi, trong nước và ngoài nước, ai cũng lo lắng cho anh. Anh vừa ngại vừa thương, anh không thể mường tượng là phút hiểu nhầm đáng tiếc của mình để lại nhiều dư chấn vậy. Thôi thì mỗi lần vấp ngã là thêm lần tích lũy kinh nghiệm sống cho mình.

Điều làm anh cảm thấy hiu hắt nhất là cách hành xử của một đơn vị truyền hình, vai diễn của anh đã ấn định, lịch quay cũng đã sẵn. Đột nhiên, họ gọi cho anh, nói: “Báo chí làm lùm xùm quá, phải cắt vai của anh”. Anh thật sự không hiểu được điều này.

“Anh nói thiệt, nghệ sĩ như tụi anh, luôn xem truyền hình là ngôi nhà của mình, là đất để tụi anh diễn. Như anh, anh diễn ở đài có phải vì tiền đâu. Anh nhận được lịch của đài, là anh từ chối hết các show khác để tập trung làm tốt công việc của mình. Vậy mà, anh lại bị quay lưng ngay chính nơi mà anh coi là ngôi nhà ấy. Cũng là cách nói thôi, nếu nói với anh rằng, lý do này, lý do kia nên cắt vai của anh, anh sẽ thấy được an ủi hơn. Cần gì đâu phải nói thẳng với anh như vậy, em nghĩ đúng không? Anh có phạm tội gì đâu, anh có bị khởi tố gì đâu mà lại xem anh như người có tội?”.  Anh nói trầm đều.

Tôi theo nghề báo đã lâu lâu, tôi hiểu những gì mà những nghệ sĩ như anh phải gánh chịu mỗi lúc không may xảy ra sự cố. Người thường bực bội cãi nhau một ít, xem là gió thoảng qua. Người có danh vọng cau có một lát, trở thành lời đàm tếu…

Mà biết là làm sao, bởi như tôi đã chọn đặt cái tít trong bài viết này, danh vọng nào lại chẳng đi kèm với gió mưa

Ngô Trí Minh
.
.