NSƯT Đức Long: Một tôi và một đám đông

Thứ Sáu, 04/04/2008, 10:30
Một hình dáng lòng khòng trong bộ đồ bạc phếch. Mặt cũng bạc. Một chút mỏi mệt. Một chút tự tại. 16 năm với chiếc xe cũ như một giấc mơ cũ. Đi và về. Lẫn vào trong những con đường Hà Nội nhiều bụi. Sau gần 30 năm ca hát vẫn vậy, vất vả yêu nghề như tất cả "ca sỹ nhà nước", vất vả sống như những "công chức nhà nước". Đó là Đức Long, người tự coi mình là một người thợ lành nghề, nhưng suốt 48 năm làm người, chưa một ngày thôi vất vả!

Mặt nhàu cô đơn

Tôi đã tìm kiếm rất nhiều lần trên Internet những thông tin về Đức Long, nhưng kết quả thường làm cho tôi hoang mang nhiều. Có thể nói là gần như không có gì. Tôi đem sự hoang mang ấy đến gặp Đức Long và điều đó làm anh bật cười. "Người ta quên mình đi là vừa, cũng 30 năm rồi, già quá, ai mà nhớ? Để cho các bạn trẻ tiến lên chứ".

Đức Long hút thuốc nhiều, mỗi khi rít thuốc má hóp hết cả lại, nhìn như một người thợ già bên ký ức của mình hơn là người đàn ông vẫn còn khoảng thời gian cuộc đời rộng dài trước mặt. Mỗi ngày ít nhất anh hút 4 bao thuốc, có khi nhiều hơn. Điếu thuốc không ngừng đỏ trên môi.

Nhìn anh ngồi một mình trong quán cà phê vắng, cái mặt ấy nhàu nhĩ và cô đơn như thể sắp kiêu hãnh cháy. Anh nói, hút thuốc chả hay ho gì, nhưng nghiện rồi, và nó như một thứ bệnh nghề. Nếu anh ngừng hút thuốc chừng ba chục phút là cổ họng gần như khản đặc và nói không thành tiếng.

Thế nên, mỗi buổi sáng tỉnh dậy trong căn phòng nhỏ của mình, điều đầu tiên anh cần là hút ba điếu thuốc rồi mới chuẩn bị ra khỏi nhà. Đến lúc này thì tôi hiểu, vì sao vóc dáng này, khuôn mặt này sau nhiều năm không đổi thay.

Chất nicotine ngấm sâu trong máu anh, và anh đã đến mức lệ thuộc vào chúng và chúng như một thứ nhiệt kế đo sức khỏe của anh mỗi ngày. Anh biết như vậy là một điều không tốt. Nó còn gây cho anh hàng loạt những tin đồn, chẳng hạn như anh là kẻ nghiện ma túy hoặc những thứ tương tự thế.

Đức Long hiểu điều đó và cũng có những lúc buồn. Nhưng tôi cũng biết, có những thói quen xấu mà rất nhiều khi người ta phải lệ thuộc rồi không thể dứt ra. 

Đức Long rất sợ những đám đông. Bắt anh ngồi quanh một bàn nhậu thì đó là một cực hình. Cái mặt nhàu của anh dễ làm người ta liên tưởng tới những bữa nhậu say sưa cho cạn kiệt nỗi buồn, như văn chương hay vẽ những người nghệ sỹ.

Nhưng anh gần như tuyệt giao với thế giới của cồn. Không bia rượu. Anh sợ những cuộc quây quần vui vẻ, sum họp. Sợ những lời chúc tụng giao đãi ầm ào. Sợ cả những thú vui phồn thực ồn ĩ. Như thể anh thuộc về một nỗi cô đơn nguyên thủy.

Ngày nào cũng vậy, cứ sau 11h đêm là có thể thấy anh cùng một vài người bạn ở quán cà phê Napoli trên phố Phan Bội Châu. Quán nhỏ, người không ồn ào và tiếng nhạc ấm cúng. Đức Long khi hát cũng hợp với không gian nhỏ và vừa như thế. Anh sợ những không gian cần gào thét mà tiếng micro của ca sỹ nhiều khi không lớn bằng tiếng khán giả hò reo. Có vẻ như anh mãi mãi chỉ là một chiếc lá trong rừng cây rậm rạp.

Dù bên cạnh biết bao bạn bầu, dù có biết bao nhiêu nơi chốn để nương tựa mỗi lúc mỏi lưng chồn gối, nhưng chiếc lá ấy vẫn tách mình ra khỏi suối sông thác lũ, chỉ giữ lại một chút của riêng mình, đứng yên lặng một mình. Cả một cuộc đời, chiếc lá cô đơn...

Chưa một ngày bình yên

8 tuổi, Đức Long trở thành cậu bé mồ côi. Cha mẹ anh ra đi đột ngột sau cơn bạo bệnh. Và kể từ đó, anh phải ngụp mình vào đời sống, phải neo mình trong nhiều nơi chốn để dần ngoi lên, trưởng thành và làm một người nghệ sỹ. "Lúc nào tôi cũng có ý nghĩ, dù tôi nghèo, mồ côi, nhưng tôi không được trở thành kẻ ăn bám, sống dựa" - Đức Long nói.

Anh bắt đầu đi học, kèm theo đó là những buổi đi làm thêm, để cố gắng có đủ tiền mua tem phiếu trong những ngày bao cấp khó khăn, để những chú bác cô dì cưu mang anh không phải canh cánh lo thêm một miệng ăn giữa kỳ nghèo túng.

Học hết cấp hai, Đức Long đi làm công nhân, việc học dở dang ấy phải mãi sau này anh mới bổ túc xong. Và trở thành một thợ lái máy xúc tại mỏ than Hòn Gai. Anh nói, dù có làm thợ thì anh cũng cố gắng hết sức để trở thành thợ giỏi. Và sẽ không bao giờ nhận bất cứ thứ gì không phải của mình.

Và rồi, cuộc thi nghệ thuật quần chúng năm 1984 đã kéo Đức Long ra khỏi cuộc sống của một người thợ. Anh trở thành ca sỹ của Đoàn nghệ thuật Phòng không - Không quân sau khi được huy chương vàng từ cuộc thi này, bắt đầu cuộc đời của một nghệ sỹ.

Nhưng hành trình ấy cũng là hành trình khổ nạn, vất vả để trưởng thành với một nghệ sỹ tay ngang mà cái vốn đang có chỉ là một thứ năng khiếu trời cho. Nghề hát nghiệt ngã. Đã có không biết bao người đến, cả đời chỉ được đứng trong một đám đông làm hợp xướng viên, không bao giờ có cảm giác cầm một cái micro đúng nghĩa. Rồi sự nghiệp lặng lẽ đến, lặng lẽ đi.--PageBreak--

Làm ca sỹ trẻ khi xưa, trong nền văn nghệ hoàn toàn bao cấp và... phân phối, để tách mình ra được khỏi dàn hợp xướng, trước hết phải đủ trưởng thành để trở thành ca sỹ hát lĩnh xướng. Rồi bắt đầu được nhập vào tốp ca. Và sau đó có thể là song ca. Cuối cùng, con số lên được hát đơn ca là con số hiếm hoi và tinh lọc nghiệt ngã. Đức Long cũng đã phải trải qua trọn vẹn những bước đi ấy. Để được hát. Và được là chính mình.

Nhưng mọi chuyện không bao giờ giản đơn. Trong từng giai đoạn sống, có những khi người ta phải trải qua những tháng ngày buồn chán giống hệt nhau. Như Đức Long cũng vậy. Đã có những khi, anh từng phải hát một bài, ở cùng một vị trí trong cùng một kết cấu chương trình tới vài năm.

Chỉ là như thế, không cần biết hát có hay không và có phù hợp với mình không. Đó là một công việc đã được phân công rành mạch. Người nghệ sỹ có lẽ không sợ gì hơn là sự nhàm chán, cũng không tuyệt vọng gì hơn là những giấc mơ nghệ thuật không thành. Nhưng Đức Long đã ngấp nghé vào cái vực thẳm ấy.

May mắn là anh đã đi học ở Nhạc viện, rồi chuyển về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Có lẽ vì sự chuyển đổi ấy, người ta mới được nghe Đức Long hát nhạc Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Đặng Thế Phong, rồi nhạc Trịnh Công Sơn…

Anh đã ra hai đĩa nhạc cùng Lô Thủy và Minh Huyền, tất cả đều là những bản nhạc xưa. Đức Long khi xuất hiện trên sân khấu cũng cô đơn. Đến hát, rồi ra về, lặng lẽ với cuộc sống của mình.

Tôi hỏi Đức Long rằng, trong hơn 40 năm làm người, đâu là lúc anh cảm thấy mình khó khăn nhất? Anh nói, chưa lúc nào anh thấy bình yên, lúc nào cũng thấy cuộc sống của mình vất vả và từ nhỏ tới giờ, anh luôn phải tự vạch hướng đời mình, luôn phải nhắc mình không được mệt mỏi, không được thả mình trôi tự do mất phương hướng.

Anh nói, nếu như chỉ cần một chút yếu lòng, có thể anh đã không là anh bây giờ mà có thể đã là một kẻ đầu đường xó chợ, cầu bất cầu bơ. Đức Long sống bằng đồng lương nhà nước, nhiều năm rồi vẫn vậy, tự co mình cho đủ ấm trong chiếc chăn công chức nhà nước, dù vật giá leo thang biến chuyển không ngừng.

Những ca sỹ như Đức Long hát show không nhiều, chủ yếu anh hát những chương trình của Nhà hát và sống bằng nghề dạy học. Đi hát phòng trà anh cũng chỉ chọn những khi thực rảnh rỗi. Anh không coi nghề hát như một cách kiếm tiền làm giàu. Anh chỉ hát trong những đêm thấy tâm hồn thanh thản. Anh không buồn vì mình nghèo, trong túi anh không bao giờ có tiền nhiều, nhưng anh lại là người có nhiều bạn. Vì anh đến với họ chỉ bằng tình bạn chân thành mà thôi.

Đường yêu đương đầy ải nhân gian…

Đức Long từng có một người vợ. Khi ấy, chị là diễn viên của một đoàn kịch. Gặp và yêu nhau, nhưng họ không xác định bất cứ điều gì. Đến tận khi lấy nhau, Đức Long vẫn chỉ có một chiếc ba lô rách, sống ở nhà tập thể mấy chục năm. Họ cùng dọn về nhà chị sống.

Khi chị mang bầu thì đúng đợt tuyển vào biên chế, và họ buộc lòng phải dứt bỏ mầm sống ấy nhằm ổn định công việc vì người phụ nữ khi có bầu thì cơ hội vào biên chế sẽ gần như không có vào thời ấy. Rồi, cuộc hôn nhân đã không kéo dài. Họ chia tay nhau.

Vài năm sau, người phụ nữ ấy cũng đã định cư tại Sài Gòn. Chị vẫn chưa lập gia đình. Và họ vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Họ như hai người cô đơn đi tìm tình yêu, nhưng đều sợ hãi những vết xước của cuộc hôn nhân ấy mà không dám lần hồi quay lại.

Anh nói, với cuộc hôn nhân ấy, ban đầu anh day dứt nhiều. Nhưng rồi mọi thứ qua đi và bây giờ vẫn giữ được sự quý trọng lẫn nhau, cái đó là điều quan trọng nhất.

Tôi hỏi anh về những người phụ nữ. Đức Long cười. Anh nói, cũng không ít những người phụ nữ hâm mộ và tỏ tình. Nếu anh cần một cuộc sống giàu có, anh có thể đã có từ những người đàn bà ấy. Nhưng anh luôn giữ một điểm nhất quán, anh chỉ lấy những gì là của mình.

Cuộc sống của anh không giàu. Nhưng anh lại là người tự trọng. Và lòng tự trọng quá lớn đã khiến anh nhiều khi không vượt qua được những rào cản trong đời sống quá nhiều đổi thay hôm nay. Với tôi, Đức Long đã là một người cũ. Nhưng lòng tự trọng và chỉ nhận những gì thuộc về mình của anh, thì luôn luôn mới.

Có nhiều điều tôi muốn hỏi Đức Long, về những cuộc tình đã qua và những cuộc tình anh đang có. Nhưng thực lòng, sau buổi chiều trò chuyện này, tôi chợt nghĩ những câu hỏi ấy đã không còn phù hợp.

Cuộc sống đã lấy đi của anh quá nhiều. Thì bây giờ, anh đang yêu và người ấy có là bất kỳ ai, thì cũng vẫn là sự bù trừ của số phận. Anh có quyền được hạnh phúc. Và anh có quyền giữ kín tình yêu của mình, có thể chỉ vì muốn giữ kín một chuyện thiêng liêng…

Hoài Phố
.
.