NSƯT Anh Dũng: Cố xóa đi nỗi buồn

Thứ Bảy, 19/10/2013, 16:30
Ai đó từng nói, thời gian sẽ xoa dịu nỗi đau, và làm  lành những vết thương. Nhưng với Nghệ sĩ ưu tú Anh Dũng, thời gian như khắc vào ông nỗi cô đơn, tiếc nhớ về người vợ thân yêu - NSND Phương Thanh. Nỗi cô đơn đó đang hiện diện trong ngôi nhà nhỏ của bố con ông; dù giờ đây, linh hồn người vợ quá cố đã siêu thoát ở cõi nào.

1. NSƯT Anh Dũng ngồi một mình trong phòng khách bề bộn đồ đạc. Ngôi nhà này ông mới xây được hai năm. Hồi đó, khi vợ mất, hai bố con sống trong ngôi nhà cũ rộng thênh thang, chạm vào đâu cũng là hình ảnh của người vợ đã khuất. Từ cái ghế ngồi, đến bậc cầu thang, cái tay nắm cửa... Hàng ngày phải đối diện với nỗi buồn, khiến cuộc sống của hai bố con ông nặng nề. Ông quyết định bán căn nhà đầy ký ức buồn bã đó và mua đất xây lại ngôi nhà này.

Cố xóa đi một nỗi buồn. Nhưng tôi cảm nhận thấy nỗi buồn vẫn hiện diện trong ngôi nhà này, trong đôi mắt của ông và trong cả giọng nói trầm buồn của NSƯT Anh Dũng. Ông gần như không giữ lại đồ đạc cũ. Có còn lại, chỉ là những kỷ vật của vợ, ông để lên tầng 4, làm thành một không gian tưởng niệm vợ. Những bộ phim, những bức ảnh, cả những đôi giày…

Con gái của ông và nghệ sĩ Phương Thanh vừa tốt nghiệp đại học, ngành ngân hàng. Anh Dũng muốn con ra nước ngoài tu nghiệp. Nhưng nhớ con và nghĩ đến cảnh sống một mình, ông không chịu nổi, nên lại thôi. Hàng ngày, hai bố con lụi cụi chăm nhau. Con cái sống dựa vào bố mẹ, nhưng Anh Dũng đang dựa vào con, để đi qua những tháng năm cô độc của mình. Đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống giản đơn là thế. Trống vắng đến lạ lùng.

Bạn bè khuyên Anh Dũng lấy vợ. Năm năm rồi còn gì. Đàn ông sống mãi một mình đâu có được. Nhưng tìm một người phụ nữ phù hợp với hoàn cảnh của gia đình ông thật khó. Ai sẽ chấp nhận yêu và lấy, khi hình bóng người vợ quá cố vẫn luôn hiện hữu trong ngôi nhà này, và trong tâm tưởng của ông. Thôi, để mặc cho số phận. Tùy duyên. Anh Dũng buông tiếng thở dài.

NSƯT Anh Dũng và vợ- NSND Phương Thanh trong bộ phim Kỷ niệm đồi trăng.

Có lẽ ông đã quen với nỗi buồn. Quen cảnh gà trống nuôi con. Ngày xưa, còn có vợ, có thể đi công tác bạt mạng; nhưng giờ, chỉ xa con dăm ba ngày là thắc thỏm, mong ngóng trở về. Những lúc nhớ vợ, ông lại lái xe lên nghĩa trang Thanh Tước, ngồi bên mộ vợ một lúc rồi lại quay về. Bạn bè bảo, đừng lên nhiều như thế, làm Phương Thanh quyến luyến cõi trần không siêu thoát được.

Giờ thì một tháng một lần. Lần nào lên, ông cũng ngồi rất lâu. Không trò chuyện mà chỉ im lặng. Bởi với họ, chỉ im lặng là đủ. Nhưng có một điều lạ, từ khi Phương Thanh mất đến giờ đã 5 năm, tuyệt nhiên Anh Dũng và con gái không hề mơ thấy chị về. “Có lẽ Phương Thanh thương tôi và con, nên muốn chúng tôi quên cô ấy đi. Không muốn về làm xáo trộn cuộc sống của chúng tôi”.

Chỉ duy nhất, lần nghệ sĩ Phương Thanh được truy tặng danh hiệu NSND, ông cảm nhận được sự hiện diện của chị. Lần đó, Anh Dũng phô tô mang lên hóa trên mộ. Hôm ấy trời mưa tầm tã, bát hương đang cháy bỗng hóa bùng lên. Ông biết, chắc Phương Thanh vui lắm. Dù lúc đó, với Anh Dũng mọi thứ chỉ là phù du thôi. Nhưng ông muốn chị được vui.

Nghĩ lại quá khứ, có lúc Anh Dũng không hiểu mình đã vượt qua như thế nào. Vợ mất đột ngột. 19 ngày sau, mẹ cũng qua đời. Ông sụt đi 10 kg. Tóc bạc trắng. Nhưng dường như, số phận chưa buông tha ông. Đúng thời điểm khủng hoảng đó, Anh Dũng lại có quyết định thôi giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, với nhiều điều tiếng, lùm xùm.

Anh Dũng được điều chuyển về Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Ông thành người trắng tay. “Lúc đó hai người đàn bà quan trọng nhất trong cuộc đời mình đã mất thì chẳng có gì còn ý nghĩa với tôi nữa. Tất cả mọi thứ, quyền lợi, danh vọng đều đặt dưới chân hết. Tôi buông tất cả. Mặc kệ số phận”.

Nhưng ông không thể buông cuộc sống, khi bên cạnh ông còn có con gái. “Tôi đã sống bằng những năm tháng của nỗi buồn cả đời người cộng lại. Năm năm mà tưởng như đã sống cả một kiếp người. Quá đủ rồi, những đau đớn, mất mát. Phương Thanh mất là một nỗi đau đớn không gì có thể khỏa lấp được. Nhiều ân hận, xót xa, rất nhiều dự định dang dở tôi chưa làm được khi còn bên nhau. Chỉ nghĩ thôi, cũng đủ cho tôi suy sụp. Nhưng tôi biết cô ấy sẽ không vui khi nhìn thấy tôi gục ngã, tuyệt vọng”.

Và trong nỗi khốn cùng của cuộc đời, Anh Dũng vẫn phải sống. Mạnh mẽ sống. Công việc, niềm đam mê nghệ thuật trở thành cứu cánh cho tâm hồn ông. Ông không oán trách số phận không oán trách cuộc đời, dù cuộc đời đã có lúc quá khắc nghiệt với ông. “Bản lĩnh và ý chí của một người đàn ông khiến tôi phải vượt qua tất cả. Cuộc sống còn nhiều việc phải làm, và nó vốn dĩ khó khăn, phức tạp. Con gái còn nhỏ. Mình không bản lĩnh, con thuyền sẽ đắm”. 

2. Anh Dũng vừa nhận quyết định về hưu ở Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Ông cảm thấy thanh thản và tự do, như vừa cởi bỏ chiếc áo khoác cuối cùng và được trở lại đúng là mình. Giờ là lúc, ông có thể làm những thứ mình thích. Lúc đầu Anh Dũng nhận lời mời quay trở lại Nhà hát kịch Việt Nam, vào vai anh hàng thịt trong vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ, Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

Nhưng khi biết vở kịch sẽ tham gia liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ, ông lại từ chối. Đối với ông, thế hệ đã cống hiến cả cuộc đời cho sân khấu, thì những giải thưởng, huy chương giờ không còn quan trọng nữa. “Nếu để thi thố thì không còn hợp với tôi. Hãy để cho những người trẻ khao khát thể hiện tài năng của họ. Mình có tuổi rồi, huy chương chẳng còn mấy ý nghĩa nữa”.

Nhưng xem Hồn Trương Ba da hàng thịt của đạo diễn Đặng Tú Mai, vẫn thấy nhớ Hồn Trương Ba da hàng thịt của những năm 1990, với ê kíp là cố NSND Trọng Khôi, NSƯT Anh Dũng, NSND Trần Tiến, Phạm Bằng và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi... Hình như đó cũng là nỗi hoài nhớ về một thời huy hoàng của sân khấu nước nhà. 

Bởi thực trạng sân khấu trong những năm gần đây u ám. Liên hoan các tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ càng cho thấy khoảng trống của sân khấu đương đại. Ở đó, giờ thiếu đi sự trong sáng, vô tư. Đó không phải là nơi thuần túy của nghệ thuật và những kịch bản hay, những con người dấn thân cho nghệ thuật.

Mà là ê kip, là phần trăm chia chác, là quan hệ thân sơ. “Những thứ mua bán đó, đáng lẽ không nên mang đến nơi linh thiêng là thánh đường của sân khấu. Thời tôi làm, vô tư và rành rọt lắm. Một kịch bản dở, dù ông là bạn tôi, tôi cũng gạt đi. Nhưng giờ là cơ chế thị trường, sân khấu dễ dãi với cách nhìn nông cạn. Rồi không biết sẽ đi về đâu”. Anh Dũng thở dài.

Nỗi buồn kế tiếp nỗi buồn. Ông đã từng quyết liệt đi con đường của mình, với một cái tâm sáng: Làm được gì cho sân khấu nước nhà. Và con đường đó, va đập vào quyền lợi của một số người. “Tôi buồn vì nhân tình thế thái đã thay đổi”. Hơn ai hết, Anh Dũng hiểu được sự nghiệt ngã của sân khấu đằng sau ánh hào quang.

Vì thế, ông nhất quyết không cho con gái theo nghề của bố mẹ, mặc dù, từ lúc còn nhỏ, con gái được thừa hưởng gen di truyền của bố mẹ, đã tham gia đóng phim.

Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật, Anh Dũng chưa bao giờ tự nhận mình là người tài năng. “Nhưng tôi đã rèn luyện mình trong lò lửa để có thể chạm tới mép của tài năng”.

Đó là niềm đam mê, là sự dấn thân, không vụ lợi. Ông nhớ mãi câu nói của nghệ sĩ Song Kim khi bà trút hơi thở cuối cùng: “Dũng ơi, nếu có kiếp sau thì chị cũng mong muốn trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam”. Một thế hệ đã đã coi sân khấu là lẽ sống của cuộc đời mình.

Còn với Anh Dũng, cả cuộc đời, hơn 40 năm, ông chưa ngừng cống hiến. Ngay cả khi thuyên chuyển công tác, thì ông vẫn viết kịch bản, tham gia đóng phim và lên sân khấu. Làm việc để quên đi nỗi buồn. Nhưng làm việc cũng vì đam mê. Những năm gần đây, ông viết nhiều kịch bản hơn. “Vì sao tôi muốn trở thành nhà biên kịch, bởi tôi muốn trở về nơi đầu tiên của nghệ thuật, đó là kịch bản văn học. Có bột mới gột nên hồ. Ông cha ta từ xa xưa đã nói như vậy”. Nên dẫu cuộc sống thật buồn, nhưng Anh Dũng vẫn thanh thản.

Ông có thói quen dậy sớm, đi bộ một vòng rồi ngồi vào máy tính làm việc, say sưa với những kịch bản về cuộc sống đương đại.  Nhưng trong sâu thẳm, ông vẫn mơ về một vai diễn góc cạnh trong điện ảnh. Đó mới là Anh Dũng một cách trọn vẹn như ông đã từng xuất hiện trên thánh đường sân khấu những năm 90 và những vai góc cạnh, cá tính như Thu trong Cô gái bên sông.

Tôi rời khỏi ngôi nhà của nghệ sĩ Anh Dũng khi bố con anh bắt đầu bữa ăn trưa. Không hiểu sao, tôi cứ bị ám ảnh bởi nỗi buồn, sự cô độc của kiếp người trong cuộc đời này. Nỗi buồn ấy, sự cô độc ấy có lẽ sẽ không bao giờ thôi hiện diện trong ngôi nhà vắng bóng Phương Thanh của Anh Dũng.  Nhưng với Anh Dũng, nỗi buồn sẽ giúp ông sống có ý nghĩa hơn với cuộc đời này

Việt Nguyễn
.
.