NSND Thế Anh: Đã đến lúc phải tính sổ với cuộc đời

Thứ Tư, 20/10/2010, 14:51
NSND Thế Anh bây giờ đã ở tuổi 73, vẫn quần bò áo phông, học tiếng Anh để chờ một vai diễn để đời, và nói về phim ảnh hào hứng như ngày 30 tuổi. Chỉ có ánh mắt, ẩn sau cặp kính rất model, là một nỗi cô đơn trũng sâu, như chưa từng ai chạm tới. Vinh quang và những phiền muộn của một đời cống hiến hết mình cho nghệ thuật, với NSND Thế Anh có lẽ đã tính sổ được rồi.

Chuyến ra Hà Nội lần này của ông theo lời mời của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, làm giám khảo Liên hoan sân khấu  “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần 2, nên cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những dư âm của một cuộc Liên hoan.

PV: Sao ông lại nhận lời làm giám khảo Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ CAND?”.

NSND Thế Anh: Lúc đầu nhận lời mời của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, tôi cũng ngần ngại, vì nghĩ Công an thì khô khan, có gì mà nói, chắc cũng thường thôi. Nhưng quả thực tôi bất ngờ. Điều mà tôi hết sức ngạc nhiên và thích thú là chất lượng cuộc liên hoan đã thực sự được nâng tầm, nội dung các vở kịch rất hay, tôi nói từ đáy lòng mình đấy.

Phải cảm ơn hội diễn chuyên nghiệp này bởi chính hội diễn đã nói được hết những băn khoăn trăn trở của người chiến sĩ Công an trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, người thì dằn vặt chuyện gia đình, người thì phải bỏ cả đám cưới để vào trại cải tạo sống cùng phạm nhân để điều tra, hy sinh lớn lắm chứ.

PV: Những góc khuất đời thường về hình tượng người chiến sĩ Công an, đó là cái được lớn nhất ở cuộc liên hoan này, bởi bây giờ, người dân vẫn giảm niềm tin vào Công an lắm.

NSND Thế Anh: Đúng, đúng. Tôi chỉ băn khoăn làm sao mà sau cuộc thi này, Ban tổ chức sẽ nhân rộng hơn nữa, để các vở diễn đến gần với công chúng, giúp họ có một cái nhìn tin yêu vào cuộc đời. Chứ sáng mở mắt ra, thấy nhan nhản trên báo chí là cướp, giết, hiếp, hãi lắm.

Nhiều người xem những vở kịch này họ sẽ hiểu hơn, và thấy cuộc sống đẹp hơn nhiều. Tôi đánh giá cao chất lượng nghệ thuật của cuộc liên hoan mà nhiều đoàn chuyên nghiệp cũng phải hổ thẹn. Người ta làm rất trang trọng, nghiêm túc nên mới có cuộc liên hoan vừa rồi.

Xem xong vở "Hoa Thép", tôi đã gặp biên kịch và đề nghị chuyển thành kịch bản phim bằng cách đẩy bi kịch của cô Kim Sen lên. Lâu lắm rồi mình chưa có một hình tượng nữ chiến sĩ Công an như trong "Hoa Thép", làm sao mình có một bộ phim kinh điển như "Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân" của Nga ấy.

PV: Nói về sân khấu là chạm đến sở trường của ông rồi, ông cũng là người của sân khấu đấy chứ, nhưng người ta nhớ NSND Thế Anh chủ yếu là những vai diễn của nghệ thuật thứ bảy.

NSND Thế Anh: Tôi thuộc thế hệ vàng của sân khấu đấy, bạn đồng môn của Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, hồi đó Giáo sư, Tiến sĩ Đình Quang làm Hiệu trưởng, rồi NSND Nguyễn Đình Nghi, Ngô Y Linh, toàn cây đa, cây đề trên làng sân khấu cả. Chúng tôi cùng học đại học sân khấu khóa 1961-1964. Nhưng khi ra trường, tôi lại có duyên với điện ảnh, thế rồi hào quang cứ kéo tôi đi…

Nhưng ngẫm lại, đúng mình là một diễn viên “đagiênăng”, máy đa hệ chứ không phải một hệ nên vào rất nhiều loại vai, địch, ta, nhà giáo, bác sĩ, người cha độc ác; bên kịch cũng được mà bên phim cũng OK, cái quan trọng là nắm vững kỹ thuật biểu diễn, giữa diễn xuất bên kịch và điện ảnh rất khác nhau, nhưng tại sao tôi thống lĩnh được cả hai địa bàn. Vì tôi được đào tạo 4 năm cơ bản ở trường, rồi còn đi tu nghiệp ở Liên Xô, ở Cộng hòa Dân chủ Đức, đóng phim bọn họ há hốc cả mồm.

NSND Thế Anh và NSND Lan Hương.

PV: Ông đi tu nghiệp vào những năm nào?

NSND Thế Anh: Sau năm 1965, hồi đó tôi gần 30 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu, sang giao lưu về kịch, họ bắt phải nói tiếng Nga, nhưng tôi học Pháp, họ phân vai cho tôi đóng để các giáo sư bên đó góp ý kiến, tôi không biết tiếng Nga nhưng giọng bắt chước của tôi rất giỏi, khiến hội sinh viên và thực tập sinh bất ngờ, sang Đức tôi cũng bắt chước nói tiếng Đức, mà toàn học vẹt chứ có biết gì đâu. Nhưng sang đó, mình phải thể hiện cho họ biết mình là diễn viên xịn chứ không phải diễn viên vớ vẩn, cho họ xanh mắt biết thế nào là diễn viên Việt Nam.

PV: Thế Anh ở tuổi 73 nhưng giọng nói vẫn sang sảng, đứng trên sân khấu hàng tiếng đồng hồ với những vai diễn gai góc, ông có nghĩ mình đang mang cái ách nghề nghiệp quá nặng. Có khi nào ông nghĩ mình sẽ giã từ sân khấu, phim trường để vui sống và an hưởng tuổi già.

NSND Thế Anh: Tôi luôn coi nghệ thuật là lẽ sống, thấy ánh đèn bật lên là lao lên sân khấu như một con thiêu thân. Có lúc nào tôi chán cuộc đời này đâu. Tại sao tôi vẫn giữ được sức trẻ vì mình vẫn hừng hực ở nghề. Nhiều người hỏi, tại sao anh trẻ mãi, anh không có tuổi, vượt thời gian.

Bởi mình vẫn say mê tìm hiểu, một trong nguyên tắc của người diễn viên là như một ống kính chụp hình, phải luôn biết ngạc nhiên trước cuộc sống, hôm nay mùa xuân, mùa thu, mùa hạ, mùa đông, những thay đổi của thời tiết mình thu vào người. Nhiều người còn bảo ông vẫn hăng quá nhỉ. Tôi bảo, đó là vì tôi say mê, chụp bao nhiêu ảnh tôi đều đem đi rửa để lưu lại những khoảnh khắc trong đời.

Ở cái tuổi này rồi ở nông thôn người ta đã gọi cụ ạ, mời cụ dậy ăn cơm, một thời gian là mọc rễ thì mình cũng toi, mình chỉ còn cách chống lại thời gian bằng làm việc, làm việc… Tôi nghĩ, cuộc đời mình sẽ chết trên phim trường hoặc trên sân khấu. Nhiều khi tôi đi làm phim, vợ và các con tôi bảo thôi, bố đi làm phim làm gì, ăn giải gì đâu mà làm, cátsê thì quá thấp…

PV: Các cụ xưa hay nói, quý hồ tinh bất quý hồ đa, còn NSND Thế Anh thì dường như có cả hai, vừa đa lại vừa tinh.

NSND Thế Anh: Không hẳn thế đâu, tôi cũng có những vai xoàng đấy, như trong "Xin lỗi tình yêu", hồi đó họ trả cátsê cao, hám tiền, vả lại được đóng với những người đẹp nên tôi nhận lời (cười). Sau xem lại mới thấy ân hận. Vừa rồi, trong "Tây Sơn hào kiệt", tôi vào vai Nguyễn Hữu Chỉnh, người được xem là Gia Cát Lượng của Việt Nam, là một nhân vật văn võ toàn tài, quá xuất sắc. Đây là phim dã sử nên họ đã hư cấu nhiều tình tiết tôi không được ưng ý lắm. Nó cũng sai lịch sử, nhưng thôi,  đạo diễn họ bảo làm gì thì làm…

PV: NSND Thế Anh có lúc cũng phải tự thỏa hiệp.

NSND Thế Anh: Có chứ, biết làm thế nào được. Cũng như tôi đóng phim Việt Nam bây giờ tôi cũng phải tự thỏa hiệp vì phim chán quá, nhưng nếu mình cứ cầu toàn thì sẽ không có vai, nên đôi khi chậc lưỡi, vì biết chờ đến bao giờ. Buồn lắm, nên tôi nhảy sang sân khấu để đóng kịch.

Cụ Lênin đã từng nói hàng trăm sư đoàn, hàng trăm trung đoàn không bằng ngâm một bài thơ, đó là thứ vũ khí sắc bén nhất, đất nước mình chưa thấy được giá trị văn hóa là một nguồn xuất khẩu hay nhất, mình mới chỉ xuất gạo, quần áo, chứ chưa xuất được điện ảnh, văn học, cái đó mới quan trọng. Bởi tất cả rồi sẽ mất đi, cái còn lại là văn hóa. Như văn hóa của 1000 năm Thăng Long, văn hóa của người Hà Nội, là lịch sự, là duyên dáng, học vấn, qua những biến động của thời gian sẽ còn lại.

PV: Nói về việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, đúng là một con đường còn xa ngái. Nhưng bây giờ, ông thấy đấy, có nhiều đạo diễn Việt kiều đang về nước làm phim đấy chứ, họ được đào tạo trong những kinh đô của điện ảnh, chúng ta có quyền  hy vọng?…

NSND Thế Anh: Nhiều đạo diễn nước ngoài rất giỏi, nhưng họ sống ở nước ngoài, không thấm được tinh thần của văn hóa Việt, nên họ có những cái nhìn lệch pha về con người, dân tộc mình đấy. Phải lớn lên ở đây, đau đáu với quê mình, phải biết ăn canh cà, rau muống, thì mới thấm được văn hóa Việt.

Nếu sinh ra từ bên Mỹ, thành tài rồi về Việt Nam làm phim thì làm sao hiểu được căn cốt của văn hóa Việt Nam. Như Trần Anh Hùng, làm phim rất hay, nhưng lại thiếu đi cái hồn cốt của người Việt, nên nó lại trở nên xa lạ với văn hóa Việt Nam. Việc xuất khẩu văn hóa là nằm ở chiến lược của các nhà quản lý văn hóa. 

PV: Ai cũng nhìn ra vấn đề, thậm chí đã có những nỗ lực để làm thay đổi môi trường nghệ thuật, nhưng tôi cảm thấy, các nghệ sĩ càng cố gắng thay đổi, thì lại càng xa rời cái căn cốt của nghệ thuật. Tôi xem trên VOV đang chiếu lại "Đêm hội Long Trì", đó là một bộ phim lịch sử, rất ít sạn…

NSND Thế Anh: Đấy là một bộ phim thành công vì đạo diễn có tài, và có tâm huyết, hồi duyệt kịch bản này ông Hải Ninh suýt nữa mất chức, vì dám ký 2 tỷ để làm phim, hồi đó 2 tỷ kinh khủng lắm. Bản thân ông Hải Ninh là người kỹ tính, trước khi làm phim ông lần mò cả mấy tháng trời ở các lăng tẩm Huế, tìm hiểu, nghiên cứu.

Tôi nghĩ, đạo diễn phim lịch sử phải là một nhà sử học, một nhà văn hóa, không thể làm ào ào, qua quýt được. Đất nước mình thiếu tài năng đạo diễn, thiếu những người tâm huyết với nghề. Tại sao hai cuộc chiến tranh giải phóng có bao nhiêu chuyện hay, mà chúng ta không có một bộ phim nào. Ngay cả lịch sử 1000 năm Thăng Long, mà cũng đã có bộ phim nào cho ra hồn cốt Thăng Long đâu…

PV: Theo ông thì nguyên do nằm ở đâu?

NSND Thế Anh: Các cháu bây giờ có lợi thế về ngoại hình, phải nói là rất đẹp nhưng thiếu đi chiều sâu của nội tâm. Tôi rất buồn khi có cô ca sĩ bảo rằng, đóng phim bây giờ quá dễ, còn dễ hơn biểu diễn một bài hát. Các em ngộ nhận sớm quá. Ngày xưa, khi tôi diễn cùng Trà Giang, Như Quỳnh, phê lắm, kẻ tung, người hứng, thế mới có những bộ phim cho con cháu mình xem mà không hổ thẹn. Kịch bản bây giờ cũng hiu hắt lắm, chán quá nên mấy năm gần đây tôi lại nhảy qua sân khấu.

Như tôi nói, hiện nay trình độ diễn viên không thiếu, người đẹp không thiếu, nhưng mình thiếu người sắp xếp, thiếu một cái nhìn chiến lược của các nhà quy hoạch. Đào tạo nghệ thuật không thể ăn xổi, phải kiên trì, như con ong đi làm mật. Ngày xưa thế hệ chúng tôi còn được đi học ở nước ngoài, Liên Xô, Bungari…

PV: Vâng, điện ảnh Việt Nam đã từng có một thế hệ vàng, như Thế Anh, Trà Giang, Như Quỳnh. Nhưng tôi trộm nghĩ, sao ngày đó ông không chuyển qua làm đạo diễn. Các bạn ông bây giờ đều là những đạo diễn danh tiếng đấy thôi, Đoàn Dũng, Doãn Hoàng Giang… Đó cũng là một cách tự nâng cấp mình lên?

NSND Thế Anh: Tôi không nghĩ làm đạo diễn thì cao cấp hơn diễn viên, quan trọng là có để lại dấu ấn trong cuộc đời không thôi. Tôi cũng nhiều tham vọng lắm chứ. Giá như tôi sinh ra ở một đất nước mà điện ảnh phát triển hơn, tôi đã thành một ngôi sao cực "hot" đấy, và sẽ mang lại danh vọng, tiền bạc. Nhưng ở đây, cũng chỉ vậy thôi.

Đôi lúc tôi cũng thấy tiếc, mình đừng ham danh vọng quá, 45-50 tuổi gác kiếm đi làm đạo diễn, thì con đường của mình sẽ dài hơi hơn. Nhưng tôi làm gì cũng cẩn trọng và bài bản, một món ăn giả có thể làm người ta ngộ độc, thậm chí chết ngay, còn những sản phẩm văn hóa giả, nó không chết ngay, nhưng nó thiệt hại đến đời con đời cháu, bởi đó là một sự hạ thấp thẩm mỹ, hạ thấp văn hóa. Thậm chí một vở diễn, một bộ phim tồi nó cứ ngấm dần, làm băng hoại, suy thoái cả một xã hội. Những người đưa ra cái đó là có tội.

PV: Quả là ông nói đúng, bây giờ các sản phẩm văn hóa giả đang chiếm lĩnh đời sống, nên tôi muốn được sống lại hào quang của ông ngày xưa, ông nhớ gì về thời đó?

NSND Thế Anh: Thời đó tôi được trải thảm hoa, đi đâu cũng được xưng tụng, người đẹp vây quanh. Tôi đã có một thời như vậy đấy, sống trong hào quang của những vai diễn. Nhưng tôi không quá sa đà. Thế Anh coi vai diễn chỉ là bệ phóng trong cuộc đời.

Cuộc đời tôi gặp may là vừa ra trường được vào một vai quá nổi tiếng, Trung úy Phương trong phim "Nổi gió", ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, nên tôi đúng là gặp hên, từ đó tôi bước sang một đẳng cấp khác, có thương hiệu.

PV: Nhưng nhiều người đã quên cái tên Thế Anh, mà chỉ nhớ đến Trung úy Phương, đến Ba Duy, có những lúc ông đã ngủ quên trong hào quang của chính mình?

NSND Thế Anh: Không bao giờ, bởi không có gì vô duyên bằng ngày hôm qua, không có gì cổ lỗ sĩ bằng thành tích của ngày hôm qua. Bây giờ tôi mà ngủ trên tất cả những vai diễn của ngày xưa, thì sao tôi phải đi học tiếng Anh. Quên cái ngày xưa đi, con người ta chia ra làm bốn hồi, hồi 1 tức là hồi hộp, hồi 2 tức là hồi xuân, hồi 3 tức là hồi đó, hồi 4 là hồi kẻng.

Nên tốt nhất mình luôn giữ cho mình ở hai chữ, hồi hộp và hồi xuân (cười sảng khoái). Tôi lên sân khấu ở tuổi 73 là một sự khẳng định, tobe or not tobe. Tôi hy vọng trong vòng 2 năm nữa, biết đâu đấy, có một vai diễn đang chờ tôi. Hôm trước tôi ngồi với nhà thơ Hồng Thanh Quang, Quang bảo cuộc đời tôi đã đến lúc tính sổ được rồi.

PV: Nghĩa là…

NSND Thế Anh: Không ai có thể tính sổ hết cuộc đời mình đâu, nhất là với những người phức tạp như tôi (cười). Nhưng cuộc đời này tôi cũng có cái may, bao nhiêu năm mình cống hiến như thế, mừng vô cùng vì mình đã đi đúng con đường, tuổi trẻ mình quyết định là đúng, nếu mình sang lĩnh vực khác, làm những cái vớ vẩn nào đó, có thể nhàn hạ, nhưng sẽ phí đi, bởi vì cái tiếc nhất là thời gian, bây giờ tôi đã 73 tuổi rồi, làm sao tôi còn được như thời 30 tuổi của "Mối tình đầu" được.

May là thời trẻ tôi đã cống hiến liên tục nên bây giờ có thể tính sổ được rồi. Có mấy ai được như tôi, cả sân khấu và điện ảnh tôi có ngần này vai. Tôi cũng phải cảm ơn hãng phim Phương Nam, họ đã in lại toàn bộ những bộ phim ngày xưa của tôi, phải đến 40 bộ phim rồi đấy, mà toàn gắn với những thời điểm lịch sử.

Dù muốn hay không, 50 năm sau ngành điện ảnh vẫn phải nhắc đến những bộ phim có tôi đóng vai, chưa giải phóng thì có "Nổi gió", giải phóng thì có "Mối tình đầu", rồi chiến tranh chống Mỹ có "Đường về quê mẹ", chiến tranh phá hoại có "Em bé Hà Nội", phim lịch sử có "Đêm hội Long Trì", phim hợp tác với Pháp có "Điện Biên Phủ", tôi vào vai ông Cọp, đóng phê lắm, khiến bọn Pháp cũng phải kính nể.

Mà đời làm phim cũng lãi lắm, vì tôi được ôm bao nhiêu người đẹp, được hôn người đẹp một cách hợp pháp, từ Nam chí Bắc, đạo diễn Trần Phương còn nói đùa, bây giờ ông ấy chỉ cần ôm tôi là coi như được ôm hôn tất cả các người đẹp rồi.

PV: (cười) Đúng là ông quá lãi khiến nhiều người phải ghen tị rồi. Nhưng chắc ngoài đời Thế Anh cũng lãi nhiều lắm chứ?

NSND Thế Anh: Lãi gì, nhiều lúc đến khốn khổ. Nhưng tôi sinh ra trong một gia đình tư sản ở Hà Nội, học trường Pháp nhưng tôi lại hấp thụ được một nền giáo dục tương đối phong kiến, máy móc. Nên đối với tôi, gia đình vẫn là số một. Tôi quan điểm, đã có gia đình rồi, nên cô nào mê tôi phải là chưa có gì, họ có gia đình rồi thì làm tổn thương nhiều người quá. Tôi còn gia đình con cái, và cả thằng cháu nội rất thông minh nữa, dù đàn ông mà thấy gái đẹp mà không hấp háy thì… Nhưng phải biết hãm phanh, như tôi đã từng nói, tôi có một bộ thắng rất tốt, phải dừng lại chứ không thì toi.

PV: Nói vậy thì ông quá tỉnh táo…

NSND Thế Anh: Phải tỉnh táo chứ, tôi là người đam mê tỉnh táo, không thì tôi chết. Tôi lý trí lắm, yêu nhưng phải tính toán, nên hay không nên. Tôi phải giữ mình chứ, không thì làm sao có ngày hôm nay. Đôi lúc tim mình cũng nghẹt thở nhưng mình cũng phải biết vượt lên. Tôi sợ người ta chửi, cái thằng văn nghệ là thằng vớ vẩn.

PV: Vợ ông chắc phải mềm mỏng lắm…

NSND Thế Anh: Vợ tôi lạt mềm buộc chặt. Tôi phải mang ơn bà ấy. Ngày xưa bà ấy là hoa khôi Trường Trưng Vương, nghệ sĩ Thu Hằng đấy, một solist của Nhà hát Kịch Trung ương, nhưng bà ấy lui vào hậu trường để dành sân khấu cho chồng. Đó cũng là may mắn trong cuộc đời tôi đấy, bởi khi lấy vợ tôi cũng phải chọn kỹ lắm, nửa thế kỷ sống với nhau rồi mà chưa lúc nào phải nói là chọn nhầm người.

PV: Cuộc đời của những tài danh thường không mấy bình yên, thậm chí là những trắc trở, mất mát. Họ sáng tạo nghệ thuật từ trong chính những nỗi đau của mình. Vậy nhưng NSND Thế Anh dường như lại có một cuộc đời khác…

NSND Thế Anh: Ý của chị là tôi bình yên ư, đừng nhìn tôi đơn giản như vậy. Dù cuộc đời tôi là một đường thẳng, được trải chiếu hoa, công danh sự nghiệp cứ lên thẳng. Nhưng vì tôi tuổi Mậu Dần, cầm tinh con hổ nên tôi chỉ là dám xúi thôi, chứ làm giám đốc là họ kiện cho mất nhà đấy, nhiều người kèn cựa và ghen ghét lắm (cười). Cô nhìn đây này, có ông bạn tôi vừa vẽ tặng bức chân dung, nó đọc vị tôi đấy, trông tôi như một ông bụt, là bụt như không phải là bụt, một ông bụt có cá tính. Cuộc đời phải có tâm, nhưng không đạo đức quá để họ lừa…

PV: Không tốt quá để họ lợi dụng…

NSND Thế Anh: Đúng. Ai cũng mang trong mình một bi kịch nào đó, nhưng thôi, những chuyện đó tôi muốn giữ lại cho mình. Nghề diễn viên cũng có cái vinh quang của nó, vinh quang và cay đắng cứ đè nặng hai vai. Có thể vì điện ảnh, có thể vì sân khấu, có người còn mất cả gia đình. Nhưng tôi, như chị biết đấy, lúc nào cũng tỉnh táo, vì tôi sống ở Sài Gòn, ngày nào cũng bị những viên đạn bọc đường bắn bùm bùm, nhưng tối đến tôi mút hết những vị ngọt và nhè đạn ra. Không để mình bị nhiễm độc, không trúng đạn đâu mà sợ.

PV: Những người nổi tiếng thường cô đơn, tôi thấy điều đó trong mắt ông, dù cuộc đời của NSND Thế Anh được phủ bóng bằng những hào quang và hạnh phúc.

NSND Thế Anh: Cô đơn chứ, tất cả những người nổi tiếng đều cô đơn, vì anh được yêu nhiều quá mà không đáp ứng được, lắm mối tối nằm không. Chị có nhớ con chim ẩn mình chờ chết trong "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" không, đôi khi tôi thấy mình mang bi kịch của Cha Ran.

Mà không chỉ riêng tôi, nhiều người nổi tiếng đều thấy mình trong bi kịch đó. Có những nỗi buồn không thể nói ra được. Con người nhân vô thập toàn, làm sao hoàn hảo được, nhưng quan trọng là phải biết vượt lên điều đó. Mình lên đến một mức nào đó, rồi mình phải đi ngang, đừng tham quá, sẽ ngã đau.

Nên cuộc đời tôi vẫn được nhiều hơn là mất, do tôi biết điều tiết. Cái nghề này không ai phục ai cả, nhưng cuộc đời phải có chân lý, bây giờ rất nhiều người cầm tóc tự nhấc mình lên, nhưng một thời gian nữa sẽ rụng hết tóc và ngã xuống.

PV: Ông đang nói đến căn cốt, gốc rễ của những giá trị. Tôi được biết ông được sinh ra trong một gia đình tư sản ở Hà Nội?

NSND Thế Anh: Nhà tôi ở phố Lò Rèn, Hàng Sắt, chiến tranh xảy ra nhà tôi chuyển về chợ Hôm. Mẹ tôi xưa là hoa khôi phố Hàng Sắt, bà đẹp lắm, tóc dài đến tận gót chân. Bà sinh được ba người con, nhưng anh trai thứ của tôi mất sớm. Mẹ tôi kể, hồi bố tôi đi Pháp, người vú em phải lừa tôi ra đằng sau vườn để cho ông ấy đi, vì trông thấy ông đi là tôi khóc. Lúc ông đi, mẹ tôi buôn bán giàu lắm, dồn hết tiền cho ông. Nên sau này, bà buồn lắm.

PV: Xin lỗi, bố ông tên gì ạ?

NSND Thế Anh: Ông là Giáo sư Nguyễn Thế Thơm, ông giỏi lắm, đậu hai, ba bằng liền. Lúc ông ấy tốt nghiệp thì chiến tranh xảy ra, ông không trở về nữa. Ở lại lấy vợ đầm và sinh con, rồi thời gian ông cố tình quên mối tình ở Việt Nam. Sau này, khi Việt Nam mang phim "Nổi gió" chiếu ở bên Pháp, mời Việt kiều đến xem. Ông Xuân Thủy biết hết hoàn cảnh lý lịch của tôi, ông bảo bố tôi rằng, con trai ông đấy, giờ là một diễn viên nổi tiếng. Ông xem phim thì nhận ra.

PV: Hình như ông rất giống bố…

NSND Thế Anh: Tôi giống bố như lột. Bố tôi điện về, nhưng mãi sau năm 1975 mới bắt đầu viết thư liên lạc. Nhưng tôi rất tự ái, không cần, vì quá thương mẹ mình, bà đã hy sinh cả đời. Lúc đó bố tôi là một tỷ phú bên Pháp, mọi người thuyết phục anh em tôi làm giấy tờ để bố con nhận nhau.

Mấy năm sau tôi sang dự liên hoan phim ở Pháp thì ông mất rồi. Mà không hiểu sao ông cũng chỉ nhắc đến hai con, chứ không nhắc đến mẹ, không hiểu các cụ có gì hiểu nhầm nhau không. Sau khi mất, ông để lại cho anh em chúng tôi cả một gia sản, nên cũng có cái may, tôi không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền mà cứ thế yên tâm làm nghệ thuật.

PV: Cơn cớ nào cho cuộc chuyển dịch vào Nam của gia đình ông sau này?

NSND Thế Anh: Đó là những năm 1972, 1973, ngày đó Hà Nội nghèo lắm, khi tôi được đạo diễn Hải Ninh giao vào vai một sinh viên nghiện xìke trong phim "Mối tình đầu", ngày xưa làm một bộ phim phải đi thực tế hai, ba tháng, để thâm nhập vào cuộc sống Sài Gòn, tôi bị hấp dẫn bởi sự hoa lệ, năng động của Sài Gòn. Ở đó thiên nhiên ưu đãi, có thể làm phim quanh năm, vả lại Sài Gòn hợp với người già hơn. Hồi đó tôi hơn 50 tuổi rồi. Tôi cũng là người ưa phiêu lưu mạo hiểm, thích khám phá, tại sao lại không đi vào miền Nam.

PV: Nhưng NSND Thế Anh đi đâu người ta cũng nhận ra ông là người Hà Nội. Sống ở Sài Gòn, ông sẽ có một cái nhìn khác về Hà Nội.

NSND Thế Anh: Chị thấy tôi vẫn nói giọng của người Hà Nội đấy, "chém cha không bằng pha tiếng", tôi muốn giữ cái chất giọng thanh lịch của người Tràng An. Không như nhiều người, vào Sài Gòn là nói giọng Sài Gòn liền. Đi đâu người ta cũng biết tôi là người Hà Nội, bởi trong tôi giữ được cái chất lịch lãm, văn hóa, có học thức của người Hà Nội, nặng tình nặng nghĩa.

Nhưng Hà Nội bây giờ phát triển nhanh quá, may mà bộ nhớ của tôi còn khá nên tôi đi trên đường Hà Nội mà không bị lạc. Hà Nội không còn cái dáng cổ kính, bình yên của ngày xưa. Âu đó cũng là quy luật của sự phát triển...

PV: Cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị của NSND Thế Anh, chúc ông luôn khỏe mạnh và đạt được ước nguyện của mình, để khán giả còn có cơ hội được gặp lại ông trên sân khấu hay điện ảnh

Khánh Linh
.
.