NSND Thanh Tâm - người tình độc huyền cầm

Thứ Tư, 29/10/2008, 16:00
Đàn bầu ai gảy thì nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu

Quá khứ với tôi đã xa lắm. Hầu như không bao giờ còn trở lại trong ký ức. Tôi muốn nó vĩnh viễn yên ngủ trong tận sâu của cõi lặng đời mình. Bởi nếu có nhớ lại, cũng chỉ buồn hơn thì nhớ làm gì. Bởi ngày đó, đã có lúc tôi một mình đạp xe lên tận cầu Long Biên trong đêm tối.

Tôi đứng tựa vào lan can cầu, nhìn xuống dòng sông, chỉ thấy dòng nước thẫm đen, chảy xiết. Tôi đã nghĩ, chỉ cần nhắm mắt lại, cúi xuống một chút thôi, nước sẽ cuốn trôi đi tất cả, sẽ vĩnh viễn làm tan biến hết mọi vết thương lòng. Nhưng tôi đã không thể. Tình mẫu tử đã giữ tôi lại, kéo tôi về đối mặt với cuộc sống, dù lúc đấy, cuộc sống có trăm nỗi đắng cay.

Nghệ sỹ nhân dân Thanh Tâm đã trải lòng mình cùng tôi trong một buổi chiều muộn. Có lẽ, đó là một thoáng chốc hiếm hoi chị ngoái lại phía sau cuộc đời mình. Không phải là chị muốn, mà vì tôi, tôi đã muốn viết về cuộc đời chị, cuộc đời của một NSND đàn bầu gần như là đầu tiên ở Việt Nam, dũng cảm lựa chọn con đường âm nhạc với cây "Độc huyền cầm", và truân chuyên với cây đàn, bể dâu cùng cây đàn, tận hiến cả cuộc đời cũng vì cây đàn chỉ có một dây này.

Trong một dàn nhạc đồ sộ, cây đàn bầu thật bé nhỏ. Tiếng đàn bầu ngân lên cũng lọt thỏm giữa vô vàn những âm thanh sống động và mạnh mẽ khác. Nhưng lạ thay, dù dàn nhạc ấy có đồ sộ đến đâu, các âm thanh của muôn loại nhạc cụ khác có hoành tráng đến đâu thì tiếng đàn bầu dù nhỏ, nhưng đủ để vang ngân, đủ để không bao giờ lẫn trong vô vàn những âm thanh khác, và nó có sức sống riêng, không thể thiếu trong bất kỳ một dàn nhạc nào.

Tôi muốn ví NSND Thanh Tâm cũng như cây Độc huyền cầm bé nhỏ ấy, có thể chìm khuất trong bao nhiêu thứ nổi trội khác, nhưng nội lực của người đàn bà với cây đàn chỉ có một dây kia như âm thanh của giọt đàn bầu, không thể thiếu, không thể lẫn vào đâu được. Thanh âm của đàn bầu có sức sống bền bỉ, lay động vào tâm thức của người nghe.

NSND Thanh Tâm là một trong số những nữ nghệ sỹ hiếm hoi đầu tiên của Việt Nam đã chọn đàn bầu làm sự nghiệp âm nhạc của đời mình. Có lẽ, duyên trời đã định, chị sinh ra để làm chủ nhân của chiếc Độc huyền cầm kỳ lạ này.

Sinh ra ở Hà Nội nhưng chị lớn lên bên dòng sông Đáy, bên làng lụa, làng nón của đất trăm nghề, bên cạnh người cha yêu nghệ thuật và am hiểu nghệ thuật, ông được người dân trong vùng gọi là "ông trùm phường chèo".

Thật ra, cha của nghệ sỹ Thanh Tâm vốn là một bác sỹ rất giỏi, một công chức thời Pháp thuộc. Cách mạng thành công, ông bỏ việc về làm nông dân. Máu nghệ sỹ và lòng đam mê ca hát đã theo ông dựng nên những đám hát chèo tự biên tự diễn nổi đình nổi đám ở quê nhà.

Ngày nhỏ, Nghệ sỹ Thanh Tâm buổi đi học, buổi về nhà hái dâu, chăn tằm, làm nón lá, và theo cha đi xem hát. Những mùa trăng, ngày nông nhàn, cô bé Thanh Tâm được cha bế lên ngồi cạnh chiếc xe trâu chở trống của đình làng. Cha vừa đánh trống, vừa gọi bà con trong làng tối ra đình làng xem hát. Hôm nào cha bận tập vở, cô bé Thanh Tâm được ông ngoại cõng ra sân đình hồi hộp chờ xem hát. Cô bé Thanh Tâm mê ly những vở: "Hồn bướm mơ tiên", "Phạm Công Cúc Hoa", "Thị Mầu lên chùa", v.v...

Tuổi thơ êm đềm trôi đi cùng những làn điệu dân ca, những làn điệu chèo ngấm vào hồn, ăn sâu vào máu thịt. Cô bé Thanh Tâm vốn có giọng hát trời phú, cũng theo cha vào sắm vai Thị Mầu lên chùa, những vai diễn chèo ở sân đình…

Năm 1967, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc Viện Hà Nội) về tuyển sinh, Thanh Tâm lúc đó mới 13 tuổi, mê hát múa cũng thi tuyển, không ngờ lại đậu. Mặc cho gia đình không bằng lòng con gái theo cái nghề con hát bạc bẽo "xướng ca vô loài", Thanh Tâm quyết chí đi theo con đường nghệ thuật.

Vốn rất mê tiếng đàn bầu thánh thót, với sức lay động huyền diệu, Thanh Tâm xin học đàn bầu. Sự lựa chọn của cô gái bé nhỏ mới chân ướt chân ráo vào trường đã làm cho các thầy cô giáo xúc động.

Nghệ sỹ Vũ Tuấn Đức, lúc bấy giờ là Trưởng bộ môn nghệ thuật dân tộc của trường đã không cầm được giọt nước mắt xúc động, hỏi đi hỏi lại cô gái bé nhỏ: Nào, có đúng là em muốn học đánh đàn bầu không? Em có theo học được không?

Rồi thầy rưng rưng: Từ trước cho đến giờ chưa có một người con gái nào theo học đàn bầu mà trụ lại được với nghề, đi cùng với cây đàn dân tộc này. Vì thế mà xưa nay, các bậc "cầm thủ" của Độc huyền cầm chỉ thuộc về những bậc mày râu. Thanh Tâm đã làm nên một hiện tượng khác thường ở trường.

Thật ra, ngày đó, chỉ vì mê tiếng đàn với những âm sắc có sức lay động tận đáy hồn người, nên Thanh Tâm mới xin vào học mà không hề hình dung được hết những khó khăn, nghiệt ngã của nghề. Ngay cả việc quan niệm làm thân con gái chớ nghe đàn bầu nói chi đến chơi đàn bầu cũng đang ăn sâu vào tiềm thức của cả những đồng nghiệp.

Cô bé Thanh Tâm đã không ít lần ôm đàn khóc, đập vỡ đàn, vứt đàn lăn lóc ra sân dưới trời mưa và thề sẽ không bao giờ học đánh đàn bầu nữa vì mỗi lần xách đàn bầu đi tập là các bạn nam lại chỉ trỏ, chê cười, các bạn nữ thì nhìn với con mắt hơi coi thường.

Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc tập đánh đàn bầu khó khăn và cực nhọc đến chừng nào. Đàn chỉ có một dây, bao nhiêu gian khổ, thử thách hàng tháng hàng năm, vật lộn đến tóe máu ngón tay mà tiếng đàn chạm vào chỉ như tiếng bật bông, đánh không ra tiếng chứ chưa nói là hồn cốt của tiếng đàn.

Đàn bầu ngày xưa đâu phải đẹp đẽ và hiện đại như bây giờ. Dân gian quen gọi đàn bầu là "đàn thân tre", đàn của những người hát xẩm. Thân làm bằng một đoạn tre, bương dài khoảng 120cm, mặt đàn là chỗ đã được lóc đi một phần cật thích hợp của đoạn tre hoặc bương…

Những ngày đầu tiên đến với đàn bầu là những ngày khổ luyện vật vã. Có những lúc nghệ sỹ Thanh Tâm vứt đàn đi, khóc, chạy đến với thầy giáo và kiên quyết: “Em không học đàn bầu nữa”.

Những lần vậy, thầy dạy học của Tâm, đặc biệt là thầy Bá Sách đã đồng ý cho Tâm thôi học đàn và gọi Tâm về nhà thầy chơi, thầy mang đàn bầu ra đánh cho Tâm nghe. Nghe tiếng đàn của thầy Bá Sách, Thanh Tâm lại gạt nước mắt, quyết chí theo học bằng được cây Độc huyền cầm này. --PageBreak--

Từ đó, nhờ khổ luyện, nhờ quyết chí, nghệ sỹ Thanh Tâm đã từng bước từng bước đĩnh đạc đi lên đỉnh vinh quang của sự nghiệp âm nhạc với cây Độc huyền cầm. Cùng với Độc huyền cầm, nghệ sỹ Thanh Tâm đã mang tiếng đàn kỳ diệu, độc đáo có sức lay động hồn người của xứ sở Việt Nam chinh phục khắp thế giới.

Không dừng lại ở đỉnh vinh quang, nghệ sỹ Thanh Tâm đã mày mò đi sâu vào công tác nghiên cứu đàn bầu mộc và bầu điện để tìm tiếng nói chung. Chị là một trong 4 nghệ sỹ đàn bầu đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp Đại học Âm nhạc khóa I, Khoa Nhạc cụ truyền thống của Nhạc viện Hà Nội.

Và thạc sỹ ngành phương pháp sư phạm biểu diễn tại Nhạc viện Hà Nội. Hiện nay chị là Nghệ sỹ nhân dân, Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc của Nhạc viện Hà Nội. Ngoài việc giảng dạy, tổ chức biểu diễn trong và ngoài nước, dàn dựng các chương trình âm nhạc, viết khí nhạc, v.v... NSND Thanh Tâm tham gia công tác nghiên cứu khoa học, viết giáo trình giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội cho cả ba hệ, sơ, trung, đại…

NSND Thanh Tâm nổi tiếng với cây Độc huyền cầm trong hơn 40 năm qua. Hơn 40 năm gắn bó với cây đàn, cuộc đời của chị cũng không nằm ngoài kiếp đa đoan sóng gió của nghiệp chướng.

Đến với tình yêu từ rất sớm, cô gái nền nã, dịu dàng đoan trang nơi quê lụa Hà Đông đã sớm lọt vào lưới tình bủa vây của người thầy giáo đầu tiên. Và đó cũng là mối tình đầu đẹp đẽ và vô cùng lãng mạn của chị.

Nghệ sỹ Thanh Tâm kết hôn sớm, năm chị vừa tròn 21 tuổi. Thời gian này, nghệ sỹ Thanh Tâm rất nổi tiếng với cây Độc huyền cầm của mình. Chị đi công tác liên miên, tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước liên tục.

Sự nổi tiếng của cô học trò bé bỏng, nay là người vợ yêu của mình, cộng với việc đi biểu diễn nước ngoài thường xuyên của chị đã tạo ra những rạn nứt nhỏ trong cuộc hôn nhân đẹp. Những nghi ngờ ghen tuông, những đồn thổi của miệng lưỡi thế gian ghen ăn tức ở trút lên cuộc sống vốn dĩ mong manh của người nghệ sỹ.

Miệng lưỡi ác độc của thế gian đã không buông tha người phụ nữ sớm nổi tiếng này, nó là những đòn roi rớm máu quất vào tâm hồn nhạy cảm của Thanh Tâm. Sau 7 năm hôn nhân chìm nổi, chị hạnh phúc được làm mẹ.

Chị sinh cu tí (nhạc sỹ Hồ Hoài Anh) những tưởng sẽ là điều kỳ diệu để gắn kết hai vợ chồng lại bên nhau, nhưng trái lại, hạnh phúc có con không làm cho những mâu thuẫn rạn nứt giữa hai vợ chồng chị vơi bớt.

Anh không muốn chị nổi tiếng, không muốn chị đi nhiều, mà chị là người yêu sự nghiệp, nên những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc, càng nặng nề hơn, càng dồn đẩy chị nhiều hơn, đến mức vốn là người chín chắn, chịu thương, chịu nhịn nhưng chị đã bật khỏi cuộc hôn nhân, bật khỏi người chồng chị hết lòng yêu thương trong tận cùng đau đớn.

Không muốn kể lại những sóng gió đã qua, những truân chuyên đã trải vì mỗi lần nghĩ lại, chị không thể không rùng mình nhói đau vì thương tổn. Khoảng thời gian ấy, đã có lúc chị cúi mình xuống dòng sông nhìn dòng nước chảy xiết, rồi lại thẫn thờ quay về nhà. Ly hôn sau hơn một năm, duyên trời đã đưa đẩy chị đến với một người đàn ông khác.

Anh trẻ hơn chị, lại không cùng làm nghệ thuật nhưng tình yêu của anh đủ rộng lớn để mẹ con chị trú ngụ, đủ cho chị một chốn bình yên nhất trong tâm hồn mình, trong đời sống của mình để chị tiếp tục tiếp bước trên con đường nghệ thuật và gặt hái những thành công mới. Tất nhiên, để gìn giữ được hạnh phúc bền lâu, cả chị và anh đều phải biết hy sinh và biết chịu đựng.

Với cuộc hôn nhân lâu bền này, anh chị không may mắn có thêm đứa con chung, nhưng cuộc sống của anh chị thực sự là tổ ấm cho cả các con quần tụ bên nhau. Chị luôn tâm niệm mình có hai đứa con ruột thịt.

Tôi tự nghĩ với cuộc hôn nhân này, 20 năm bên nhau, chia sẻ với nhau tất cả, cả chị và anh phải hàm ơn nhau nhiều lắm. Sự chịu đựng và hy sinh của chị, dù nhiều đến đâu, nhưng nếu không có một trái tim đủ rộng lớn của anh để che chở cho mẹ con chị, liệu chị có đi được hết tận cùng đam mê mà chị đã chọn lựa.

Tháng 8 năm 2008, Quán âm nhạc đã có một chương trình gặp gỡ về chị. Người đàn bà với người tình Độc huyền cầm song hành bên nhau chưa bao giờ rời xa suốt 40 năm qua. Bốn mươi năm lênh đênh một giọt đàn bầu, lênh đênh mộ kiếp Độc huyền cầm, cuộc đời dẫu sóng gió, dẫu đớn đau, nghiệt ngã thì tiếng đàn của NSND Thanh Tâm không chút buồn đau, chán nản, hay mệt mỏi.

Tôi có cảm giác như âm nhạc đã cứu chị trong tất cả, đưa chị trở về với tình yêu cuộc sống, với những ý nghĩa trọn vẹn nhất mà chị phấn đấu một đời. Cây Độc huyền cầm đã ở bên chị, an ủi chị và tưới tắm cho cuộc đời của chị. Chị gọi nó là Người tình trăm năm.

Và ở Quán âm nhạc lần này, như bao lần xưa, dù ở trên đất nước mình hay ra nước ngoài biểu diễn, chị đã làm rơi lệ của khán giả khi rút hồn mình thăng hoa trong những nhạc phẩm: "Ru con Nam bộ”, "Gửi gió mây ngàn", "Giọt mưa thu", "Niềm tin tất thắng", "Xe chỉ luồn kim", v.v...

Như Bình
.
.