NSND Quý Dương: Điều còn lại...

Thứ Năm, 02/06/2011, 16:14
Ông ngồi lặng lẽ trước hiên nhà. Trời Hà Nội hôm nay bừng nắng, khoảng vườn nhà NSND Quý Dương mướt màu xanh của cây cỏ. Trong không gian tinh khiết của buổi sáng ấy, người nghệ sĩ già ngồi trầm tư. Tưởng như những bệnh tật, mỏi mệt và cô đơn chưa từng ghé qua nơi đây, mà chỉ có sự bình an và thư thái đến lạ lùng. 

1. Tôi mở cửa bước vào. Ông vẫn ngồi yên trên chiếc ghế tựa. Bên cạnh ông là một chiếc ghế đã được chuẩn bị sẵn chờ khách. Mấy hôm nay ông rất mệt. 10 ngày trong bệnh viện vì bị tràn dịch màng phổi quả là khủng khiếp. Có lúc ông nghĩ, quá sức chịu đựng của mình. Thế mà cũng vượt qua. Hàng xóm ở đây ngày nào không thấy ông hát là biết ông phải vào viện, và mệt lắm.

Hôm qua, ông vừa đi lọc máu về. Tuần ba lần, cứ như thế đã bảy năm. Bàn tay gầy guộc của ông không còn chỗ nào không có vết kim tiêm, giờ vẫn còn băng bó. Hồi đầu thì đau lắm. Nhưng cũng quen dần, những cơn đau cũng bị bào mòn. Hồi trước, lọc máu xong, ông còn phóng xe máy ầm ầm. Còn bây giờ, phải nằm lại hàng tiếng đồng hồ, chờ hết cơn choáng váng mới dò dẫm lên tắc xi về nhà. Thận, rồi đến tim và giờ là phổi.

Những bộ phận trong cơ thể lần lượt bị hủy hoại, và ông đang phải gồng mình để chống chọi. Gương mặt ông sọm hẳn đi. Duy chỉ có đôi mắt là vẫn sáng, và toát lên vẻ tinh anh lạ lùng. Nhìn vào đôi mắt ông, tôi có cảm giác, những mỏi mệt hay bệnh tật chưa từng ghé qua đây, giữa khu vườn đầy nắng và giữa tâm hồn người nghệ sĩ chưa từng biết đến nỗi tuyệt vọng này.

Ông bảo, trong cuộc đời, rồi ai cũng đi theo vần xoay của quy luật sinh, lão, bệnh, tử mà thôi, vậy nên đừng lấy đó làm buồn mà cứ an nhiên vui sống. Tôi từng nghe nhiều câu chuyện về nghị lực sống và chống chọi lại bệnh tật của ông gần chục năm nay, và lần này, đến gặp ông, trò chuyện với ông, tôi mới hiểu, vì sao, trong những lúc tưởng như tuyệt vọng ấy, tâm hồn người nghệ sĩ vẫn giữ được sự trong trẻo và đẹp đến vậy.

Tưởng như con người mà bệnh tật sẽ hạ gục ấy vẫn nói về những căn bệnh của mình một cách bình thản lạ thường. NSND Quý Dương bảo, bệnh tật làm ông mệt mỏi, nhưng chưa bao giờ làm ông bi quan, tuyệt  vọng.  Ông tâm sự: "Hãy đón nhận số phận của mình, mà không oán trách, giận hờn ai. Tôi đã từng hành quân vào chiến trường những năm khói lửa chiến tranh, từng nhìn thấy những người khổ hơn mình, những anh lái xe, những chị dân công hỏa tuyến, tôi lấy ý chí của những con người đó để sống cho hôm nay".

Năm năm nay ông không còn hát trên sân khấu được nữa, nhưng hễ cứ đỡ mệt là ông lại hát. Hát cho chính mình nghe, hát để đỡ nhớ một thời hào quang của mình. Và hát để vơi bớt đi những cơn đau.

Âm nhạc và tiếng hát trở thành một điểm tựa của cuộc đời ông, mà nếu không có nó, ông không dám chắc mình còn sống được đến ngày hôm nay.

2. Nhưng ngồi nói chuyện với ông, mới hiểu ở ông không chỉ tâm hồn của một ca sĩ chỉ biết cất lên tiếng hát, mà ở đó còn ẩn tàng một tấm lòng ưu thời mẫn thế trước những biến đổi của thời cuộc. Hàng ngày, học sinh vẫn đến nhà ông học. Còn chút sức lực cuối cùng, ông muốn chắt chiu lại cho hậu thế, để mong, có thể làm được một điều gì đó.

Những năm 80 của thế kỷ trước, chính NSND Quý Dương cùng nhạc sĩ Hoàng My đã mạnh dạn làm một đêm nhạc đầu tiên cho nhạc sĩ Văn Cao. Ngày đó, Văn Cao sống lặng lẽ, chỉ làm bạn với rượu và tranh.  Một mình chạy vạy lo từ A đến Z. Để vượt qua được những định kiến thật khó khăn.

Dù ông đang ở cương vị là Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, ông chỉ nghĩ, nhạc Văn Cao là một giá trị không thể lãng quên. Và không ngờ, đêm nhạc Văn Cao lần đầu tiên ấy đã thành công và có sức lan tỏa ghê gớm. 60 đêm diễn khắp các tỉnh thành, và đó như là cú hích làm sống dậy cả một giá trị âm nhạc, từng có lúc bị lãng quên.

NSND Quý Dương đứng trên sân khấu, hát Đàn chim Việt, mà xúc động rưng rưng. Ông không nghĩ, tâm huyết của mình lại nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả đến vậy. Làm nghệ thuật là cả một sự dấn thân, thậm chí đôi khi là sự đánh đổi, để được những thứ lâu dài hơn.

NSND Quý Dương tâm sự, cuộc đời, đôi khi danh vọng cũng chỉ là phù du mà thôi. Ông đã từng có lúc đọc bài thơ đó cho bạn bè nghe về những hư danh. Dù ông cũng đã từng có danh vọng, từng sống trong hào quang của danh vọng. Nhưng ngẫm lại, vẫn thấy có gì đó như là nỗi buồn, sự trống vắng. Bởi điều ông tâm niệm, đó là những danh vọng do nhân dân suy tôn mới có sức bền lâu.

Ngày 27 tháng 5 này, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, nơi ông từng làm Giám đốc, sẽ ra mắt vở nhạc kịch kinh điển Carmen, một sự nỗ lực đáng ghi nhận trong thời buổi sống thoi thóp của nhạc kịch. Ông đã đặt một loạt vé để mời bạn bè đến cổ vũ cho sự cố gắng và nỗ lực đáng ghi nhận của nhà hát. Chỉ  cầu trời cho sức khỏe. Hôm đó, ông sẽ mang hoa đến tặng các nghệ sĩ.

Dù có thể chưa hay, chưa thực sự nhuần nhuyễn, nhưng ông nhìn thấy ở đó, hy vọng cho sự khởi động lại của dòng nhạc kịch vốn từ lâu bị lãng quên. Có một thời, ông, người nghệ sĩ của những thứ đầu tiên, đã hãnh diện đứng trong mái vòm sang trọng của Nhà hát Lớn Thủ đô. Và giọng opera của ông đã cất lên, chinh phục người nghe.

Từ những năm sơ tán trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, ông cùng các nghệ sĩ anh em nhà hát vừa luyện tập vừa chạy bom để chuẩn bị cho sau giải phóng, có những vở opera được công diễn ở Nhà hát Lớn khiến người nước ngoài phải kinh ngạc. Đó là cả một chiến lược của những người làm quản lý văn hóa. Những Người tạc tượng, Cô sao, rồi những vở kinh điển của nước ngoài như Epgheni Oneghin… Thời đó, Nhà hát Lớn lúc nào cũng kín người, xe đạp xếp hàng dãy dài ngoài đường…

"Tôi chỉ mong làm sao opera được khôi phục và những nghệ sĩ opera được đối đãi đúng với giá trị của họ. Chứ giờ đây họ đang dần dần bị lãng quên. Họ thoi thóp sống, thoi thóp chống cự. Cứ đà này, đến một lúc nào đó sẽ không còn opera. Và nền nhạc kịch của Việt Nam sẽ đi về đâu".

Ông chờ đợi buổi ra mắt sắp tới của vở Carmen, như một niềm hy vọng, dẫu mong manh cho nền âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam. Bởi ai cũng hiểu, một nền âm nhạc có được đánh giá cao hay không, có được bạn bè quốc tế công nhận hay không, người ta chỉ nhìn vào sự phát triển và thành tựu của âm nhạc đỉnh cao như opera, giao hưởng… mà thôi.

NSND Quý Dương nói rất nhiều khi chạm đến những vấn đề ông tâm huyết. Và tôi nhìn thấy nỗi buồn trong mắt ông, nỗi buồn của một con người cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật mà vẫn nhìn thấy những khoảng trống chưa thể lấp đầy. Thỉnh thoảng, ông phải dừng lại để thở.

"Người nghệ sĩ phải có tâm hồn chiến sĩ, để không bị cuốn theo những thứ hư danh, không thực dụng và tầm thường hóa nghệ thuật, bởi danh vọng, suy cho cùng phải do nhân dân thổi lên, đó mới là thứ danh vọng bền lâu và chân chính. Người nghệ sĩ phải biết khóc trước nỗi đau của con người thì mới hát hay được. Chứ cứ nhơn nhơn, làm sao cảm được bài hát".

Tâm hồn nhạy cảm và nhân hậu của ông vẫn tha thiết với nhiều điều, dẫu thời cuộc nhiều đổi thay nhưng người nghệ sĩ vẫn phải giữ lại một chút gì đó cho riêng mình để không bị lẫn vào ai. Nhiều người cho rằng, ông thuộc típ người cũ, suy nghĩ cũ, ông không bận tâm. Bởi phải lớn lên trong không khí chiến tranh, phải thấm hết những máu xương của đồng đội, thì mới thấy quý giá cuộc sống hôm nay… Và có lẽ, có những điều chỉ có thế hệ của ông mới cảm nhận hết được.

3. NSND Quý Dương bảo, đời ông có những nỗi buồn, nhưng ông vẫn là người may mắn. Sau những đổ vỡ, ông đã tìm thấy một bến bờ bình yên. Ông có một người phụ nữ thực sự yêu thương ông. Ngày xưa bà là học trò của ông ở Trường Binh chủng phòng không.

Bà hiểu và thương ông. Sống với nhau chừng ấy năm, mà chưa một ngày to tiếng. Không có bà chăm lo cho ông từng giấc ngủ, thì 23 năm bệnh tật, ông làm sao một mình chống chọi được. Lần nào ông vào viện, cũng có bà đi cùng. Suốt 7 năm nay, hành trình đi lọc máu của ông luôn có bà bên cạnh. Cả đời NSND Quý Dương chỉ biết làm nghệ thuật mà thôi.

Nếu không có bà vun vén chăm lo, thì làm sao ông có ngày hôm nay, nhà cửa, sự thành đạt của con cái. Ông là người sống ôn hòa, cởi mở và chân tình. Thế nên, giữa cuộc đời, đôi khi ông cũng lơ ngơ lắm. Không màng danh lợi cho mình.

Giờ đây, ông không còn dám chắc, quỹ thời gian của mình còn bao lâu. Tuổi già, bệnh tật, thường mang đến cho con người những dự cảm không lành, đầy bất an. Và khi cảm nhận sự sống của mình trên cõi đời rất mong manh, ông nghĩ đến một chuyến đi xa, thăm cậu con trai út. "Tôi muốn qua Mỹ, xem nhà cửa nó thế nào và ơn trời, nếu còn được sống, tôi sẽ chuyển nhà về gần Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô để chặng đường đi lọc máu được rút ngắn lại". Dẫu ông bảo, ông hài lòng với cuộc sống của mình, nhưng tôi vẫn thấy có gì đó chưa được công bằng, xót xa.

Con người, rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi mà thôi, nhưng hành trình đó, tôi mong sao cho ông được nhẹ nhõm, tránh khỏi những cơn đau. Dù biết những người nghệ sĩ như ông, cả đời sống hết mình cho nghệ thuật và trăn trở cho những điều lớn lao, thì nỗi đau về thể xác không thể làm ông ngã quị

Khánh Linh
.
.