NSND Phạm Thị Thành: Đời tôi hình như chưa có Tết

Thứ Tư, 10/02/2010, 10:21
Hà Nội đang vào cữ rét đậm. Phố phường bước sang năm mới, sao bỗng dưng đìu hiu hơn bởi cái màu sắc ảm đạm của tiết đông hàn giá rét. Gặp NSND Phạm Thị Thành tại Liên hoan Phim truyền hình những ngày đầu năm 2010 trong vai trò giám khảo chấm thi phần dự thi sân khấu truyền hình. Vẫn gương mặt sáng, cặp kính cận tròn to đặc biệt, bà trở nên bé nhỏ, cũ xưa giữa thời gian đang hối hả nhịp trôi, giữa vô vàn tưng bừng những gương mặt khác.

Kéo bà lại bên hàng cà phê sáng, lẩn mẩn đánh thức những kỷ niệm trong ký ức tết của bà để tìm hơi ấm của  một cái tết cổ truyền lại đang tới.

Tết chỉ thấp thoáng trong ký ức tuổi thơ

Đã quá lâu rồi, NSND Phạm Thị Thành quên không nhớ tết. Không phải bà không có thời gian cho ba ngày tết trong một năm thôi, cũng không phải bà vui buồn gì nhiều quá để mà không coi trọng tết và thấy tết không ý nghĩa. Người phụ nữ đã bước sang tuổi 70 như bà, dường như mọi hỉ nộ ái ố đã qua từ rất lâu. Từ rất lâu, người phụ nữ cô đơn như bà (xét về một nghĩa hẹp nào đó) không bận tâm nhiều tới tết. Bởi lẽ, các con đều đã lớn, đã trưởng thành, đều đã làm cha làm mẹ và có một gia đình riêng để lo cho mình một hạnh phúc vuông tròn. Các cháu cũng đã lớn, đứa đi học xa xứ, đứa đi làm, đứa ở cùng với bố mẹ, thành ra NSND Phạm Thị Thành thảnh thơi, rảnh rang, không vướng bận, nhiều tự do và cũng nhiều cô đơn hơn trong thế giới bé nhỏ của một người đàn bà.

NSND Phạm Thị Thành sống cùng với con gái và cháu ngoại tại một căn hộ đẹp và sang trọng trên phố Láng Hạ. Hai người phụ nữ một già một trẻ cô đơn trong căn nhà rộng và đẹp. Họ biết lấp đầy nỗi cô đơn của mình bằng công việc, bằng bè bạn, bằng những niềm đam mê riêng của mình. Mỗi người một cách, biết làm ấm lên ngọn lửa gia đình dẫu thiếu khuyết thì vẫn là ấm áp. Cách đây 2 năm, khi NSND Phạm Thị Thành chuyển tới căn hộ đẹp này, cái tết đầu tiên tôi đã đến để chia sẻ với bà hạnh phúc của người đến cuối đời mới mua được một căn nhà ưng ý, một chốn mỹ mãn để ở. Năm đó bà đã 67 tuổi, vẫn có quyền mơ mộng bên khung cửa sổ trong phòng ngủ rộng khi nhìn xuống thành phố đầy ánh đèn, hoa và sao giăng mắc phố phường. Vẫn có quyền run lên hạnh phúc trước tiếng chuông gió bên bếp, reo lên mỗi khi gió lùa vào, vẫn có quyền một mình bên ly rượu và điếu thuốc cháy dở để lặng lẽ và chiêm nghiệm một phút bên quầy bar của căn bếp tuyệt đẹp.

Nhưng năm nay bước sang tuổi 70 rồi, NSND Phạm Thị Thành đã yếu hơn, chậm hơn, và trên gương mặt bà, nụ cười của bà, tôi thấy thưa vắng đi nét lấp lánh đầy khao khát của người phụ nữ thông minh và luôn biết cách để làm mình hạnh phúc. Năm nay, ngồi lại sau một phút tĩnh lặng, bà tự thấy có lẽ tết chỉ còn trong ký ức tuổi thơ thôi, trong những ngày ấu thơ ở Huế.

Tết nhớ nhiều đến bố mẹ, đặc biệt là mẹ, người phụ nữ công dung ngôn hạnh tề gia nội trợ trong một gia đình mẫu mực. Phụ mẫu của NSND Phạm Thị Thành chính là Ngự tiền Đổng lý văn phòng Phạm Khắc Hoè và Công Tôn Nữ Diệu Phẩm, cháu nội vua Minh Mạng. Sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc như vậy, bà được nuôi dưỡng trong một môi trường đặc biệt. Từ nhỏ đã được mẹ dạy nữ công gia chánh. Công việc nữ công gia chánh được thể hiện trong những dịp lễ, tết. Tết là dịp gia đình bà tổ chức phần lễ nghi hiếu nghĩa kỳ công và chu toàn nhất. Từ đầu tháng chạp, gia đình đã làm món chay, lập đàn cúng lễ, hương khói gia tiên. Mẹ bà cùng các con tỉ mẩn, chu đáo nấu nướng bày biện các món ăn cung đình Huế cho suốt cả dịp tết. Cái không khí linh thiêng, nghiêm cẩn và đầy tôn kính vào dịp tết ở người lớn càng tăng thêm cái háo hức sung sướng của con trẻ trông ngóng mỗi khi tết về. Nhưng những cảm xúc lộng lẫy, thăng hoa kỳ diệu đó rồi cũng trôi qua thật nhanh khi NSND Phạm Thị Thành sớm bước ra khỏi nhà đi kháng chiến.

Những giao thừa xa xứ

Những cái tết đầu tiên xa nhà ở chiến khu Việt Bắc, lúc đó NSND Phạm Thị Thành mới hơn 10 tuổi. Khác với những cái tết đầy lễ nghi ở quê nhà, cô bé Phạm Thị Thành như con chim sổ lồng trong một thế giới mới. Tết có khi chỉ có đòn bánh tét, chút ít thịt lợn rừng xẻ ra chia nhau mỗi người vài lát, tết không pháo, không hoa… của những năm tháng chiến tranh, không đủ ghi những dấu ấn đặc biệt trong tâm thức. Những cái tết xa nhà đầu tiên trôi qua nhạt nhoà cùng với sự ra đi của tuổi thơ.

Rồi là duyên định, năm 15 tuổi, chính nhà thơ Tố Hữu đã giới thiệu cô bé Phạm Thị Thành vào Đoàn Văn công Trung ương. Đến năm 1954, Phạm Thị Thành được chọn vào hát ở Đội Hợp xướng Hoà Bình cùng nghệ sỹ Thái Thị Liên (mẹ của nghệ sỹ Đặng Thái Sơn). Cũng trong năm đó, bà được sang Trung Quốc 6 tháng để thu thanh. Và đĩa hát đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với những bài hát nổi tiếng như: "Quốc ca", "Lãnh tụ ca", "Hồn tử sĩ"… đã ghi giọng hát của bà.

Khoảng thời gian này cũng chính là cái tết đầu tiên của cô bé Phạm Thị Thành nơi đất khách quê người. Giờ đây, nhớ lại cái tết xa xứ ở Trung Quốc, Phạm Thị Thành suýt khóc. Ký ức xưa trong trái tim cô bé 16 tuổi trở về. Phạm Thị Thành nhớ lại, cả dịp tết đó, các bạn Trung Quốc đưa đoàn Việt Nam đi chơi khắp ở các thành phố nổi tiếng, ăn những món ăn đặc sản của đất nước Trung Hoa. Trong mấy ngày tết, ấn tượng nhất của cô bé Phạm Thị Thành là những quả trứng luộc nhuộm phẩm đỏ bày trong cỗ bàn của người Trung Quốc nhìn rất lạ mắt.

Cho đến bây giờ, nhớ lại, Phạm Thị Thành không hiểu vì sao người Trung Quốc khi tết về lại nhuộm phẩm đỏ những quả trứng luộc để bày cỗ tết cúng thần linh gia tiên. Mấy ngày tết, bạn bè kéo nhau đi chợ Hàng Châu, đi ăn uống, thăm thú cảnh đẹp, riêng Phạm Thị Thành là trốn nằm nhà và khóc sướt mướt vì nhớ nhà. Giao thừa đầu tiên ở Trung Quốc, nằm đắp chăn và cứ thế nhớ nhà quá, nước mắt chan nước mắt.

Sau này, khi đã có gia đình và có các con rồi, Phạm Thị Thành có 6-7 cái tết xa xứ ở Nga trong khoảng thời gian từ năm 1971-1977. Thời gian này, bà theo học đạo diễn ở Liên Xô cũ. Mỗi lần tết đến, các sinh viên như bà được Đại sứ quán Việt Nam ở Nga mời đến nấu nướng các món ăn Việt Nam để thết đãi khách. Đó là những dịp đáng nhớ vô cùng vì các sinh viên xa nhà như Phạm Thị Thành được ăn các món ăn cổ truyền của Việt Nam trong ngày tết như bánh chưng, dưa hành, giò, chả, nem rán…

Cũng vào những dịp tết, gia đình thường gửi quà từ Việt Nam qua Đại sứ quán cho các lưu học sinh. Phạm Thị Thành cũng nhận được quà của các con gửi từ Việt Nam sang, chỉ là hộp mứt mua theo sổ lương thực. Trong thư, các con bà gửi cho mẹ bảo rằng, nhà mình theo tiêu chuẩn tết được mua hai hộp mứt, ba giữ lại một hộp cúng ông bà và cho chúng con ăn, còn một hộp gửi cho mẹ. Mẹ ăn mứt xong nhớ gửi vỏ hộp về cho con chơi nhé. Đọc thư con, Phạm Thị Thành khóc suốt cả tết vì thương con, nhớ con da diết. Hầu như trong 6-7 cái tết ở Nga, không có giao thừa nào không đẫm nước mắt vì nhớ con, thương con và quay quắt một nỗi nhớ cố hương.

Nhớ tết ở Trường Sơn

Có một giao thừa, một cái tết không bao giờ quên được ở Trường Sơn vào năm 1969. Lúc bấy giờ, sau Tết Mậu Thân, các đoàn nghệ thuật tăng cường vào phục vụ chiến trường, động viên bộ đội chiến sỹ tinh thần chiến đấu. Cái tết năm 1969 là tết đầu tiên của Phạm Thị Thành với các đồng chí bộ đội ở Trường Sơn. Thức ăn chỉ có rau rừng và lương khô, và một ít thuốc bổ bọc đường mở ra làm kẹo phát cho mỗi người vài viên. Không thịt, không bánh chưng, không mứt, không pháo…

Sáng mồng 1 tết, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã mời đoàn văn công lên gặp mặt. Con trai thì được mừng tuổi mỗi người vài điếu thuốc lá, con gái thì vài cái kẹo. Trưa mồng 1 tết được Tư lệnh giữ lại mời ăn một bữa cơm có vài miếng thịt tươi. Được ăn bát cơm và dẫu chỉ vài miếng thịt tươi giữa rừng là một bữa cơm đặc sản đối với mọi người lúc bấy giờ, vì thịt tươi ở rừng hiếm hoi lắm. Ngày hôm sau, đoàn lên đường đi biểu diễn, đến một đơn vị mà bây giờ Phạm Thị Thành không nhớ nổi tên đơn vị nữa, mới biết đêm giao thừa, đơn vị bị bom Mỹ giội trúng địa hình, nên chiến sỹ thương vong khá nhiều. Đêm hôm đó, đoàn văn công đến biểu diễn, các diễn viên vừa diễn, vừa khóc vì thương bộ đội.

Vĩ thanh

Nhớ lại những giao thừa, những cái tết đã qua trong đời, NSND Phạm Thị Thành kết luận vui: "Đời tôi hình như chưa có tết". Những năm tháng chiến tranh thì luôn là những cái tết xa gia đình, xa xứ ở những phương trời lạ. Hoà bình rồi thì vợ chồng lại trục trặc, tết lúc nào cũng chông chênh, trống trếnh bởi những hao khuyết vơi đầy…

Vài chục năm lại đây, cuộc sống của NSND Phạm Thị Thành là những chuyến đi, là những công trình lễ hội. Bà vừa là người viết kịch bản, vừa đạo diễn các chương trình thời sự lễ hội lớn của các địa phương tỉnh thành trong cả nước. Công việc bận liên miên, đời như một lễ hội dài không dứt. Ngày tết, để cùng các con cháu lên chợ mua một cành đào, bê một chậu quất, hay tỉ mẩn làm đĩa mứt để trổ tài phần nữ công gia chánh mà bà được thừa hưởng từ người mẹ xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc là điều xa xỉ. Không biết có phải cuộc sống hiện đại đã ngốn hết sạch thời gian của những người phụ nữ giỏi giang thành đạt như bà, hay chính bà đã không còn quan trọng tới phần lễ nghi tết một cách linh thiêng và sâu sắc như cha mẹ bà ngày xưa nữa… Hay trong cuộc sống riêng của mình, cá tính riêng của mình, cả trong ý thích của mình, tết đã không còn quan trọng với bà.

Năm nay, tết đã chừng về sau khe cửa của mỗi căn nhà ấm áp. NSND Phạm Thị Thành bé nhỏ, đơn sơ, lạc bước giữa phố xá đông người. Tôi nhớ một Phạm Thị Thành cách đây 5 năm thôi, tóc ngắn, váy trắng cộc, chân đi giày thể thao, vai khoác vợt tennis và nụ cười rực sáng… Ngoài 60 tuổi, Phạm Thị Thành vẫn chỉ như là người phụ nữ độ viên mãn của đời người với ánh lửa luôn chan đầy trong mắt… Nhưng giờ đây, thất thập cổ lai hy rồi, không ra sân chơi thể thao nữa, không du hí với bạn bè được rồi, có lẽ bà lại quay về với những ký ức đã qua thôi. Và trong một phần của ký ức đã mất, hoặc chưa bao giờ đầy cả, năm này, Phạm Thị Thành sẽ bắt đầu với cái tết cổ truyền của đời mình chăng

Lê Thị Thanh Bình
.
.