NSND Lý Huỳnh: "Báo đen" làm phim vua

Chủ Nhật, 10/05/2009, 09:56
Lý Huỳnh là một nhà sản xuất phim… lì lợm. Như biệt danh "báo đen" trên võ đài khi xưa, trong phim ảnh, ông cũng lầm lì bước đi con đường riêng, và tự hào ông chưa bao giờ phải chịu cảnh sản xuất phim mà thua lỗ...

Tính khoan tính nhặt, tiến thoái khoan hòa, Lý Huỳnh khôn ngoan lách qua những khúc ngoặt bất thường của điện ảnh, để duy trì hãng phim gia đình với dòng phim võ thuật. Ông vừa qua hai tháng vất vả trên trường quay với phim "Tây Sơn hào kiệt" - bộ phim bạc tỷ của Hãng phim Lý Huỳnh, làm về anh hùng Nguyễn Huệ. Anh Hai Lúa ngày nào nay đã là một ông già. Một ông già phong độ, nói rất hay và cười rất rộn ràng…

Hẹn Lý Huỳnh buổi sáng, ông nói buổi chiều tới nhà. Nhà ông nằm trên con lộ lớn, nối quận Nhất với quận 5, đường Ba tháng Hai, mặt tiền rộng mênh mông. Người giúp việc gọi ông là ông Hai. Ông xuống, mang sẵn những album ảnh, những bài báo viết về phim "Tây Sơn hào kiệt" và cả… về ông nữa. Phòng khách đặc không khí của nguời Hoa. Những bộ tràng kỷ, bàn thờ ông địa, những vật thờ tự và cả cách thắp những cây nhang thơm… Và trên tường như một cuộc triển lãm của ký ức, với tất cả những bức ảnh từ thời ông là võ sỹ quyền Anh nổi tiếng, những vai diễn của ông, những bức ảnh lưu niệm, cả poster những bộ phim mà ông sản xuất. Tất cả làm cho phòng khách có phần lộn xộn. Nhưng vui mắt.

Người giúp việc đi mua hai ly cà phê đá để ông đãi khách. Như cái cách người Bắc mặc định đến nhà khách sẽ được uống trà. Lý Huỳnh cười tươi, bắt đầu khoe "Tây Sơn hào kiệt". Bộ phim này lấy đi của ông thật nhiều tâm sức. Nhưng ông có vẻ mãn nguyện rất nhiều. Trong sự mãn nguyện ấy, có chút gì đó là sự tự hào về công sức mà mình sẽ góp cho điện ảnh.

"Tây Sơn hào kiệt" là bộ phim võ hiệp. Nhưng dựa trên một nhân vật có thật của lịch sử. Lý Huỳnh nói, ông muốn mọi chi tiết phải sống động nhưng không xa rời với sử sách. Vì đây là bộ phim mà người dân Bình Định đặt vào đó cả niềm hy vọng lớn lao. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã huy động 3.000 diễn viên quần chúng, giúp đoàn làm phim mọi điều kiện thuận lợi, cũng chỉ mong có được một bộ phim về người con Tây Sơn đúng nghĩa và hấp dẫn.

"Tôi mà làm sai đi, là tôi có tội lớn" - Lý Huỳnh nói. Bộ phim được đầu tư 10 tỷ, mà kinh phí do gia đình ông bỏ ra chiếm 2/3. Một canh bạc lớn. Mà ông không lo chuyện lỗ lãi. "Giờ tôi chỉ muốn cho khán giả hiểu thêm về lịch sử bằng một phim hấp dẫn. Tôi cũng đã già, làm được gì thì làm thôi, chứ cứ tính hoài lời lãi thì rất mệt. Nhưng tôi có niềm tự hào thầm kín, là hơn 30 phim truyện tôi sản xuất, mà chưa có phim nào chịu lỗ. Thậm chí, có nhiều phim lãi khẳm". "Tây Sơn hào kiệt" có hai yếu tố ăn khách. Một là Lý Hùng, ngôi sao vang bóng một thời của "Thăng Long đệ nhất kiếm", "Lửa cháy thành Đại La"… Hai là Thuỳ Lâm, hoa hậu hoàn vũ Việt Nam. Họ thành Quang Trung và Ngọc Hân công chúa. Lý Huỳnh không ngớt khen… con và khen hoa hậu! Ông có một niềm tin thực sự, rằng các diễn viên đã làm rất tốt và bộ phim hoàn toàn có thể thành công. Xem phim do ông sản xuất, sẽ thấy rất nhiều người quen cũ của hai cha con ông, như NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, như Mộng Vân, Công Hậu…Ông cũng xuất hiện với vai Nguyễn Nhạc. "Tây Sơn hào kiệt" đã được đặt lịch chiếu từ bây giờ, dù đến Tết mới ra mắt công chúng.

"Tôi nghĩ nếu không làm bây giờ thì chẳng biết khi nào làm được. Mình làm phim 10 tỷ, nhưng mà quyết liệt thì sẽ làm được thôi. Dù phim toàn đại cảnh, diễn viên đông, dùng ngựa dùng voi, mình phải tính sao cho nó vừa với túi tiền của mình mà phim vẫn công phu, hoành tráng. Người ta có 200 tỷ để làm phim lịch sử, họp hoài mà cuối cùng có làm đâu. "Tây Sơn hào kiệt" là sản phẩm mà chúng tôi muốn gửi đến nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội".

Đang trò chuyện cùng Lý Huỳnh, đến đoạn ông thách đấu cùng Lý Tiểu Long khi xưa, thì có hai cô gái bước vào. Ông giới thiệu đó là hai fans ruột của Lý Hùng, dù có chồng bên Mỹ nhưng rất thường về thăm. Hai cô gái vào nhà, ngồi chơi với người giúp việc, như những người thân. Và ông nói, điện ảnh luôn làm cho người ta có được sự yêu mến khác thường như vậy. Ông cũng thế, sau khi xuất hiện với 13 vai sĩ quan ngụy ác ôn, một ngày đẹp trời đạo diễn Hồng Sến đưa cho ông một kịch bản phim mà ông sẽ đóng vai nông dân tên là Hai Lúa. Ông đi thực tế 3 tháng, phim phát hành thì ông thành một huyền thoại. Cái tên Hai Lúa được dân gian yêu mến đến mức trở thành tính từ, chỉ những người chất phác, quê mùa. Trên đường Hùng Vương, Ký Con (TP Hồ Chí Minh) hay tận bên Mỹ, những cái tên quán Hai Lúa từ lâu đã trở thành quen thuộc. Lý Huỳnh cũng được gọi là Hai Lúa. Và người ta yêu mến ông suốt bao nhiêu năm, không chỉ vì giỏi võ mà vì vai diễn của ông. Đó chính là sức ma mị quyến rũ của điện ảnh.

Không ai biết mình sẽ thành công tới mức nào. Chỉ biết rằng, nếu tạo được dấu ấn trong nghề diễn, họ sẽ có những người hâm mộ theo đuổi và thương quý đến cuối đời. Cũng chính vì thế, mà Lý Huỳnh chưa bao giờ có ý định xa rời điện ảnh.

Lý Huỳnh có một tham vọng thực sự, là ông muốn xây dựng một gia đình điện ảnh. Ở đó, ông là nhà sản xuất. Con trai lớn, Lý Sơn, là đạo diễn. Lý Hùng và Lý Hương có thể kết hợp thành một cặp trai tài gái sắc trên phim. Vợ ông, bà Đào Thị Nguyên, sẽ làm chủ nhiệm. Những bộ phim ông sản xuất không quá cao siêu, thiên về hành động. Nhưng ông sẽ tạo được dấu ấn đặc biệt, từ hiệu ứng của cách làm đó. Khi dòng phim thị trường đang chiếm ưu thế, chính ông đã đẩy cậu con trai Lý Sơn ở tuổi 25 vào cuộc chơi điện ảnh. Và Lý Sơn đã thành công với "Nước mắt học trò", một trong những phim tạo nên thành công của Hãng phim Lý Huỳnh trong thời điểm đó. Lý Hùng thì từng được coi là hình mẫu lý tưởng của một bộ phận thanh niên trẻ, hào hiệp, giỏi võ, đẹp trai…

Cái cách mà Lý Huỳnh gầy dựng, giống như những ông chủ người Hoa, muốn cả gia tộc theo một cái nghiệp và sống đời với nó. Cũng không muốn cơ nghiệp đến tay người ngoài dòng tộc. Nhưng Lý Huỳnh lại không có đủ độ nhạy với thị trường phim ảnh. Trong khi các hãng phim tư nhân mới thành lập chuyển động quá nhanh, có thể nói đã bắt kịp với trào lưu chung của điện ảnh khu vực, thì ông đã quá trung thành với truyền thống của mình. Đó chính là sự mắc kẹt trong sự thủy chung mà quên mất rằng, điện ảnh cũng là nền công nghiệp, cần vận hành nó trong một tình huống mà tất cả phải đồng bộ, tất cả phải hiện đại. Sự thủy chung đó có được sự quan tâm của những người thủy chung, ít nhất phim của ông không bao giờ lỗ vốn. Nhưng nếu tính đường dài, thì có lẽ cơ nghiệp phim ảnh của Lý Huỳnh cần thêm một tư duy trẻ trung, quyết liệt.

Có một sự thật là, nói chuyện với các nghệ sỹ điện ảnh thì luôn tràn ngập những chuyện đời chuyện nghề. Nói chuyện với Lý Huỳnh cũng vậy. Ông như bước vào một cơn say. Và ông, khi ấy, võ sĩ đai trắng Thiếu lâm tự không có nhiều điều để nói bằng những bộ phim. Ông nói, ông là võ sĩ nhưng chưa từng một lần tai nạn. Còn khi đóng phim võ thuật, ông từng bị nhiều lần trầy vi tróc vẩy. Những vết sẹo trên người ông đều do phim ảnh. Còn nghề võ, cho ông nhiều vinh quang. Và cho ông một người vợ đảm, từng là môn đệ của mình.

Trong cay đắng đời người, cả vinh lẫn nhục, cả khi làm võ sư thượng đài trước ngàn cặp mắt lẫn khi đau bệnh và chứng tiểu đường hành hạ, bà vẫn là người ở bên cạnh, chăm sóc cho ông, lo cho cả gia đình lớn mọi sự an ổn. Cuộc đời lăn xả của Lý Huỳnh có phần thuận lợi, là bởi có được người vợ giỏi. Và ông thấy đó là hạnh phúc lớn lao. Sau mọi cơn bão, ông vẫn còn bà. Và đến lúc này, có thể nói tình yêu ấy sẽ là vĩnh cửu.

Lý Huỳnh, xét từ nhiều khía cạnh, là một trường hợp đặc biệt. Ông đã sống một cuộc đời đặc biệt, với những khúc ngoặt không ngờ. Ông đã từng là võ sư, là cận vệ của tướng Nguyễn Cao Kỳ. Và cũng ông, tình cờ trở thành một võ sư nổi tiếng trên phim ảnh. Ông dường như là võ sư duy nhất có tên trong danh mục nghệ sỹ nhân dân. Và phim ảnh dường như đã cho ông tất cả. Sự nghiệp lẫy lừng, gần nửa thế kỷ được yêu mến và cả những đứa con nổi tiếng trên những bộ phim của ông. Lý Huỳnh nói, ông không lựa chọn, mà cuộc đời kéo ông đi, như thể mọi sự tất yếu phải như thế. Cho nên, đến lúc này, ông muốn tri ân phim ảnh, bằng những dự án nghiêm túc.

Ông muốn làm phim lịch sử võ hiệp. Những câu chuyện lịch sử được kể bằng phim ảnh sẽ là một ký ức khó xóa trong tâm trí người xem. Hành trình ấy chắc chắn sẽ vất vả, gian nan. Nhưng thật may, Lý Huỳnh không phải độc hành... 

Thảo Điền
.
.