Chị Nguyễn Thanh Hà, Trưởng nữ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh:

Một nửa của ba một nửa của mẹ...

Thứ Năm, 06/01/2011, 15:40
Thực ra thì tôi đã nghe về chị từ lâu, đã từng đọc một bài báo rất cảm động của chị viết về cha mình, in trong tập "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nhà lãnh đạo lỗi lạc, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2007.

Với anh Lê Việt Bắc, phu quân của chị, tôi cũng có những quan hệ đồng đội và đồng nghiệp nhất định, không quá thường nhật nhưng cũng khá thân tình - anh Bắc từng là một cựu sĩ quan phòng không không quân, cách đây không lâu còn ngồi trên ghế Phó tổng biên tập tạp chí Heritage của Vietnam Airlines, một người đàn ông rất thích văn nghệ…

Tôi với anh Bắc đã có không chỉ một dịp ngồi với nhau theo kiểu người lính, cùng uống cạn không chỉ một vò rượu… Thế nhưng, với chị, trưởng nữ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì chỉ tới đầu tháng 12 này, vào trong Huế dự đêm thơ "Về quê mẹ" của nhà thơ Tố Hữu, tôi mới được tiếp xúc gần gụi.

Hôm đó, chị đi cùng với các thành viên gia đình mình và gia đình nhà thơ Tố Hữu vào Huế, vừa thăm quê, vừa dự đêm thơ. Mới gặp nhau lần đầu thôi nhưng giữa chị và tôi đã không có gì cách biệt vì đã "kỳ thanh" nhau nhiều rồi. Tôi đã xin chị một cái hẹn ở Hà Nội; chị đã gật đầu dù, như sau này chính chị tâm sự, chị rất ngại gặp các nhà báo.

Tôi, kẻ rất không thích làm ngoại lệ, đã phải trở thành ngoại lệ trong cách nhìn của chị Nguyễn Thanh Hà. Đơn giản là vì chị nghĩ rằng, tôi có thể nói mọi việc theo cách  chân tình, chân thành và chân thực nhất… Cá nhân tôi không dám nghĩ về mình như thế…

Cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thanh Hà đã diễn ra vào sáng 22/12/2010 tại khu nhà trên phố Phan Đình Phùng, được quân đội dành làm chỗ để giữ những kỷ vật về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Chị nói với tôi rằng, vì đã hứa gặp tôi nên chị đã phải bỏ một số cuộc gặp mặt ở các đơn vị quân đội cũ nhân ngày Quốc phòng Toàn dân năm nay.

Hồng Thanh Quang: "Quê hương mỗi người chỉ một", đó là thơ của anh Đỗ Trung Quân. Trở về thăm quê vừa rồi, chị cảm thấy gì ạ?

Nguyễn Thanh Hà: Nói thực với Hồng Thanh Quang, mỗi năm mình về thăm quê tới 4-5 lần cơ, chứ không chỉ lần vừa rồi. Mà, mình thấy người Việt Nam mình cũng lạ, đấy là mình suy từ mình ra. Mình không sinh ra ở quê, mà mình được sinh ra ở Nghệ Tĩnh, trưởng thành ở Việt Bắc, rồi ở nhiều nơi khác, ấy vậy mà mình thấy rất gắn bó với quê hương. Bọn mình thường mỗi năm về mấy lần để thăm họ hàng, để góp gì đó cho quê…

Lần vừa rồi về thì cũng rất đặc biệt, đó là vì có đêm thơ của Tố Hữu. Chú Tố Hữu với ba mình đã gắn bó với nhau từ thời trẻ, khi mới khoảng 16-17 tuổi. Lúc ấy, ông Nguyễn Chí Thanh đi vận động ông Tố Hữu vào Đảng và ông Tố Hữu cũng đi vận động ông Nguyễn Chí Thanh vào Đảng. Rồi cả hai mới vỡ lẽ ra rằng, cả hai đều đã là người của Đảng (cười)…

Hồng Thanh Quang: Đều là người của đằng mình rồi…

Nguyễn Thanh Hà: Đều là người của  đằng mình rồi (cười)… Bọn mình rất xúc động khi dự đêm thơ. Thời buổi bây giờ, làm được một đêm thơ tác giả đâu có dễ gì. Mình rất hạnh phúc vì trong đêm thơ có cả những vần thơ mà chú Tố Hữu viết về ba mình. Mình vẫn nghĩ rằng, con cháu bây giờ phải nhớ đến những người xưa…

Hồng Thanh Quang: Khi nhớ ba mình, chị nghĩ gì? Khi về lại quê mình, chị cảm thấy gì?

Nguyễn Thanh Hà: Tôi nói thật với Hồng Thanh Quang, tôi đã viết điều này rồi: ở trong tôi, ba tôi đã trở thành một ký ức thiêng liêng. Trong tôi, ông không còn là một con người trần tục nữa, mà đã trở thành một khái niệm, một đạo lý về con người, về nhân cách, về niềm vui, nỗi buồn…

Còn ở quê thì bao giờ cũng chỉ có cảm giác rất là xúc động. Tại vì thế nào? Quê mình rất đẹp, có dòng sông rất đẹp, làng quê rất đẹp. Mình hiểu tại sao ba mình là người rất yêu văn nghệ, là con người rất lãng mạn, đủ cả thơ ca hò vè… Mà văn ba mình viết thì giọng rất là dí dỏm. Đấy, khi nào Hồng Thanh Quang đọc những bài của ông thì thấy rất là dí dỏm, rất là hay… --PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Tôi cũng đã đọc rồi, không nhiều nhưng cũng không ít. Và thực sự tôi cảm thấy trong cốt cách của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn hiển hiện một tình thần lãng mạn rất lôi cuốn. Tôi muốn nói tới một việc. Người ta vẫn cho rằng, tinh thần lãng mạn của những  người thanh niên trong xã hội cũ, rất dễ hòa nhập với tư tưởng cách mạng, vì cách mạng lúc ấy là sự hứng khởi, là một chủ nghĩa lãng mạn.

Thế nhưng, tại sao sau này người ta lại cứ nghĩ rằng tính lãng mạn ấy sẽ  khiến các chàng trai trẻ cũ khi ở tuổi trung niên rồi sẽ trở nên không kiên định? Có thể, với trường hợp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì mọi sự có khác, đó là một tấm gương cực kỳ kiên định, kiên định tới cùng, dù rất lãng mạn, lúc nào cũng lãng mạn, như chị vừa nói…

Nguyễn Thanh Hà: Mình nghĩ vấn đề gì cũng có hai mặt của nó. Nếu một người lãng mạn được tắm mình trong một môi trường tốt và tìm được đúng hướng đi của mình rồi thì sẽ càng ngày càng trở nên kiên định hơn. Còn nếu không tìm được đúng hướng đi thì, như Hồng Thanh Quang vừa nói, dễ bị chung chiêng theo thời cuộc.

Hồng Thanh Quang: Tôi đôi lúc lại nghĩ rằng, cuộc cách mạng nào cũng đều có những giai đoạn phát triển khác nhau của nó. Khi mới bắt đầu thì tinh thần lãng mạn rất cần thiết để thắp lửa lên một phong trào mới, một hào khí mới, một thể chế mới.

Nhưng rồi tới một giai đoạn nào đó, thì mọi sự lại phải trở về với những "khuôn vàng thước ngọc" muôn đời với  những cái căn bản nghìn năm và sự lãng mạn thời thanh xuân ấy bỗng chốc lại trở thành non trẻ so với yêu cầu của thời đại?

Nguyễn Thanh Hà: Không phải, không phải thế…

Hồng Thanh Quang: Vậy là sao?

Nguyễn Thanh Hà: Mình nghĩ là không phải thế. Trong thời đại nào cũng vậy, kể cả ngay bây giờ, sự lãng mạn sẽ chỉ trở thành yếu ớt nếu không hòa đồng được với thời cuộc, với môi trường xung quanh. Thí dụ như mình với Hồng Thanh Quang, chúng ta từng được trưởng thành trong môi trường quân đội và chúng ra rất hợp với môi trường ấy, nên chúng ta có những sự phát triển tốt.

Còn nếu ai đó rơi vào một môi trường khác không thể thích hợp được thì tất yếu sẽ nảy sinh những hiện tượng tiêu cực và tự dưng mình cảm thấy chán cuộc đời, mình buông xuôi… Những chuyện như thế thì thời nào cũng có…

Hồng Thanh Quang: Trong gia đình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì chị là trưởng nữ; sau chị, như tôi biết, còn có ba người em, hai người em gái và một người em trai. Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất năm 1967, chị đã 17 tuổi và hiển nhiên ở trong nhà, chị là người con giữ được nhiều ký ức về ba mình nhất. Bây giờ nhìn lại, chị cảm thấy chị đã tiếp thu được gì nhiều nhất từ ba mình?

Nguyễn Thanh Hà: Mình nghĩ là cái từ "tiếp thu" ở đây chưa chuẩn. Tiếp thu - đó là ở cơ quan, ở đơn vị. Còn trong gia đình, có lẽ nên nói là thẩm thấu…

Hồng Thanh Quang: Tôi xin lỗi, chị nói đúng. Xin hỏi lại là, chị đã thẩm thấu được những gì từ ba mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh?

Nguyễn Thanh Hà: Rất tự nhiên thôi.  Mình nhớ là ba mình luôn có một tinh thần lạc quan, ông lúc nào cũng vui vẻ, lúc nào cũng cười đùa và lúc nào cũng nói chuyện tiếu lâm. Thí dụ, mình rất nhớ những buổi ông đi xuống hợp tác xã về, mà hợp tác xã ở nông thôn thời ấy thì có rất nhiều chuyện nghịch lý, buồn cười lắm. Ông về, ông kể chuyện cho mình nghe, ông cười sảng khoái lắm, cười to…

Cậu Vịnh (tức Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con út và cũng là con trai duy nhất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - HTQ)  không phải lúc nào cũng có được điệu cười sảng khoái như ông đâu. Ông cười rất là sảng khoái, ông là con người rất lạc quan…

Hồng Thanh Quang: Tôi vẫn hình dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một người không xa lạ với nông thôn và mặc dù đã làm một chức vụ rất cao, nhưng vẫn là người không xa lạ với bất cứ biểu hiện gì của đời thường, bình dân…

Nguyễn Thanh Hà: Ông là người không xa lạ với ai. Ông về nông thôn thì từ người nông dân trở đi đều thấy gần với ông. Đầu năm nay, mình vừa về hợp tác xã Đại Phong, vì mình làm ở đấy một cái thư viện nhỏ. Mình luôn nghĩ rằng, cái quan trọng nhất để giúp cho người nông dân là cung cấp cho họ tri thức, cho nên mình mới đề nghị với họ là cho mình giúp lập một thư viện nhỏ, để hằng năm mình đưa sách về, sách nông nghiệp, sách văn học, sách đọc tham khảo...

Mình về hợp tác xã Đại Phong thì đã nghe một số người kể lại, buổi chiều ông mặc quần nâu sồng, đi đôi dép lê, ra đường thì chẳng ai biết là ông Nguyễn Chí Thanh cả. Ông xuống với nông dân, ông cấy ruộng, xong ông hỏi chuyện rất giản dị, thân mật. Mãi tới khi   các đồng chí bảo vệ bổ đi tìm ông thì mọi người mới biết, đấy là đồng chí Nguyễn Chí Thanh (cười).

Hồng Thanh Quang: Tìm xem lãnh đạo ở đâu thì hóa ra lãnh đạo đang cấy lúa…

Nguyễn Thanh Hà: Thế đấy. Mình còn nhớ, ông cũng là một người rất thân của các văn nghệ sĩ… Nếu mà Hồng Thanh Quang có đọc thì sẽ thấy là nhà thơ Hoàng Cầm viết rất hay về ông…

Hồng Thanh Quang: Tôi có đọc… Tôi có nhớ một đoạn. Nhà thơ Hoàng Cầm đã viết về chuyện bác Nguyễn Chí Thanh đi chiến dịch Hoàng Hoa Thám như sau: "Anh đã đi bộ như anh binh nhì, bộ quần áo nâu đã sờn rách với cái áo trấn thủ nâu nổi lên nhiều hình quả trám, với cái mũ nan phủ vải xanh rêu, chùm lưới gài lá ngụy trang. Trừ người đã quen mặt quen tên anh, còn ai cũng nhìn anh  như một anh lính dã chiến bình thường vô danh…

Hồi ấy, ngay cả báo chí ở bên Pháp, báo chí ở vùng tạm chiếm (Hà Nội, Sài Gòn) cũng đã kể đến tên anh, gọi anh là vị cứu tinh của Bình - Trị - Thiên (le sauveur de Binh - Tri -Thien). Anh đã lập chiến công hiển hách nhất trong sổ tay chiến đấu của cả nước. Mà linh hồn của mọi chiến tích ấy lại là chính sách đoàn kết - yêu thương, gắn bó với dân"… Để một nhà thơ như Hoàng Cầm cảm nhận như thế chắc phải có mối quan hệ cực kỳ thân thiết, gần gụi…

Nguyễn Thanh Hà: Ba mình luôn cảm thấy sự gắn bó máu thịt với nhân dân, với người dân, với các văn nghệ sĩ. Mình nhớ, hồi mình nhỏ, đã có rất đông các văn nghệ sĩ đến nhà mình chơi. Các cô các chú đến suốt ngày để nói chuyện với ba mình. Như Chế Lan Viên chẳng hạn…--PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Toàn là dân tập kết mà (cười).

Nguyễn Thanh Hà: Không chỉ dân tập kết mà nhiều văn nghệ sĩ khác nhau cũng tới chơi với ba mình ở nhà. Ba mình là con người không hề xa lạ với bất cứ ai. Dễ hòa đồng, với ai cũng có cách nói chuyện để người ta thân thiện với mình. Ông có một khả năng mà rất ít người khác có. Đó là sự hấp dẫn...

Hồng Thanh Quang: Thu hút….

Nguyễn Thanh Hà: Thu hút người nghe…

Hồng Thanh Quang: Thu hút người nghe, tức là khẩu khiếu bẩm sinh của nhà tuyên truyền.

Nguyễn Thanh Hà: Mình còn nhớ, có lúc ông đã phê phán thói trưởng giả của một số gia đình cán bộ, tức là nêu rõ tên của một số bà vợ cán bộ, về thành phố rồi, có những tác phong trưởng giả, đeo nhẫn nọ kia... Vậy mà họ không giận mà vẫn đến nhà và nói là sẽ rút kinh nghiệm…

Hồng Thanh Quang: Tức là phê bình người ta một cách tinh tế để người ta không tự ái mà tiếp thu và sửa chữa…

Nguyễn Thanh Hà: Người ta không giận, mình vẫn nhớ chuyện đấy, thế mình mới thấy rất là lạ…

Hồng Thanh Quang: Xin phép được hỏi, gia đình chị chỉ có một người con út là con trai. Chắc là Đại tướng đã rất vui khi sinh được "một trai con thứ rốt lòng"?

Nguyễn Thanh Hà: Vui chứ, sau ba cô con gái mới có một cậu con trai… Vậy nên chiều lắm, tới tuổi học lớp một rồi vẫn không cho tới trường mà luôn mang đi theo mình, tự mình dạy con trai học…

Hồng Thanh Quang: Theo chị, người con trai độc nhất của đồng chí Nguyễn Chí Thanh có được thừa hưởng những nét gì từ cha mình? Chị cứ nhận xét với tư cách người chị cả trong  nhà…

Nguyễn Thanh Hà: Nói chung không phải chỉ riêng cậu Vịnh đâu mà cả nhà mình đều sống theo cách của ông đã truyền vào bọn mình, tức là sống rất chân thành…

Hồng Thanh Quang: Chân thành, hồn nhiên, trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời cũng vẫn rất hồn nhiên…

Nguyễn Thanh Hà: Chân thành, hồn nhiên và rất là đơn giản, sống đơn giản, không bon chen…

Hồng Thanh Quang: Cuộc sống đến đâu thì mình cứ làm việc đến đấy và nó cứ thế…

Nguyễn Thanh Hà: Thế thôi!

Hồng Thanh Quang: Tôi có đọc đoạn chị viết về bà nội của mình, về Mệ, theo cách nói của quê nội chị…

Nguyễn Thanh Hà: Bà nội mình là người rất đặc biệt, rất là kiên cường. Bà đã nuôi con đi làm cách mạng và bị địch nó chặt mất một ngón tay. Một con người kiên cường, rất là kiên cường. Và ở với gia đình thì cũng phong cách như vậy.

Hồng Thanh Quang: Thẳng thắn…

Nguyễn Thanh Hà: Thẳng thắn, cứng rắn và nhiều khi là... Khi còn  sống với bà thì bọn mình còn nhỏ quá, nên bây giờ nhớ lại cũng không được nhiều… Nhưng mình chỉ buồn cười là, mỗi một lần bà đòi cái gì hay có cái gì mà ba mình không đồng ý thì trong các buổi họp gia đình, ba mình lại  nhờ các cô các chú phát biểu, nói  rằng mẹ phải thế này, mẹ phải thế kia, mẹ không được thế này, không được thế kia. Thế là bà cũng nghe theo… Chứ ba mình nói thì lắm khi bà không chịu đâu. Bà luôn thích mình muốn thứ gì thì con trai phải chiều thứ ấy…

Hồng Thanh Quang: Vì mẹ đã mang nặng đẻ đau… Với tôi bây giờ, mẹ tôi muốn gì thì tôi cũng sẵn sàng chiều, chỉ sợ sau này không còn thời gian mà chiều mẹ nữa…

Nguyễn Thanh Hà: Ai mà chẳng thế...

Hồng Thanh Quang: Bà mất năm bao nhiêu tuổi chị nhỉ?

Nguyễn Thanh Hà: Bà mất năm 97 tuổi, sau ngày giải phóng miền Nam khoảng 3 năm. Về Huế ở rồi mới mất…

Hồng Thanh Quang: Ở Huế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn anh chị em gì nữa không?

Nguyễn Thanh Hà: Ngày ấy còn đến 3 người, chứ bây giờ mất hết rồi…

Hồng Thanh Quang: Sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời, gia đình chị  như thế nào?

Nguyễn Thanh Hà: Lúc ba mình mất, mẹ mình bị sốc đột ngột quá nên cũng ốm luôn, cho đến năm 1980 thì cũng qua đời. Suốt thời gian ấy, mẹ mình cứ phải đi nằm viện mãi, hết từ 103 lại đến 108…

Hồng Thanh Quang: Thế chị và các em đã sống như thế nào?

Nguyễn Thanh Hà: Bây giờ mấy chị em  cũng hay ngồi với nhau và đôi khi có người đã hỏi, tại sao hồi ấy bọn mình khổ thế nhỉ? Mình mới bảo, không phải chỉ riêng chị em mình khổ, mà cả đất nước cũng khổ.

Hồng Thanh Quang: Cái khổ của chị như thế nào?

Nguyễn Thanh Hà: Thì cũng phải bươn chải như mọi người. Nhà bọn mình hồi ấy là ở 34 Lý Nam Đế, rộng lắm.  Bọn mình cùng nhau đào ao thả cá, rồi phải nuôi lợn, rồi phải làm que hương... ở khu nhà ấy, hồi ba mình còn sống, ông già đã trồng 10 cây dừa và 1 cây khế. Nói có vẻ khó tin, nhưng chính những quả dừa ở 10 cái cây ấy đã là nguồn thu nhập cho bọn mình vào những ngày giỗ ông, giỗ bà, phải bán đi để có tiền làm giỗ…

Hồng Thanh Quang: Xem ra, các anh chị cũng không được ưu đãi gì mấy so với những người bình thường…

Nguyễn Thanh Hà: Mình nghĩ rằng, thời ấy, mọi người đều vất vả, chị em mình cũng như mọi người thôi, ai cũng phải bươn chải, ai cũng phải cố gắng để sống.

Hồng Thanh Quang: Giai đoạn ấy cũng đâu có ngắn…

Nguyễn Thanh Hà: Cả chục năm đấy chứ…

Hồng Thanh Quang: Chục năm… Cả thời bao cấp…

Nguyễn Thanh Hà: Nhưng rồi mọi sự cũng trôi qua thôi. Mình nghĩ, không có gì nặng nề cả.

Hồng Thanh Quang: Con của Đại tướng cũng phải phấn đấu nỗ lực thì mới khá lên được, chứ không thể chỉ dựa vào những điều kiện thuận lợi…

Nguyễn Thanh Hà: Thực ra thì điều kiện thuận lợi của mình là gì? Là đã có một tư duy tốt, là đã được sống trong một gia đình trang bị cho mình hiểu biết về cuộc sống và mình có ý thức sống cùng với thời cuộc, dù khó khăn đến đâu một cách xứng đáng chứ không than vãn...

Hồng Thanh Quang: Mình chấp nhận mọi sự như tự nhiên phải thế...

Nguyễn Thanh Hà: Như mọi sự tự nhiên trên cuộc đời này… Mình nói ví dụ với Hồng Thanh Quang về chuyện mẹ mình nhé. Dạo đó, tới niên hạn, mẹ mình được đề bạt lên cấp thiếu tá, tất cả những người đồng lứa với mẹ đều được đề bạt như thế. Nhưng khi ba mình ký quyết định thì ba mình lại nói, tôi ký cho những người khác nhưng trường hợp này (trường hợp của mẹ mình) thì tôi để lại, tôi sẽ tự làm công tác tư tưởng với bà ấy…--PageBreak--

Hồng Thanh Quang (cười): Có vẻ bắt nạt vợ quá nhỉ…

Nguyễn Thanh Hà (cũng cười): Chỉ khi ba mình mất rồi, mẹ mình mới được  thăng lên cấp thiếu tá rồi về hưu…

Hồng Thanh Quang: Ông làm thế cũng là để gương mẫu ấy chứ…

Nguyễn Thanh Hà: Gương mẫu mà… Mình còn nhớ, hồi ấy, mỗi tháng mẹ mình có 18 cân tem gạo, nếu cuối tháng ăn không hết thì mẹ mình lại mang số tem phiếu còn lại trả cơ quan…

Hồng Thanh Quang: Chứ không bán ra ngoài cho "con phe"?

Nguyễn Thanh Hà: Không! Tính bà là thế. Vậy nên sau khi ba mình mất, mẹ mình mới nói rằng, cái nhà này là tiêu chuẩn của ba, ba mất rồi, các con phải mang trả lại quân đội đi… Lúc đó, bà đang ốm nên bọn mình chưa trả. Sau khi bà qua đời, bọn mình đã đem trả lại cho quân đội ngôi biệt thự 34 Lý Nam Đế.

Hồng Thanh Quang: Tôi biết, bây giờ đó là trụ sở Hội Cựu chiến binh Việt Nam… Thế là từ đó, các anh chị mỗi người phải ở một nơi nhỉ?

Nguyễn Thanh Hà: Mỗi người mỗi nơi. Thì cũng chả sao… Sau này có một người bạn của ba mình khi đến thắp hương cho ba mình thấy nhà bọn mình ở chật quá, có nói, sao các cháu lại trả biệt thự, cứ giữ mà ở có hơn không? Giữ lại làm gì một khi mẹ mình đã bảo như thế… Thực ra làm thế mới phải vì ba mẹ mình đã sống đơn giản như thế thôi, cái gì không phải của mình thì không bao giờ giữ…

Hồng Thanh Quang: Mà chính như thế mới tạo cho các anh chị một cái hồng phúc đấy… Đời cha không ăn mặn…

Nguyễn Thanh Hà: Mình nghĩ thế này, tất cả 4 chị em mình đều sống độc lập

Hồng Thanh Quang: Mỗi người một công việc, đúng không chị?

Nguyễn Thanh Hà: Mỗi người một công việc… Hai cô em gái của mình, khi mới chuyển vào thành phố HCM, cũng phải bươn chải lắm. Thậm chí có lúc phải đi bán cháo lòng tiết canh… Mình còn nhớ, có hôm, em mình bán không hết hàng, mời chị đến ăn giúp... Nhưng ăn thì chỉ một hai bữa thôi chứ ngày nào cũng thế thì làm sao mà nuốt được (cười).

Hồng Thanh Quang: Chị có thể nói ra cảm nhận của chị về cậu em út, cậu con trai duy nhất trong nhà?

Nguyễn Thanh Hà: Mình vẫn nghĩ rằng, con người muốn trưởng thành thì cái thứ nhất là, phải có tố chất; và thứ hai, cái tố chất ấy phải được đưa vào môi trường thích hợp để phát huy được nó. Ba mình mất khi cậu Vịnh mới 7-8 tuổi, lớn lên trong nhà thì rất là vất vả, cũng bướng bỉnh, nghịch ngợm…

Hồng Thanh Quang: Con bộ đội thời chiến, tôi biết điều này vì tôi cũng là con bộ đội, bố tôi thời ấy cũng ở chiến trường...

Nguyễn Thanh Hà: Thì cũng chỉ là những thứ học trò…

Hồng Thanh Quang: Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò…

Nguyễn Thanh Hà: Tới một thời điểm nào đó, mình thấy là cần phải có một môi trường thích hợp để em mình tu dưỡng, phấn đấu… Và cậu Vịnh đã có được môi trường đó ở chiến trường K. Lúc cậu ấy đi sang đó, nhiều cô chú, nhất là các cô, các bà mẹ, cứ bảo với mình, sao cháu lại để em đi vào chỗ khó khăn nguy hiểm thế? Và mình đã trả lời rằng, nhưng đấy có lẽ là cách tốt nhất để thử xem cậu ấy có đứng được không…

HồngThanh Quang: Và em trai chị đã đứng được, đã trưởng thành…

Nguyễn Thanh Hà: 9 năm cậu ấy ở  chiến trường K, say mê công việc, không chịu về sớm, và nói, chỉ khi nào xong việc mới về… Mình nghĩ, con người đúng là có tố chất nhưng mà phải có môi trường. Và đúng là...

Hồng Thanh Quang: Phải được đào luyện.

Nguyễn Thanh Hà: Phải được đào luyện bằng thực tế…

Hồng Thanh Quang: Phải được đào luyện bằng những khó khăn, gian khổ, cuộc sống đâu có đơn giản, đúng không chị?

Nguyễn Thanh Hà: Đúng, đúng là như thế.

Hồng Thanh Quang: Bây giờ nhìn lại, chị có thấy đã bao giờ những người em của chị làm chị phiền lòng chưa?

Nguyễn Thanh Hà: Đến hôm nay thì mình nghĩ là, gia đình mình không có gì mình phải phiền lòng vì các em mình vì chúng nó đã sống đúng với cái nghĩa là sống tự lập, có bản lĩnh và mình nghĩ đó là một cuộc sống tốt. Đấy, chỉ cần thế thôi. Bọn mình thì thế này, nếu có gì không hài lòng thì mấy chị em mình ngồi lại với nhau, "mắng mỏ" nhau mấy câu…

Hồng Thanh Quang: Chị là trưởng nữ, có quyền "thế phụ"…

Nguyễn Thanh Hà: Không, mình vẫn nói với các em mình, các em nghe chị không chỉ vì chị là cả, mà là vì chị…

Hồng Thanh Quang: Có đúng hay không…

Nguyễn Thanh Hà: Là ở vấn đề mà chị đặt ra có đúng hay không…

Hồng Thanh Quang: Chị thấy chị có thừa hưởng một nét tính cách nào của bà nội không?

Nguyễn Thanh Hà: Mình thừa hưởng tính cách một nửa của ba, một nửa của mẹ. Của mẹ là chu đáo, của ba là kiên quyết. Cậu Vịnh nói thế chứ cũng "sợ" mình lắm…

H.T.Q.
.
.