Kỷ niệm 95 năm ngày sinh của đồng chí Phan Trọng Tuệ (7/7/21917-18/12/1991):

Một người cộng sản đáng yêu

Thứ Hai, 02/07/2012, 16:15
“Một người cộng sản kiên trung, một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước, có đức độ và tài năng, hết lòng vì nước vì dân” - đó là lời đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đồng chí Phan Trọng Tuệ, Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trong giai đoạn 1958-1959, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong suốt 20 năm từ 1961 tới 1980, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ trong những năm 1973-1976...

Tìm hiểu cuộc đời hoạt động cách mạng có nhiều công trạng của đồng chí Phan Trọng Tuệ qua hồi ức của những đồng chí, đồng nghiệp cùng thời với ông (được tập hợp trong cuốn sách “Phan Trọng Tuệ: Vị tướng - Bộ trưởng đức độ, tài năng”), điều khiến tôi cảm thấy xúc động nhất là cách sống và làm việc đầy “nhân tình thế thái” của vị tướng quân giàu lòng yêu đời và yêu người.

Đó là một vị Bộ trưởng có tác phong làm việc rất đàng hoàng và hiệu quả cao. Đồng chí Bình Tâm, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, nhớ lại: “Nghệ thuật lãnh đạo của ông vừa khéo léo thuyết phục, vừa dân chủ bàn bạc, nhưng cũng quyết đoán đúng lúc, đúng trường hợp và dám chịu trách nhiệm về những chủ trương quyết sách của mình. Ông đoàn kết được đông đảo cán bộ chính trị, khoa học kỹ thuật, người trong Đảng và ngoài Đảng, biết động viên họ làm những việc tưởng chừng như không làm nổi. Ông nghiêm khắc với những sai sót của bản thân nhưng khi xử lý kỷ luật lại rất thận trọng...”.

Còn theo đồng chí Trần Văn Lư, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ “có tác phong làm việc, dân chủ, tình cảm, không phải lên hội nghị nghiêm trang mới ra lệnh, giao nhiệm vụ mà nhiều khi nhân dịp có một việc gì đó, cho tập hợp các đồng chí thứ trưởng, cục, vụ, viện trưởng đến một địa điểm thuận tiện nào đó như nhà anh Quang (em Bộ trưởng). Người ngồi trong nhà, người ngồi ngoài hiên vừa trình bày trao đổi nói chuyện một cách thân mật, nhẹ nhàng mà cũng đem lại nhiều hiệu quả thiết thực”. Đồng chí Bùi Công Khai, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ GTVT, nhận xét: “Anh Tuệ là con người rất năng động, nhạy bén, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh, dám chịu trách nhiệm, ý chí tự lực cánh sinh và tự hào dân tộc luôn luôn được anh nhắc nhở động viên mọi người...”.

Còn đây là cảm nhận của đồng chí Nguyễn Phương, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy GTVT Trung ương về Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ: “Đồng chí luôn ăn mặc chỉnh tề, có phong thái chững chạc, tác phong làm việc đàng hoàng nghiêm túc, không thích xuê xoa, luộm thuộm; không thích kiểu khúm núm, nịnh bợ của một số ít người dưới quyền; có thái độ làm việc bình đẳng, dân chủ, lịch sự, lắng nghe cán bộ nói hết ý kiến của mình. Nhưng khi đồng chí đã quyết định thì không thể tùy tiện...”.

Trong đời thường, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ lại rất tình cảm, thương người như thể thương thân. Đồng chí Bình Tâm kể: “Ông còn rất gần gũi và quan tâm đến đời sống của người lao động, không thấy lúc nào và ở đâu ông tỏ ra hống hách với người dưới quyền. Ông còn có tính hài hước nên làm cho cán bộ cấp dưới dễ gần. Sau khi nghỉ hưu, mặc dù sức khỏe yếu, ông vẫn dành thời gian đến thăm một số gia đình cán bộ...”.

Theo hồi ức của đồng chí Trần Quang Đạt, nguyên Phó Chủ tịch, Trưởng ban Bảo đảm GTVT Hà Tĩnh trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ 1965-1972: “Đợt đánh ác liệt Đồng Lộc năm 1968, anh Tuệ từ Quân khu vào Ủy ban tỉnh ở Quang Lộc. Gặp và làm việc với tỉnh có đồng chí Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch, tôi và các đồng chí trong Ban Bảo đảm giao thông tỉnh. Chỗ làm việc của đồng chí Chủ tịch cách ngã ba Đồng Lộc khoảng 2km đường chim bay. Sau khi làm việc xong, anh Tuệ thấy chiếc áo may ô tôi mặc đã cũ và rách, chưa mua được cái khác, anh cởi ngay tặng tôi chiếc may ô anh đang mặc vải tốt loại sợi ni lông nhuộm màu xanh lơ rất đẹp. Cử chỉ chan hòa yêu thương đồng đội là bài học giáo dục tôi về thái độ, cử chỉ của cán bộ lãnh đạo đối với cấp dưới, là tình cảm thân thiết trong chiến đấu gian khổ tôi luôn ghi nhớ”.

Ông Phan Trọng Tuệ (đứng giữa) đi kiểm tra làm đường 128 tại Lào, năm 1965. Ảnh: vnmilitaryhistory. net

Đồng chí Bùi Công Khai nhớ lại: “Anh Tuệ là người rất tình cảm và thương yêu cán bộ. Suốt cả thời kỳ chiến tranh phá hoại, nhất là năm 1972, khi địch oanh kích dữ dội Hà Nội, tôi bị bệnh mất ngủ nặng, thông thường vào ban đêm không ngủ được, ban ngày cứ khoảng 8-9 giờ sáng và 3-4 giờ chiều thì tôi buồn ngủ kinh khủng. Bác sĩ khuyên nên chiều theo đòi hỏi của cơ thể thì mới chữa được bệnh, tức là buồn ngủ lúc nào thì nên tranh thủ ngủ lúc đó, rồi uốn nắn dần dần để trở lại bình thường. Anh Tuệ biết được chuyện này, đã chủ động có ý kiến với tôi: “Nếu vào giờ làm việc mà cậu cần ngủ, cậu cứ đóng cửa lại ngủ, khi nào mình cần cậu, mình sẽ tự xuống gõ cửa”. Thế là tôi dặn anh em trong cơ quan khi tôi đóng cửa lại ngủ thì có ai đến, bảo tôi đi vắng. Có lần, anh Tuệ xuống gõ cửa, gọi: “Khai ơi, mình là Tuệ đây”. Thật cảm động biết chừng nào!”.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ, nguyên Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, kể: “Trong những lần đi công tác ở tuyến lửa, anh rất chú ý gặp gỡ anh chị em cán bộ, công nhân TNXP ở cơ sở. Anh quan tâm đến việc ăn ở, học tập, lao động, chiến đấu và rất thông cảm với khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, nhất là đối với chị em nữ. Có lần, anh thấy sinh hoạt, cuộc sống của chị em quá thiếu thốn, nên phát sinh nhiều bệnh tật, từ tuyến lửa, anh điện ra Hà Nội, chuẩn bị vải màn, xô chậu, xà phòng, lược chải chấy, bồ kết gội đầu... cho xe chở gấp vào phân phối cho chị em...”.

Đồng chí Nguyễn Phương kể: “Trong công tác lãnh đạo, đồng chí rất quan tâm đến đời sống  của quần chúng, cán bộ, công nhân. Đồng chí đã chỉ đạo tổ chức hệ thống Ban Công tác đời sống các cấp, lo việc tiếp tế cho các đơn vị, chấn chỉnh hệ thống nhà ăn, thành lập tổ chức y tế toàn ngành, cùng với hệ thống bệnh viện, bệnh xá để chữa bệnh, săn sóc anh em ốm đau, thương tật. Dù trong điều kiện chiến tranh, đồng chí rất quan tâm chỉ đạo tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, chăm lo đời sống tinh thần của cán bộ, công nhân viên; đặc biệt là đồng chí có sáng kiến thành lập đội văn công “Tiếng hát át tiếng bom” nổi tiếng để phục vụ các đơn vị sản xuất chiến đấu ở nơi gian khổ nhất, lập nhiều thành tích xuất sắc”.

Đồng chí Đặng Văn Cán, Bí thư riêng của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ trong những năm từ 1978 tới 1980, hồi tưởng: “Bộ trưởng rất tình cảm yêu thương cán bộ. Biết tin đồng chí lãnh đạo cấp cục, vụ, viện ốm nặng, anh thường bảo tôi điện thăm hỏi tình hình sức khỏe, có trường hợp anh đến bệnh viện thăm hỏi động viên. Có những cán bộ bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo, chạy chữa không khỏi đã qua đời, Bộ trưởng rất buồn và luyến tiếc...”.

Sống gần gụi và đầy tình cảm với người lao động nên Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã giành được sự cảm mến và kính trọng của tất cả những ai biết ông dù chỉ một lần. Kỹ sư Lê Đình Liệu, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ, nhớ lại: “Cuối năm 1975, đồng chí Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ dẫn đầu đoàn cán bộ GTVT đi thị sát và kiểm tra toàn ngành Đường bộ miền Nam... Tới đâu có công nhân tập trung làm đường, anh Bảy Tuệ lại xuống xe ân cần thăm hỏi đời sống, sức khỏe và công việc, động viên anh chị em bảo đảm tốt giao thông đoạn Phan Rang - Đà Lạt, hồi đó còn nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh...

Dừng lại ở Hố Nai trên quốc lộ 1, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ rất vui khi được biết cán bộ, công nhân đang hăng hái rải bê tông nhựa đoạn đường 8km Hố Nai - Dầu Giây. Thời ngụy quyền cũng đã mấy lần muốn làm, nhưng bà con ở đây đã quyết liệt không cho, lấy cớ nhà ở sát đường sẽ ảnh hưởng. Cán bộ ra đã đi vào dân, phân tích thiệt hơn vì lợi ích chung, bà con nghe ra và đồng thuận. Anh chị em công nhân còn tìm cách làm hệ thống thoát nước, làm cho khu dân cư được vệ sinh khi mùa mưa và đường sá thêm sạch đẹp, bền vững. Quả là một việc dân sinh mà cách mạng đem lại thiết thực, còn là một việc làm giàu ý nghĩa chính trị, anh Bảy Tuệ khen ngợi và cổ vũ mọi người làm tốt. Chỉ dăm mười phút dừng chân với người lao động trong hoàn cảnh công việc của ngành còn bộn bề sau những ngày giải phóng, đồng chí Phan Trọng Tuệ đã đem đến cho mọi người ấn tượng đẹp đẽ về một người lãnh đạo cao nhất của ngành, một người cộng sản đáng yêu”.

Đúng vậy, tướng quân Phan Trọng Tuệ là một Bộ trưởng, một người cộng sản đáng yêu

Trần Thanh Tịnh
.
.