Diễn viên Mai Sơn Lâm:

Một mình, đọc báo giấy, cà phê

Thứ Năm, 24/09/2015, 10:30
Mai Sơn Lâm viết một ý rất hay trên facebook, rằng: “Khi người ta không còn trẻ là khi người ta thôi nghĩ đến chuyện tình yêu, thôi mộng mơ về những điều không thực. Thôi yêu ghét vô cớ, sống trầm lặng hơn, yêu bản thân mình hơn nữa. Người ta thích café một mình, thích đọc báo giấy hơn báo mạng, thích nghe những bản nhạc sâu lắng, xem những bộ phim chậm rãi ẩn chứa triết lý”. Chừng đó thôi đã đủ hình dung về Lâm: điềm tĩnh, thực tế và ngại ồn ào.

Gương mặt góc cạnh, đậm chất điện ảnh, diễn xuất có chiều sâu và để lại nhiều ám ảnh, Mai Sơn Lâm hội tụ đủ yếu tố để trở thành một diễn viên nổi danh. Song, điều Mai Sơn Lâm thiếu là một bộ phim hội đủ tiếng vang để khán giả nhắc nhớ giữa thời buổi phim ảnh thi nhau đua nở cho kịp giờ phát sóng. Sự nổi tiếng của một cá nhân, ngoài tài năng, luôn cần kèm theo chút may mắn, tôi tin vậy.

Trong giới làm phim truyền hình ở phía Nam, nếu ướm hỏi từ nhà sản xuất đến các đạo diễn, diễn viên nam nào chuyên trị vai phản diện, vai đa tính cách, không cần suy nghĩ cũng chẳng cần đặt lên bàn cân, câu trả lời sẽ là Mai Sơn Lâm. Nghệ sĩ Nguyễn Hậu bảo: “Thằng Lâm diễn ra chất lắm, tự nhiên vô cùng chứ không gồng, không kịch”. Nguyễn Hậu lăn nghề, ăn cơm nói chuyện phim, nằm mơ cũng thấy phim, lại là người khảng khái, nên lời khen tặng của ông có thể dùng như một bảo chứng, ở cả góc độ phê bình và người trong nghề. Mai Sơn Lâm theo nghề được đến nay cũng nhờ một tay Nguyễn Hậu dìu dắt. Mà cái duyên đưa Mai Sơn Lâm đến với phim ảnh, đến với vai phản diện là một quá trình “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” và là sự lựa chọn kỳ lạ vô cùng của số phận.

Thuở tóc còn khét nắng, chân trần chạy khắp hẻm hốc Sài Gòn, Mai Sơn Lâm lân la học lỏm vài thế võ phòng thân. Ai dè, vậy mà bập vào nghệ thuật rồi âm ỉ cháy mãi trong lòng. Chuyện là, nhân lễ kỷ niệm thành lập trường Trần Hưng Đạo - nơi Mai Sơn Lâm đang theo học - và cũng là mái trường xưa của nghệ sĩ Hữu Châu và diễn viên Lê Công Tuấn Anh, hai nghệ sĩ bàn nhau dựng vở truyền thống kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng - ba lần chống quân Mông - Nguyên. Tiết mục cần một thằng bé lanh lợi đóng chánh mà dò mãi không chấm được đứa nhỏ nào.

Trời khiến sao đang đứng trong văn phòng trường ngó ra sân, thấy có thằng nhỏ coi bộ mặt mũi sáng sủa, vóc dáng khỏe mạnh, nghệ sĩ Hữu Châu kêu vô thử, hỏi chớ có muốn đóng kịch không. Thằng nhỏ ham vui, thích mê nên gật đầu lia lịa. Nghệ sĩ Hữu Châu chỉ, lên sân khấu làm vầy nè, vầy nè. Thiệt, con mắt người có nghề ít khi nào nhầm, thằng nhỏ nhanh trí, nói tới đâu hiểu tới đó. Lê Công Tuấn Anh (lúc đó còn là diễn viên của đoàn kịch Kim Cương) thấy vậy, bắt qua đứng tấn múa lân luôn. Vai phụ nào tìm không được người, Mai Sơn Lâm được tin tưởng giao hết. Thành ra, hôm công diễn, Lâm tha hồ bở hơi tai.

Tuổi nhỏ nào không nhiều mơ mộng, thay đổi xoành xoạch ước mơ sau này sẽ trở thành ai, làm nghề gì. Mà động lực của ước mơ ghê gớm lắm. Mai Sơn Lâm thì khác. Sau đận diễn văn nghệ ở trường, thi thoảng trong giấc mơ, Lâm thấy mình đứng trên sân khấu, diễn gì không rõ, chỉ nhớ lúc nào thức dậy lòng cũng lâng lâng. Thế nhưng, ước ao của Lâm trong những năm ăm ắp mộng tưởng là được trở thành phi công hoặc làm thủy thủ. 

Được ngắm sóng, nghe gió thổi rần rật qua vai, qua tóc, bay liệng tự do trên bầu trời như con én vút lên giữa tầng không. Tôi không biết, cũng không dám hỏi điều gì đã thắp lên ước mơ đó của Lâm. Chỉ áng chừng, khi đời sống nhiều gò bó, chật hẹp, mơ về một khung trời tự do, đầy nắng ấm là tâm lý chung của con người. Huống chi, Lâm đang ở cái tuổi đẹp nhất đời người và thấp thoáng đâu đó, trong lời bộc bạch, Lâm ngại nhắc đến những đổ vỡ trong gia đình. Những đổ vỡ dẫu muốn dẫu không vẫn hằn lên những vết cắt khó lành…

Ước mơ đó của Lâm không được ba anh ủng hộ. Thâm tâm, ông muốn và hy vọng anh hoặc sẽ trở thành bác sĩ, hoặc kỹ sư hay một cái nghề nào đó ổn định tương lai. Lâm cất ước mơ đi xa, theo học Trường Đại học Ngoại thương. Ngọn lửa âm ỉ thuở nhỏ thôi thúc, Lâm đăng ký thêm Trường Điện ảnh Việt Nam (Đại học Sân khấu - Điện ảnh bây giờ - NV). 

Giai đoạn đó, các trường đại học cấm tiệt việc sinh viên theo hai trường cùng lúc. Lâm học được 2 năm thì chuyện đổ bể. Quý đứa học trò cần cù, giỏi giang mà thương tương lai của trò nhiều hơn, thầy hiệu trưởng trường Điện ảnh khuyên Lâm: “Nghề này bạc lắm! Em nên tiếp tục học ở Ngoại thương mới có tương lai”.

Lâm khi ấy, đang chịu cú sốc khi ba má anh mỗi người mỗi ngả. Cảnh nhà lại túng, không nghĩ ngợi nhiều, lập tức chọn điện ảnh, vì “ngoài giờ học anh còn có thể đi đóng phim, có thể tự trang trải học phí và giúp thêm cho gia đình”. Má Lâm buồn, khóc rấm rứt suốt. Ba Lâm giận, quyết không nhìn mặt thằng con bất trị suốt một thời gian. Bạn bè, thầy cô người ngỡ ngàng, người tặc lưỡi tiếc nuối. Hỏi Lâm, thời điểm ra trường trầy trật tìm vai diễn và cho đến bây giờ, có khi nào anh hối hận về quyết định ấy?

Lâm điềm tĩnh: “Tiếc thì không nhưng có những lúc, anh thấy nản ghê gớm!” Bởi, thời điểm Lâm tốt nghiệp, phim ảnh, đặc biệt là dòng phim “mì ăn liền” đang ở giai đoạn thoái trào. Lâm như nhiều diễn viên mê nghiệp diễn, làm đủ thứ nghề, từ tiếp thị sản phẩm, nghiên cứu thị trường, phục vụ bàn, đi bán dạo hết mặt hàng này đến mặt hàng kia mà vẫn đói deo đói dắt. Nghe ở đoàn nào thử diễn viên, Lâm cũng cọc cạch đạp xe tới thử mà dòm cái mặt lạ quắc, người ta chê.

Năm 2003, tức 8 năm khi tốt nghiệp, sau vô vàn vai lớt phớt qua màn ảnh, Lâm có vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp - Tư Hiểu trong Người Bình Xuyên (đạo diễn Tường Phương, kịch bản Lê Phương Nam). Chuyện được vai vòng vèo, gian nan vô cùng. Lâm hy vọng có được một vai trong phim này, bởi Bình Xuyên là mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Khốn nỗi, đến thử vai thì đoàn đã chọn xong diễn viên, Lâm thất thểu đi về. Nỗi thất vọng tràn ngập.

Ba của Lâm, từ trận giận thằng con trai cãi lời bao nhiêu năm, buông lời trách: “Đó! Đi học làm diễn viên giờ ra nông nỗi! Nói mà đâu có chịu nghe! Phim về vùng đất của ông bà mà cũng không có nổi một vai phụ”. 

Giả mà, ở trong hoàn cảnh đó, bạn sẽ như thế nào? Thất vọng, hoài nghi bản thân và cả cảm giác chán nản bởi ngay cả những người thân yêu nhất cũng không tin tưởng! Lâm bước thấp bước cao, nước mắt chảy dài. Tình cờ gặp thầy Văn Thênh từng dạy ở trường điện ảnh. Nghe chuyện của học trò, thầy gọi cho nghệ sĩ Nguyễn Hậu, lúc đó đang là trợ lý đạo diễn nhờ xếp cho một vai. “Ký cái hợp đồng giá 4,5 triệu, tay anh run run, mắt hoa cả lên, không tin đó là sự thật”. Lâm bồi hồi kể, rồi cười tiếp lời: “Mà phim đó quay 2 năm lận!”

Sau phim, thấy khả năng của Lâm, đạo diễn Tường Phương đánh tiếng với nghệ sĩ Nguyễn Hậu: “Tôi thấy thằng này nó diễn được lắm, anh coi có phim nào thì gởi nó đi với, để uổng khả năng của nó!”. Lâm nói, nếu mà không có thầy Văn Thênh, không có đạo diễn Tường Phương, không có Nguyễn Hậu, không biết đời anh giờ sao. Tái ông thất mã, ai biết là xui hay rủi, được hay mất. Chỉ có bản thân người trong cuộc mới thấm thía.

Gia tài phim của Lâm hiện tại ngót gần bốn chục. Chính ánh mắt sắc lẹm trong Bẫy tình, Mai Sơn Lâm được đạo diễn Lê Cung Bắc giao vai Bảy Viễn trong Vó ngựa trời Nam. Bảy Viễn của Mai Sơn Lâm không bóng bẩy, bặt thiệp và có vẻ thư sinh như của Trương Minh Quốc Thái mà xù xì, vừa có vẻ cộc cằn, khôn lõi của một tay trùm du đãng, vừa có nghĩa khí của một tay giang hồ. Xem Lâm diễn, nhiều người trong nghề gật gù: “Đó mới thực sự là Bảy Viễn”. 

Cũng từ đó, Lâm trở thành cái tên “chuyên trị” vai phản diện, đa tính cách. Lâm nói: “Anh không sợ nhận vai phản diện, chỉ sợi vai mình diễn đều na ná giống nhau. Nếu tiếp tục được mời vào vai phản diện, anh không bao giờ từ chối”. 

Cả Bĩnh trong Sóng ngầm, Thiệu trong Phiêu bạc giữa cuộc đời, Trần Văn trong Vết dầu loang,… là những vai không khiến người xem lạnh tóc gáy mà bản thân Lâm cũng ít nhiều ám ảnh. Lâm, ngoài đời xuề xòa, bạn bè đâu thì theo đó, đàn hát, chén chú chén anh. Nhưng ra phim trường thì mặt… hầm hầm do nhập vai khiến thư ký trường quay còn phải ớn! Lúc đó, Lâm sống trọn nhân vật của anh. Bởi vậy nên, có phim đóng xong Lâm không dám xem lại vì thấy sợ. Lồng tiếng cầm chừng độ 3 - 4 phân đoạn là đầu óc quay cuồng, phải giãn ra vì thoát không được vai!

Lâm bảo, ngẫm ra đến lúc này thì nghề chọn anh thật. Vì ở những khúc quanh, gieo neo với nghề, luôn có một bàn tay đưa ra nắm lấy. Như khi kết phim Người Bình Xuyên, thấy nghề diễn chật vật, gieo neo, tuổi đời cũng không còn trẻ, Lâm theo học lớp tại chức của Đại học Kinh tế. Vừa đăng ký bữa trước, bữa sau có lịch kêu phim. Vừa đi phim, vừa học, ít thời gian đến lớp, bạn bè không nhớ mặt. Hôm thi tốt nghiệp thì Lâm… quên. Vậy là lại dở dang!

Mà đời Lâm, đâu chỉ dở dang mỗi chuyện học. Hai cuộc tình, mỗi cuộc tình 10 năm, để giờ này ngấp nghé 40 mươi ngoài, Lâm vẫn lê la với bè bạn khắp quán xá. Hỏi Lâm, nửa đùa nửa thật, kén chi dữ? Lâm cười: “Đâu có, tại mình chưa có gì mà cái tính ham chơi, cái nghề thì đi suốt vậy, làm khổ người ta!”.

Khi người ta không còn trẻ, nghĩa là đổ vỡ đã trải, đắng cay đã từng, người ta bắt đầu nghĩ nhiều, nhớ nhiều. Tâm có bình lặng hơn nhưng đời sống cũng bớt sôi nổi hơn. Và, đâu đó giữa những phút giây bình lặng là nỗi sợ mơ hồ. Sợ chịu trách nhiệm về một ai đó, sợ lặp lại những nỗi đau của quá khứ. Bởi, mỗi chúng ta lúc ấy, sức chịu đựng và cả thời gian, đều ngắn ngủi. Tôi không nhớ sau đó đã nói với Lâm điều gì, chỉ thấy Lâm ngồi thiệt lâu, rồi lặng lẽ hồi đáp: “Tôi sợ mình đi vào vết xe đổ của ba mẹ…”.

Hoàng Hoài Hương
.
.