Nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Thiếu tướng Trần Công Mân:

Một học giả làm báo

Thứ Sáu, 22/10/2010, 08:08
Tôi về tòa soạn Báo Quân đội nhân dân làm việc dưới "triều" Trần Công Mân được khoảng 10 năm (1979 - 1989), sau đó qua tiếp 4 đời Tổng biên tập nữa thì nghỉ hưu. Từ lâu tôi đã có ý nghĩ rằng: Ông mới là "vua không ngai" ngự trị trong lòng mọi người ở tòa soạn này, bởi cống hiến, tài năng và đức độ của ông không ai có thể sánh kịp.

Vậy mà qua các đời Tổng biên tập, riêng với ông trong ngần ấy năm, tôi thực sự chỉ "kính nhi viễn chi". Trong nhiều nguyên nhân của chuyện đó, có phần do cá tính của cả hai. Vẻ bề ngoài ông hơi "nghiêm" và ông là người của công việc chứ không phải của các cuộc gặp gỡ xã giao, hội hè đình đám.

Còn tôi, chết nỗi gần bốn chục năm trong quân ngũ lại mắc căn bệnh mãn tính "ít thích gần thủ trưởng", vả lại người ta có thể có nhiều dịp để được gần thủ trưởng khi sở thích đời thường giữa cấp trên và cấp dưới giống nhau, thế mà ông ngoài giờ làm việc có thú chơi cầu lông, còn tôi thì lại ham… bóng bàn! May sao, tôi còn có những kỷ niệm với ông qua những bài viết đã được đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Kỷ niệm kiểu ấy khá nhiều và không phải là không sâu sắc, không đáng nhớ. Tôi chỉ nêu ra dưới đây vài trường hợp.

Hồi tôi mới về tòa soạn, hăng hái đi thực tế lắm và tôi thuộc loại vơ bèo vạt tép, sau mỗi chuyến đi là viết bài dài, bài ngắn, tin, ảnh, tiểu phẩm, đủ cả. Lần ấy tôi xuống Xí nghiệp Xăng dầu Q65 (Tổng cục Hậu cần), ngoài bài chính còn thêm một bài ngắn phản ánh sáng kiến tự chế cái ngoàm nối ống dẫn xăng của đơn vị.

Sau khi bài đăng, Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội của tôi là Trung tá Vũ Thụy gọi vào với vẻ mặt lo lắng bảo: "Gay đấy cậu ạ. Cậu K ở Báo Chiến sĩ hậu cần vừa lên mách Ban biên tập là bài báo về cái ngoàm lộ bí mật, có thể Liên Xô sẽ lấy cớ cắt viện trợ loại vật tư này cho ta". Mấy ngày sau đó tôi sống trong tâm trạng lo âu, lộ bí mật quân sự có thể "trảm" chứ chẳng nói chơi!

Thế rồi hôm đó Trưởng phòng đi giao ban hàng tuần về mặt lại tươi rói, vỗ vai tôi bảo: "Tớ cũng hồi hộp khi phòng bạn đọc phản ánh ý kiến của K thì sếp Mân cười gạt đi, bảo: "Tôi không tin Liên Xô lại lèm nhèm thế, làm ăn có kế hoạch từ trước, chứ đâu vì một bài báo mà cắt viện trợ; vả lại đấy chỉ là một sáng kiến nhỏ, đâu chẳng làm được".

Quả nhiên về sau đợi mãi mà chẳng thấy Liên Xô có ý kiến gì(!). Trong lòng tôi từ độ ấy thầm cảm phục thủ trưởng Trần Công Mân, bản lĩnh cao, nên ông nhìn nhận sự việc sáng suốt, chứ vào thủ trưởng khác hay có tính "quan trọng hóa vấn đề" thì khi nghe hồi âm trái chiều từ bạn đọc như kiểu ấy là không cần phân tích đúng sai, có khi nâng thành quan điểm, người viết dễ bị lên bờ xuống ruộng.

Nhà báo Trần Công Mân (người thứ nhất, hàng đầu, bên trái) cùng cán bộ Tổng cục Chính trị thăm Tòa soạn Báo Binh đoàn Tây Nguyên tháng 12/1984.

Sau lần ấy tôi có chuyến đi thực tế khoảng một tuần với bộ đội Binh đoàn Trường Sơn mở đường 279 ở biên giới phía Bắc, trở về viết một ký sự đặt tên là "Chọc thủng Khau Co" (Khau Co, một đèo cao hiểm hóc ở vùng Tây Bắc, vì nó mà suốt 25 năm sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc đã không có đường ôtô vào được huyện Than Uyên, thuộc Nghĩa Lộ. Cán bộ đi họp tỉnh phải cuốc bộ hoặc cưỡi ngựa).

Trưởng phòng Vũ Thụy khi duyệt tập bản thảo khá dày của tôi, trước khi đưa lên Tổng biên tập duyệt lần cuối tỏ ý không vui, bảo: "Sao cậu không viết bài phản ánh cho dễ đăng? Sếp Mân duyệt phơi-ơ-tông kỹ lắm, "đá" là phí cả chuyến đi". Tôi lại được phen lo. Một tuần sau. Trưởng phòng đem tập ký về và gọi tôi sang, rồi chỉ vào chữ "m" ký ở trang cuối, cười hể hả. Toàn bài không thấy sửa gì, có mỗi cái tít là thủ trưởng nhúng bút thành giản dị, dễ hiểu hơn: "Mở đường Khau Co".

Hồi chúng tôi mới về, Thượng tá Bùi Biên Thùy, Phó tổng biên tập, nhiều năm sau là Bí thư Đảng ủy tòa soạn, đã từng dạy rằng: Nếu được anh Mân ký chữ "m" lí nhí ở góc trang, đó là hạnh phúc; còn anh phê "không được" hay đơn giản là "o" thì chỉ còn cách bò ra viết lại. Vậy là vừa vào nghề tôi đã có hạnh phúc rồi!

Tôi còn được Tổng biên tập Trần Công Mân dạy cho những kỹ năng làm báo thông qua những bài ông duyệt, sửa chữa. Lần ấy tôi đi Lào, nhân khánh thành một cây cầu bê tông lớn do bộ đội Việt Nam giúp bạn xây dựng trên đường 9 - Nam Lào, tôi viết một ghi nhanh phản ánh không khí vui vẻ hữu nghị giữa bộ đội ta và nhân dân địa phương.

Tuy bài, ảnh được đăng trang nhất song trong giao ban ông có nhận xét (sau, Trưởng phòng về nói lại): Không cần thiết viết dài, tả cảnh nhiều như thế, chỉ cần đưa tin như Báo Nhân Dân là đủ (một phóng viên Báo Nhân Dân cùng đi với tôi, về đưa mỗi cái tin nhỏ bằng bao diêm). Một bài học sơ đẳng cho tôi: phản ánh sự kiện cần ngắn, gọn, đầy đủ thông tin, tránh dài dòng hoặc mô tả nhiều chi tiết không cần thiết.

Lần khác, tôi được phòng phân công viết tiểu phẩm "Câu chuyện thứ bảy". Đây là một mục mới do chính Tổng biên tập khởi xướng dành cho trang nhất tờ báo đặc biệt ra ngày thứ bảy hàng tuần và đã có nhiều người viết bị thủ trưởng cho "ao". May mà bài của tôi không thấy Phòng Thư ký tòa soạn gọi thay bài khác hay sửa lại.

Sáng thứ bảy hôm ấy, khi tôi đọc bài đề tên mình mới ngã ngửa: chỉ còn cái tít là của mình, còn nội dung hầu như được viết lại hoàn toàn. Một phóng viên kỳ cựu là bác Đỗ Chí được tiếng là cây bút cứng về tiểu phẩm có lần kể: "Bài của tớ (cũng trong mục "Câu chuyện thứ bảy), thủ trưởng bừa lại, câu mở đầu và câu kết là của mình, như cái áo chỉ còn cái khuy". Tôi đọc kỹ và ngẫm nghĩ về câu chữ sau "cái khuy" sót lại đó mà tâm phục khẩu phục. Người duyệt hơn hẳn một cái đầu trong cách diễn giải, lập luận đào sâu vấn đề và cả trong bút pháp thể hiện.

Về sau tôi còn được biết, các phóng viên gạo cội, có bác về tòa soạn trước cả thủ trưởng Mân như Vũ Hồ, Duy Đức, Khánh Vân, Bùi Biên Thùy… cũng có nhiều bài rơi vào "tình trạng" bài của tôi. Các bác tâm sự: chẳng qua nhờ ngòi bút biên tập của thủ trưởng mới được như thế và có lần chúng mình ngỏ ý "chia nhuận bút" với thủ trưởng bằng một bữa nhậu đều bị từ chối.

Thiếu tướng Trần Công Mân vốn là một công chức nhỏ thời Pháp thuộc, quê Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tháng 7/1945, ở tuổi hai mươi ông tham gia cách mạng, sau đó nhập ngũ, từng là quyền Chính ủy Trung đoàn Công binh đầu tiên của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong suốt cả quá trình chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt đó, ông vẫn kiên trì tự học để có được một bề dày văn hóa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của mỗi giai đoạn cách mạng. Chỉ cần nhìn vào vốn tiếng Pháp của ông đã nói lên điều đó. Ban đầu hành trang kiến thức của ông là tấm bằng diplome (diplome - tương đương lớp 7 bây giờ).

Văn bằng đó không phải là cao, nhiều người thế hệ ông học vấn như thế không thường xuyên trau dồi chỉ một thời gian ngắn không dùng đến ngoại ngữ là đã quên hết. Trong mấy chục năm làm báo, ông thường xuyên đọc tham khảo các tờ báo lớn tiếng Pháp, tiếng Anh có ở thư viện tòa soạn.

Hầu như tuần nào, tháng nào cũng có khách quốc tế đến thăm và họ đến Việt Nam có nhu cầu trực tiếp diện kiến, hỏi ông về quan điểm, tình hình thời cuộc. Nhiều nhà báo, chính khách sau khi tiếp xúc với Tổng biên tập Trần Công Mân, đều tỏ ý khâm phục vốn kiến thức lý luận và thực tiễn, khả năng nắm bắt cái mới, được diễn đạt bằng một thứ tiếng Pháp chuẩn mực, sinh động của ông.

Trong cuộc đời hoạt động, bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng luôn chủ động việc học, việc tìm hiểu thực tiễn để biết, để có điều kiện phục vụ quân đội lâu dài, nếu không làm báo thì chắc hẳn ở đâu, làm nghề gì ông cũng đều có cống hiến tốt nhất. Những bài viết của ông chủ yếu đăng trên Báo Quân đội nhân dân, viết do công việc thường nhật cần đáp ứng kịp thời của một tờ báo chính luận lớn trong nước; ông cũng nhiều lần viết cho các báo khác do họ tín nhiệm đặt bài mà không thể thoái thác…

Trở lại sự việc "trở cờ" của Bùi Tín. Viết để vạch mặt kẻ phản bội nếu bằng những lời lẽ đao to búa lớn, cả vú lấp miệng em, chưa chắc đã có sức thuyết phục. Trần Công Mân lại có một cách viết nhỏ nhẹ mà thâm thúy. Ngày ấy bài "Thư ngỏ của anh Bùi Tín" lần đầu tiên đăng trên Người làm báo số 1/1990 được bạn đọc xa gần hoan nghênh, sau đó nhiều báo đăng lại.

Ta hãy đọc một đoạn để thấy cái "lạt mềm buộc chặt" của cây bút lão luyện: "Chắc anh còn nhớ rõ một lần anh khuyên tôi nên hết sức gần gũi cấp trên. Anh giảng giải cho tôi rằng làm những chuyện như vậy để sớm nắm bắt được ý đồ của cấp trên để quán triệt những tư tưởng mới.

Dĩ nhiên, trong cái tài này anh hơn hẳn tôi một cái đầu. Bây giờ thì tôi càng hiểu rõ cái gì đằng sau việc làm này của anh. Anh chỉ cần chiếc thang và những cái ô cho sự tiến thân. Còn quán triệt tư tưởng của Đảng thì đâu là thứ anh cần. Những lời nói và việc làm của anh hôm nay hoàn toàn chứng tỏ điều đó. Chỉ mấy tháng thôi, mà giữa tôi với anh như đã xa xôi lâu ngày lắm.

Trước đây chúng ta hai lần đồng nghiệp và chẳng mấy tháng là chúng ta không có những lần gặp nhau. Còn giờ đây, giữa tôi và anh như ở hai trận tuyến. Và điều này làm tôi rất buồn". Được biết, sau khi có thư ngỏ này, từ Paris Bùi Tín cũng có bài đáp lại, nhưng chỉ là một phản ứng yếu ớt, không nhiều sức thuyết phục.

Thiếu tướng Trần Công Mân có tư chất của một chính khách, một học giả. Ông cũng chứng tỏ là một cây viết có tài. Sinh thời, do ông quá bận bịu với công việc chung của một Tổng biên tập cần mẫn, quán xuyến mà không thể dành thì giờ cho riêng mình viết những nghiên cứu chuyên sâu dài hơi, hoặc viết sách. Âu đó cũng là một thiệt thòi cho ông và cho đông đảo bạn đọc.

                                       Hà Nội, 27/7/2010

Phạm Quang Đẩu
.
.